Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29-01 đến ngày 04-02-2018
Tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về tổ chức sắp xếp, tinh giản bộ máy từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã xác định nhiệm vụ "Tổ chức bộ máy Chính phủ tinh gọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ" là nhóm nhiệm vụ chủ yếu đầu tiên trong 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành.
Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm đồng bộ, tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; phân định nhiệm vụ của các bộ, ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp; không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn. Đẩy mạnh tinh giản biên chế, tập trung chỉ đạo, xử lý những sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch; trong đó đã xử lý nghiêm một số cán bộ lãnh đạo và công khai kết luận, tạo niềm tin trong Nhân dân. Từ năm 2015 đến nay đã tinh giản được trên 30 nghìn người. Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; đã xử lý nghiêm nhiều vi phạm.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tổ chức tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trên tinh thần xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân. Tiếp tục phân cấp, phân quyền hợp lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Thực hiện nghiêm Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Các bộ, ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, bảo đảm tính thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng văn hóa công sở và ý thức chấp hành các quy định về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; triệt để phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm. Rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong từng cơ quan, đơn vị; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm. Nghiên cứu, xây dựng phương án cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội phù hợp.
Hoàn thiện thể chế, chính sách thuế đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập
Chiều 31-01, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Thuế.
Năm 2017, ngành thuế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách, gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Nhờ đó, kết quả thu ngân sách Nhà nước của Tổng cục Thuế ước đạt 1.019.041 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán, tăng 11,5% so với năm 2016. Tổng cục đã đôn đốc, thu nợ đọng được 44.773 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,5% tổng số tiền thuế nợ thời điểm 31-12-2016 chuyển sang; tiến hành trên 103 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, giúp tăng thu 19 nghìn tỷ đồng.
Ngành thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục duy trì tốt dịch vụ kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Đến nay đã có 127/336 thủ tục hành chính thuế được cung cấp trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 3 và 4. Cụ thể 99,7% số doanh nghiệp tham gia dịch vụ khai thuế điện tử. Trên 97,5% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cải cách chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế chính là một yếu tố quan trọng đánh giá môi trường kinh doanh nước ta. Do đó, vai trò của ngành thuế rất quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động.
Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập của ngành thuế như: Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư diễn biến còn chậm, còn sự phức tạp, gây khó khăn cho người nộp thuế. Trong nhiều năm qua, chính sách thuế thay đổi quá nhanh, quá nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta phải đảm bảo một chính sách thuế ổn định hơn, tư duy làm chính sách thuế rất phức tạp, khó khăn.
Theo Thủ tướng, “chính sách thuế vẫn theo tư duy có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, chưa hướng đến bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế” trong khi đó hoàn toàn có thể mở rộng cơ sở thuế sang các hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng…
Thủ tướng yêu cầu ngành thuế phải phấn đấu tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa; bảo đảm tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi ngân sách nhà nước.
Để hoàn thành chỉ tiêu trên, Thủ tướng đề nghị tiếp tục hiện đại hóa ngành thuế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu khai thuế, nộp thuế, quản lý thuế, từng bước giảm dần sử dụng tiền mặt. Nâng cao chất lượng nhân lực ngành thuế, chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức. Thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, đào tạo cán bộ, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng cục Thuế cần tham mưu, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập. Bảo đảm chính sách được xây dựng ổn định, toàn diện, có sức sống, tránh tình trạng thay đổi quá nhanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân và phải tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Xây dựng chính sách phải lấy người nộp thuế làm trung tâm, đối tượng phục vụ, quan tâm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Khi thiết kế chính sách thuế chú trọng mở rộng cơ sở thuế thay vì tăng thuế suất ngay cả khi bắt buộc phải tăng thuế suất thì phải kết hợp hài hòa với mở rộng cơ sở thuế.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Gắn liền với đó là yêu cầu quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, gây mất công bằng, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn tiến tới sớm hơn nữa thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh sử dụng các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ khi bán hàng hóa, dịch vụ.
Thủ tướng chỉ đạo khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu đáng lo ngại ở một bộ phận cán bộ thuế. Ngành thuế nên đưa ra thông điệp “Cán bộ ngành thuế nói không với tiêu cực”, Thủ tướng gợi ý và đề nghị đi liền với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ, công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất.
Đến năm 2021, giảm tối thiểu 5.792 đơn vị sự nghiệp công lập và 205.369 biên chế
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII yêu cầu thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với đổi mới hệ thống chính trị và cải cách hành chính, đồng thời có lộ trình và bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 với mục tiêu, lộ trình và bước đi cụ thể.
Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2021, giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.792) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 205.369) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; có 10% (bằng 5.792) đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015; hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học); hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.213) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 184.832) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập;...
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương nhằm giảm mạnh đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, trong đó xác định chỉ tiêu giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập cho từng năm theo nguyên tắc: Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại; cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập; đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học); trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập, thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu), hoàn thành trong quý I-2019.
Chính phủ cũng yêu cầu không quy định việc thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật không thuộc lĩnh vực về tổ chức bộ máy; sắp xếp lại các cơ quan báo chí thuộc và trực thuộc theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đã được Bộ Chính trị khóa XI thông qua và Kế hoạch của Chính phủ; chuyển hầu hết các nhà xuất bản sang đơn vị sự nghiệp công lập có thu, trường hợp thật sự cần thiết, đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì cho phép chuyển sang công ty TNHH nhà nước một thành viên 100% vốn Nhà nước, hoàn thành trong quý IV-2019.
Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị sự nghiệp về an toàn thông tin. Tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công nghệ thông tin khác có quy mô nhỏ, hoạt động không hiệu quả, không phục vụ quản lý nhà nước hoặc hoạt động trong lĩnh vực đã xã hội hóa cao. Rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập bưu chính, viễn thông tinh gọn, nâng cao năng lực hoạt động để đáp ứng yêu cầu phục vụ quản lý nhà nước, hoàn thành trong quý IV-2019.
Tổ chức lại các cơ sở trợ giúp xã hội theo hướng hỗ trợ chăm sóc phục hồi chức năng, trợ giúp các nhóm đối tượng dựa vào cộng đồng. Hợp nhất các trung tâm bảo trợ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành trung tâm bảo trợ đa chức năng, hoàn thành trong quý IV-2019.
Chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học), nhất là đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác; không tách, điều chuyển các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và khám, chữa bệnh trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi các tập đoàn, tổng công ty này thực hiện cổ phần hóa, thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành vào quý IV-2021.
Long An: Năm 2018 sẽ gắn kiểm tra công tác cải cách hành chính với thanh tra, kiểm tra công vụ
Ngày 01-02, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018, Giám đốc Sở Nội vụ Long An Nguyễn Văn Bon nhấn mạnh: Năm 2018, ngành nội vụ tỉnh phát huy tính chủ động, sáng tạo của công chức, viên chức trong công tác chuyên môn gắn với thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngành nội vụ tỉnh Long An tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương 4 (khoá XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Cùng với đó, ngành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chế, quy định cho phù hợp với thực tế; tiếp tục kiện toàn bộ máy, quy hoạch, bố trí công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu cơ cấu, vị trí việc làm, đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao…
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đánh giá cao những nỗ lực của ngành thời gian qua. Cụ thể, Sở Nội vụ xây dựng các Đề án sắp xếp tinh gọn cơ cấu tổ chức bên trong các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách, việc phân cấp quản lý, sử dụng, bổ nhiệm… đối với cán bộ công chức, viên chức.
Chủ tịch Trần Văn Cần đề nghị trong năm 2018, ngành nội vụ tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác thông tin truyên truyền cải cách hành chính; tăng cường kiểm tra công tác cải cách hành chính gắn với thanh tra, kiểm tra công vụ. Ngành nghiên cứu đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính; theo dõi, đôn đốc các sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện đưa tất cả thủ tục hành chính vào giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đặc biệt, đầu quý II năm 2018, ngành tham mưu triển khai các Đề án tinh giản tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII)./.
Nóng bỏng năm 2017, trước thềm Xuân 2018: Nguyện không hổ thẹn với lịch sử, quyết không phụ sự tin cậy, ủy thác của Nhân dân  (05/02/2018)
Chủ tịch Quốc hội thăm và trao quà Tết tặng bệnh nhi ung thư  (05/02/2018)
Hội nghị SOM trù bị cho Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN  (05/02/2018)
Liên đoàn Lao động các địa phương chăm lo Tết cho công nhân lao động  (05/02/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên