Phòng ngừa đột quỵ não khi trời rét đậm

TS. Nguyễn Bích Điểm
23:40, ngày 19-10-2018

TCCSĐT - Đột quỵ não được coi là một trong những bệnh nguy hiểm hàng đầu, thường gây tàn phế suốt đời hoặc cướp mất mạng sống của bệnh nhân. Đột quỵ não được xếp thứ ba (sau ung thư và tim mạch) trong danh sách những bệnh gây tử vong cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong tổng số các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, có đến 24% tử vong, 50% không tử vong nhưng bị các di chứng, chỉ có 26% số bệnh nhân có thể phục hồi bình thường.

Đột quỵ não là gì?

Bệnh tai biến mạch máu não thường gặp ở những người có độ tuổi trung niên (khoảng từ trên 50 tuổi), tuy nhiên, ngày nay cũng có một số người ở độ tuổi từ trên 25-30 tuổi cũng gặp phải căn bệnh này. Nguyên nhân bệnh tai biến mạch máu não là do huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim mạch như hẹp van 2 lá, rung nhĩ, nghiện thuốc lá, dùng thuốc tránh thai thường xuyên, béo phì tăng cân, rối loạn chuyển hóa, tăng mỡ máu, làm việc dưới áp lực cao về tinh thần thể lực, có các sang chấn về tinh thần kinh lớn.

 

Nguyên nhân đột quỵ do tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não.


Đột quỵ nhồi máu não là dạng phổ biến (chiếm 80% số ca đột quỵ não), xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối hoặc hẹp xơ vữa động mạch. Tình trạng này kéo dài sẽ gây cản trở máu lưu thông lên não …

Đột quỵ chảy máu não (hay còn gọi là xuất huyết não) chiếm 15% số đột quỵ não xảy ra khi bị vỡ mạch máu não, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh nhô máu não, gây tổn thương cho các tế bào não, phổ biến nhất của dạng này là kết hợp giữa huyết áp cao với chứng phình động mạch não hay dị dạng mạch máu não bẩm sinh.

Người có nguy cơ bị tai biến luôn có cảm giác thoáng qua (mà chúng ta vẫn thường gọi là đột quỵ thoáng qua).

Những đợt rét đậm, rét hại chính là quãng thời gian mà các bệnh viện phải tiếp nhận số lượng rất lớn bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già. Với người cao tuổi, thời tiết lạnh giá là “môi trường lý tưởng” để rất nhiều bệnh xuất hiện và đe dọa tính mạng. Trong số đó, đột quỵ não được coi là một trong những bệnh nguy hiểm hàng đầu, thường gây tàn phế suốt đời hoặc cướp mất mạng sống của bệnh nhân. Đột quỵ não được xếp thứ ba (sau ung thư và tim mạch) trong danh sách những bệnh gây tử vong cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong tổng số các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não thì có đến 24% tử vong, 50% không tử vong nhưng bị các di chứng, chỉ có 26% số bệnh nhân có thể phục hồi bình thường.

Đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng một phần não bộ bị tổn thương do tắc nghẽn mạch máu não hoặc vỡ mạch máu não. Lúc này, não bộ không được cung cấp đủ ôxy để có thể hoạt động bình thường, do đó, một hoặc nhiều vùng não sẽ giảm hoạt động, thậm chí là ngừng hẳn hoạt động. Việc ngừng hoặc giảm hoạt động này của não bộ dẫn đến tình trạng một hoặc vài vùng của não bị mất chức năng điều khiển các cơ quan khác. Hậu quả là người bị đột quỵ não có thể bị liệt nửa người, liệt tay chân, rối loạn ngôn ngữ, mất ý thức, thậm chí có thể hôn mê và tử vong.

Đột quỵ não được chia làm hai loại: nhồi máu não (do nghẽn hoặc tắc mạch máu) và chảy máu não (do vỡ mạch máu). Hiện nay, đột quỵ não là một bệnh phổ biến nhất của của hệ thần kinh.

Vì sao nguy cơ bị đột quỵ não lại tăng cao vào những ngày rét đậm?

Bình thường, trong 1 phút, 100g não được nuôi dưỡng bởi 50 ml máu. Ở người trẻ tuổi, lưu lượng máu lên não diễn ra đều đặn. Ở người trên 60 tuổi, lưu lượng này bị suy giảm, bất kể trời nóng hay lạnh. Riêng vào những ngày giá rét, mạch máu co lại, khiến lượng máu lên não ở người già vốn đã thấp lại càng suy giảm hơn. Thêm vào đó, khi phải đối phó với thời tiết lạnh, cơ thể thường phải tiết ra một số chất điều hòa. Những chất này buộc tim phải làm việc nhiều hơn, đồng thời khiến máu trở nên đặc hơn, do đó máu dễ bị đóng cục, gây tắc mạch máu.

Với những người đã bị xơ vữa động mạch hay huyết khối (cục máu đông) thì huyết áp tăng (do mạch bị co vì gặp lạnh) sẽ khiến mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể bị vỡ, dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong cao.

Những ai cần cảnh giác với nguy cơ đột quỵ não khi trời rét đậm?

Thứ nhất là những người cao tuổi. Khi nhiệt độ không khí xuống thấp, nguy cơ đột quỵ ở người già là rất cao. Lý do là vì: Ở người già, động mạch thường bị xơ cứng nên lưu lượng máu qua não giảm xuống rất thấp; các chức năng khác của cơ thể cũng đã suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết; người già lại thường mắc nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, xơ vữa động mạch, đái tháo đường - chính là những yếu tố làm tăng thêm nguy cơ đột quỵ não.

 

 Khi nhiệt độ không khí xuống thấp, nguy cơ đột quỵ ở người già là rất cao. Ảnh: Hữu Nguyên


Thứ hai là những người tuy tuổi còn trẻ nhưng đã có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch. Những người bị rối loạn mỡ máu, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá... cũng rất dễ bị đột quỵ tấn công.

Đột quỵ não có những dấu hiệu gì?

Đột quỵ não thường khởi phát đột ngột. Người bệnh bỗng nhiên thấy đau đầu dữ dội rồi kèm theo nôn ói, hoa mắt, chóng mặt; cảm giác tê yếu một bên mặt hoặc một bên cơ thể; cảm giác mất thăng bằng... Trong trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể đột nhiên bị ngã hoặc đột nhiên làm rơi những đồ vật đang cầm trên tay (ví dụ như rơi đũa, rơi bát khi đang ăn); người bệnh có thể bị liệt nửa mặt, méo mồm, khó nuốt; khó nói, nói ngọng, méo tiếng; mắt nhìn các thứ xung quanh bỗng nhiên bị mờ hoặc nhìn thấy hình đôi hoặc đốm đen; tai có thể đột nhiên bị ù hoặc bị điếc… Tùy theo nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não là do nhồi máu não hay chảy máu não mà các triệu chứng có thể ở mức độ nhẹ rồi tăng dần hoặc là ồ ạt, nghiêm trọng ngay từ đầu.

 

 Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ Ảnh: Hữu Nguyên


Cần làm gì khi người bệnh có những dấu hiệu đột quỵ não?

Đột quỵ não là một cấp cứu tối khẩn cấp, từng phút từng giờ đều vô cùng quý giá để có thể cứu sống và mang lại cơ hội hồi phục cho bệnh nhân. Người ta ước tính, nếu bị thiếu máu cục bộ trong 30 giây, não sẽ bị rối loạn chuyển hóa; nếu thiếu máu trong 1 phút, các chức năng của não sẽ ngừng hoạt động và nếu thiếu trong 5 phút thì não sẽ bị nhồi máu. Đột quỵ não là nguyên nhân đứng thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhân và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Do vậy, khi có các dấu hiệu nghi là đột quỵ, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay. Trong lúc chờ đợi sự trợ giúp y tế, người bệnh cần được đặt nằm trên mặt phẳng cứng, để đầu thấp bằng người và quay mặt nghiêng sang một bên để tránh nôn ói gây ngạt thở. Bệnh nhân cần được ủ ấm. Nếu có thể, cần kiểm tra nhịp tim, huyết áp của người bệnh. Kiểm tra xem người bệnh còn tỉnh hay hôn mê. Nếu thấy không còn thở thì có thể hô hấp nhân tạo miệng-miệng. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hay uống bất cứ loại thuốc gì cho đến khi được đưa tới bệnh viện.

Cần làm gì để chủ động phòng ngừa đột quỵ não khi trời rét đậm?

- Điều quan trọng đầu tiên là phải giữ cho cơ thể đủ ấm, đặc biệt là tránh nhiễm lạnh đột ngột khi đang từ trong nhà đi ra ngoài trời, đang trong chăn ấm dậy đi vệ sinh hoặc vừa tắm gội xong thì đi ra chỗ gió lùa, v.v... Người cao tuổi nên mặc ấm, tốt nhất là mặc nhiều lớp áo mỏng, vừa giữ nhiệt tốt lại vừa dễ chịu thoải mái hơn là mặc những chiếc áo dày cộp.Nếu trời quá lạnh thì dù ở trong nhà cũng cần đội mũ để giữ ấm đầu, quàng khăn giữ ấm cổ và ngực. Khi ra khỏi nhà, cần mặc ấm từ đầu tới chân, đi tất, đi giày, đeo găng tay và đeo khẩu trang để giữ cho hơi thở không bị lạnh.

- Khi trời quá lạnh, nên tập thể dục trong nhà. Nếu tập ngoài trời thì cần tránh buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tối, tốt nhất nên tập một lúc buổi trưa nếu trời không mưa gió. Nếu không có việc bắt buộc thì nên tránh ra khỏi nhà vào sáng sớm hay tối muộn và đặc biệt tránh những ngày gió mạnh, mưa dầm...

- Không nên tắm và gội cùng một lúc. Trước khi tắm nên chuẩn bị sẵn khăn bông khô, quần áo sạch để tắm xong lau khô người và mặc quần áo ấm luôn, tránh nhiễm lạnh. Gội đầu xong cần lau khô tóc ngay và sấy luôn cho ấm. Khi mới tắm hoặc gội đầu xong, tránh đứng nơi có gió lùa, tránh ra ngoài. Khi vừa tắm gội xong có thể uống ngay một tách nước nóng cho ấm. Không nên tắm gội khi đang quá đói, quá no hoặc lúc sáng sớm và đêm khuya. Nếu có điều kiện thì nên trang bị đèn sưởi trong nhà tắm để sưởi ấm khi tắm gội.

- Khi vừa thức giấc, không nên ngồi lên ngay mà cần vận động nhẹ nhàng vài phút rồi hãy ngồi dậy. Mặc ấm trước khi ra khỏi giường. Khi đang nằm trong chăn ấm, nếu cần dậy đi vệ sinh hoặc làm gì đó thì tuyệt đối không nên vội vã ra khỏi chăn ngay. Hãy cử động nhẹ nhàng một lát, khoác thêm áo hoặc khăn rồi mới dậy.

- Cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tránh bia rượu, thuốc lá…

- Nên duy trì chế độ ăn giàu chất xơ, uống đủ nước và giữ thói quen đi vệ sinh đều đặn để tránh táo bón. Khi bị táo bón, tránh gắng sức rặn ( nhiều người cao tuổi do rặn quá sức mà đã bị tai biến mạch máu não).

- Tránh mang vác nặng, tránh chạy nhảy, tránh gắng sức leo cầu thang hoặc gắng sức đi bộ xa v.v…

- Tránh bị mất ngủ vì mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi, căng thẳng, có thể dẫn đến tăng huyết áp.

- Tránh xúc động mạnh, tránh suy nghĩ căng thẳng, tránh giận dữ quá mức…

- Những người đã có tiền sử huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu… cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị của bác sĩ, uống thuốc đều đặn, kiểm soát huyết áp, đường huyết…

- Hiện nay, bệnh huyết áp cao đang có xu hướng “trẻ hóa”. Nhiều người còn rất trẻ nhưng đã bị cao huyết áp và điều nguy hiểm nhất là nó hầu như không có dấu hiệu gì nổi bật, do đó người trẻ tuổi thường không chú ý và không hề biết là mình bị bệnh huyết áp. Tốt nhất mọi người nên kiểm tra huyết áp định kì để kịp thời phát hiện và điều trị nếu phát hiện những bất thường./.