Những biến chứng và cách điều trị đái tháo đường type 2

Hải Thanh Ảnh: Thu Hiền
22:05, ngày 29-10-2018

TCCSĐT - Đái tháo đường type 2 còn gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin hay đái tháo đường ở người trưởng thành. Trong đái tháo đường type 2, tụy bệnh nhân vẫn còn khả năng sản xuất insulin, nhưng không đủ. Và đây là dạng thường gặp nhất bởi số người mắc phải chiếm đến 95% từ 30 tuổi trở lên.

Những người dễ mắc bệnh

Đái tháo đường type 2 thường xuất hiện ở người hơn 40 tuổi, họ thường nặng cân hơn bình thường, nhưng không phải luôn luôn như vậy. Chẳng hạn, ở Anh, ít nhất 6 trong số 100 người hơn 65 tuổi bị đái tháo đường type 2.

Phụ nữ dễ bị đái tháo đường type 2 hơn đàn ông, và đái tháo đường thì có thể một trong số 4 người thân trực hệ cũng bị đái tháo đường (cha mẹ, anh chị, con cái) hoặc sẽ bị đái tháo đường trong tương lai. Điều không may mắn là những người đái tháo đường type 2 thường dễ bị một số bệnh có liên quan, và có tuổi thọ ngắn hơn những người khác.

Các yếu tố khiến dễ mắc bệnh lý đái tháo đường type 2, như tuổi tác, giới tính, thừa cân, ít vận động cơ thể, các yếu tố di truyền, hút thuốc lá....

 

Ba nguyên nhân chính dẫn tới đái tháo đường type 2.


Dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường type 2

Triệu chứng lâm sàng của bệnh đái tháo đường type 2 thường xuất hiện khi đường huyết tăng cao, vì vậy vấn đề chẩn đoán khó khăn với nhiều biến chứng đi kèm. Bệnh rất ít có triệu chứng và thường phát hiện bởi các triệu chứng của biến chứng, như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim hoặc vô tình phát hiện khi đi xét nghiệm.

Dưới đây là cách nhận biết một số dấu hiệu của bệnh đái tháo đường type 2:

Khát nước và đi tiểu nhiều: Lý do là vì số lượng dư glucose lưu chuyển trong cơ thể hút nước từ các mô, làm cho bệnh nhân cảm thấy khát nước. Bệnh nhân sẽ phải uống nước hoặc các chất giải khát khác nhưng càng uống nhiều thì sẽ càng tiểu nhiều.

Luôn cảm thấy mệt mỏi: Khi bị tiểu đường, cơ thể giảm hay đôi khi không còn khả năng sử dụng glucose để tạo năng lượng nữa. Do đó, cơ thể phải chuyển sang dùng mỡ, một phần hay hoàn toàn, để tạo ra năng lượng. Quá trình này đòi hỏi cơ thể phải sử dụng năng lượng nhiều hơn và kết quả cuối cùng là bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi thường xuyên.

Giảm cân nhanh trong thời gian ngắn mà không rõ nguyên nhân: Giảm cân không rõ nguyên nhân là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh tiểu đường. Bệnh nhân bị đái tháo đường không thể xử lý được calo trong thức ăn dẫn đến giảm cân ngay cả khi ăn đủ hay thậm chí là ăn nhiều. Mất đường và nước qua nước tiểu cũng là một tác nhân góp phần vào triệu chứng giảm cân này.

Ăn nhiều cùng cảm giác nhanh đói: Đây cũng là một trong những dấu hiệu cơ bản của đái tháo đường type 2. Một trong những chức năng của insulin là kích thích cảm giác đói. Do đó, nồng độ insulin cao trong cơ thể sẽ dẫn đến tăng cảm giác đói và muốn ăn. Bất chấp sự gia tăng lượng calori nhập vào cơ thể, bệnh nhân có thể chỉ tăng cân rất ít hay thậm chí là giảm cân.

Vết thương lâu lành: Vết thương rất khó lành do nồng độ đường cao trong máu ngăn chặn bạch cầu hoạt động bình thường (bạch cầu là những tế bào đóng vai trò quan trọng trong chức năng tự bảo vệ của cơ thể chống lại vi khuẩn, vi trùng và nó cũng dọn dẹp những mô và tế bào chết). Khi bạch cầu hoạt động không bình thường, các vết thương trở nên lâu lành hơn và bị nhiễm trùng thường xuyên hơn.

Nhiễm trùng: Một số hội chứng nhiễm trùng, như nhiễm nấm sinh dục, nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường niệu do đường máu cao, hệ thống miễn dịch đã bị ức chế bởi bệnh đái tháo đường và bởi sự hiện diện của glucose trong mô (giúp vi khuẩn phát triển tốt). Nó cũng là dấu hiệu chỉ điểm cho biết có sự kiểm soát đường huyết kém ở những bệnh nhân đái tháo đường type 2.

Nhìn mờ: Dấu hiệu của bệnh tiểu đường này không đặc hiệu cho đái tháo đường nhưng cũng thường hay xuất hiện khi mức đường huyết lên cao.

Những biến chứng đái tháo đường type 2

Biến chứng bệnh đái tháo đường type 2 thường phát triển dần dần. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2 càng lâu và lượng đường trong máu càng ít kiểm soát, bệnh nhân càng có nguy cơ mắc biến chứng cao. Cuối cùng, biến chứng tiểu đường có thể không điều trị được hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

 

Những biến chứng đái tháo đường type 2 vô cùng nguy hiểm mà người bệnh dễ gặp phải.


Tổn thương hệ tim mạch: Lượng glucose dư thừa trong máu khiến các mạch máu bị tổn thương, gây xơ vữa động mạch, làm cho mạch máu dần thu hẹp lại. Về lâu dài, hiện tượng này có thể dẫn đến một căn bệnh mãn tính khác là tăng huyết áp. Ngoài ra, dòng máu lưu thông trong cơ thể cũng bị gián đoạn, tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ (máu không lên não), nhồi máu cơ tim (máu không về tim) và vết thương lâu lành (máu không đến những nơi cần phục hồi).

Hướng điều trị: giữ mức glucose máu trong ngưỡng an toàn sẽ giúp bệnh nhân ngăn ngừa hoặc làm giảm đáng kể nguy cơ, hoặc kiểm soát được biến chứng nếu chẳng may mắc phải.

Suy giảm chức năng thận: Thận chứa vô số các mạch máu li ti, có tác dụng lọc chất thải ra khỏi máu. Ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, hệ thống mạch máu này bị tổn thương theo thời gian, gây rối loạn chức năng thận. Nếu không được điều trị, sẽ đến lúc bệnh nhân phải đối diện nguy cơ bệnh thận mạn, suy thận, cần hoặc phải lọc máu hay cấy ghép thận.

Hướng điều trị: tham vấn ý kiến bác sĩ. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc phù hợp. Một số loại thuốc sẽ giúp bệnh nhân giảm nguy cơ suy thận đến 33%.

Bệnh về mắt: Bệnh mắt do đái tháo đường type 2, hay nói đúng hơn là bệnh võng mạc do đái tháo đường, là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Sở dĩ như vậy là do khi bị đái tháo đường, mạng lưới mạch máu ở võng mạc dễ bị nghẽn, vỡ, khiến thị lực giảm sút dần. Tỷ lệ người bị đái tháo đường mắc các bệnh lý về mắt cũng cao hơn người bình thường, ví dụ như bệnh cườm nước, đục thủy tinh thể…

Hướng điều trị: khám mắt theo định kì, kết hợp điều trị đái tháo đường sẽ giúp bệnh nhân giảm nguy cơ bị bệnh lý võng mạc đến 90%.

Tổn thương dây thần kinh: Có thể nói tổn thương dây thần kinh là biến chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân đái tháo đường. Lượng glucose tích tụ trong máu vừa tổn hại trực tiếp đến dây thần kinh, vừa gián tiếp thông qua việc ngăn cản dòng máu lưu thông. Theo thời gian, bệnh nhân bị mất cảm giác ở nhiều bộ phận. Mất cảm giác ở chân khiến bệnh nhân dễ bị tổn thương, loét ở bàn chân, nặng hơn có thể bị hoại tử bàn chân buộc phải phẫu thuật cắt bỏ. Nam giới bị đái tháo đường có thể bị liệt dương.

Hướng điều trị: Theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo bệnh nhân đái tháo đường type 2 cần thường xuyên kiểm tra, chăm sóc bàn chân để nhanh chóng phát hiện dấu thiệu bất thường. Chẩn đoán sớm và kiên trì điều trị là chìa khóa hạn chế tổn thương dây thần kinh.

Biến chứng ở phụ nữ mang thai: Đái tháo đường trong thai kỳ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé. Nếu không được chẩn đoán, theo dõi và điều trị đúng cách, phụ nữ mang thai và cả trẻ sơ sinh dễ bị mắc đái tháo đường type 2 trong tương lai.

Đái tháo đường trong thai kỳ, người mẹ có tỷ lệ cao bị: Sinh non, sinh mổ thay vì sinh tự nhiên, tăng huyết áp và tiền sản giật.

Hướng điều trị: Phụ nữ mang thai nên đi khám thai đúng theo định kỳ để được bác sĩ kiểm tra glucose máu. Trong trường hợp đã từng bị đái tháo đường, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định mang thai.

Cách điều trị đái tháo đường type 2

Việc chẩn đoán sớm và xử trí tốt bệnh đái tháo đường giúp phòng ngừa các biến chứng muộn. Các chương trình tầm soát có thể không được thực hiện một cách rộng rãi ở nơi bệnh nhân ở. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có người thân trong gia đình bị đái tháo đường, bệnh nhân quá nặng cân, huyết áp cao hoặc cholesterol cao, hoặc có kết hợp các yếu tố trên, tốt nhất là bệnh nhân hãy yêu cầu bác sĩ kiểm tra lượng đường trong máu của bạn.

 

Một chế độ ăn kiêng hợp lý kết hợp với thuốc điều trị và tập thể dục thường xuyên giúp nâng cao hiệu quả điều trị tiểu đường type 2.


Thuốc điều trị: Khi bệnh đái tháo đường type 2 không thể kiểm soát được chỉ bằng ăn kiêng và tập thể dục, bệnh nhân có thể dùng thuốc uống. Có nhiều loại thuốc uống khác nhau và mỗi loại tác động theo cách khác nhau. Tất cả đều giúp kiểm soát tốt lượng glucose trong máu và đôi khi bệnh nhân có thể uống cùng lúc từ 2 loại trở lên. Nếu điều trị này thất bại, bệnh nhân có thể phải chuyển sang chích insulin.

Bất cứ phương pháp điều trị nào bệnh nhân tuân theo, kiểm soát được đường trong máu của bệnh nhân sẽ giúp giữ cho bệnh nhân khỏe mạnh và cảm thấy thoải mái.

Các nghiên cứu ở người bị đái tháo đường cho thấy việc kiểm soát glucose trong máu thật chặt chẽ sẽ dự phòng hoặc làm chậm lại sự khởi phát các biến chứng. Một chế độ ăn kiêng lành mạnh bình thường và tập thể dục đều đặn là một trong những phương pháp có hiệu quả nhất để kiểm soát bệnh đái tháo đường, cân nặng của bệnh nhân và những nguy cơ bệnh tim.

Một chế độ ăn kiêng lành mạnh hợp lý: Chế độ được khuyến cáo cho người bị đái tháo đường không phải là một chế độ ăn đặc biệt, nó là một chế độ ăn lành mạnh (hợp lý) bình thường. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị đái tháo đường type 2, bệnh nhân cần nhớ là phải ăn đều đặn và những thức ăn có tinh bột như bánh mì, mì sợi, khoai tây, cơm hoặc ngũ cốc trong mỗi bữa ăn.

Cần nhớ rằng cơ thể bệnh nhân không thể chuyển hóa glucose thật tốt, do đó tránh ăn những chất quá ngọt như: kẹo, sôcôla, bánh quy, và thức uống có ga. Các thức ăn vừa nêu trên làm tăng đường trong máu của cơ thể bệnh nhân - thay vào đó nên ăn nhiều bữa nhỏ với thức ăn bằng tinh bột. Khi uống trà và cà phê nên dùng đường nhân tạo (đường thuốc). Ăn nhiều trái cây và rau xanh và chuyển sang ăn bánh mì làm bằng bột chưa rây để tăng chất xơ trong chế độ ăn của bạn. Giảm thức ăn có nhiều chất béo như kem, bơ, mácgarin và các thức ăn chiên xào. Nếu bệnh nhân quá nặng cân, cố gắng giảm lượng thức ăn của mỗi bữa ăn. Không cần thiết phải mua những thức ăn đặc biệt cho người đái tháo đường bởi vì chúng không có hiệu quả.

Phải hoạt động nhiều: Hầu hết người bị đái tháo đường type 2 đều có lợi khi tăng cường luyện tập thể dục hằng ngày. Tập thể dục không có nghĩa là cố gắng tập thật nhiều giờ trong phòng tập thể dục, việc tập luyện có thể là làm những cộng việc bệnh nhân thích, như đi bộ, làm vườn, bơi lội, khiêu vũ hoặc chạy bộ. Nhớ kỹ rằng nếu bệnh nhân không tập luyện gì trong một khoảng thời gian dài, bệnh nhân cần phải tập luyện nhẹ trước rồi tăng dần lên cho phù hợp. Mục tiêu là tập 1/2 giờ mỗi ngày trong tuần./.