TCCSĐT - Theo số liệu của Liên đoàn đái tháo đường quốc tế, năm 2017, Việt Nam có 3,53 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 6,13 triệu người năm 2045.

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp khả thi, bền vững, hiệu quả, phát huy vai trò y tế cơ sở trong quản lý bệnh đái tháo đường, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam, Văn phòng đại diện Novo Nordisk Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm “Quản lý bệnh đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở” đã được tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 9-2018. Đây là dịp để các đại biểu trao đổi, thảo luận đa chiều nhằm nâng cao chất lượng quản lý bệnh đái tháo đường tuyến y tế cơ sở giữa các nhà quản lý, bệnh viện, chuyên gia lâm sàng và nhà khoa học.

PGS, TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Đái tháo đường là một vấn đề cấp bách của y tế toàn cầu thế kỷ XXI. Ở nhiều quốc gia, đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh mù lòa, tim mạch, suy thận... Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắt bệnh tim mạch cao gấp 2 - 3 lần người không mắc. Năm 2017, thế giới có hơn 425 triệu người (từ 20 - 79 tuổi) sống chung với bệnh đái tháo đường. Dự đoán đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên hơn 629 triệu người. Tuy nhiên, có tới một nửa số người bị bệnh không được chẩn đoán. Nhiều người đang sống với bệnh đái tháo đường tuýp 2 mà không nhận biết được tình trạng bệnh…

Theo số liệu của Liên đoàn đái tháo đường quốc tế, năm 2017, Việt Nam có 3,53 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 6,13 triệu người năm 2045. Kết quả điều tra các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 của Bộ Y tế cho thấy, có 69% số người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Trong số những người được chẩn đoán, chỉ có 29% được quản lý tại cơ sở y tế, trong đó phần lớn bệnh nhân không đạt được các mục tiêu điều trị.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thống nhất: Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trong tình hình mới đã nêu rõ các mục tiêu liên quan đến bệnh không lây nhiễm. Trong đó, tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự án phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trong đó có đái tháo đường đến năm 2025 là 95% và đạt 100% vào năm 2030. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà cả hệ thống chính trị và ngành Y tế cần thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 376/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống một số bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025. Bộ Y tế đã ban hành phác đồ hướng dẫn quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, thực tế triển khai các nghị quyết, quyết định trên cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc về chuyên môn, thanh toán bảo hiểm y tế. Một số địa phương chưa xây dựng được kế hoạch triển khai cụ thể, một số tỉnh còn có tâm lý chờ đợi kinh phí, hỗ trợ từ Trung ương.

Tại tọa đàm, các đại biểu cập nhật thông tin về lộ trình triển khai, quản lý, điều trị đái tháo đường tại y tế cơ sở áp dụng nguyên lý y học gia đình; cơ chế và tình trạng chi trả cho quản lý bệnh đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở; tổng quan về một số chương trình đào tạo hiện có cho cán bộ y tế tại tuyến y tế cơ sở… Các đại biểu đã thảo luận về việc điều trị và nâng cao chất lượng điều trị đái tháo đường bằng insulin tại tuyến y tế cơ sở...

Để quản lý tốt bệnh đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở, TS. Thẩm Chí Dũng (Vụ Kế hoạch &Tài chính, Bộ Y tế) đề xuất: Ngành Y tế cần đẩy mạnh đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ y tế, đào tạo nhân lực đủ trình độ chuyên môn, cấp chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, ngành cần quan tâm đến việc triển khai quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở bao gồm dự phòng và khám chữa bệnh và quản lý người mắc các bệnh không lây nhiễm theo Thông tư 39/2017/TT-BYT; việc chẩn đoán, điều trị đái tháo đường tuýp 2 theo Quyết định 3319/QĐ-BYT; thực hiện khám chữa, quản lý bệnh không lây nhiễm theo nguyên lý y học gia đình; đổi mới phương thức chi trả cho dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, mở rộng phạm vi chi trả cho dịch vụ ngoài bảo hiểm y tế…

Khẳng định bệnh đái tháo đường là gánh nặng lớn cho xã hội và ngành Y tế Việt Nam, Tiến sỹ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Phó Trưởng Khoa Nội Tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Điều trị insulin là diễn tiến tự nhiên ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, khởi trị insulin sớm sẽ có lợi cho bệnh nhân. Để có thể điều trị insulin tại tuyến y tế cơ sở đạt hiệu quả, an toàn, ngành cần tăng cường đào tạo cho nhân viên y tế, cung cấp các loại thuốc tốt và có sự hỗ trợ của tuyến trên. Bên cạnh đó, việc giáo dục bệnh nhân và gia đình về việc điều trị bệnh cũng rất quan trọng./.