Thành phố Hà Nội phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh mới
TCCS - Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và hội nhập quốc tế hiện nay, phát triển làng nghề truyền thống với các ngành thủ công mỹ nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội không chỉ có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.
1- Thành phố Hà Nội có lịch sử nghìn năm văn hiến với kho tàng di sản văn hóa giàu giá trị. Thành phố cũng là nơi tập trung số lượng làng nghề và các nghệ nhân nhiều nhất cả nước. Trong số gần 5.400 làng nghề ở Việt Nam, Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề. Tính đến hết năm 2021, Hà Nội có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống tiêu biểu được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã, trong đó có 48 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống, 270 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề (làng nghề sơn mài, khảm trai; làng nghề nón, mũ lá; làng nghề mây tre, giang đan; làng nghề chế biến lâm sản; làng nghề thêu ren; làng nghề dệt may; làng nghề da giày, khâu bóng; làng nghề cơ kim khí; làng nghề chạm, điêu khắc; làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm; làng nghề cây sinh vật cảnh và các làng nghề thuộc các ngành nghề khác, như gốm sứ, làm đàn, át quỳ vàng bạc…). Năm 2022, Hà Nội phấn đấu công nhận thêm 10 làng nghề, làng nghề truyền thống; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 20 làng nghề, làng nghề truyền thống và 40 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường. Các làng nghề Hà Nội cũng có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước, hội tụ đủ các nhóm nghề. Các làng nghề của Hà Nội có tính sáng tạo cao với các sản phẩm thủ công đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, như đúc đồng Ngũ Xã, kim hoàn Định Công, nghề mây tre đan Phú Vinh, chuồn chuồn tre Thạch Xá, nón Chuông, sơn mài Hạ Thái, quạt Chàng Sơn, rối nước Đào Thục, hoa Tây Tựu, thêu Quất Động… đã nổi tiếng khắp cả nước. Đặc biệt, sản phẩm của làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng hay làng cốm Mễ Trì… đã được công nhận là thương hiệu quốc gia. Sản phẩm của các làng nghề truyền thống Hà Nội có sự kết hợp giữa văn hóa và trình độ kỹ thuật của người làm nghề, kết tinh giá trị thẩm mỹ, bàn tay và khối óc tài hoa của các nghệ nhân qua nhiều thế hệ; không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế cho người dân, mà còn phản ánh sinh động lối sống, phong tục, tập quán và ước mơ, khát vọng của người Thăng Long từ xưa đến nay. Do đó, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa của các làng nghề truyền thống Hà Nội vừa khơi dậy và lan tỏa sức sáng tạo, vừa góp phần hình thành thương hiệu riêng.
Việc thành phố Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được người dân kỳ vọng về một hình ảnh mới của Thủ đô với vị thế ngày càng nâng cao, các lĩnh vực sáng tạo văn hóa được quảng bá rộng hơn, tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, biến thiết kế sáng tạo trở thành giải pháp phát triển văn hóa, kết nối hiện tại và tương lai. Làng nghề truyền thống Hà Nội với nhiều ưu thế nổi bật đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc và thúc đẩy thiết kế sáng tạo trong quá phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo thống kê năm 2018, giá trị sản xuất làng nghề Hà Nội khoảng 22.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD. Các làng nghề đều có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm; trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Điển hình như làng nghề mây tre đan thôn Thái Hòa (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất), thu nhập bình quân mỗi người đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng; làng nghề truyền thống nhiếp ảnh thôn Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) thu nhập lao động bình quân đạt 10,8 triệu đồng/người/tháng... Thành phố Hà Nội có 2 làng nghề truyền thống áp dụng mô hình phát triển làng nghề truyền thống gắn với bảo tồn di sản văn hóa, thu hút du lịch thành công là làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Hiện nay, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), một trong những làng nghề có lịch sử lâu đời nhất về nghề dệt, đã hình thành một khu trải nghiệm đầy đủ các công đoạn cho ra đời một sản phẩm thủ công hoàn thiện. Làng gốm sứ Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm gốm, sứ độc đáo, mà còn bảo tồn được một quần thể kiến trúc có giá trị, như đình Bát Tràng - nơi còn lưu giữ được 44 đạo sắc phong của các triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn; văn chỉ Bát Tràng; chùa Kim Trúc… Khách du lịch khi đến với làng nghề Hà Nội vừa có cơ hội được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ thủ công, trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất, vừa có thể mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc.
2- Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định thủ công mỹ nghệ là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa và là nền tảng cho sự đổi mới, phát triển các ngành thiết kế sáng tạo và du lịch văn hóa. Do đó, thời gian qua, Hà Nội rất quan tâm đến chính sách phát triển làng nghề, có đề án bảo tồn làng nghề, thúc đẩy đào tạo nghề, truyền nghề, cấy nghề những nơi chưa có nghề, có chương trình khuyến công, hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ sản xuất, xử lý môi trường… Nhờ chủ trương khuyến khích, khôi phục và phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống của thành phố mà sản xuất trong các làng nghề được phục hồi và ngày càng phát triển, như nghề thêu, dệt, gốm sứ, mây tre đan… Một số nghề mới được hình thành, như chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ, nuôi trồng sinh vật cảnh… Những ngành nghề truyền thống tiếp tục mở rộng quy mô lớn, như gốm sứ Bát Tràng, may da Kiêu Kỵ, thêu Quất Động, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, chạm khắc gỗ Vân Hà (huyện Đông Anh), điêu khắc Định Quán (huyện Thường Tín), may Vân Từ (huyện Phú Xuyên)…
Thành phố Hà Nội cũng phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chỉ ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch; 17 làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài; 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1.500 làng nghề; tạo việc làm ổn định cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng chọn Hà Nội thí điểm xây dựng dự án “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” tại làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Có thể nói, bên cạnh các chương trình, dự án lớn, như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian bích họa Phùng Hưng, Hợp tác xã Vụn Art (mái nhà của người khuyết tật thiết kế tranh ghép từ những mảnh vải vụn), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam (hoạt động thiết kế sáng tạo đương đại, kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống), đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội; không gian kiến trúc văn hóa ở Bảo tàng Hà Nội… thì dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam được tổ chức tại thành phố Hà Nội với hoạt động thiết kế sáng tạo đương đại, kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống là một trong những điểm nhấn trong các hoạt động sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân cũng như góp phần tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, khơi dậy và lan tỏa sức sáng tạo của Thủ đô.
Công tác phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống được thành phố Hà Nội chú trọng. Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã tổ chức phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội; hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề, tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm với hàng trăm mẫu mới được tạo ra, trong đó có các mẫu sản phẩm phục vụ du lịch; tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội, tạo ra trên 200 mẫu sản phẩm mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ mỗi năm. Sở Du lịch thành phố Hà Nội cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tập trung thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Theo số liệu tổng hợp của các huyện, thị xã, thành phố Hà Nội có 15 nhóm ngành hàng dịch vụ du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình, tour giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội. Làng nghề Vạn Phúc là 1 trong 5 địa phương được thí điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả của các mô hình, từ đó tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt đề án, kế hoạch, chương trình cho giai đoạn, các năm tiếp theo trong đó có kế hoạch xây dựng Trung tâm sáng tạo, thiết kế và giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với du lịch, dịch vụ du lịch. Với kế hoạch này, thành phố Hà Nội đã tính đến chiến lược dài hơi cho Chương trình OCOP, được kỳ vọng sẽ tạo một “cú hích” thúc đẩy xây dựng nông thôn mới Thủ đô, hỗ trợ, bổ khuyết những khâu nghệ nhân làng nghề còn yếu để vực dậy số làng nghề gặp khó khăn, bao gồm cả làng nghề nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng, tạo điều kiện giúp nghệ nhân trau dồi thêm kiến thức. Hiện nay, việc liên kết sản xuất - thiết kế - tiêu thụ đã và đang góp phần bảo tồn được các giá trị văn hóa đặc sắc và nâng cao giá trị thương hiệu của các sản phẩm làng nghề trên địa bàn Thủ đô.
Gần đây, việc phát triển du lịch làng nghề gắn với xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo” được xác định là một hướng ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch Thủ đô. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, giải quyết nguồn lao động địa phương, mà hơn thế, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của Thủ đô, góp phần xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.
Để việc phát triển du lịch làng nghề gắn với xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo” thực sự có hiệu quả, thành phố Hà Nội chủ trương các làng nghề cần giữ được nghệ nhân, giữ lại những ngôi nhà có kiến trúc cổ, sưu tầm các sản phẩm nổi tiếng, có phòng trưng bày hiện vật lịch sử phát triển làng nghề, trong làng cần có người am hiểu nghề, hiểu biết sâu về phong tục và văn hóa làng để giới thiệu với du khách. Du khách đến với làng nghề sẽ được tham quan cảnh sắc đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ; được trực tiếp tham gia một vài công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, nón làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động... Thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, điện, nước, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở làng nghề; tổ chức gặp mặt nghệ nhân, thợ giỏi; hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, xử lý ô nhiễm môi trường... Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng thực hiện tuyên truyền, quảng bá và tạo các sản phẩm du lịch làng nghề đặc trưng, như quận Hà Đông in cuốn Cẩm nang Du lịch Hà Đông, xây dựng website quảng bá làng nghề dệt lụa Vạn Phúc bằng nhiều ngôn ngữ; quận Ba Đình in Cẩm nang Du lịch quận Ba Đình, phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống bánh cốm Hàng Than và nghề truyền thống đúc đồng Ngũ Xã; huyện Mê Linh thực hiện các phim ngắn giới thiệu về Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng gắn với làng nghề trồng hoa truyền thống xã Mê Linh...
3- Tuy nhiên, có thể thấy, công tác phát triển nghề và làng nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Hầu hết doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn đều có hoạt động ở quy mô nhỏ, tự phát và gặp không ít khó khăn. Khả năng cạnh tranh của làng nghề còn thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hóa, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm. Ngoài ra, qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng các làng nghề, nhất là đường giao thông đã xuống cấp, hoặc chưa đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng… Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống Hà Nội gắn với xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.
Thứ nhất, hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc, nhiều giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống dần bị mai một, bí quyết nghề nghiệp bị thất truyền cùng với sự ra đi của các nghệ nhân lớn tuổi; thậm chí thực tế còn xuất hiện xu hướng thương mại hóa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chỉ chú trọng mục tiêu lợi nhuận, coi nhẹ các giá trị văn hóa của sản phẩm thủ công truyền thống, dẫn đến thương hiệu của làng nghề bị phai mờ hoặc bị mất hẳn. Do đó, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là người dân ở các làng nghề về vị trí, vai trò và giá trị văn hóa của các sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề. Phát huy tính sáng tạo, bồi đắp tình cảm qua các thế hệ người dân làng nghề, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề Thủ đô trong bối cảnh mới.
Thứ hai, rà soát các chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề đã ban hành để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với thực tế. Khảo sát tình hình hoạt động tại các làng nghề để nắm vững đặc thù của các làng nghề thủ công truyền thống, phân loại và đánh giá tiềm năng của các làng nghề để có phương án bảo tồn, khôi phục và phát triển. Xây dựng cơ sở dữ liệu tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề; xác định những làng nghề đã mai một, thất truyền và khó có khả năng phát triển trong tương lai; xác định số làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt, số làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới, số làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, số làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống… để đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề.
Thứ ba, triển khai có hiệu quả Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề, du lịch gắn với phát triển làng nghề, Đề án bảo vệ môi trường làng nghề, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chú trọng công tác nghiên cứu quy hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các làng nghề được công nhận theo tiêu chuẩn về vốn đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề, hỗ trợ các loại hình sản xuất trong làng nghề đăng ký tham gia hội trợ triển lãm, tổ chức các tuyến du lịch làng nghề, bảo đảm hiệu quả kết hợp giữa các làng nghề truyền thống với du lịch trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Thứ tư, chú trọng phát triển nguồn nhân lực của làng nghề. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, kỹ thuật để sáng tác mẫu mã, nâng cao trình độ tay nghề, khả năng sáng tạo, kiến thức tổ chức sản xuất… cho người lao động và các cơ sở sản xuất trên địa bàn Thủ đô để tạo ra các sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế cao mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa. Tiếp tục có chính sách chăm lo, hỗ trợ, tôn vinh các thế hệ nghệ nhân có sứ mệnh lĩnh hội, cải tiến, bổ sung và truyền nghề.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách khuyến khích phát triển ngành, nghề nông thôn để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện các chương trình, đề án, dự án hoặc các hoạt động có liên quan đến phát triển ngành, nghề nông thôn tiếp cận các nguồn lực, chính sách hỗ trợ phát triển ngành, nghề nông thôn. Tăng cường các hoạt động phát triển thương hiệu, xây dựng thị trường tiềm năng của làng nghề, qua đó thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, góp phần quảng bá văn hóa Thủ đô nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung với các nước trên thế giới./.
Hà Nội: Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với phát triển làng nghề  (20/09/2022)
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính  (17/09/2022)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên