Cần nhân rộng các mô hình tham gia bảo vệ môi trường của hội phụ nữ cơ sở
TCCS - Từ nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của môi trường đối với đời sống, sức khỏe của con người, nhiều năm qua, công tác bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, được các cấp hội quan tâm, thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo và các mô hình hiệu quả, thiết thực, góp phần cải thiện môi trường xung quanh, nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên, phụ nữ và cộng đồng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đổi mới nội dung, phương thức thực hiện thông qua đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường gắn với các phong trào thi đua. Nhiều cuộc vận động, phong trào bảo vệ môi trường đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai mạnh mẽ, như phong trào “Chống rác thải nhựa” (từ năm 2018) với cam kết tích cực, quyết tâm thực hiện các hoạt động “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” trong toàn hệ thống hội và hội viên, phụ nữ cả nước, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi nilon khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần... Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường được ghi nhận rõ nét trên những nội dung chính sau:
Thứ nhất, với thế mạnh hệ thống 4 cấp của hội từ Trung ương tới cơ sở, cùng với mạng lưới cán bộ hội tới tận chi, tổ, Hội Liên hiệp phụ nữ đặc biệt quan tâm tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động cả về bề rộng lẫn chiều sâu nhằm cung cấp, trang bị các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho cán bộ hội các cấp và hội viên, phụ nữ. Thông qua các hoạt động, sự kiện, chiến dịch truyền thông được các cấp hội tổ chức hàng năm gắn với những vấn đề môi trường của đất nước và địa phương, hội viên, phụ nữ và người dân đã tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức hướng tới thay đổi hành động về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch - Vệ sinh môi trường và hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” luôn được triển khai trên diện rộng, từ cấp Trung ương tới địa phương, đã kêu gọi cán bộ, hội viên, phụ nữ, các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nêu cao ý thức, bằng những hành động cụ thể, thiết thực thực hiện bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, hướng về cơ sở, Trung ương hội đã triển khai nhiều cuộc truyền thông mẫu tại cộng đồng với phương pháp đổi mới, sáng tạo, tăng cường tính tương tác và nhấn mạnh thông điệp hành động bảo vệ môi trường. Tại địa phương, nhiều hình thức phong phú: Hội thảo, tọa đàm, hội thi, sinh hoạt chi hội/tổ phụ nữ, tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình, báo, tờ Thông tin phụ nữ, triển lãm, truyền thông cộng đồng… để chuyển tải nội dung về bảo vệ môi trường tới đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Trung ương hội đã quan tâm xây dựng nhiều sản phẩm, ấn phẩm truyền thông đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau nhằm hỗ trợ cho công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường tại cộng đồng như: phim hoạt hình, các sản phẩm trò chơi tương tác, sách lật, bộ tranh thực hành, sổ tay, cẩm nang dành cho tuyên truyền viên, tờ rơi/tờ gấp dành cho hộ gia đình, quạt/túi/mũ... có thông điệp về bảo vệ môi trường…
Thứ hai, xây dựng, duy trì và nhân rộng rất nhiều mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường tại cộng đồng hiệu quả, thiết thực thông qua vận động và huy động chị em tham gia, đóng góp, khai thác các nguồn lực xây dựng các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường. Đến nay, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang triển khai rất nhiều mô hình bảo vệ môi trường với hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với điều kiện của vùng, miền, góp phần giải quyết các vấn đề của địa phương như: “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Dùng làn đi chợ”, “Thôn phụ nữ xanh - sạch - đẹp”, “Nhà tôi xanh - sạch - đẹp”, “Hộ gia đình không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn” “Phụ nữ sản xuất sạch, tiêu dùng sạch”, “Ngày thứ 7, chủ nhật xanh”, “Gạch sinh thái”, “Phụ nữ xử lý rác thải văn minh - biến rác thành tiền”, “Phụ nữ không sử dụng rác thải nhựa một lần trong sinh hoạt”; “Sử dụng túi, ống hút thân thiện với môi trường”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật”... Trong đó có các điển hình: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình với 1.655 tổ thu gom và xử lý rác thải và 9.460 thành viên; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa với mô hình “Đội phụ nữ xung kích bảo vệ môi trường”, Câu lạc bộ “Phụ nữ với công tác vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm”, “Phụ nữ với vệ sinh môi trường”, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên với mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ môi trường...
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, Trung ương hội đã xây dựng được các mô hình điểm “Phụ nữ sống xanh” tại cộng đồng và các chợ, siêu thị thuộc 6 tỉnh/thành: Hải Phòng, Lâm Đồng, Kiên Giang, Bắc Giang và Thừa Thiên Huế nhằm giúp hội viên, phụ nữ và cộng động được nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi về giảm thiểu túi nilong và rác thải nhựa một lần khi đi chợ, siêu thị, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp vi sinh bản địa (IMO), tích cực trồng cây xanh, xây dựng các tuyến đường hoa.
Thứ ba, coi trọng công tác nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên bảo vệ môi trường, đặc biệt ở cơ sở thông qua các khóa tập huấn hàng năm, hướng dẫn lập kế hoạch hoạt động, thiết kế nội dung và thực thành truyền thông tương tác, tham gia đề xuất các hình thức, mô hình phù hợp tại cộng đồng; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường và thúc đẩy các mục tiêu hoàn thành và duy trì xã nông thôn mới của các địa phương. Các tuyên truyền viên đã tổ chức hàng ngàn cuộc họp nhóm, thôn, bản tuyên truyền vận động, sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ thực hiện bảo vệ môi trường, các nhóm phụ nữ tín dụng - tiết kiệm hỗ trợ, giúp nhau xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường như: trồng cây lấy lá, gấp túi giấy để hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại rác tại nguồn…
Thứ tư, chú trọng phát huy vai trò phụ nữ trong xây dựng, giám sát, phản biện nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của phụ nữ và cộng đồng khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Trong quá trình tổ chức hoạt động, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã làm tốt việc nghiên cứu nhu cầu, khảo sát và lấy ý kiến của cán bộ, hội viên và nhân dân trước khi tiến hành hoạt động hoặc triển khai các mô hình bảo vệ môi trường để việc tổ chức thực hiện đáp ứng đúng nhu cầu của hội viên, phụ nữ, đồng thời, tích cực tham gia góp ý các văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, thường xuyên hướng dẫn hội viên, phụ nữ thực hiện ngày một hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách trong đó có những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường để có những kiến nghị với Nhà nước bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách, luật pháp có liên quan đến vấn đề môi trường cho phù hợp.
Thứ năm, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương và nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường, không chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc hệ thống thông tin của Hội mà còn thông qua các chiến dịch truyền thông, các cuộc thi để giới thiệu các mô hình, cách làm hay trong bảo vệ môi trường của hội viên, phụ nữ như Cuộc thi trực tuyến “Phụ nữ chung tay phục hồi hệ sinh thái” do Trung ương hội phát động nhân tháng hành động về môi trường năm 2021 đã thu hút sự tham gia của hội viên, phụ nữ cả nước, 3.000 bài dự thi đã được đăng tải trên fanpage của Hội Liên hiệp phụ nữ các tỉnh/huyện/xã, qua đó nhiều mô hình/cách làm hay đã được tuyên truyền, biểu dương, tạo sức lan tỏa, ghi dấu ấn những hành động đẹp, thiết thực góp phần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp.
Công tác tuyên truyền về vai trò của các cấp hội, hội viên, phụ nữ trong bảo vệ môi trường đã được thể hiện khá đậm nét thông qua hệ thống thông tin đại chúng Trung ương và địa phương về kết quả hoạt động, các gương tập thể, cá nhân điển hình. Năm 2020, hội đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng 3 phóng sự, 1 tọa đàm chương trình “Cafe sáng” (VTV3) giới thiệu về các mô hình, cách làm hay trong phong trào chống rác thải nhựa của các cấp Hội; 4 tâm điểm chương trình “Việt Nam hôm nay” (VTV1) tập trung vào vấn nạn rác thải vùng ven biển, thực hành “sống xanh”, nâng cao trách nhiệm phân loại rác thải tại nguồn, các hoạt động làm sạch bãi biển của các hội viên, phụ nữ vùng ven biển; phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng và phát sóng 4 câu chuyện truyền thanh chủ đề “Phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường”; phối hợp với các báo xây dựng chuyên mục tuyên truyền về công tác phụ nữ bảo vệ môi trường; phòng, chống rác thải nhựa. Trang fanpage “Phụ nữ sống xanh” được xây dựng, đăng tải các gương điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, đến nay đã thu hút hơn 7 nghìn người theo dõi, qua đó nhiều hành động đẹp, cách làm hay về bảo vệ môi trường được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Phụ nữ và các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực, phát huy tính năng động, sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức, cách làm thiết thực và các mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Các hoạt động này không những giữ gìn môi trường sống, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn góp phần thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Phát triển bền vững gắn liền bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở nước ta hiện nay  (15/07/2022)
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp  (10/07/2022)
Tổng cục Môi trường nỗ lực phấn đấu, hoàn thành các nhiệm vụ được giao  (30/06/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay