Hà Nội phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, xây dựng nông thôn mới bền vững
TCCS - Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội; có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển du lịch. Bám sát nội dung của chương trình, Thành phố chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội, trong đó trọng tâm là phát huy các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá bền vững.
Với định hướng rõ ràng của Chương trình số 06-CTr/TU, các địa phương của Thủ đô Hà Nội sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong việc xây dựng sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu Hà Nội, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô trên bản đồ du lịch thế giới.
1. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hoá
Các di tích lịch sử, di sản văn hóa chính là nguồn tài sản quý giá, cấu thành môi trường sống của con người Thủ đô. Đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa. Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di tích trên địa bàn, toàn thành phố Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp Thành phố. Du lịch văn hóa là một trong những thế mạnh cạnh tranh hàng đầu của Hà Nội. Du lịch văn hóa là loại hình quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần phát triển bền vững; là một trong những dòng sản phẩm thu hút du khách trong nước và quốc tế tham quan, tìm hiểu đất nước, con người, lịch sử và văn hóa Việt Nam, cũng như Thủ đô Hà Nội. Trong những năm qua, ngành du lịch Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu, từng bước khẳng định vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn. Giai đoạn 2016 - 2019, thành phố tăng trưởng khách bình quân đạt 10,1%/năm, tốc độ tăng năm sau cao hơn năm trước, năm 2019, Hà Nội đón 28,945 triệu lượt khách bằng 1/3 lượng khách du lịch cả nước, trong đó đón 7,025 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch có sự tăng trưởng cao, bình quân 17,6%/năm, năm 2019 đạt 103.812 tỷ đồng, đóng góp 12,54% vào GRDP của thành phố (đóng góp trực tiếp là 5,16% và đóng góp gián tiếp là 7,38%). Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các tỉnh phía Bắc và cả nước. Hà Nội luôn trong danh sách bình chọn của Tổ chức Du lịch Thế giới cho các điểm đến hàng đầu của châu Á và thế giới.
Thực tiễn cho thấy, du lịch văn hóa phát triển thì các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Ở Hà Nội, có thể kể đến các đơn vị nghệ thuật truyền thống, như Nhà hát múa rối Thăng Long đã hoạt động kinh doanh rất tốt, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách hàng năm, là điểm đến không thể thiếu của du khách nước ngoài nào khi tham quan Thủ đô Hà Nội. Nhà hát giới thiệu tới du khách chương trình múa rối nước đặc sắc, độc đáo, du khách thêm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.
Đặc biệt, khu phố cổ - “bảo tàng sống” về quá trình hình thành và phát triển của kinh thành Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm của lịch sử là một trong những điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn của Hà Nội. Nơi đây hiện còn lưu giữ được những nếp nhà với kiến trúc cổ, độc đáo, phản ánh đặc điểm địa lý và điều kiện sinh hoạt của người dân Thủ đô nói riêng, người Việt nói chung từ ngàn đời nay, thể hiện đặc điểm tôn giáo và tín ngưỡng; có sự hòa trộn của các nền văn hóa đa dạng, phong phú, sự đan xen kiến trúc nhiều thời kỳ cũng như kiến trúc phương Đông và phương Tây. Khu phố cổ không chỉ là một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm văn hóa đa dạng, giàu bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội, có mật độ công trình di tích cao nhất thành phố với hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa, như đình, chùa, miếu, đền, các di tích lịch sử, cách mạng. Yếu tố tạo nên “hồn cốt” của phố cổ Hà Nội chính là các giá trị văn hóa, giá trị đạo đức thể hiện qua các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, nếp sống, nếp sinh hoạt cộng đồng, cách ứng xử của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trên cơ sở nhận thấy rõ những lợi thế so sánh để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển, góp phần đáng kể trong việc khẳng định vị thế trung tâm du lịch lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước. Nhiều dự án phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch đã được triển khai. Một số sản phẩm du lịch đã ghi được dấu ấn với du khách, như không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; phố bích họa Phùng Hưng, phố sách Hà Nội, xe buýt hai tầng, chương trình biểu diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”. Thành phố cũng tập trung khai thác du lịch văn hóa kết hợp với tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế, phát triển du lịch hội nghị; thông qua đó quảng bá trên khắp thế giới hình ảnh về Thủ đô Hà Nội thân thiện, hòa bình, giàu truyền thống văn hóa.
2. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá làng nghề. Hà Nội quy tụ nhiều làng nghề - khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn; trong đó, có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống - hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Nhắc đền làng nghề truyền thống Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dát vàng quỳ bạc quỳ Kiêu Kỵ, dệt lụa Vạn Phúc, thêu ren Quất Động, mây tre đan Phú Vinh, sừng Thụy Ứng; cùng những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng, như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Mê Linh.… Sản phẩm truyền thống và nghề truyền thống được kết tinh từ sự tài hoa của những người thợ, từ truyền thống văn hóa từ ngàn đời nay.
Làng nghề Bát Tràng vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có của một nghề làm đẹp từ đất. Cả xã Bát Tràng có tới hơn 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 gia đình sản xuất, kinh doanh gốm sứ, trong đó, có 140 nghệ nhân và hàng ngàn thợ giỏi. Nghề gốm đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương.
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm tại các vùng nông thôn ngoại thành, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu qua các năm. Các làng nghề đóng góp khoảng 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, có gần 200 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 50 tỷ đồng/năm, một số làng nghề đạt doanh thu từ 10.000-25.000 tỷ đồng /năm.
Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025 và xa hơn. Trước mắt, sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực làng nghề; lớp truyền nghề, nhân cấy nghề; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại làng nghề gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.
3. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát triển các giá trị văn hoá ẩm thực. Là trung tâm văn hóa của cả miền Bắc từ nhiều thế kỷ, Hà Nội có văn hóa ẩm thực đặc sắc với những món ăn nức tiếng, như cốm làng Vòng, phở Hà Nội, bún chả, bún thang, bún ốc, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây, phở Hà Nội, bún thang, nem cuốn …
Theo thống kê của tổ chức Du lịch Thế giới, mỗi du khách thường chi trung bình 1/3 tổng chi phí của chuyến đi cho các hoạt động liên quan ẩm thực. Điều này chứng tỏ, đối với du khách, ẩm thực không đơn thuần là việc ăn, uống mà còn là sự khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của một vùng, miền, quốc gia. Vì vậy, để sản phẩm du lịch đặc biệt này được tỏa sáng một cách bền vững hơn, ngành Du lịch, các đơn vị liên quan, từng doanh nghiệp dịch vụ du lịch Hà Nội chú trọng nhiều hơn đến các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, đầu tư công phu hơn cho khâu giới thiệu về nghệ thuật ẩm thực gắn với bản sắc văn hóa, đời sống sinh hoạt của cư dân địa phương. Từ nhiều năm nay, Du lịch Hà Nội đã quan tâm đến việc khai thác giá trị văn hóa ẩm thực vào phát triển du lịch bằng việc xây dựng chương trình du lịch với điểm đến là các cơ sở dạy nấu ăn cho người nước ngoài. Du lịch ẩm thực Hà Nội đã được một số công ty du lịch thiết kế đưa vào sản phẩm tour phục vụ chủ yếu là người nước ngoài, thích trải nghiệm, khám phá văn hóa khi đến Hà Nội. Tour du lịch được xây dựng theo cách thức đưa khách đến tham gia làm món ăn truyền thống và thưởng thức luôn món ăn đó. Nhà hàng của nghệ nhân Ánh Tuyết trên phố Mã Mây chính là địa chỉ uy tín để các công ty du lịch tổ chức tour ẩm thực cho du khách trải nghiệm. Vào các buổi tối, đặc biệt là tối cuối tuần, trên các tuyến phố Tạ Hiện, Đinh Liệt, Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm, Tống Duy Tân, Tô Tịch, phố Gầm Cầu… trong khu phố cổ Hà Nội, tập trung rất nhiều người dân và du khách thưởng thức ẩm thực Hà Nội. Du khách đến không chỉ thưởng thức hương vị các món ngon mà còn giao lưu, trò chuyện và tận hưởng không khí sôi động của đêm phố cổ Hà Nội.
Hiện nay, ngành Du lịch Hà Nội đang quan tâm phát triển du lịch ẩm thực, coi du lịch ẩm thực là một trong bảy nhóm sản phẩm du lịch trọng tâm để kích cầu du lịch. Theo đó, ngành Du lịch phát triển nhóm sản phẩm ẩm thực, món ngon Hà Nội tại một số quận trọng điểm như: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Long Biên. Đồng thời, ngành Du lịch phát triển đồng bộ các dịch vụ đi kèm, công tác quảng bá sản phẩm nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực đặc trưng, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô, khám phá văn hóa Hà Nội qua hương vị ẩm thực.
4. Du lịch nông nghiệp, nông thôn hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững. Với 18 huyện, thị xã và là nơi mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài, vùng ngoại thành Hà Nội chứa nhiều tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch, tiểu thủ công nghiệp. Hướng tới xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất hơn, trên cơ sở phát huy các nguồn lực sẵn có, nhất là nguồn lực về văn hóa, du lịch, sinh thái, nguồn nhân lực đang được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng đang mở ra hướng đi mới cho các huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội đã ban Kế hoạch số 73-KH-UBND, ngày 4-3-2022 về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Kế hoạch xác định Hà Nội chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại, dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn; thúc đẩy liên kết, xây dựng, phát triển chuỗi giá trị du lịch, nông nghiệp, nông thôn hiệu quả. Thành phố cũng phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn; phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, có khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn trong hoạtđộng du lịch.
Để có cơ sở triển khai theo Kế hoạch số 73/KH-UBND hiệu quả, có chiều sâu, Sở Du lịch Hà Nội đã thành lập Đoàn công tác với sự tham gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương và các chuyên gia lĩnh vực du lịch, nông nghiệp khảo sát và làm việc với 6 địa phương có các mô hình du lịch nông nghiệp gồm các huyện: Thạch Thất, Thường Tín, Mỹ Đức, Đan Phượng, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây, nhằm đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất và các vấn đề cần quan tâm trong tổ chức hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện, thị xã. Sau khi khảo sát, đánh giá tiềm năng, sản phẩm du lịch nông nghiệp các huyện, thị xã, ngành du lịch sẽ tập trung tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các chương trình quảng bá du lịch Thủ đô; số hóa các điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn trong hệ thống giói thiệu chung bằng giao diện 3D, Flycam. Đồng thời, xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết giữa các khu, điểm, cụm du lịch nông thôn nhằm đa dạng cho các loại hình sản phẩm du lịch; tổ chức các lơp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch khu vực nông thôn.
Mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước sông Hồng, đến thời điểm hiện nay, khu vực ngoại thành Hà Nội còn lưu giữ nhiều làng cổ truyền thống với hình thái cây đa, bến nước, sân đình, những ngôi nhà cổ mái ngói phủ màu thời gian, cổng làng rêu phong, đường làng rợp bóng cây kết nối với ruộng đồng xanh ngát. Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng Cựu (huyện Phú Xuyên), làng Cự Đà, làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai)… là những làng cổ tiêu biểu cho việc bảo tồn các giá trị kiến trúc truyền thống và đang trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách. Một số địa phương như: Thường Tín, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì... có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và có các làng nông nghiệp truyền thống lâu đời, phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp. Trong số các di sản văn hoá, một phần lớn các di tích, di sản văn hóa phi vật thể nằm ở ngoại thành Hà Nội. Đây là nguồn lực rất lớn để Hà Nội khai thác phát triển văn hóa, quảng bá hình ảnh và thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Trong những năm qua, nhiều địa phương khai thác tốt di sản để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đó là, huyện Mỹ Đức với lễ hội chùa Hương; huyện Quốc Oai với lễ hội chùa Thầy; thị xã Sơn Tây với lễ hội đền Và và làng cổ Đường Lâm; huyện Ba Vì với cụm di tích đền Hạ - đền Trung - đền Thượng, di tích đền thờ Bác Hồ, di tích K9, các khu du lịch sinh thái.
Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) là điểm du lịch nông thôn tiêu biểu của thành phố Hà Nội. Hiện trên địa bàn xã có hơn 20 mô hình tham quan, trải nghiệm du lịch được đầu tư quy mô, bài bản và hàng trăm hộ gia đình tham gia vào hoạt động du lịch. Hiện nay, Hồng Vân có hơn 20 mô hình đón khách tham quan. Du khách tới đây được tham quan khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo mộc như chùm ngây, kim ngân hoa; thăm khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc; thăm mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa... Kết thúc chuyến tham quan, du khách có thể chọn mua rất nhiều loại hoa, cây giống. Do có nhiều hoạt động du lịch phong phú nên khách tham quan, trải nghiệm du lịch ở Hồng Vân khá đông. Ước tính, khi chưa có dịch COVID-19, mỗi năm Hồng Vân đón khoảng 7 vạn du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 10 tỷ đồng. Để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, xã Hồng Vân còn cải tạo trụ sở UBND xã cũ làm nơi lưu trú cho du khách. Địa phương cũng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên và thành viên Ban quản lý Du lịch của xã về nghiệp vụ đón khách; hướng dẫn các nhà vườn đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Du lịch nông thôn vừa giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, vừa tăng cơ hội việc làm cho người dân nông thôn, đồng thời tác động tích cực tới nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới, như thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan nông thôn, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới thực chất, bền vững.
Từ những kết quả đã đạt được, Hà Nội đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”. Trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch gắn kết với bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá, xây dựng nông thôn mới bền vững để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện du lịch Thủ đô Hà Nội cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững./.
Một số giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người tỉnh Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững  (21/09/2022)
Thành phố Hà Nội phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh mới  (20/09/2022)
Hà Nội: Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với phát triển làng nghề  (20/09/2022)
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính  (17/09/2022)
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay