TCCSĐT - Kể từ 2008, mỗi năm vào ngày 15-10 - Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng - hàng triệu người trên toàn thế giới cùng cam kết thực hiện “hành động nhỏ” để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng: rửa tay sạch với xà phòng. Rửa tay thường xuyên với xà phòng là một biện pháp vệ sinh phòng bệnh hiệu quả, giúp phòng, chống bệnh tay chân miệng, cúm, viêm đường hô hấp, đau mắt đỏ, tiêu chảy…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rửa tay mỗi ngày được coi là liều vắc xin tự chế, đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện, có thể cứu sống hàng triệu người. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một cách tốt nhất để tránh bị bệnh và lây lan bệnh tật cho cơ thể. Chỉ một hành động rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, nhiễm khuẩn đường hô hấp tới 19-45% và phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh tay chân miệng.

Lần đầu tiên được triển khai vào năm 2008, Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng 15-10 được tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe và giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là hướng tới các em nhỏ toàn thế giới. Đến nay đã có hơn 58 nước tham gia chiến dịch “Thế giới rửa tay với xà phòng” để cùng tuyên truyền ý thức về thói quen đơn giản nhưng đem lại hiệu quả lớn này.

Hiện nay tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, ý thức rửa tay bằng xà còn hạn chế, hoặc được thực hiện không đầy đủ. Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, số lượng người rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn chỉ chiếm 12% và con số này chỉ nhỉnh hơn một chút, với 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Thói quen không tích cực này tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển gây nên hàng loạt các dịch bệnh nguy hiểm. Tầm quan trọng của việc rửa tay chưa được nhìn nhận đúng đắn là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều dịch bệnh đe dọa bùng phát, trong đó có cả Ebola.

Ở nước ta trong nhiều năm qua, để thực hiện mục tiêu “đến năm 2020 sẽ bảo vệ 25 triệu trẻ em thoát khỏi dịch bệnh”, Bộ Y tế kêu gọi các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể, nhà trường... tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc rửa tay với xà phòng trong phòng, chống dịch bệnh.

Trên thực tế, chúng ta có thể vệ sinh tay bất cứ lúc nào, nhưng không thể bỏ qua các thời điểm sau: trước khi thực hiện thao tác sạch (trước khi ăn, trước khi lau mặt, trước khi cho trẻ ăn, trước khi chuẩn bị thức ăn…); sau khi thực hiện thao tác mà bàn tay đã bị hoặc có khả năng bị nhiễm bẩn. Người lớn nên rửa tay ít nhất 6 lần/ngày. Trẻ em rửa tay nhiều hơn, nhất là khi có sự thay đổi môi trường như từ trường về nhà, từ nhà đến trường, đi xe công cộng.

Thông thường khi rửa tay, mọi người chỉ sử dụng một lượng nhỏ xà phòng, xát qua lòng bàn tay và rửa nhanh lại với nước. Hầu hết người dân không chú ý đến việc rửa sạch mu bàn tay, cũng như các kẽ tay và kẽ móng tay, nơi tập trung chủ yếu của các mầm bệnh và vi khuẩn gây hại. Tuy nhiên, để có đôi bàn tay sạch, phòng chống được dịch bệnh thì việc rửa tay bằng xà phòng thôi không đủ mà phải rửa đúng cách.

Theo đó, rửa tay bằng xà phòng đúng cách theo quy trình do Bộ Y tế ban hành gồm 6 bước cơ bản:

- Bước 1: Làm ướt bàn tay, lấy 3-5ml dung dịch rửa tay hoặc chà bánh xà phòng lên lòng và mu hai bàn tay. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho xà phòng dàn đều.

- Bước 2: Đặt lòng và các ngón của bàn tay này lên mu bàn tay kia và chà sạch mu bàn tay và kẽ các ngón tay (từng bên).

- Bước 3: Đặt lòng hai bàn tay vào nhau, chà sạch lòng bàn tay và kẽ ngón tay.

- Bước 4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch mặt mu các ngón tay.

- Bước 5: Dùng lòng bàn tay này xoay và chà sạch ngón tay cái bàn tay kia và ngược lại.

- Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay./.