Cần đẩy mạnh tính liên kết vùng trong phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ
TCCSĐT - Ở vùng Đông Nam Bộ, mỗi địa phương đều có những tiềm năng, lợi thế du lịch được nhiều tổ chức du lịch trong và ngoài nước đánh giá cao. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, việc khai thác tiềm năng, lợi thế trên chưa thật sự hiệu quả, nguyên nhân chính đó là du lịch từng địa phương chủ yếu phát triển dựa trên nội lực của mình là chính và tính liên kết giữa các địa phương với nhau còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc đẩy mạnh liên kết trong phát triển du lịch ở Đông Nam Bộ vẫn là giải pháp để các nhà quản lý, doanh nghiệp cần nghiên cứu để vận dụng.
Lợi thế và tiềm năng phong phú
Theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg, ngày 24-12-2014, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định số 2351), theo đó vùng này gồm có: Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và cùng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn phát triển kinh tế lớn nhất cả nước. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất nước ta, nơi tập trung các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện nước ngoài, là địa bàn thường xuyên diễn ra các các hội nghị, tổ chức các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Nhận định về những lợi thế trong phát triển du lịch của vùng Đông Nam Bộ với các nơi khác, tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: “Đông Nam Bộ nằm liền kề đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ phía Tây nối với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia thông qua tuyến đường bộ xuyên Á, cửa ngõ phía đông có hệ thống cảng biển Sài Gòn, Bà Rịa - Vũng Tàu; nơi đây còn có hệ thống cảng đường hàng không, các cửa khẩu quốc tế, đường bộ, đường sắt đồng bộ, tiên tiến... là yếu tố quan trọng thu hút khách quốc tế vào Việt Nam, thuận lợi cho khách du lịch đi và đến tham quan các điểm du lịch trong cả nước, cũng như trên thế giới”.
Đến với vùng Đông Nam Bộ chúng ta thấy, nơi đây có tiềm năng tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và còn hoang sơ, đặc biệt là tài nguyên rừng dày, rừng ngập mặn, khu bảo tồn, vườn quốc gia, hệ thống sông ngòi, hồ có giá trị, với tính đa dạng sinh học cao,... Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điểm đến du lịch thu hút khách như: Suối Tiên, Đầm Sen, Rừng Sác; Tây Ninh có núi Bà Đen, khu du lịch với hệ thống cáp treo đầu tiên ở Việt Nam hay hồ Dầu Tiếng, một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á; núi Châu Thới, vườn cây ăn trái Lái Thiêu ở tỉnh Bình Dương; thác Mơ, núi Bà Rá; khu Di tích Quốc gia Tà Thiết thuộc tỉnh Bình Phước; núi Dinh, Côn Đảo, bãi Sau, bãi Dứa, suối khoáng nóng Bình Châu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; vườn quốc gia Cát Tiên ở tỉnh Đồng Nai, là một trong 5 khu đất ngập nước Ramsar của Việt Nam. Đây còn là vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là di tích lịch sử cách mạng đặc biệt cấp quốc gia; khu vực có tiềm năng di tích khảo cổ, công trình kiến trúc, phong tục tập quán, lễ hội, thơ ca, đờn ca tài tử... nhiều về số lượng, đa dạng về tính chất, phong phú về hình thức và khu vực có nhiều làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống, ẩm thực.
Với tiềm năng và lợi thế đó, thời gian gần đây, ngành du lịch vùng Đông Nam bộ đã có bước phát triển mạnh mẽ, đội ngũ lao động nhiều về số lượng, có trình độ kỹ năng tay nghề cao; cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng cao, đặc biệt là số lượng cơ sở lưu trú được xếp hạng sao, nhà hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế và nhiều cơ sở vui chơi giải trí hiện đại; sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn từng bước đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Nhìn chung, ngành du lịch vùng này đã, đang có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân.
Cũng theo Quyết định số 2351, các định hướng phát triển thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế đến năm 2020 của vùng Đông Nam Bộ là: Đối với thị trường khách du lịch quốc tế: Tập trung khai thác mạnh thị trường chính như: Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Đông Âu; duy trì khai thác thị trường truyền thống cao cấp như: Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Ô-xtrây-li-a; mở rộng thị trường mới: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đến từ khu vực Trung Đông... Về thị trường khách du lịch nội địa: Tập trung khai thác khách du lịch nội vùng; phát triển thị trường khách du lịch đến từ các vùng liền kề như: Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và khách đến từ thủ đô Hà Nội; trong đó chú trọng thị trường khách du lịch với mục đích nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, nghỉ cuối tuần và du lịch mua sắm; khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường du lịch theo chuyên đề.
Những “điểm nghẽn” cần sớm tháo gỡ
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng; các hoạt động du lịch được tạo thành bởi nhiều bộ phận và cần có sự kết nối, hợp tác, hỗ trợ của các ngành, các địa phương, các vùng với nhau. Vì thế, khi sự liên kết trong lĩnh vực du lịch chặt chẽ, sẽ mang lại nhiều lợi ích, trước hết đó là cơ hội mở rộng thị trường để cùng khai thác những lợi thế của nhau về tài nguyên du lịch, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch. Đồng thời, phát triển các tuyến du lịch và sản phẩm du lịch liên kết ở quy mô lãnh thổ lớn hơn, tạo ra được những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn. Thế nhưng, thực tế thời gian qua, vấn đề liên kết du lịch ở vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều bất cập.
Điểm dễ nhận thấy là, nhiều năm trở lại đây, dù các địa phương ở vùng này đã chú trọng đến công tác quy hoạch phát triển du lịch, nhưng thực chất công tác quy hoạch đó mới chỉ đưa ra một số định hướng cơ bản, các chỉ tiêu phát triển chủ yếu cũng như khoanh vùng không gian một vài khu, điểm du lịch mà chưa làm nổi bật được vai trò hoạch định phát triển của ngành. Chính vì thế, hiện nay, du lịch trọng điểm chỉ tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nên dẫn đến tình trạng không đồng bộ, có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương. Các tỉnh còn lại như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh phát triển du lịch còn mang tính tự phát, bị động về thị trường, sức cạnh tranh thấp, tài nguyên và môi trường du lịch suy giảm, công tác đầu tư phát triển du lịch về cơ sở hạ tầng, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên còn hạn chế, trong khi đó sản phẩm du lịch không phong phú, chưa xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển.
Nếu ví Thành phố Hồ Chí Minh như một đầu tàu trong phát triển du lịch thì thời gian qua, các tỉnh còn lại của khu vực lại như những toa tàu khá ì ạch chạy theo. Đồng Nai, là tỉnh có dân số hơn 3 triệu dân, có tài nguyên du lịch đa dạng cả về thiên nhiên, văn hóa với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhưng doanh thu từ du lịch của cả tỉnh năm 2017 mới đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng; chủ yếu phục vụ khách trong tỉnh là chính (gần 3 triệu lượt), lượng khách quốc tế rất ít. Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, những năm gần đây, nhờ con đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây rút ngắn thời gian đi lại từ Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đến Vũng Tàu, lượng khách du lịch tăng đều hằng năm nhưng chủ yếu là khách nội địa, lượng khách quốc tế năm 2017 dù tăng 14,7% nhưng con số đạt được rất khiêm tốn với 363.000 lượt khách.
Điều đáng nói nữa là, sự liên kết phối hợp giữa các địa phương trong vùng chưa thực sự chặt chẽ, trong đó phải kể đến là hệ thống kết nối giao thông giữa các tỉnh với nhau. Do tính đồng bộ chưa cao, giao thông còn có dấu hiệu xuống cấp tại một số khu vực gây cản trở phát triển chung của vùng. Từ trước đến nay, các tỉnh, thành phố luôn đề cao tính liên kết vùng, nhưng chưa có cơ chế điều hành thực sự, chưa có giải pháp phù hợp, trong khi các vấn đề nội vùng lại được giải quyết phân tán theo lợi ích của từng địa phương. Hiện nay, có một số dự án giao thông trọng điểm đang triển khai nhưng rất chậm so với quy hoạch, như đường vành đai 3, vành đai 4 ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh hay tiến độ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, dù đây là trục xương sống nối Long Thành với các tỉnh miền Tây và Thành phố Hồ Chí Minh. Tính chung cả vùng hiện chỉ có hơn 90 km đường cao tốc, đây là con số rất khiêm tốn, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của vùng.
Các chuyên gia kinh tế còn cảnh báo, nếu không liên kết phát triển du lịch, để từng địa phương phát triển tự phát sẽ là rào cản, là “điểm nghẽn”, thậm chí sẽ tàn phá tiềm năng, không tạo ra được sản phẩm có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Cũng như các vùng khác, ngành du lịch của vùng Đông Nam Bộ cần giải quyết được 4 yếu tố quyết định là đi đâu, ở đâu, ăn cái gì và chơi gì, thì mới có thể mang đến hiệu quả thiết thực.
Sự cần thiết đẩy mạnh liên kết để cùng phát triển
Thực tiễn đã khẳng định rằng, mỗi khi làm tốt sự liên kết, phối hợp trong phát triển du lịch, tất nhiên sẽ tạo điều kiện thuận lợi và cho phép khai thác những lợi thế tương đối của nhau về tài nguyên du lịch, về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, cũng như các nguồn lực khác trong phát triển du lịch. Qua đó, tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn đối với các bên liên quan, vì thế, đó có thể là cơ hội thu hút được các nhà đầu tư, thu hút khách du lịch đến với mỗi địa phương. Do vậy, để du lịch phát triển nhanh, mạnh và bền vững, trong tương lai, các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần tăng cường liên kết phát triển để đến năm 2020, du lịch vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng kinh tế du lịch lớn nhất cả nước và đến năm 2030, là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của vùng; đến năm 2020, thu hút được trên 30 triệu lượt khách; năm 2030 đón khoảng 50 triệu lượt khách, trong đó đạt khoảng 12 triệu lượt khách quốc tế.
Nhằm giải quyết những vướng mắc hiện nay, muốn du lịch không chỉ của từng địa phương mà của toàn vùng đạt được những thành tựu phát triển và năng lực cạnh tranh cao hơn, nhất thiết phải thay đổi cách làm, không chỉ cho trước mắt mà phải nghĩ cho lâu dài; không phải dựa vào các lợi thế tĩnh đã có mà cần nâng cao chất lượng, tận dụng các lợi thế động. Vì thế, cần thiết đẩy mạnh hợp tác, liên kết để tạo sức mạnh chung nhằm hỗ trợ, giúp nhau phát huy những lợi thế của từng vùng và từng địa phương trong vùng, khai thác các nguồn lực một cách hợp lý, giải quyết nhu cầu thực tiễn và tạo lực mới cho sự phát triển du lịch bền vững trước yêu cầu mới. Theo chúng tôi, cần tập trung vào các yếu tố sau:
Trước hết, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo nghề du lịch; chú trọng đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; tăng cường công tác đào tạo tại chỗ đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của từng địa phương và phù hợp với hội nhập quốc tế... Phát triển đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng theo yêu cầu, cân đối về cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo, bảo đảm về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch của vùng và cả nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, cán bộ quản lý các doanh nghiệp du lịch và các khu du lịch tại các địa phương trong vùng. Tăng cường năng lực chuyên môn về xúc tiến quảng bá du lịch cho cán bộ của các trung tâm xúc tiến du lịch tại các địa phương trong vùng.
Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi sản phẩm du lịch phải đa dạng, nếu chỉ dựa vào lợi thế tĩnh về điều kiện tự nhiên mỗi vùng thì sẽ không tự nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình trong thị trường du lịch khu vực và quốc tế cho dù sở hữu điểm đến rất có tiềm năng du lịch. Trong khi đó, ở nước ta, mỗi vùng đều có thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn lực phát triển, tiềm năng du lịch nên việc liên kết phát triển ngành du lịch không chỉ nằm trong phạm vi hẹp của các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ với nhau, mà cần có sự kết nối với các vùng trong cả nước và khu vực để khai thác tiềm năng du lịch sẵn có; ngoài phát huy nội lực, vấn đề liên kết vùng, miền, khu vực cần được triển khai bài bản, chặt chẽ hơn từ chính các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch.
Thứ ba, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch. Rà soát, xây dựng và điều chỉnh các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phù hợp với đặc trưng vùng, có cơ chế mở để cho các địa phương vận dụng phù hợp với từng địa bàn cụ thể; có chính sách ưu tiên cho các địa phương còn khó khăn, chưa đủ năng lực phát triển du lịch. Đồng thời, tăng cường trao đổi kinh nghiệm về phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng. Phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc khai thác tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch, xây dựng chương trình du lịch và thống nhất về nội dung, hình thức của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
Thứ tư, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh trao đổi, phối hợp và hỗ trợ cung cấp dịch vụ giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn vùng, đặc biệt là liên kết cung cấp dịch vụ giữa các công ty lữ hành với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, vận chuyển khách... trong việc đón, phục vụ khách du lịch. Mở rộng và tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng (trong nước, khu vực và quốc tế), liên kết giữa các địa phương trong vùng; hợp tác, liên kết giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực liên quan, đặc biệt với công an, các đơn vị quốc phòng để bảo đảm an toàn cho khách du lịch, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.
Thứ năm, Các địa phương, các vùng tạo được sự kết nối hiệu quả; liên kết trong xúc tiến, quảng bá điểm đến; liên kết trong thiết kế sản phẩm, trong tổ chức phục vụ khách, xây dựng chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình cung cấp cho du khách,.. sẽ tăng được sức cạnh tranh, phát triển theo chiều sâu và nâng tầm thương hiệu cho ngành du lịch của từng địa phương nói riêng và toàn vùng nói chung. Làm tốt sự kiên kết, hỗ trợ cho nhau, sẽ giải quyết và làm rõ được những lợi thế cạnh tranh của du lịch vùng Đông Nam Bộ nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung trước sự cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay./.
Phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội  (11/12/2018)
Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố chín Luật  (11/12/2018)
Đảng ủy Binh chủng Tăng thiết giáp tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XII  (11/12/2018)
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về công tác thanh niên  (11/12/2018)
Tác động của toàn cầu hóa đến an ninh văn hóa và ứng phó của Việt Nam  (11/12/2018)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 03 đến 09-12-2018)  (11/12/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên