Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 30-01 đến ngày 05-02-2017)

Nhân Hòa (tổng hợp từ TTXVN, TCCSĐT)
22:23, ngày 06-02-2017

TCCSĐT - Thủ tướng: Chủ trương 1, biện pháp 10, chỉ đạo 20 thì mới thành công; Thủ tướng dự khai hội Gò Đống Đa; Chủ tịch nước kêu gọi nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự lễ kỷ niệm 1977 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Lễ công bố và trao giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ Nhất; Bí thư Hà Nội: Việc bảo vệ cây xanh chưa được quan tâm đầy đủ; Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng hương khai Xuân tại Hoàng thành Thăng Long… là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, chúc Tết tỉnh Quảng Ngãi

Ngày 30-01, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn công tác đến thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ngãi nhân dịp Xuân mới Đinh Dậu 2017.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi thực hiện trong năm 2016, mong muốn địa phương có những bước tiến vượt trội trong năm 2017 và những năm kế tiếp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, tỉnh Quảng Ngãi phải đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối, giao lưu với các tỉnh láng giềng như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định để cùng nhau vực dậy nền kinh tế khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tỉnh cần phải có thêm nhiều chính sách ưu đãi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án lớn; phải để ngành công nghiệp có chỗ đứng trên địa bàn, diện tích lấp đầy của các khu công nghiệp, khu kinh tế còn rất lớn, nhưng phải bảo đảm yếu tố môi trường. Tỉnh nên chú trọng về các loại hình dịch vụ, có động thái cụ thể kéo khách du lịch về với Quảng Ngãi để theo kịp các tỉnh lân cận.

Thủ tướng: Chủ trương 1, biện pháp 10, chỉ đạo 20 thì mới thành công


Sáng 31-01 (tức mùng 4 Tết Đinh Dậu), Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Phát biểu với cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, chúc mừng và đánh giá cao các thành tựu kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đạt được trong năm 2016. Đặc biệt, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng du lịch.

Nhân dịp Xuân Đinh Dậu, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế một năm mới với nhiều thắng lợi mới trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng nói: "Tôi tin rằng với truyền thống cách mạng kiên cường và đặc biệt là những kết quả quan trọng trong thời gian qua, nhất là trong năm 2016, nhất định Thừa Thiên-Huế có bước phát triển toàn diện hơn nữa, cao hơn nữa, để Thừa Thiên- Huế góp phần cùng cả nước phát triển mạnh mẽ. Năm con gà, gà phải cất tiếng gáy sớm. Cùng với các tỉnh miền Trung, Thừa Thiên-Huế phải 'gáy' sớm hơn. Chủ trương 1, biện pháp 10, chỉ đạo 20 thì mới thành công. Chính đội ngũ cán bộ chủ chốt ở đây là những người làm nên cuộc cách mạng ấy ngay trong năm 2017 này".

Thủ tướng dự khai hội Gò Đống Đa

Ngày mùng 5 Tết Đinh Dậu (tức ngày 01-02-2017), tại Hà Nội, Lễ hội Gò Đống Đa kỷ niệm chiến thắng đánh tan hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh cách đây 228 năm đã được tổ chức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và thành phố Hà Nội tới dự và dâng hương kỷ niệm.

Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa năm 1789 đã đi vào lịch sử dân tộc, ghi dấu công tích vang dội của Hoàng đế Quang Trung cùng tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn và những người con đất Việt đã anh dũng chiến đấu, hy sinh chống giặc ngoại xâm, giải phóng Kinh thành Thăng Long xưa, góp phần làm nên Hà Nội nghìn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình ngày nay.

Trong diễn văn kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đống Đa Nguyễn Song Hào ôn lại, mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, ngày này cách đây đúng 228 năm, trên mảnh đất lịch sử này, nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung-Nguyễn Huệ, đã hành quân thần tốc, táo bạo tiến công vào Kinh thành Thăng Long và đỉnh cao là trận chiến sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu, đánh tan hơn 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, Kinh thành Thăng Long được giải phóng, đất nước trở lại bình yên.

Từ đó, ngày mùng 5 tháng Giêng hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm truyền thống thiêng liêng, trọng đại, có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với nhân dân cả nước nói chung và nhân dân quận Đống Đa nói riêng. Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa là sự hội tụ, phát huy tinh thần yêu nước, yêu độc lập, tự do nghìn đời của dân tộc Việt Nam, của truyền thống đoàn kết, dũng cảm, ý chí quật cường không cam chịu sống kiếp đời nô lệ.

Chủ tịch nước kêu gọi nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng

Trong không khí những ngày đầu Xuân mới, sáng 02-02-2017, tại Khu vực phục hồi môi trường của Công ty cổ phần Than Đèo Nai (Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam) - phường Cẩm Sơn, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Đinh Dậu 2017.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới dự và đánh trống phát động Tết trồng cây. Phát biểu tại lễ trồng cây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: Hơn 57 năm trước, ngày 28 tháng 11 năm 1959, với tầm nhìn chiến lược, Bác Hồ đã viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân dân, phân tích sâu sắc ý nghĩa của việc trồng cây đối với đất nước, với mỗi gia đình, mỗi người dân và kêu gọi toàn dân tham gia “Tết trồng cây”, một việc “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”, “một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia.”

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, từ đó đến nay, cứ mỗi độ xuân về, nhân dân ta lại nô nức tổ chức Tết trồng cây làm theo lời Bác. Tết trồng cây đã trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những ngày vui Xuân, đón Tết. Phong trào trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả, góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý, trong bối cảnh trái đất có xu hướng nóng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng đe dọa cuộc sống con người trên trái đất, đòi hỏi phát triển kinh tế bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường, trở thành yêu cầu sống còn với mọi quốc gia, việc trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa to lớn và hết sức quan trọng.

Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu gọi các tầng lớp nhân dân cả nước hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây; trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, trồng cây chắn gió, bảo vệ đê, chống xói mòn đất, chống cát bay; trồng cây trong thôn xóm, dọc đường giao thông nông thôn, vùng ven biển, biên giới, trên các hải đảo, vùng đất trống, đồi trọc… phù hợp với điều kiện của từng nơi, từng vùng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, đi cùng với việc hăng hái tham gia trồng cây trồng rừng, các tầng lớp nhân dân phải nâng cao ý thức trách nhiệm và có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Làm tốt điều này là làm theo lời dạy của Bác, vừa góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nhân dân, vừa giữ gìn môi trường sống cho muôn đời con cháu.

Đã có lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam

Hôm nay, 02-02-2017, trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam và đặt ra các bài toán về phát triển lĩnh vực quan trọng này. Tham dự lễ khởi động có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố phía Bắc và lãnh đạo tỉnh Hà Nam.

Cho rằng đây là một mô hình tốt về nông nghiệp mà các địa phương cần học tập, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề "nền nông nghiệp hiện nay của Việt Nam như thế nào?”. Thủ tướng bày tỏ trăn trở khi nền nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế - bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất còn lớn, sử dụng nhiều nước tưới và các đầu vào khác, do đó, hiệu quả sản xuất, đời sống của người nông dân còn thấp.

Nêu tiếp câu hỏi “Giải bài toán nông nghiệp Việt Nam bằng cách nào?”, Thủ tướng cho rằng, hôm nay đã có lời giải đáp thông qua sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mà Thủ tướng vừa nhấn nút khởi động. Giải bài toán này có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã chất lượng cao làm nông nghiệp. “Chính vì vậy, chúng ta khuyến khích khởi nghiệp trong nông nghiệp, áp dụng điện toán đám mây vào nông nghiệp để có một nền nông nghiệp thông minh ở Việt Nam. Các đồng chí thấy nhà kính, nhà lưới đang mọc lên ở tỉnh Hà Nam này”, Thủ tướng nói.

Lời giải nữa là mở rộng hạn điền trong nông nghiệp, tích tụ ruộng đất mạnh mẽ hơn. Chuyển giao khoa học công nghệ mạnh mẽ vào nông nghiệp. Phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng nhấn mạnh, phải nâng gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để làm vấn đề này.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực từ nông dân để làm nông nghiệp công nghệ cao phải được tập trung đầu tư phát triển, không để tồn tại mãi hình ảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau". Mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự lễ kỷ niệm 1977 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Sáng 02-02-2017 (tức mùng 6 Tết Đinh Dậu), lễ kỷ niệm 1977 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2017 đã được tổ chức trọng thể tại di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo nhiều cơ quan trung ương, thành phố Hà Nội và đông đảo nhân dân đã tham dự.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định: Tinh thần quật khởi của Hai Bà Trưng đã đem lại cho đất nước một nền độc lập, tự chủ dù chỉ tồn tại trong ba năm nhưng đã hun đúc, rèn giũa ý chí, sức sống của một dân tộc anh hùng “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “còn cái lai quần cũng đánh”, “phong trào đồng khởi”, “đội quân tóc dài” một thời đã làm cho quân thù phải khiếp sợ, để thấy ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là vô cùng vĩ đại.

Tiếng vang của cuộc khởi nghĩa còn lưu mãi sử sách. Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa của Hai Bà để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, đó là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, trong đó có sức mạnh trí tuệ, tinh thần quật khởi của phụ nữ Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Lễ Tịch điền Đọi Sơn 2017

Trong không khí những ngày đầu năm mới, sáng 3-2 (mùng 7 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại cánh đồng xã Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã long trọng tổ chức Lễ Tịch điền Đọi Sơn 2017.

Năm 2017, kỷ niệm 1030 năm (987-2017) Vua Lê Đại Hành về cày ruộng tịch điền khuyến khích nhân dân sản xuất nông nghiệp, mở ra điển lễ để các đời sau noi theo. Nhân dịp này, tỉnh Hà Nam tổ chức trọng thể lễ đón nhận Bằng công nhận Lễ Tịch điền Đọi Sơn là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang về dự Lễ và thực hiện nghi lễ cày tịch điền, khai mở một mùa vụ mới với mong ước mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, đất nước phồn thịnh. Cùng dự lễ có các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam cùng một số địa phương.

Phát biểu tại Lễ Tịch điền, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong hàng nghìn lễ hội truyền thống diễn ra khắp các vùng miền cả nước, Lễ Tịch điền tổ chức hằng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, được Nhà nước ghi danh “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Tịch điền là lễ hội văn hóa mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao tinh thần trọng nông, vai trò của nhà nông “Dĩ nông vi bản”, “Phi nông bất ổn”. Trong những ngày đầu Xuân ấm áp, tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày thẳng tắp đã trở nên quen thuộc, thúc giục người dân các địa phương bước vào vụ mới, xuống đồng sản xuất nông nghiệp và mang về mùa vàng bội thu.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đại biểu lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam thực hiện nghi lễ tịch điền và trực tiếp phát động cơ giới hóa nông nghiệp bằng nghi thức cày máy, động viên, khích lệ các địa phương trong cả nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Lễ công bố và trao giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ Nhất

Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tối 03-02-2017, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam đồng tổ chức Lễ công bố và trao giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ nhất năm 2016.

Tới dự Lễ trao giải có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Dự buổi lễ còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương.

Giải Búa liềm vàng là giải báo chí có ý nghĩa chính trị sâu sắc nhằm tuyên truyền về Đảng, góp phần thúc đẩy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi quan liêu, tham nhũng, lãng phí tiêu cực; đáp ứng nguyện vọng và tâm huyết đối với công tác xây dựng Đảng của các nhà báo, cán bộ, đảng viên và đồng bào ta trên mọi miền đất nước. Giải Búa liềm vàng lần thứ nhất năm 2016 do Ban Tổ chức Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phát động nhân kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2016).

Tổng kết Lễ trao Giải Búa liềm vàng lần thứ nhất, đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, sau gần 6 tháng triển khai, cơ quan thường trực giải đã tiếp nhận tổng số 1.173 tác phẩm báo chí gửi về tham dự giải. Trong đó, có 704 tác phẩm báo in, 108 tác phẩm báo điện tử, 84 tác phẩm phát thanh, 266 tác phẩm truyền hình và 11 tác phẩm ảnh báo chí. Hầu hết các cơ quan báo chí lớn ở trung ương, báo và đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố, nhiều cơ quan báo chí trong Đảng bộ Quân đội và Công an, đặc biệt là các báo, tạp chí của Đảng đều tích cực tham gia giải. Một số tác phẩm đã tạo ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc và khán thính giả, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội…

Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư cho rằng: Sự nghiệp cách mạng của Đảng trong 87 năm qua đã đúc kết bài học quý giá: xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt. Trong tiến trình đổi mới đất nước, vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng ngày càng được khẳng định và nâng cao. Nhìn lại quá trình lịch sử, nhất là trong 30 năm đổi mới vừa qua, nền báo chí cách mạng nước nhà đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, cả trên phương diện tổng kết thực tiễn và nghiên cứu, phát triển lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.

Hoan nghênh Ban Tổ chức Trung ương, Tạp chí Cộng sản và Đài Truyền hình Việt Nam đã đồng chủ trì tổ chức Giải Búa liềm vàng, đồng thời chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả dự giải, đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định: hơn 1.400 nhà báo dự giải, với 1.173 tác phẩm báo chí dự thi và 47 tác phẩm được trao giải, 10 tập thể cơ quan báo chí trong cả nước được khen tặng lần này là kết tinh tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của những người làm báo nước nhà đã viết nên những tác phẩm báo chí chân thật với những thông tin sôi động mang hơi thở của cuộc sống, của sự nghiệp xây dựng Đảng.

Tại Lễ trao Giải, Ban Tổ chức đã trao 3 giải A, 7 giải B, 12 giải C và 25 giải Khuyến khích. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức cũng chọn ra 10 cơ quan báo chí, truyền hình tiêu biểu ở các địa phương có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực trong công tác tổ chức giải để tặng Bằng khen.

Phó Chủ tịch nước tham gia Tết trồng cây tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 03-2, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tham dự lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức tại Kho Kỹ thuật tổng hợp 102 thuộc Cục Kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ở thị trấn Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch nước hoan nghênh lực lượng bộ đội Biên phòng đã đồng loạt ra quân trồng 150.000 cây xanh ở tuyến biên giới, hải đảo, góp phần giữ gìn môi trường sống và phát triển kinh tế ở các địa phương.

Tại Kho Kỹ thuật Tổng hợp 102, Phó Chủ tịch nước cùng hơn 500 cán bộ, chiến sỹ và đoàn viên thanh niên các dân tộc thị trấn huyện Cao Phong đã trồng 2.000 cây mít để phủ xanh doanh trại.

Bí thư Hà Nội: Việc bảo vệ cây xanh chưa được quan tâm đầy đủ

Sáng 04-02, tại nút giao phía Nam đầu cầu Nhật Tân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung cùng đại diện các cơ quan hữu quan của thành phố dự Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh cách đây hơn 57 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trồng cây tại Công viên Thống Nhất, mở đầu cho Tết trồng cây của dân tộc.

Thực hiện lời dạy của Người, Tết trồng cây đã được phát động hằng năm, thu hút đông đảo đồng bào cả nước tham gia và trở thành truyền thống, nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam và Thủ đô Hà Nội mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Ghi nhận những kết quả đạt được trong phong trào Tết trồng cây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng việc trồng cây xanh hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu tiêu chuẩn về độ che phủ, bảo đảm cân bằng cho hệ sinh thái. Việc bảo vệ cây xanh chưa được quan tâm đầy đủ, vẫn còn xảy ra cháy rừng, chặt hạ cây xanh trái phép trên địa bàn thành phố.

Với mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng "xanh-văn hiến-văn minh và hiện đại" nhằm huy động sức mạnh và sự chung tay của cả cộng đồng trong việc phát triển cây xanh đô thị, Hà Nội tập trung các nguồn lực xã hội để từng bước hiện thực hóa chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố.

Chủ tịch nước tham gia vòng xòe đại đoàn kết và các trò chơi dân gian

Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân mới, sáng 04-02 (mùng 8 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2017. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu những nét văn hóa, phong tục đặc sắc của 54 dân tộc anh em trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự, chúc Tết cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trong tiết đầu Xuân mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ vui mừng gặp mặt các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tiêu biểu đại diện các dân tộc, vùng miền và đồng bào ở nước ngoài về quê hương ăn Tết trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc", được tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gửi tới đồng bào lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng Năm mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đồng bào ta, dù là người già hay người trẻ, dù nơi đồng bằng hay miền núi, dù ở biên giới hay hải đảo, dù ở trong nước hay ngoài nước, dù khác nhau về tín ngưỡng, tôn giáo nhưng đều một lòng hướng về nguồn cội, về đất nước, về dân tộc, về gia đình. Đây là truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Trong không khí ngày hội văn hóa đặc sắc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham gia vòng xòe đại đoàn kết các dân tộc đầu Xuân cùng toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam tham dự ngày hội; tham gia trò chơi dân gian ném còn tại sân làng dân tộc Thái tỉnh Điện Biên.

Đẩy nhanh tiến độ 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Hà Nội mà còn với cả nước. Chính phủ đã và đang nỗ lực để cùng với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sử dụng nhằm giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu ý kiến nói trên khi đi kiểm tra hiện trường và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, TP. Hà Nội nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội sáng ngày 04-02.

Phó Thủ tướng đã đi kiểm tra công trình nhà ga La Khê trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông; công trình nhà ga số 2 trước khi làm việc tại khu vực ga Deport tuyến Nhổn - Ga Hà Nội. Tại buổi làm việc, cả hai Ban Quản lý dự án đường sắt đều kiến nghị Chính phủ giải quyết những vướng mắc về vốn để bảo đảm dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ.

Trước vấn đề bức xúc về ùn tắc giao thông, ngay trong những ngày trước Tết Nguyên đán vừa qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ đã làm việc trực tiếp với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để chỉ đạo các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn. Theo đó, trước mắt cần tổ chức giao thông tốt hơn, có biện pháp giảm phương tiện cá nhân đi vào các khu vực dễ ùn tắc. Về dài hạn, phải đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Đặc biệt, việc triển khai hệ thống đường sắt đô thị là một trong những giải pháp quan trọng, có tính ổn định bền vững, lâu dài.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để xây dựng được hệ thống đường sắt đô thị cần nguồn lực rất lớn. Với 8 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch của Hà Nội, tính trung bình khoảng 2.200 - 3.000 tỷ đồng/km sẽ tốn khoảng 890.000 tỷ đồng (40 tỷ USD).

Vì vậy, việc sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội.

Ngành giáo dục cần tập trung đào tạo “công dân toàn cầu”

Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân mới, chiều 04-02 (mùng 8 tháng Giêng năm Đinh Dậu), tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo (Hà Nội), Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới thăm làm việc, chúc Tết tập thể cán bộ, nhà giáo, công chức, viên chức ngành giáo dục.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc ngành giáo dục ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đạt được những thành tích to lớn, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nói chuyện với các cán bộ, nhà giáo, công chức, viên chức ngành giáo dục, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đây là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả, thành tích xuất sắc mà ngành giáo dục đã đạt được trong năm vừa qua. Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy truyền thống “Tiên học lễ, hậu học văn,” giáo dục nâng cao tri thức đi cùng với tập trung giáo dục nhân cách, giáo dục thể chất.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặc biệt lưu ý ngành giáo dục tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những “công dân toàn cầu” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ nano, tự động hóa, điện tử viễn thông, vật liệu mới, lưu trữ năng lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng hương khai Xuân tại Hoàng thành Thăng Long

Sáng 05-02 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng năm Đinh Dậu), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức lễ dâng hương khai Xuân Đinh Dậu 2017 tại Hoàng thành Thăng Long. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng nhiều lãnh đạo Trung ương và Hà Nội đã đến dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, các bậc hiền tài có công với đất nước.

Sau khi thực hiện nghi lễ dâng hương tại khu vực thềm Rồng điện Kính Thiên khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham gia nghi lễ thả chim phóng sinh.

Lễ dâng hương khai Xuân gồm nhiều nghi thức truyền thống như rước kiệu, dâng hương, tế lễ và nhiều hoạt động văn hóa dân gian như múa Rồng, trống hội. Ngay từ sáng sớm, đoàn rước kiệu gồm 4 kiệu võng và 1 kiệu hóa với sự tham gia của hơn 300 người được tập kết tại sân Đoan Môn, tiến vào sân Rồng điện Kính Thiên, dâng lễ lên điện Kính Thiên theo đúng nghi thức truyền thống. Kiệu thánh được rước từ 4 ngôi đền, đình thời Linh Lang Đại Vương, vị thần trấn Tây kinh thành Thăng Long, tương truyền đã có công giúp vua Lý đánh giặc ngoại xâm. Đó là đền Voi Phục (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ), đình đền Hào Nam (quận Đống Đa), đình Cống Vị và đình Kim Mã Thượng (đều thuộc quận Ba Đình).