Phát huy vai trò của công tác kiểm tra, giám sát trong ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực - Kết quả và kinh nghiệm từ thực tiễn của Đảng bộ tỉnh Lai Châu
TCCS - Đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng để củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này và rút ra được một số bài học kinh nghiệm quan trọng, cần tiếp tục vận dụng có hiệu quả trong thời gian tới.
1- Ngay từ khi mới thành lập, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã quan tâm giáo dục, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ đảng viên, bởi những nội dung này có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự phát triển của cách mạng, sự bền vững của Đảng. Hiện nay, do nhiều nguyên nhân, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” cùng với tham nhũng, tiêu cực đã và đang ngày càng diễn biến phức tạp, trở thành “giặc nội xâm”, làm ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và đe dọa sự vững bền của chế độ. Chính vì vậy, Đảng ta luôn kiên quyết đấu tranh phòng, chống những mối nguy cơ này và đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất trong toàn Đảng.
Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn xác định việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của công tác kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng này, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Trung ương có đề cập về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng(1), để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và các cấp, các ngành, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đối với việc ngăn chặn biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực; qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện.
Tỉnh ủy Lai Châu kịp thời ban hành văn bản để cụ thể hóa các văn bản của Đảng, văn bản pháp luật có liên quan, sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, như các quy trình nghiệp vụ về kiểm tra, giám sát; quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; quy định trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy về công tác kiểm tra, giám sát, công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các quy định của Đảng được triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc, đồng bộ ở các cấp, tạo cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp thực hiện toàn diện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát.
Hằng năm, Tỉnh ủy, cấp ủy và UBKT các cấp sớm ban hành chương trình kiểm tra, giám sát, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, tập trung giám sát việc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Việc triển khai các nội dung này tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, như quản lý đất đai, tài nguyên, công tác cán bộ, quản lý tài sản, ngân sách...
Từ năm 2015 đến nay, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra, giám sát 3.841 lượt tổ chức đảng, 9.228 lượt đảng viên; UBKT các cấp kiểm tra, giám sát 4.543 lượt tổ chức đảng, 1.240 lượt đảng viên. Trong đó, kiểm tra, giám sát chuyên đề về quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” được thực hiện từ cấp tỉnh đến chi bộ đối với 400 tổ chức đảng, 848 đảng viên; giai đoạn 2016 - 2020, đã thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng, 962 đảng viên. Sau kiểm tra, giám sát, cấp ủy các cấp đã kịp thời nhắc nhở, uốn nắn, chấn chỉnh những thiếu sót trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Việc xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm cơ bản bảo đảm kịp thời, đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục; đồng bộ kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và kỷ luật của các đoàn thể; nội bộ tổ chức đảng sau khi được kiểm điểm, xử lý đảng viên vi phạm sớm đi vào ổn định, để nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chú trọng thực hiện công tác tự kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị.
Cùng với đó, cấp ủy, UBKT các cấp đã thực hiện việc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có vi phạm, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; qua đó, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giáo dục, răn đe, cảnh báo các vi phạm có thể xảy ra; không để các thế lực thù địch lợi dụng các sơ suất nhằm xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ; tạo điều kiện để nhân dân biết, ủng hộ hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp; qua đó, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tỉnh ủy Lai Châu chú trọng kiện toàn đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp bảo đảm về số lượng, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn tỉnh hiện có 716 cán bộ kiểm tra, trong đó về trình độ chuyên môn, có 8 tiến sĩ, 31 thạc sĩ, 442 cử nhân, 235 trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị, 167 người có trình độ cao cấp, cử nhân; 476 người có trình độ trung cấp. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ kiểm tra có bản lĩnh chính trị, tính chiến đấu cao, có kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, dân chủ, thận trọng, chặt chẽ; nắm vững và thực hiện đúng các nguyên tắc, thẩm quyền, quy trình, thủ tục, cơ chế, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước; thực sự gương mẫu trong đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp của Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa UBKT các cấp với các cơ quan thanh tra, điều tra và các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thông qua việc ký kết và triển khai thực hiện các quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã ký quy chế phối hợp công tác với Đảng ủy Quân khu 2, Đảng ủy Công an Trung ương và nhiều quy chế phối hợp công tác với các sở, ban, ngành của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Đồng thời, Tỉnh ủy Lai Châu chú trọng công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy chế phối hợp công tác theo quy định để kịp thời rút ra những kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp.
Thời gian qua, cấp ủy và UBKT các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên; qua đó, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, xây dựng Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày càng trong sạch, vững mạnh.
2- Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát phục vụ việc ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, Tỉnh ủy Lai Châu rút ra một số bài học kinh nghiệm làm cơ sở để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quan trọng này trong thời gian tới:
Một là, phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên về vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đối với việc ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực. Muốn vậy, cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng cũng như các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đối với công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tiến hành kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, thận trọng và chặt chẽ, với nội dung tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là cái gốc của tệ nạn tham nhũng; do đó, công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Để việc triển khai được đồng bộ, đem lại hiệu quả thiết thực, công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng phải luôn gắn với kiểm tra, giám sát đảng viên là cấp ủy viên các cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, trước hết là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở cơ quan, đơn vị. Tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, có nhiều đơn, thư, ý kiến phản ánh, tố cáo tham nhũng. Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và có hành vi tham nhũng, tiêu cực phải nghiêm minh, kịp thời, nhằm làm cho tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên tiến bộ hơn, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị.
Ba là, chú trọng thực hiện sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với hoạt động thanh tra, điều tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với hoạt động thanh tra, điều tra,... của Nhà nước; chủ động trao đổi, cung cấp thông tin giữa các cơ quan có liên quan về tình hình tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên; các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò lãnh đạo công tác kiểm tra của các đảng đoàn, ban cán sự đảng, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, vai trò của truyền thông, báo chí và nhân dân đối với công tác kiểm tra, giám sát.
Bốn là, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực chuyên môn và trình độ lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ với đòi hỏi ngày càng cao. Cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp phải thường xuyên đổi mới công tác tuyển chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bổ nhiệm, đề bạt, bố trí, luân chuyển, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật để xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý và có chất lượng đáp ứng yêu cầu. Thường xuyên tiến hành phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp về phương pháp công tác, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, tăng cường việc học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác chuyên môn, nâng cao trình độ lý luận chính trị để đội ngũ này không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, mà còn có đủ kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác kiểm tra, giám sát; qua đó, đấu tranh có hiệu quả hơn với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ./.
--------------
(1) Trọng tâm là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Nắm chắc pháp luật, kiểm soát quyền lực để cầm quyền - khâu mấu chốt trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng  (29/09/2022)
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân Việt Nam hiện nay  (27/09/2022)
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng trong giai đoạn hiện nay  (25/07/2022)
Một số bài học kinh nghiệm rút ra sau 10 năm thực hiện Kết luận số 72 của Bộ Chính trị khóa X về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát  (20/06/2022)
Cái “tôi” nặng thì cái “tội” lớn?!  (10/05/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển