TCCS - Trải qua hơn 10 năm xây dựng, phát triển, Tổng cục Môi trường đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó đã đạt những kết quả đáng ghi nhận từ việc hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, bảo đảm nguồn lực cũng như tổ chức triển khai các nhiệm vụ.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động phong trào bảo vệ môi trường_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Bảo vệ môi trường có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững. Xác định vai trò quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, ngày 30-9-2008, Chính phủ đã ra quyết định thành lập Tổng cục Môi trường (Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg), với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước. Tổng cục Môi trường đang thực hiện những sứ mệnh quan trọng của mình nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường sống trong lành cho người dân, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường hiện nay đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Một là, môi trường nước ta đang chịu áp lực lớn từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hằng năm, phát sinh hơn hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, hàng trăm nghìn tấn chất thải nguy hại,... tác động mạnh lên các thành phần môi trường, tạo ra những áp lực lớn trong đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Các vấn đề môi trường ngày càng phức tạp, tăng nhanh cùng với nhiều vấn đề tích tụ trong thời gian dài chưa được xử lý, giải quyết, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, sức khỏe người dân.

Hai là, hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa theo kịp với những biến đổi nhanh chóng của thực tiễn. Năng lực tổ chức thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường chưa cao.

Ba là, tổ chức bộ máy về bảo vệ môi trường ở Trung ương và địa phương mặc dù đã được kiện toàn, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn thiếu chặt chẽ; phân công, phân nhiệm vẫn còn sự chồng chéo, khoảng trống; thiếu cơ chế quản lý liên ngành, liên vùng hiệu quả; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn thiếu và yếu, nhất là cấp cơ sở.

Bốn là, đầu tư cho bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay vẫn còn ở mức độ khiêm tốn, chưa đủ giải quyết các vấn đề môi trường; công tác xã hội hóa nguồn lực bảo vệ môi trường chưa được triển khai có hiệu quả; còn thiếu các cơ chế đột phá huy động nguồn lực đầu tư cho môi trường. Chưa khai thác, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ để tạo nên đột phá cần thiết cho công tác bảo vệ môi trường.

Để vượt qua thách thức, khó khăn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tạo ra những chuyển biến căn bản trong thời gian tới, cần thiết phải xác định được tầm nhìn, hướng đi đúng đắn cho công tác bảo vệ môi trường, xây dựng và phát triển định hướng hoạt động của Tổng cục Môi trường. Cụ thể là:

Thứ nhất, tập trung tham mưu chỉ đạo việc kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương trong tình hình mới. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho độ ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp.

Thứ hai, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, hình thành đồng bộ các cơ chế, công cụ, biện pháp, quy chuẩn, quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ công tác quản lý môi trường; cập nhật, bổ sung, hoàn thiện kịp thời theo yêu cầu của thực tiễn.

Thứ ba, thiết lập và triển khai có hiệu quả các cơ chế xã hội hóa nhằm huy động tổng lực sự tham gia của toàn xã hội, trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước, các tổ chức, giới khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường thông qua việc tăng cường vai trò điều phối, phân bổ chi ngân sách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ tư, triển khai có hiệu quả của các cơ chế, công cụ, biện pháp quản lý môi trường, đặc biệt là ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Có cơ chế phòng ngừa từ xa, kiểm soát, thắt chặt sự chuyển dịch các dòng chất thải, công nghệ lạc hậu, các ngành sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao tại các khu vực khác trên thế giới vào Việt Nam. Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; chủ động nắm bắt và giải quyết, xử lý kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh; ứng phó, xử lý, khắc phục các sự cố, vụ việc gây ô nhiễm môi trường.

Thứ năm, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu về khoa học - công nghệ trong công tác quản lý môi trường; trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường; nghiên cứu, kiến nghị cơ chế cử cán bộ đại diện ngoại giao về môi trường

Trong thời gian tới, Tổng cục Môi trường nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đổi mới tổ chức quản lý để không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả công tác, phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển bền vững đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế./.