Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 03 đến ngày 09-12-2018)

Nhân Chính (Tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn, TCCSĐT)
00:04, ngày 12-12-2018
TCCSĐT - Thủ tướng chủ trì họp về công tác tổ chức Đại lễ Vesak 2019; Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng họp phiên đầu tiên; Giới thiệu nhân sự cán bộ Quân đội quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương; Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Hội đồng Nhân dân thành phố bầu; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam; Đắk Lắk phải đi đầu trong tự cân đối ngân sách ở Tây Nguyên; Giải quyết kịp thời bức xúc của người dân, không để phát sinh điểm nóng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Chương trình Gặp gỡ các doanh nghiệp vì trẻ em Việt Nam; Lai Châu công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do;... là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Chống chạy chức, chạy quyền, chống tiêu cực trong công tác cán bộ

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng tháng 12-2018 vào chiều 03-12 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị toàn ngành rà soát, bổ sung, kiện toàn đội ngũ cấp ủy viên và thường vụ cấp ủy viên; chống chạy chức, chạy quyền, chống tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu trong công tác cán bộ.

Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị chú ý đến chất lượng, quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; tránh những sai sót trong thời gian qua.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu trong tháng 12-2018, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục tham mưu với cấp ủy triển khai có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; tập trung sơ kết, đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến," “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ban Tổ chức Trung ương tập trung hoàn chỉnh các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các nhiệm vụ theo kế hoạch, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị, toàn ngành tham mưu cấp ủy triển khai các nội dung liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng sau Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), nhất là phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh; theo dõi nắm bắt tình hình công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, diễn biến nội bộ và an ninh chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Tổ chức xây dựng Đảng “Trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông” với phương châm: Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm chính trị phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, chống tiêu cực, sách nhiễu, tham nhũng trong công tác cán bộ.

Theo Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, tháng 11-2018, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã nỗ lực phấn đấu, chủ động, tích cực tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm được giao.

Cụ thể, ngành tiếp tục tham mưu cấp ủy các cấp cụ thể hóa, thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến," “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tham mưu cấp ủy tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện có kết quả các nghị quyết, kế hoạch Hội nghị Trung ương 6, 7 khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Thủ tướng chủ trì họp về công tác tổ chức Đại lễ Vesak 2019

Chiều 05-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc về công tác tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019. Tham dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và đại diện một số bộ, ngành, địa phương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đây là lần thứ 3 Việt Nam tổ chức sự kiện này sau 2 lần đăng cai thành công vào các năm 2008 và 2014 để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.

Vesak là Đại lễ được tổ chức trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và được Chính phủ các nước đăng cai, chấp thuận, bảo trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện.

Đại lễ Vesak 2019 dự kiến diễn ra tại tỉnh Hà Nam từ ngày 12 đến 14-5-2019 với chủ đề “Cách tiếp cận Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

Dự kiến khoảng 1.500 đại biểu, khách quốc tế từ hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, 10.000 đại biểu trong nước và Phật tử sẽ dự Đại lễ.

Ngoài phiên khai mạc, bế mạc, Đại lễ sẽ có 5 Hội thảo với các chủ đề như cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục và đạo đức toàn cầu; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và giáo dục Phật giáo; cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững; sự lãnh đạo có chánh niệm vì hòa bình bền vững. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Đại lễ còn có các hoạt động như triển lãm, các chương trình nghệ thuật, tham quan...

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự kiện mang tầm quốc tế này và nếu tổ chức tốt, sẽ góp phần nâng cao vị thế Việt Nam; đồng thời thể hiện Việt Nam tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo, tín ngưỡng; các tôn giáo đều bình đẳng.

Đánh giá cao sự tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, Thủ tướng cho rằng, đối với sự kiện quốc tế lớn như thế này thì việc tổ chức chu đáo, an toàn, bảo đảm uy tín của Việt Nam là rất quan trọng. Do đó, Giáo hội Phật giáo cần xây dựng đề án tổng quát về việc tổ chức Đại lễ; tiếp tục chủ động, không chỉ đôn đốc, kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất mà tập trung cả vào nội dung sự kiện. Địa phương cần phối hợp với Giáo hội Phật giáo trong tổ chức thực hiện các công việc thuộc địa phương mình, nhất là việc chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ Đại lễ khi chỉ còn mấy tháng nữa là bắt đầu sự kiện. “Các vướng mắc ở địa phương thì phải được các địa phương quan tâm giải quyết chứ chúng ta không phải chỉ nói trên bàn hội nghị”, Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần quan tâm xây dựng nội dung, kịch bản chi tiết, chất lượng các hoạt động. Các bộ, cơ quan liên quan có đề án cụ thể để phục vụ Vesak 2019, bao gồm cả đề án tuyên truyền.

Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng họp phiên đầu tiên

Ngày 05-12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiến hành phiên họp đầu tiên, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban.

Theo kế hoạch, Đại hội Đảng lần thứ XIII dự kiến được tổ chức vào quý I-2021. Để chuẩn bị Đại hội, Hội nghị Trung ương 8 Khóa XII đã quyết định thành lập 5 Tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện, do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban.

Tiểu ban văn kiện có nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng. Để giúp việc Tiểu ban Văn kiện, Ban Bí thư đã quyết định thành lập Tổ Biên tập Văn kiện.

Tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổ trưởng Tổ Biên tập, báo cáo những công việc đã triển khai của Tổ Biên tập; dự kiến Kế hoạch hoạt động của Tiểu ban Văn kiện và Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Thường trực Tổ Biên tập, Tổ Biên tập đã khẩn trương, tích cực triển khai những công việc cần thiết; đồng thời gợi mở một số vấn đề có tính phương pháp luận để tiếp tục triển khai các công việc theo chương trình, kế hoạch.

Để bảo đảm chất lượng công việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên Tiểu ban, Thường trực Tiểu ban, đặc biệt là các thành viên trong Tổ Biên tập, Thường trực Tổ Biên tập cần quán triệt sâu sắc và thống nhất cao một số vấn đề về phương châm, phương pháp tư tưởng và cách làm, ngay từ đầu cần nghiêm túc triển khai thực hiện kế hoạch đã đề ra, toàn tâm toàn ý cho công việc để đạt hiệu quả cao nhất.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII là quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa lý luận và thực tiễn. Thực tiễn không có lý luận là thực tiễn mù quáng, lý luận không có thực tiễn là lý luận suông. Nhiệm vụ tổng kết là làm rõ những kết quả mới, những nền tảng đã được tạo dựng, những yêu cầu đặt ra giúp nhận diện rõ tầm nhìn, định hướng và các giải pháp lớn cho giai đoạn phát triển mới, chú ý làm rõ những chủ trương chính sách nào đã được thực tế khẳng định là đúng đắn, phù hợp và cái gì cần tiếp tục đổi mới, bổ sung, phát triển.

Về cách làm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội, trong đó có Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII phải là sản phẩm của trí tuệ tập thể, là một công trình tập thể của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho nên phải phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể; có sự tham gia đóng góp của các cơ quan, ban, ngành Trung ương và các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân; tranh thủ sự tham gia đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo, của giới trí thức, các nhà nghiên cứu, quản lý. Dân chủ nhưng phải thống nhất cao, dân chủ có nguyên tắc, cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, cùng tìm ra chân lý, tạo sự thống nhất cao, nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó, làm sao để Báo cáo chính trị đạt tầm mức quan điểm, đường lối, chủ trương lớn, thể hiện quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng về phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Giới thiệu nhân sự cán bộ Quân đội quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương

Sáng 06-12, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị giới thiệu nhân sự cán bộ Quân đội quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương: Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Bế Xuân Trường; Thượng tướng Lê Chiêm; đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư; các đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao công tác bồi dưỡng, giới thiệu nhân sự cán bộ Quân đội quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Giới thiệu nhân sự cán bộ quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 là một nội dung hết sức quan trọng, góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Đây cũng là một trong những yếu tố quyết định công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội nghị đã phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Quân đội quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 với sự thống nhất rất cao. Các đồng chí được giới thiệu nguồn quy hoạch là những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc; có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn công tác, có triển vọng phát triển tốt, bảo đảm đúng tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Hà Nội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Hội đồng Nhân dân thành phố bầu

Ngày 06-12, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng Nhân dân thành phố bầu.

102 đại biểu đã bỏ phiếu kín với ba mức độ “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm” và “Tín nhiệm thấp” đối với 36 chức danh trong 2 khối Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân. Khối Hội đồng Nhân dân có 8 chức danh gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch, trưởng ban và Chánh văn phòng. Khối Ủy ban Nhân dân có 28 chức danh gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch, giám đốc các sở, chánh văn phòng.

Kết quả, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội là người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất với 98,04%, số phiếu tín nhiệm là 0,98%, tín nhiệm thấp 0,98%. Người có số phiếu tín nhiệm cao thứ 2 là bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội với 88,24% phiếu tín nhiệm cao, số phiếu tín nhiệm chiếm 6,86%, tín nhiệm thấp là 3,92%. Ông Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính có số phiếu tín nhiệm cao đứng thứ 3 với 86,27% phiếu tín nhiệm cao, số phiếu tín nhiệm là 12,75%, tín nhiệm thấp chiếm 0,98%. Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất với 17,67%, tín nhiệm 34,31%, số phiếu tín nhiệm cao chiếm 48,04%. Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường là người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều thứ 2 với 15,69% phiếu tín nhiệm thấp, số phiếu tín nhiệm chiếm 44,12%, số phiếu tín nhiệm cao chiếm 40,20%. Người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều thứ 3 là ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội với 13,73% phiếu tín nhiệm thấp, số phiếu tín nhiệm chiếm 44,12%, tín nhiệm cao là 42,16%.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ vừa là sự động viên, khích lệ những ưu điểm, trách nhiệm đối với công việc vừa là sự nhắc nhở đối với các hạn chế để người được Hội đồng Nhân dân bầu kịp thời khắc phục ngay thiếu sót, tiếp tục rèn luyện, cống hiến, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.

Đồng quan điểm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh tại kỳ họp này là công việc quan trọng, đòi hỏi mỗi đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan và căn cứ trên hai tiêu chí cơ bản là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao và phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cá nhân cán bộ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam


Chiều 07-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt đoàn đại biểu Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhân dịp Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng tới các đồng chí lãnh đạo và 7.000 hội viên của Hội lời thăm hỏi ân cần, thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Đánh giá cao sự phát triển của Hội sau 20 năm xây dựng và phát triển, Thủ tướng cho rằng, Hội đã có nhiều hoạt động phong phú, như tham gia nhiều đồ án quy hoạch quan trọng, góp ý xây dựng thể chế pháp luật, tạo được vị thế của mình trong xã hội,...

Cho rằng phát triển đô thị là một động lực tăng trưởng mới, Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch nói chung và quy hoạch đô thị nói riêng là công tác đặc biệt quan trọng, bao giờ cũng đi trước một bước. Ở đâu có đô thị phát triển thì ở đó có tăng trưởng cao, có đời sống văn minh, dân trí cao. Nếu không có đô thị được quy hoạch tốt, phát triển bền vững thì đất nước không phát triển.

Thủ tướng mong muốn Hội, nơi tập hợp trí tuệ về quy hoạch, sẽ tiếp tục đóng góp cho công tác này, phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Thủ tướng nói và nêu rõ, Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm công tác quy hoạch đô thị, coi đây là công tác rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và phát triển đô thị nói riêng.

Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ tiếp tục quan tâm, lắng nghe ý kiến của Hội để tham khảo ý kiến của Hội về những vấn đề lớn liên quan đến công tác quy hoạch trước khi trình Thủ tướng.

Thủ tướng đồng ý giao Hội một số nhiệm vụ để giúp Chính phủ kiến tạo trong quy hoạch phát triển đô thị ở các vùng, miền, giữ gìn được văn hóa, chống chịu biến đổi khí hậu, được thế giới công nhận, đánh giá cao.

Đắk Lắk phải đi đầu trong tự cân đối ngân sách ở Tây Nguyên

Chiều 08-12-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Đắk Lắk. Đây là lần thứ hai trong năm nay, Thủ tướng công tác tại Đắk Lắk sau chuyến thăm và tặng quà công nhân, người lao động đầu năm.

Năm 2018 là năm kinh tế Đắk Lắk đạt mức tăng trưởng khá cao ở mức 7,82%. Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ với xu hướng tăng dần của khu vực dịch vụ. Tỉnh xây dựng và duy trì được mô hình Cà phê-Doanh nhân-Doanh nghiệp hằng tuần để lãnh đạo tỉnh trực tiếp gặp gỡ, trao đổi tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhờ tăng cường truyền thông, xúc tiến thương mại, năm 2018, Đắk Lắk đã thu hút được 60 dự án với tổng vốn đăng ký 9.300 tỷ đồng. Hoạt động du lịch của tỉnh có nhiều chuyển biến, tăng 15,5% so với năm 2017.

Cũng trong năm 2018, Đắk Lắk thu ngân sách đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,1 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,55%. Chỉ tiêu về trồng rừng đạt hơn 2.260ha, bằng 215% kế hoạch.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến tiềm năng, lợi thế của Đắk Lắk với vị trí chiến lược, nhất là về quốc phòng, an ninh.

Thêm vào đó, Đắk Lắk còn là một tỉnh có quy mô diện tích lớn, đông dân, có số lượng lớn đồng bào di cư tự do đến sinh sống nhiều nhất cả nước. Đi kèm với đó là những vấn đề bất lợi, phức tạp của xã hội nhất là nạn phá rừng. Do đó, Thủ tướng lưu ý Đắk Lắk cần đặc biệt quan tâm có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng;” không để một “đốm lửa” nhỏ trở thành “đám cháy.”

Bên cạnh đó, tỉnh cần cảnh giác, phòng ngừa, ngăn chặn sự phá hoại của kẻ xấu, gây mất ổn định chính trị, trật tự xã hội và đời sống bình yên của người dân trên địa bàn.

Đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Thủ tướng cho rằng, đời sống người dân Đắk Lắk đã khá hơn, các chỉ tiêu phát triển đạt khá. Mặc dù Đắk Lắk vượt chỉ tiêu về trồng rừng nhưng Thủ tướng cho rằng tỉnh cần đặt ra chỉ tiêu với yêu cầu cao hơn nữa về vấn đề này ở địa phương, góp phần vào việc gìn giữ màu xanh Tây Nguyên.

Thủ tướng nhận xét, năm 2018, hoạt động đầu tư trên địa bàn Đắk Lắk có kết quả tốt, số doanh nghiệp thành lập mới gia tăng. Môi trường đầu tư kinh doanh có cải thiện, thành tích trong công tác xây dựng nông thôn mới được duy trì.

Nhận xét về những tồn tại, hạn chế cần khắc phục ở địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đắk Lắk vẫn chưa khai thác hết những lợi thế sẵn có và thiếu “quả đấm thép” là cốt lõi để tạo sự lan tỏa trong phát triển. Do vậy, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ; độ che phủ rừng chưa đạt mục tiêu đề ra; còn một số vấn đề xã hội như thiếu giáo viên, tình trạng tín dụng đen.

Thủ tướng nêu hai nhiệm vụ trọng điểm mà Đắk Lắk phải thực hiện song song, đó là phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững biên cương Tổ quốc. Theo đó, tỉnh cần đưa các lợi thế của tỉnh thành hiện thực, trong đó phải quan tâm đến trồng rừng và phát triển công nghiệp chế biến gỗ.

Nhấn mạnh đến tiềm năng văn hóa bản địa, truyền thống giàu ý chí cách mạng của người dân Đắk Lắk, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả, Thủ tướng nói và chỉ đạo cần “lấy văn hóa làm trụ cột quan trọng để phát triển bền vững Tây nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng”.

Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng gợi ý Đắk Lắk cần quan tâm xây dựng những mô hình mới, hiệu quả trong giảm nghèo và đem lại hiệu quả kinh tế cao như nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh. Tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư vào khâu chế biến sâu, du lịch, dịch vụ. Thủ tướng lưu ý Đắk Lắk thực hiện tốt các Nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương; chú trọng xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất tốt, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của tỉnh.

Giải quyết kịp thời bức xúc của người dân, không để phát sinh điểm nóng

Sáng 08-12-2018, tại tỉnh Phú Yên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình có cuộc làm việc với Tỉnh uỷ Phú Yên về việc thực hiện năm “Dân vận chính quyền” trên địa bàn.

Báo cáo của tỉnh Phú Yên cho biết năm 2018, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh Phú Yên cũng gặp không ít thách thức. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển.

Toàn bộ 17 chỉ tiêu kế hoạch đề ra ước đạt và vượt, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt kế hoạch như tăng trưởng kinh tế đạt 8,21%, thu ngân sách đạt 4.500 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ), thu nhập bình quân người đạt 39,7 triệu đồng/người/tháng (tăng 10% so với cùng kỳ), giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 11.595 tỷ đồng, năng suất lúa vụ đông xuân đạt 75,5 tạ/ha (cao nhất từ trước đến nay).

Sau khi nghe Báo cáo của Đoàn kiểm tra và các đại biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng đoàn kiểm tra ghi nhận và đánh giá cao những thành tích phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Yên đạt được năm 2018, nhất là hoàn thành thắng lợi 17/17 chỉ tiêu, với 11 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra, trong đó có kết quả thực hiện “Năm dân vận chính quyền 2018” của tỉnh Phú Yên.

Nổi bật là, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu đã nhận thức sâu sắc hơn nội dung cần phải thực hiện trong công tác dân vận của chính quyền; nhận thức của chính quyền các cấp về công tác dân vận được nâng lên rõ rệt.

Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã có 45/88 xã (51%) đã đạt chuẩn nông thôn mới; không có xã nào đạt dưới 7 tiêu chí; bình quân toàn tỉnh đạt 15,06 tiêu chí/xã…

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém để tỉnh nhìn nhận, khắc phục thời gian tới. Đó là, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách tăng so với năm trước nhưng vẫn còn thấp.

“Trong quá trình phát triển cần chú ý giữ gìn môi trường sống, nhất là vấn đề xử lý rác thải, nước thải ra môi trường sống đang là vấn đề nhức nhối trong nhân dân, ảnh hưởng đến sức khoẻ, sự phát triển bền vững của đất nước, bảo vệ rừng phòng hộ, bảo vệ văn hóa truyền thống của địa phương”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Về công tác “Dân vận chính quyền” trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị tỉnh Phú Yên cần xác định công tác dân vận là nhiệm vụ rất quan trọng, có ý nghĩa thành bại trong các nhiệm vụ công tác của chính quyền, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chúng ta cần nắm rõ, dân vận vừa là mục tiêu, vừa là phương thức trong vận động cách mạng trên cơ sở các chính sách, đường lối, pháp luật; tất cả vì nhân dân phục vụ, hợp với lòng dân xuất phát từ nhân dân để nhân dân đồng thuận, ủng hộ thì sẽ thành công.

“Ngay như việc khiếu nại tố cáo của nhân dân diễn ra hiện nay có một phần do chúng ta chưa làm tốt công tác giải toả đền bù, chưa bảo đảm quyền lợi của dân, chưa bảo đảm hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân, nhất là của nhân dân. Muốn vậy, chính quyền phải bám dân, hiểu dân, giải quyết kịp thời các vướng mắc và quyền lợi chính đáng của dân, tạo sự ổn định tại địa phương. Kiên quyết không để phát sinh điểm nóng để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động nhân dân, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Chương trình Gặp gỡ các doanh nghiệp vì trẻ em Việt Nam

Tối 08-12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Bảo trợ - Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức Chương trình Gặp gỡ các doanh nghiệp vì trẻ em Việt Nam. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ - Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam dự chương trình.

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn là mục tiêu ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp ra đời từ tháng 5-1992 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần làm gia tăng nguồn lực của toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Hiện cả nước vẫn còn 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn và gần 2,5 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải bỏ học. Vì vậy, trong năm 2019, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phấn đấu huy động nguồn lực đạt 110 tỷ và hỗ trợ chăm sóc cho 110.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Để đạt được mục tiêu này, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cần sự chung tay đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp, mạnh thường quân để mọi trẻ em Việt Nam đều được chăm sóc, học tập, vui chơi giải trí.

Tại Chương trình Gặp gỡ các doanh nghiệp vì trẻ em Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận tài trợ cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam với tổng số tiền gần 80 tỷ đồng như: Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương, Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam, Công ty Hành trình kết nối yêu thương...

Lai Châu công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo

Sáng 09-12, tại kỳ họp thứ 8, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 29/31 người giữ chức vụ do Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu, trong đó có 2 người không đủ điều kiện lấy phiếu tín nhiệm là ông Đinh Trung Tuấn, Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; ông Vừ A Tiến, Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ do chưa đủ thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục 9 tháng.

49/50 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu tham gia bỏ phiếu.

Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố tại kỳ họp, đồng chí Vũ Văn Hoàn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu và đồng chí Bùi Từ Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu có cùng số phiếu tín nhiệm cao đạt cao nhất, chiếm 84%, số phiếu tín nhiệm chiếm 14%, số phiếu tín nhiệm thấp 0%.

Đứng thứ hai là đồng chí Phạm Văn Huỳnh, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu có số phiếu tín nhiệm cao chiếm 74%, số phiếu tín nhiệm chiếm 24%, số phiếu tín nhiệm thấp 0%.

Đứng thứ ba là đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu có số phiếu tín nhiệm cao chiếm 74%, số phiếu tín nhiệm chiếm 22%, số phiếu tín nhiệm thấp 2%.

Người có số phiếu tín nhiệm thấp cao nhất là đồng chí Nguyễn Sỹ Chín, Giám đốc Sở Công Thương, số phiếu tín nhiệm cao chiếm 18%, số phiếu tín nhiệm chiếm 34%, số phiếu tín nhiệm thấp chiếm 44%.

Đứng thứ hai là đồng chí Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu, số phiếu tín nhiệm cao chiếm 20%, số phiếu tín nhiệm chiếm 48%, số phiếu tín nhiệm thấp chiếm 30%.

Đứng thứ ba là đồng chí Vũ Văn Lương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, số phiếu tín nhiệm cao chiếm 30%, số phiếu tín nhiệm chiếm 40%, số phiếu tín nhiệm thấp chiếm 28%.

Theo đồng chí Vũ Văn Hoàn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu, việc lấy phiếu tín nhiệm đã bám sát hướng dẫn số 321/HD-UBTVQH14, ngày 02-10-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo chặt chẽ, đúng nội dung, trình tự, thủ tục.

Các đại biểu Hội đồng Nhân dân đã thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác.

Trên cơ sở kết quả lấy phiếu tín nhiệm, những người được lấy phiếu cần tự xem xét lại quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình trong nửa nhiệm kỳ qua, tiếp thu, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đáp ứng sự tín nhiệm của đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do

Trước thực trạng còn hơn 20 nghìn hộ dân di cư tự do vẫn đang sinh sống phân tán, đời sống còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sáng 09-12, một hội nghị quy mô toàn quốc về chủ đề “Giải pháp ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên” đã diễn ra tại thành phố Ban Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới dự, điều hành hội nghị.

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số hộ dân di cư tự do đến địa bàn các tỉnh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ từ năm 2005 đến nay là 66.738 hộ, trong đó: Tây Bắc: 5.811 hộ; Tây Nguyên: 58.846 hộ; Tây Nam Bộ: 2.081 hộ.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, diễn biến tình hình dân di cư tự do trong những năm gần đây đã giảm mạnh. Số hộ đã ổn định cuộc sống khoảng hơn 42 nghìn hộ, song đến nay vẫn còn 24 nghìn hộ dân di cư tự do (tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên hơn 22 nghìn hộ) chưa được bố trí, sắp xếp ổn định.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dân di cư tự do chủ yếu là do đời sống của người dân còn rất khó khăn, thiếu nước sản xuất, thiếu đất canh tác,... nên họ di chuyển đến nơi khác mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn. Mặt khác, một bộ phận người dân thiểu số bị các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng tự do tôn giáo, tuyên truyền xuyên tạc, kích động, lừa gạt, lôi kéo người dân di cư tự do trái pháp luật. Đây là yếu tố phức tạp, phát sinh nhiều vấn đề xã hội làm xáo trộn đời sống của người dân sở tại, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội ở các địa phương.

Phát biểu kết luận hội nghị, phân tích về tình trạng di dân tự do, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là hiện tượng xuất hiện trên toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. Viện dẫn số liệu báo cáo của ILO, Thủ tướng cho biết, năm 2017 có đến 207 triệu người di cư tại các quốc gia trên thế giới. Do đó, không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả ở các quốc gia phát triển như Mỹ, di cư vẫn là vấn đề lớn, mang tính toàn cầu và lịch sử, không phải hiện tượng nhất thời.

Do đó, “vấn đề đặt ra là cần làm như thế nào để tình trạng di cư giảm xuống hơn nữa; quản lý tốt đất đai nông, lâm trường” để “đất có dân, dân có đất”, Thủ tướng nói.

Phân tích về những hệ lụy của di dân tự do, Thủ tướng khẳng định ảnh hưởng rất lớn đến quốc phòng, an ninh, các vấn đề an sinh xã hội, phá rừng, an ninh trật tự, thậm chí là an ninh chính trị của địa phương và đất nước.

Khẳng định quan điểm “không khuyến khích di dân tự do”, song Thủ tướng yêu cầu cần có biện pháp chủ động để xử lý thực trạng này.

Thủ tướng định hướng việc giải quyết vấn đề di dân tự do ở các địa phương Tây Nguyên không chỉ cần đúng pháp luật mà còn phải hài hòa, linh hoạt, đồng bộ từ các cấp, các ngành và các chính sách kinh tế xã hội.

“Mục đích cuối cùng là làm sao để người di cư có cuộc sống ổn định, phát triển, con cái được học hành, người già được chăm sóc, chữa bệnh, không ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh đây là cụ thể hóa chính sách dân tộc, duy trì tinh thần đại đoàn kết các dân tộc của Đảng, Nhà nước./.