Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 12 đến ngày 18-9-2016
Cải cách thuế: Thay đổi từ tư duy
Tại Hội thảo "Cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thuế" do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 15-9, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Kinh tế Quản lý Trương ương (Ciem), cho biết về phản hồi của doanh nghiệp. Khi Ciem đi khảo sát, doanh nghiệp đều có phản hồi rằng đã cảm nhận rõ rệt những thay đổi về thể chế của ngành thuế”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, vẫn còn ý kiến trái chiều, nguyên nhân là do độ “trễ” giữa chính sách và thực tiễn. Mặt khác, lý do chính khiến doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng là khi thống kê những thay đổi, chúng ta mới chỉ nhắc đến hai loại thuế Thu nhập doanh nghiệp và thuế GTGT, trong khi đó doanh nghiệp còn phải thực hiện nhiều loại thuế khác nữa. Đó là lý do khiến họ chưa thực sự cảm nhận được những đổi mới của chính sách được áp dụng triệt để vào thực tiễn.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cũng cho rằng, lâu nay xếp hạng cải cách hành chính của thuế luôn nằm trong top thấp của khu vực là do thuế luôn đi đôi với Bảo hiểm xã hội. Thực tế cho thấy, số tiền mà doanh nghiệp phải dành cho 2 loại chi phí này khá cao, tuy nhiên phần lớn vẫn thuộc về bảo hiểm xã hội (chiếm tới 26% thu nhập của doanh nghiệp) nên đôi khi thuế vẫn phải mang tiếng “oan” trong việc làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. “Việc giảm chi phí bảo hiểm xã hội là điều không thể. Cho nên cải cách thuế chính là động lực để động viên doanh nghiệp, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho họ để họ bứt phá”, bà Cúc chia sẻ.
Để những cải cách về thuế góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đều cho rằng, điều quan trọng cần làm ngay đó chính là nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin, tạo cơ sở dữ liệu để chia sẻ và kết nối thông tin với các cơ quan như bảo hiểm xã hội, cơ quan đăng kí kinh doanh. Ngoài ra, cũng cần thiết phải cải cách thủ tục hành chính của quy trình kê khai, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cùng với đó thay đổi quy trình trong hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra và giải quyết các khâu khiếu nại thuế. Quan trọng không kém đó chính là nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ thuế.
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, ngành Thuế đã thực hiện nhiều cải cách thủ tục hành chính thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu ASEAN-4 (top 4 các nước ASEAN về thời gian và thủ tục nộp thuế), và đặc biệt là ASEAN-3 vào cuối năm 2020, những nỗ lực trong thời gian vừa qua là chưa đủ. Ngành Thuế sẽ phải thực sự thay đổi về tư duy trong cách làm việc cũng như học hỏi kinh nghiệm của các nước tiến bộ trên thế giới, từ đó rút kinh nghiệm cho những cải cách thể chế thời gian qua. Phấn đấu đưa Việt Nam vươn tới top cao các nước có hệ thống thuế phát triển trong khu vực.
Hà Tĩnh: Nhiều ngành, địa phương còn lúng túng trong cải cách hành chính
Nhận thức về công tác cải cách hành chính có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính như xây dựng, thực hiện kế hoạch, bố trí kinh phí... Trong khi đó, nhìn chung, nhận thức về công tác cải cách hành chính ở nhiều địa phương, đơn vị còn hạn chế. Đó là nhận định qua kiểm tra cải cách hành chính của tỉnh Hà Tĩnh tại 17 đơn vị.
Là một trong những huyện thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, tuy nhiên, nhiều đơn vị trực thuộc vẫn chưa nhận thức đầy đủ về nội dung cải cách hành chính. Theo phản ánh của Phòng Nội vụ huyện, nhiều lãnh đạo xã nhận thức về cải cách hành chính rất hạn chế; cùng với đó, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin chưa tốt nên thực hiện cải cách hành chính, kiểm soát công việc còn bất cập.
Không chỉ tại Thạch Hà mà hầu hết các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh còn thể hiện những hạn chế trong nhận thức về cải cách hành chính, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng bộ máy, hiệu quả giải quyết công việc.
Tại Xuân Mỹ (Nghi Xuân), đoàn đánh giá: “Việc ban hành kế hoạch còn chung chung, chưa có kinh phí thực hiện và khung kế hoạch gắn với sản phẩm đầu ra, chưa bám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của xã. Chất lượng các kế hoạch còn hạn chế. Việc ban hành quy chế chi tiêu nội bộ của xã chưa theo đúng quy định”.
Tại Sơn An (Hương Sơn), đoàn nhận xét: “Kế hoạch cải cách hành chính ban hành không đúng thời gian quy định; nội dung trong kế hoạch chưa bám sát các nội dung trọng tâm của UBND tỉnh trong thực hiện cải cách hành chính năm 2016. Chưa có văn bản phân công nhiệm vụ của lãnh đạo UBND xã nên chưa xác định được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện cải cách hành chính. Các kế hoạch trong lĩnh vực cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính chưa đạt yêu cầu”.
Đáng nói hơn, ngoài cấp xã, đơn vị cấp huyện và các sở, ban, ngành, các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn cũng cho thấy nhận thức chưa toàn diện về cải cách hành chính. Điều đó được thể hiện trong việc xây dựng kế hoạch, thực hiện các nội dung trong chương trình cải cách hành chính. Tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đoàn kiểm tra cho rằng: “Đơn vị chưa xác định được nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong cải cách hành chính theo nghị quyết đại hội Đảng và chỉ đạo của UBND tỉnh. Chất lượng các kế hoạch về cải cách hành chính nhìn chung chưa cao, chưa bám sát hướng dẫn xây dựng kế hoạch của tỉnh. Chất lượng một số văn bản chỉ đạo điều hành, triển khai các nhiệm vụ trong thực hiện cải cách hành chính còn hạn chế,…”.
Ông Trần Đình Trung - Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ) cho biết: “Công tác cải cách hành chính được các sở, ngành, địa phương thực hiện khá quyết liệt. Tuy nhiên, nhận thức về công tác này chưa đầy đủ. Một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, kể cả một số ban, ngành cấp tỉnh còn hiểu một cách đơn giản, cải cách hành chính là giải quyết thủ tục hành chính. Trong khi đó, chương trình cải cách hành chính khá toàn diện, bao gồm nhiều nội dung rất quan trọng”.
Thực trạng nêu trên đang là hạn chế trong nỗ lực cải thiện sự hài lòng của người dân vào chính quyền. Thực trạng ấy cũng tác động không nhỏ tới việc nhận thức về tinh thần, các bước thực hiện Kết luận 05-KL/TU ngày 29-6-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Một số chủ trương nâng cao năng lực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị”.
Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển
Tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương các cấp tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao. Đặc biệt là nâng cao tinh thần phục vụ công dân, phục vụ doanh nghiệp. Vĩnh Phúc sẽ quyết tâm xử lý những cán bộ, công chức... gây phiền hà, hách dịch khi giải quyết các công việc với người dân nói chung.
Tỉnh đề ra các mục tiêu cơ bản, đó là: Đẩy mạnh cải cách thể chế và thủ tục hành chính theo hướng gọn nhẹ, đơn giản, giảm chi phí cho các tổ chức, cá nhân. Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Thủ tục hành chính được cải cách cơ bản, bảo đảm sự hài lòng của người dân và các doanh nghiệp đối với việc cung cấp các dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước và của các đơn vị sự nghiệp công lập đạt mức từ 81- 85%. Tập trung kiện toàn, sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tránh sự chồng chéo, bỏ trống, hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị. Phân định rõ ràng, hợp lý trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Vĩnh Phúc đã và đang tổ chức thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ, năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ, chuyên nghiệp hoá, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Bảo đảm 100% các cơ quan hành chính nhà nước có cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; 100% cán bộ công chức cấp xã đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Hiện đại hoá, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong quản lý điều hành của các cơ quan, đơn vị. Bảo đảm 100% các cơ quan hành chính nhà nước ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã hoàn thành việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại. 100% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trong công việc; hầu hết các giao dịch của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trên môi trường điện tử, ứng dụng kịp thời các phương tiện truyền thông đa phương tiện. Giai đoạn 2016 - 2020 tập trung đổi mới, xây dựng cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.
Những năm qua, Vĩnh Phúc đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, mua sắm trang thiết bị, xây dựng hạ tầng kỹ thuật... nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính và hiệu quả công việc nói chung. Đến nay, 100% các ban Đảng, Đảng ủy trực thuộc, tất cả huyện, thành, thị ủy đã có hệ thống mạng nội bộ kết nối mạng diện rộng thông qua đường truyền tốc độ cao; tỷ lệ cán bộ chuyên môn cơ quan Đảng cấp tỉnh được trang bị máy tính đạt gần 100%. Đặc biệt, Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử Vĩnh Phúc (vinh phuc.gov.vn) đã hoàn thiện là một kênh thông tin phong phú, đa đạng cung cấp cho nhiều đối tượng có nhu cầu, đang được đông đảo cán bộ, nhân dân đánh giá cao về sự tiện ích. Rất nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp... trên địa bàn Vĩnh Phúc đã quen sử dụng mạng nội bộ, sử dụng tốt hộp thư công vụ, trao đổi thông tin qua hộp thư điện tử cá nhân, tra cứu các chỉ tiêu, các thông tin về kinh tế - xã hội trên niên giám thống kê điện tử, trên công báo điện tử...
Tuyên Quang nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính
Ngày 15-9, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc.
Trong giai đoạn 2016-2020, công tác cải cách hành chính được Tuyên Quang xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện cải cách thể chế, thủ tục hành chính, giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước; thí điểm triển khai mô hình Trung tâm hành chính công tại huyện Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang. Cùng với đó, Tuyên Quang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo tính hiệu quả, kịp thời công khai, minh bạch trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện xã hội hóa và khuyến khích đầu tư theo hình thức công - tư đối với việc cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa, thể thao, các công trình dự án cơ sở hạ tầng; xác định và công bố kết quả cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố hàng năm…
Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80%; 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và 80% cơ quan hành chính cấp xã thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 95% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế qua mạng; tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt 10%...
Trong giai đoạn 2011-2015, công tác cải cách hành chính đã được các ngành, các cấp trong tỉnh Tuyên Quang quan tâm, chú trọng thực hiện; cải cách thủ tục hành chính đã góp phần giảm phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc giao dịch với cơ quan nhà nước… Nhờ vậy, chỉ số thành phần về xây dựng, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được Bộ Nội vụ đánh giá thứ hạng cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 24 bậc (từ 37/63 năm 2012 lên 13/63 tỉnh, thành phố năm 2015); chỉ số thành phần công tác chỉ đạo điều hành thực hiện cải cách hành chính được Bộ Nội vụ đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực, từ 61/63 tỉnh, thành phố năm 2012 lên thứ 37/63 tỉnh, thành phố năm 2015…
Tập huấn cải cách hành chính cho cán bộ công đoàn các tỉnh Khu vực phía Nam
Công đoàn Viên chức Việt Nam phối hợp Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị tập huấn về công tác cải cách hành chính cho gần 150 cán bộ công đoàn các tỉnh thuộc Khu vực phía Nam năm 2016.
Trong thời gian 2 ngày tập huấn, hội nghị được nghe các báo cáo viên Bộ Nội vụ truyền đạt các nội dung chính và giải pháp thực hiện kế hoạch Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ; giới thiệu một số nội dung cơ bản của các Nghị định và Thông tư hướng dẫn về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; những công tác trọng tâm nửa nhiệm kỳ Đại hội IV Công đoàn Viên chức Việt Nam và một số nội dung về Quy chế thi đua khen thưởng của Công đoàn Viên chức Việt Nam…
Phát biểu Khai mạc hội nghị, đồng chí Đào Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa Công đoàn Viên chức Việt Nam và Bộ Nội vụ trong việc tổ chức lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức mới về một số chủ trương, chính sách mới của Nhà nước trong thực hiện cải cách hành chính cho các cán bộ làm công tác công đoàn, góp phần thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, chất lượng công tác, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh./.
Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn  (19/09/2016)
Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn  (19/09/2016)
Chủ tịch nước dự Lễ trao thưởng Quỹ khuyến học Đinh Bộ Lĩnh  (19/09/2016)
Doanh nghiệp Việt kiều tìm cách chinh phục lại thị trường Đông Âu  (18/09/2016)
Gần 10 tỷ USD được cam kết cho cuộc chiến chống AIDS, lao và sốt rét  (18/09/2016)
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên