Lan tỏa giá trị nhân văn ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam

PGS, TS. Lương Thanh Hân
Đại tá, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu IV
22:33, ngày 18-08-2021

TCCS - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng những giá trị nhân văn từ nhân cách, bản lĩnh, trí tuệ... ở Đại tướng có sức ảnh hưởng to lớn, lan tỏa sâu rộng đối với toàn lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, việc tiếp nhận, học tập những giá trị nhân văn ở Đại tướng là niềm vinh dự, tự hào, là tình cảm và đồng thời là trách nhiệm lớn lao...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến dịch Việt Bắc (thu - đông 1947). Đây là trận thắng lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam trước thực dân Pháp mà Đại tướng trực tiếp chỉ huy _ Ảnh: qdnd.vn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị “Đại tướng của nhân dân”, con người huyền thoại trong lịch sử hiện đại của dân tộc Việt Nam. Ông là người đã nghiên cứu, nắm vững và vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh vào thực tiễn chiến tranh; đồng thời, quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân, đứng vững trên nền tảng chính trị của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để huy động tinh thần và tổ chức lực lượng toàn dân cầm súng đánh giặc. Bản lĩnh, trí tuệ, tác phong, phương pháp, đức độ và tài năng của ông là sự kết tinh của quá trình tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là biểu tượng sáng ngời của đạo đức cách mạng với phẩm chất tiêu biểu “dĩ công vi thượng”.

Trong suốt cuộc đời hoạt động, phương châm sống, làm việc là vì con người, vì nhân dân với tình cảm sâu sắc đã trở thành cốt cách ở Đại tướng. Ông là biểu tượng của một nhân cách mẫu mực, một vị tướng cầm quân đánh giặc với khát khao cháy bỏng, mong muốn tột bậc là hòa bình và hạnh phúc của nhân dân. Nhận thức sâu sắc về vai trò của quần chúng nhân dân đã được ông tổng kết, khái quát thành tư duy chiến lược về chiến tranh nhân dân với sự kế thừa những tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam trong lịch sử và phát triển lên tầm cao mới. Đại tướng luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, mà ở đó là sự hội tụ lòng yêu nước, ý chí quyết tâm, sức mạnh đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử và được nhân lên gấp bội trong chiến tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nhân văn ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp là lẽ sống, là đạo đức của người cộng sản trung kiên, mẫu mực; là lương tri, lẽ phải, tình yêu thương con người; là sự kiên trì, nhẫn nại, điềm tĩnh, trí tuệ, khả năng tư duy và tầm nhìn uyên bác khi đánh giá về thế trận quân sự và ngoại giao để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất, hợp lý nhất. Đối với cấp dưới và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, Đại tướng vừa nghiêm khắc, vừa bao dung, độ lượng, hết lòng yêu thương, sống chan hòa, gắn bó, gần gũi. Nhân văn ở ông còn là sự khiêm nhường trong ứng xử, quan hệ với tập thể, với đồng chí, đồng đội. Đại tướng luôn tâm niệm, dù cá nhân có tài giỏi đến đâu, nhưng nếu không có một tập thể lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, không có một dân tộc anh hùng và một quân đội anh hùng thì cũng không thể làm nên một công lao, thành tích nào. Ông nói: “…chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ, còn bất kỳ vị tướng nào dù có công lao đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả”(1).

Sự khiêm nhường của Đại tướng còn thể hiện qua sự chia sẻ sâu sắc, tình cảm sâu nặng với đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì độc lập, tự do, vì sự thống nhất của Tổ quốc. Vì thế, trong mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh, Đại tướng luôn trăn trở, suy nghĩ để làm sao ít tổn thất nhất đến xương máu của bộ đội, đồng chí, đồng bào. Đại tướng không bao giờ chấp nhận một chiến thắng phải trả bằng bất cứ giá nào về xương máu của chiến sĩ do những quyết định tùy tiện hoặc thiếu thận trọng gây ra. Đại tướng luôn chia sẻ với từng vết thương của mỗi người lính, tiếc từng giọt máu của mỗi chiến sĩ. Với Đại tướng, quan điểm cốt lõi trong chỉ huy từng chiến dịch là giành được thắng lợi, nhưng phải đi đôi với hạn chế cao nhất sự hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, lý giải cho lựa chọn cách đánh chiến lược trong trận quyết định cuối cùng, Đại tướng nhấn mạnh: “Đi quanh bàn làm việc, nhìn vào tấm bản đồ từ mọi phía, tôi nhớ lại năm xưa đứng trước sa bàn Điện Biên Phủ, suy nghĩ về cách đánh tập đoàn cứ điểm. Hai sự kiện lịch sử có khoảng cách hơn 20 năm, nhưng giống nhau ở sự động não cao độ trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, góp sức tìm ra cách đánh tối ưu nhằm giành thắng lợi lớn nhất với tổn thất ít nhất”(2). Phương châm ứng xử của Đại tướng là lấy nhân nghĩa và hòa hiếu làm trọng. Ngay cả với tù hàng binh, Đại tướng cũng rất cảm thông và khoan dung đối với họ. Ông cho rằng, những người đã lầm đường, lạc lối, theo địch, phản quốc… cũng là do chịu hậu quả của chế độ thực dân xâm lược. Đó chính là sự nhân văn, nhân đạo cao cả, là biểu hiện của phong cách ứng xử tinh tế, linh hoạt theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vị “Đại tướng của nhân dân”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các chiến sĩ tự vệ vừa bắn rơi máy bay E111 của Mỹ, đêm ngày 22-12-1973_Ảnh: TTXVN

Trong cuộc đời cầm quân, chỉ huy quân sự, Đại tướng luôn tôn trọng ý kiến tập thể, mọi quyết định đều thuộc về tập thể, tranh thủ trí tuệ, kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu của các tướng lĩnh, sĩ quan. Phong cách làm việc của ông vừa giữ vững nguyên tắc trong lãnh đạo, vừa tạo dựng tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong lực lượng vũ trang. Khi tuổi cao, sức yếu, Đại tướng luôn quan tâm, căn dặn, động viên cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phải thường xuyên giáo dục, rèn luyện, giữ vững và phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần tập thể, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; cán bộ phải nhất mực thương yêu chiến sĩ, chia sẻ với cấp dưới, giúp đỡ nhân dân và cũng phải biết dựa vào nhân dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa, nhưng hình ảnh, giá trị nhân văn và những cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc vẫn sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam. Ông đã trở thành nhân vật lịch sử lỗi lạc trên lĩnh vực quân sự, đồng thời còn là một trong những biểu tượng cao đẹp của nền văn hóa Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đức độ, tài năng, đạo đức cách mạng “dĩ công vi thượng”, phẩm chất trong sáng, thủy chung của Đại tướng đã chiếm trọn niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân và bạn bè quốc tế. “Ông là một trong số ít nhân vật trở thành huyền thoại ngay khi còn đang tại thế”(3). Giá trị nhân văn ở Đại tướng đã hội tụ các phẩm chất: trí, tín, dũng, nhân, liêm, trung theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vì thế, thân thế, sự nghiệp và nhân cách vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng ngời về trí tuệ, ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập, tự chủ; bao dung, độ lượng, đoàn kết, nghĩa tình với đồng chí, đồng bào. Giá trị nhân văn ở Đại tướng là sự mực thước về đạo đức cách mạng, là hiện thân sâu sắc về giá trị nhân văn của dân tộc, văn hóa, con người Việt Nam, là biểu hiện sâu sắc về phẩm chất cách mạng cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Bởi vậy, nhân văn ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã trở thành giá trị trường tồn đối với dân tộc Việt Nam và lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, thành quả cách mạng; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, lực lượng vũ trang nhân dân cần được chăm lo xây dựng có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, việc chuyển hóa và lan tỏa giá trị nhân văn ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang là một phương thức nhằm xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở. Tiếp nhận và chuyển hóa giá trị nhân văn ở Đại tướng đối với lực lượng vũ trang cũng góp phần hiện thực hóa quan điểm của Đảng ta về “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam..., xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(4). Tạo động lực mạnh mẽ để mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh, lập trường, có quyết tâm sắt đá và tinh thần sáng tạo trong tiếp nhận tri thức khoa học, phát triển tư duy, năng lực thực tiễn trong chiến đấu, công tác và xây dựng lực lượng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Tiếp nhận và làm lan tỏa giá trị nhân văn của Đại tướng cũng sẽ tạo động lực thôi thúc để mỗi người phấn đấu, rèn luyện, công tác và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc công việc đảm nhiệm, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tạo thế trận phòng thủ đất nước ngày càng vững chắc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Lan tỏa giá trị nhân văn ở Đại tướng đối với lực lượng vũ trang là sự tự giác tiếp nhận, thẩm thấu, chuyển hóa những giá trị đó vào nhận thức, tình cảm, đạo đức, phong cách và làm cho sự thống nhất giữa nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ được biểu hiện trong công việc hằng ngày, trong quan hệ ứng xử với đồng chí, đồng đội và nhân dân. Theo đó, đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, lan tỏa giá trị nhân văn ở Đại tướng được biểu hiện tập trung trong các chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ”, hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân, trọng tâm là các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị; đạo đức, lối sống; văn hóa, tri thức; dân chủ, kỷ luật; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại những chiến sĩ của mình đã chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ 50 năm trước (năm 2004)_Ảnh: TTXVN

Nhớ về "Người Anh cả của quân đội" với tấm lòng kính trọng, biết ơn, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tự giác, chủ động tiếp nhận, học tập, chuyển hóa, lan tỏa giá trị nhân văn ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, sự cố môi trường… Trong thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập cảnh, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về giãn cách xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu cách ly tập trung. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, lan tỏa những giá trị nhân văn mà sinh thời Đại tướng đã truyền dạy, nêu gương. Tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ quân đội đã không ngại gian khổ, hy sinh, với mệnh lệnh từ trái tim “phía trước là nhân dân”, kịp thời có mặt ở những nơi gian khổ, nguy hiểm nhất để thực hiện nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”... Những tấm gương hy sinh của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, hình ảnh người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân, góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xúc động, tự hào về những di sản giá trị nhân văn mà Đại tướng đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nguyện nêu cao ý chí tự lực, tự cường và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đoàn kết một lòng, quyết tâm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm nòng cốt để củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, chiến đấu, công tác vì hạnh phúc của nhân dân, tích cực tu dưỡng, rèn luyện làm cho giá trị nhân văn của Đại tướng tiếp tục được lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng, ngày càng nảy nở phát triển và hoàn thiện trong bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, phong cách của mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

Để giá trị nhân văn ở Đại tướng được lan tỏa ngày càng sâu rộng, trước hết, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền về giá trị nhân văn ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thường xuyên tổ chức học tập, nghiên cứu tìm hiểu về cội nguồn, cơ sở, nội dung, ý nghĩa giá trị nhân văn cao đẹp trên nhằm nâng cao nhận thức, tình cảm, làm cho giá trị nhân văn được thấm đượm vào nhân cách, chuyển hóa thành những hành động cách mạng thiết thực của mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, có chính kiến ủng hộ cái đúng, cái tích cực, đấu tranh với cái sai, cái tiêu cực, chủ động phòng ngừa những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để cùng nhau tiến bộ.

Học tập, tiếp nhận và chuyển hóa giá trị nhân văn ở Đại tướng đối với lực lượng vũ trang cần phải cụ thể hóa thành tiêu chí phấn đấu của mỗi tổ chức, mỗi lực lượng, mỗi cán bộ, chiến sĩ, để luôn tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện tốt “Mười lời thề danh dự”, “Mười hai điều kỷ luật” của quân nhân, “Sáu điều Bác Hồ dạy chiến sĩ Công an nhân dân”. Cán bộ, chiến sĩ yêu thương, chia sẻ tình cảm đồng chí, đồng đội, động viên, giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ, tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất ở mỗi cơ quan, đơn vị, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Tăng cường thực hiện các biện pháp nêu gương, nhất là cán bộ chủ trì, để thật sự là chỗ dựa tin cậy cho cấp dưới và chiến sĩ như những điều căn dặn của Đại tướng, đó là cán bộ phải gương mẫu, làm gương cho cấp dưới, gắn bó mật thiết với nhân dân, không ngừng phấn đấu, rèn luyện trưởng thành và tiến bộ.

Lan tỏa giá trị nhân văn ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với lực lượng vũ trang gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong quân đội, “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” và khẩu hiệu hành động “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả” của lực lượng Công an nhân dân, với những tiêu chí cụ thể, đó là: kiên định, vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao, hành động đẹp; đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tri thức khoa học, trình độ năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khỏe tốt; dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; đoàn kết, tôn trọng, gắn bó máu thịt với nhân dân, có tinh thần quốc tế trong sáng…, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

---------------------------------

(1) Trần Trọng Trung: Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 835 - 836

(2) Nhiều tác giả: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 964

(3) Trần Trọng Trung: Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Sđd, tr. 5

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 143