TCCS - Hiện nay đang vào mùa mưa lũ. Lũ về, mực nước các sông dâng cao, nước chảy xiết kèm theo sóng to khi có mưa giông. Việc lưu thông của các phương tiện thủy gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi của thủy triều. Đáng chú ý, việc vận chuyển quá tải của các phương tiện giao thông đường thủy luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và việc xử lý đối với các phương tiện luôn là bài toán khó của các ngành chức năng. Để bảo đảm cho các phương tiện lưu thông được an toàn, lực lượng Cảnh sát đường thủy phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp trong công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông trên đường thủy trong mùa lũ.

Cảnh sát đường thủy Trạm Tân Châu kiểm tra thủ tục, trang thiết bị an toàn và tuyên truyền pháp luật về ATGT cho người điều khiển phương tiện_Nguồn:  tuyengiaoangiang.vn

Do điều kiện tự nhiên, hàng năm vào đầu tháng sáu âm lịch, mùa nước nổi từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, mà đỉnh điểm của mùa lũ là từ tháng tám đến tháng mười âm lịch. Năm nay, lũ về muộn, sau những đợt mưa lớn kéo dài mực nước dâng cao rất nhanh, nước chảy xiết kèm theo mưa giông, lốc xoáy, làm cho các phương tiện thủy gặp rất nhiều nguy hiểm khi lưu thông, nhất là các phương tiện đưa rước khách ngang sông và du lịch trên sông. Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện quy chế phối hợp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên đường thủy nội địa.

Cùng với công tác tuyên truyền thì việc tuần tra, xử lý những trường hợp vi phạm cũng được lực lượng Cảnh sát đường thủy tập trung quyết liệt và xem đây là một cách thức tác động hiệu quả nhất. Ở các huyện đầu nguồn, diễn biến của lũ bao giờ cũng phức tạp hơn nên việc đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại nơi đây cũng được lực lượng Cảnh sát đường thủy chú trọng hơn. Vào mùa mưa lũ, việc chở quá trọng tải dễ dẫn đến tai nạn bất ngờ do không thể lường trước những diễn biến thất thường của thời tiết, dòng chảy. Vì vậy, khi kiểm tra xử lý, Cảnh sát đường thủy rất kiên quyết với lỗi vi phạm này. Tuy nhiên, vì lợi nhuận các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vẫn cố tình vi phạm.Ngay từ đầu mùa lũ, lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang phối hợp các ngành chức năng triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền cho các hộ dân đang sinh sống hoặc kinh doanh trên sông, các bến đò, bến phà v.v... phải hết sức cảnh giác trước những diễn biến bất thường của mùa mưa lũ. Cụ thể là khi phương tiện lưu thông phải bảo đảm đầy đủ các dụng cụ an toàn, nhất là các phương tiện chở khách như đò ngang, đò dọc.

Theo chân đội tuần tra kiểm soát thuộc phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang, chúng tôi ghi nhận nhiều trường hợp chở quá tải trên tuyến sông Tiền và sông Hậu. Nhìn những phương tiện chở quá tải, làm sao biết được điều gì xảy ra đối với phương tiện này khi có sóng to, gió lớn với hải trình dài hàng trăm cây số? Việc xử lý phương tiện chở quá tải luôn là bài toán khó đối với lực lượng chức năng do nhiều điều kiện khách quan. Khi được hỏi về nguyên nhân chở quá tải, nhiều chủ phương tiện hoặc người điều khiển luôn đưa ra rất nhiều lý do để biện minh cho hành vi vi phạm của mình. Vì trên thực tế, mức phạt chở quá tải vẫn thấp hơn so với số lợi nhuận từ việc chở hàng quá quá tải mang lại. Chính vì vậy, chủ phương tiện chấp nhận đóng phạt để chở quá tải, bất chấp những tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông từ việc chở quá tải.

Nhằm bảo đảm an toàn cho các phương tiện chuyên chở khách ngang sông trong mùa lũ, lực lượng Cảnh sát đường thủy phối hợp chặt chẽ các ngành liên quan trong việc tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý những lỗi vi phạm có thể dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy, như người đi đò không mặc áo phao, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.v.v... nhằm giảm thiểu thiệt hại nếu không may có tai nạn xảy ra. Qua kiểm tra thực tế các bến đò khác ngang sông, hầu như hành khách đi đò không quan tâm đến việc mặc áo phao. Khi được hỏi họ đều diện dẫn nhiều lý do và rất bàng quang cho là không có gì nguy hiểm. Các bến phà lớn đưa rước khách ngang sông luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, bảo đảm việc trang bị các trang thiết bị, bằng cấp chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện.v.v... đầy đủ và bố trí hợp lý hơn so với các phương tiện, bến đò nhỏ đưa rước khách ngang sông.

Sông Vàm Nao là một trong những ngã 3 sông rộng lớn nhất, nơi giáp ranh của 3 huyện đầu nguồn là Phú Tân, Chợ Mới và Châu Phú. Vì dòng sông mênh mông rộng lớn, chảy đi nhiều hướng nên nơi đây có những điểm nước xoáy rất mạnh và nó càng dữ dội khi lũ đổ về. Trên đoạn sông này đã có niều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết người, nhất là vào mùa lũ. Vì vậy, khi vào mùa lũ, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại sông Vàm Nao là nhiệm vụ trọng tâm của Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh An Giang mà trực tiếp là Trạm Cảnh sát đường thủy Vàm Nao.

Ngay từ khi mùa lũ mới bắt đầu, Ban lãnh đạo trạm Cảnh sát đường thủy Vàm Nao thường xuyên tổ chức họp bàn để đưa ra nhiều giải pháp giảm thiểu thiệt hại. Điều mà Trạm Cảnh sát đường thủy Vàm Nao ưu tiên thực hiện đó là tiếp tục củng cố, nâng chất lượng 3 đội cứu nạn, cứu hộ trên sông đã được thành lập từ những năm trước. 3 đội cứu nạn, cứu hộ này gồm: Đội ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân; Đội ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới và Đội ấp Bình Thiện, xã Bình Thủy, huyện Châu Phú. Đang cao điểm lũ, sông Vàm Nao nước chảy và sóng rất dữ dội mỗi khi có giông to, gió lớn, mọi người phải hết sức cảnh giác khi đi qua đoạn sông này.

Mùa lũ đang về, diễn biến thời tiết, dòng chảy trên sông sẽ có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp, nhất là khi có mưa giông. Vì vậy, cùng với nỗ lực của ngành chức năng thì những người tham gia lưu thông cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác, cũng như tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn giao thông. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ mình và cho mọi người khi lũ về./.

Ánh Thu (tổng hợp)