Lai Châu thực hiện hiệu quả Quyết định số 221-QĐ/TW của Ban Bí thư (khóa X)

Vũ Mai Lý Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu
16:02, ngày 18-04-2019

TCCSĐT - Thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW, ngày 27-4-2009, của Ban Bí thư (khóa X), về “Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân”, 10 năm qua, ban tuyên giáo các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp ở tỉnh Lai Châu tổ chức thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Việc phối hợp cung cấp thông tin, chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, nắm tình hình tư tưởng, dư luận được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Hệ thống tuyên giáo các cấp chủ động xây dựng, ký kết chương trình phối hợp với Ủy ban nhân dân và các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp như ngành Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Khoa học và Công nghệ; Công an; Thuế; Ngân hàng... theo giai đoạn và hằng năm trong việc chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh. Nổi bật là công tác phối hợp cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền trong quá trình triển khai thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh tại các hội nghị giao ban báo chí, hội nghị báo cáo viên, họp báo, trong đó chú trọng tuyên truyền việc ban hành các chủ trương, chính sách, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án lớn của tỉnh như: Di dân tái định cư thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát; chương trình phát triển cây cao-su, chè, quế, sơn tra, mắc-ca; chương trình xây dựng nông thôn mới và kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh... Biên soạn, phát hành hàng chục nghìn cuốn Thông tin nội bộ, Thông tin chuyên đề, tài liệu tuyên truyền “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông”; trên 500 bộ đĩa phim tài liệu “Bài ca trên núi”; phóng sự “Người Mông mình phải gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc” phục vụ công tác tuyên truyền đến tận thôn, bản, khu dân cư, góp phần ổn định, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Thẩm định hàng chục nghìn khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích, tờ rơi, phim tài liệu,... về các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh và nhiệm vụ của các sở, ngành, qua đó tạo sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận trong nhân dân được tăng cường thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, cộng tác viên dư luận xã hội. Đội ngũ cộng tác viên từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, theo hướng cơ bản bảo đảm về số lượng, cơ cấu, từng bước nâng cao về chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 198 đồng chí là cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, cấp huyện (trong đó cấp tỉnh: 35 đồng chí; cấp huyện và tương đương: 163 đồng chí) đại diện cho nhiều thành phần, lĩnh vực, các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh. Duy trì tốt chế độ tổng hợp thông tin, báo cáo tình hình tư tưởng, dư luận xã hội và đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, vấn đề bức xúc nảy sinh từ cơ sở, góp phần ổn định tình hình tư tưởng trong nhân dân. Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức từ 2 - 4 cuộc điều tra xã hội học, với số lượng phiếu điều tra từ 2.000 đến 2.500 phiếu/cuộc; tập trung vào những những sự kiện chính trị lớn của tỉnh, những vấn đề dư luận quan tâm như việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo; Chương trình xây dựng “Nông thôn mới”… Qua đó nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập, nảy sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là ở cơ sở, qua đó đề xuất các giải pháp giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình thực tế, tạo sự đồng thuận trong xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Duy trì tốt công tác phối hợp tổ chức hội nghị giao ban báo chí hằng quý, họp báo thường kỳ để cung cấp, định hướng công tác tuyên truyền cho các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương về chủ trương, chính sách, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Gần 10 năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức được 32 hội nghị giao ban báo chí/1.280 lượt người tham dự, nhờ đó kịp thời cung cấp thông tin chỉ đạo, định hướng tuyên truyền trước những sự kiện, vụ việc phức tạp liên quan trực tiếp đến quyền lợi, cuộc sống của cán bộ, đảng viên, nhân dân, điển hình như: thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh; vấn đề khai thác khoáng sản trái phép; việc thi hành cưỡng chế lấn chiếm đất đai trái với quy định của pháp luật tại một số địa bàn; bóc gỡ, ngăn chặn các thông tin xấu, độc hại, sai sự thật trên mạng truyền thông, các trang mạng xã hội, không để lây lan, ảnh hưởng đến tư tưởng của nhân dân.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình phối hợp giữa ban tuyên giáo với các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: công tác theo dõi, nắm bắt, cung cấp thông tin những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án trên địa bàn có lúc chưa kịp thời; chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giải quyết một số vấn đề, vụ việc gây bức xúc trong nhân dân trên địa bàn còn hạn chế; triển khai một số nội dung phối hợp chưa thường xuyên, có mặt chưa sát thực tiễn.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng trong thực hiện quy chế phối hợp, giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân. Các cơ quan quản lý nhà nước chủ động đề xuất nội dung phối hợp theo từng năm, giai đoạn; cung cấp thông tin, nhất là các dự án, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân. Phát huy tốt vai trò của ban tuyên giáo các cấp trong việc chủ động phối hợp nắm bắt, cung cấp thông tin và tham mưu, đề xuất, triển khai định hướng tư tưởng, giải quyết hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, nhất là những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu.

Sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 221-QĐ/TW của các cấp ủy đảng sẽ tạo động lực góp phần tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, tích cực thi đua học tập, lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng xây dựng Lai Châu ngày càng giàu đẹp./.