Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 28-01 đến ngày 03-02-2019

Minh Huệ tổng hợp từ TTXVN, VGP
09:51, ngày 04-02-2019
TCCSĐT - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tạo động lực và áp lực trách nhiệm với mỗi cán bộ, công chức, để bứt phá vươn lên; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “Nếu chúng ta sợ lợi ích nhóm là có tội với nước, với dân”; Ban hành tạm thời danh mục vị trí việc làm các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Phú Yên: Đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy mang lại hiệu quả bước đầu; Tiền Giang: Cải thiện chỉ số PAPI, tăng độ hài lòng của người dân và nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan công quyền; là những tin nổi bật tuần qua.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tạo động lực và áp lực trách nhiệm với mỗi cán bộ, công chức, để bứt phá vươn lên

Năm 2018, tăng trưởng GDP nước ta lập mốc 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây. Mức tăng trưởng này được Chính phủ đánh giá là toàn diện cả về cung và cầu. Do tăng trưởng khá nên quy mô nền kinh tế tăng khá nhanh, năm 2016 là 4,6 triệu tỷ đồng, năm nay là 5,5 triệu tỷ đồng, quy mô nền kinh tế là 240,5 tỷ USD, gấp 1,3 lần so với năm 2015. Bình quân đầu người suýt soát 2.600 USD/người, tăng gần 200 USD so với năm 2017. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chia sẻ với phóng viên về những tín hiệu vui này.

Về những hạn chế, bất cập trong thực hiện nhiệm vụ của bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng, các đồng chí trong Thường trực Chính phủ rất thẳng thắn phê bình những tổ chức, tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc chậm thực hiện những kết luận, chỉ đạo, chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đây là cái cần thiết trong chỉ đạo, điều hành và đúng tinh thần là phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.

Phó Thủ tướng cho rằng: Qua những lần kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc cụ thể như thế, đội ngũ cán bộ, công chức các ngành cũng có chuyển biến tích cực. Bằng chứng là nhiều đề án, nhiều công việc của các bộ, các ngành qua kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, tỷ lệ hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức ngày càng tăng lên. Số lượng chưa hoàn thành giảm đi và hiệu lực thực thi công vụ cũng tốt hơn. Chuyển động nhiều nên mới có được kết quả như thế, nhất là liên quan đến hoàn thiện pháp luật và thể chế về giải ngân vốn đầu tư công. Chúng ta đang xoay đúng hướng, kể cả vấn đề sửa đổi thể chế và tổ chức thực hiện.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2019, Nghị quyết 01 của Chính phủ đã nhấn mạnh phải tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; khắc phục tình trạng trì trệ, quá thận trọng, giữ mình… để bứt phá vươn lên, hoàn thành tốt hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

“Nếu chúng ta sợ lợi ích nhóm là có tội với nước, với dân”

"Đương đầu với các lợi ích nhóm mà bảo không áp lực thì là nói dối. Nhưng dù phải chịu áp lực hơn nữa thì tôi cũng vẫn sẵn sàng. Người dân, doanh nghiệp đang mong mỏi lắm Chính phủ thực thi cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nếu chúng ta sợ lợi ích nhóm, là có tội với nước, với dân", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định như vậy trong trả lời phỏng vấn báo chí.

Đánh giá về một số kết quả đấu tranh với lợi ích nhóm trong 3 năm qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét: Khi phát quang được bước đầu tầng tầng lớp lớp các nhóm lợi ích trong bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương, thì tiếng nói của người dân đã lên được tới những người lãnh đạo cao nhất của đất nước. Khi phát quang lợi ích nhóm, thì khách đến Văn phòng Chính phủ từ "cửa chính" ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là khách quốc tế.

Theo Bộ trưởng, điều đó thể hiện niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, họ tìm đến làm việc vì bước đầu yên tâm vào sự trong sạch của bộ máy và công việc của họ được giải quyết đường đường chính chính, không còn phải đi bằng cửa sau và hành xử theo văn hóa "gầm bàn".

Nếu như năm đầu của nhiệm kỳ, năm 2016, những vụ việc xảy ra như với quán cà phê "Xin chào" nhiều không thể kể hết, thì đến nay cũng đã giảm hẳn. Một không khí mới về thượng tôn pháp luật, kỷ luật kỷ cương đã ngày càng lan rộng. Ít nhất, theo niềm tin của Bộ trưởng là người dân nào cũng có thể cảm thấy là lực lượng thực thi công vụ không còn dám ngang nhiên làm càn như ngày trước, không còn dám ngang nhiên vòi vĩnh, ăn chặn tiền của người dân, doanh nghiệp như “cướp ngày”. “Bò dành cho người nghèo cũng không còn đi lạc vào nhà chủ tịch xã”...

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá: Khí thế cải cách, chống tham nhũng đang đặc biệt mạnh mẽ. Trong thực tiễn điều hành, Chính phủ đặt nguyên tắc bám vào quy định của pháp luật. Có những vấn đề thực tiễn mà pháp luật chưa theo kịp, đòi hỏi phải có sự quyết đoán và đồng thuận. Thủ tướng ngoài tâm huyết, trách nhiệm còn rất trí tuệ, khi xử lý vấn đề rất thông minh, uyển chuyển.

Thủ tướng quyết đoán nhưng phải tạo được sự đồng thuận trong Chính phủ và các bộ, ngành. Mà muốn đạt được sự đồng thuận thì tất cả các thành viên Chính phủ phải gạt đi tư tưởng lợi ích nhóm, chỉ theo một mục tiêu duy nhất là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Các thành viên Chính phủ đều thống nhất rằng, phải gia tăng sức ép trong thực thi mọi nhiệm vụ. Một đất nước muốn phát triển thì phải có sự cạnh tranh quyết liệt, không có cạnh tranh thì không thể phát triển. Không tạo sức ép mạnh từ trên xuống thì không thể lay động. Tự giác chỉ có mức độ, vì bộ máy của chúng ta đã trì trệ quá lâu, cần có sức ép, sự quyết liệt từ lãnh đạo, từ người đứng đầu.

Theo tinh thần đó, các bộ, ngành, địa phương đều quyết tâm rất cao, đều hoàn thành nhiệm vụ dù các mức độ hoàn thành còn khác nhau. Có những địa phương thay đổi hẳn chiến lược tăng trưởng.

Ban hành tạm thời danh mục vị trí việc làm các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và nhiệm vụ do Thường trực Ban Bí thư giao, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì tổng hợp, xây dựng, ban hành hệ thống danh mục vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm công chức trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã quyết định ban hành tạm thời danh mục vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm công chức các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Mỗi danh mục vị trí việc làm quy định rõ: Vị trí việc làm thuộc nhóm lãnh đạo, quản lý, trợ lý, thư ký; vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành; vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên môn; vị trí việc làm thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ. Ban hành kèm theo là các bản mô tả vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị.

Phú Yên: Đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy mang lại hiệu quả bước đầu

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19 –NQ/TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập”, Tỉnh ủy Phú Yên đã triển khai thực hiện quyết liệt, bước đầu mang lại những kết quả nhất định.

Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên được thành lập vào đầu tháng 5-2018 trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị là: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh và Ban Quản lý xây dựng các công trình giao thông tỉnh.

Sau khi sáp nhập, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên được tinh gọn hơn. Từ 21 phòng trực thuộc giảm xuống còn 12 phòng. Lộ trình đến năm 2020 tiếp tục giảm xuống còn 8 phòng. Lãnh đạo Ban cũng giảm xuống còn 1 Giám đốc và 4 Phó giám đốc. Việc tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy không ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Đối với chế độ lương, tất cả cán bộ, viên chức được hưởng cao hơn so với thời điểm chưa sáp nhập. Bình quân mỗi người nhận bằng 1,6 lần mức lương cơ bản.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Phú Yên đã tinh giảm 78 tổ chức (gồm: 02 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; 30 đơn vị cấp phòng; 46 đơn vị trường học; giảm 98 lãnh đạo (04 lãnh đạo cấp sở, 39 lãnh đạo cấp phòng, 55 lãnh đạo các trường học); giảm 245 biên chế.

Ở cấp huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương ở 04/09 đơn vị. Tất cả các địa phương đều thực hiện chủ trương bố trí Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Riêng huyện Tây Hòa hoàn thành việc hợp nhất Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện.

Bên cạnh đó, có 114/625 thôn, buôn, khu phố đã thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, buôn, khu phố.

Đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên khẳng định: Việc sắp xếp bộ máy, cán bộ theo chủ trương Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII ở Phú Yên được thực hiện khá quyết liệt, với những kết quả hết sức cụ thể. Ban đầu triển khai thực hiện, tỉnh cũng gặp một số khó khăn nhất định. Một số cán bộ, đảng viên băn khoăn lo lắng về tính khả thi và hiệu quả công việc. Nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã đạt được kết quả tốt, hiệu quả thật sự.

Tiền Giang: Cải thiện chỉ số PAPI, tăng độ hài lòng của người dân và nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan công quyền

Hiện Tiền Giang là một trong những địa phương có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện chỉ số Hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh Việt Nam (chỉ số PAPI), từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền; tạo hình ảnh chính quyền thân thiện, tích cực và gần gũi nhân dân. Hướng tới đạt hiệu quả trong quản lý, điều hành gắn với phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết đề ra.

Đặc biệt, lãnh đạo các cấp ở địa phương đã chủ động gặp gỡ lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Qua đó từng bước làm tăng mức độ hài lòng của người dân về hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp vừa chủ động phòng chống bệnh quan liêu, cửa quyền.

Tiền Giang đi đầu trong việc tổ chức những buổi gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với nhân dân về những nội dung liên quan đến chỉ số PAPI. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã yêu cầu các thành viên UBND tỉnh Tiền Giang phải tổ chức gặp gỡ nhân dân về các nội dung chỉ số PAPI tối thiểu 1 lần/ tháng, bắt đầu thực hiện từ tháng 11-2018. Địa điểm gặp gỡ bất kỳ, có thể là ngay tại nhà dân hoặc các công sở và trung tâm hành chính xã, phường, thị trấn miễn sao tiện lợi cho bà con.

Trong năm 2018, tỉnh đã tổ chức được 48 buổi gặp gỡ nhân dân tại 48 xã trong tỉnh. Trong đó có 15 buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và 33 buổi gặp gỡ giữa 17 Ủy viên UBND tỉnh với nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Ước có tổng cộng gần 10.000 lượt người dân tham gia gặp gỡ lãnh đạo UBND tỉnh trong các buổi gặp gỡ. Trung bình 170 người dân tham dự/buổi gặp gỡ.

Tổng kết qua các buổi gặp gỡ, nhân dân đóng góp hàng ngàn lượt ý kiến, kiến nghị, thắc mắc về các vấn đề liên quan đến đời sống thường nhật cũng như những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Lãnh đạo UBND tỉnh đã kết luận chỉ đạo 133 vấn đề kiến nghị trọng tâm giao các sở ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện. Đến cuối năm, các sở ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã giải quyết 70/133 việc; còn 63 việc các ngành và địa phương đang giải quyết tiếp tục trong năm 2019.

Các buổi gặp gỡ, tiếp xúc nhân dân liên quan chỉ số PAPI đã mang lại những hiệu quả tích cực. Đó là lắng nghe, giải quyết kịp thời thắc mắc, khiếu nại của nhân dân ngay tại cơ sở; tạo ra kênh thông tin giữa chính quyền các cấp với nhân dân cơ sở một cách trực tiếp; tạo dựng được lòng tin trong nhân dân về Đảng và nhà nước cũng như hệ thống các cơ quan công quyền; góp phần đưa các chủ trương, chính sách vào đời sống; nâng cao vai trò chủ động của chính quyền cơ sở trong việc phục vụ nhân dân tốt hơn đồng thời phát huy tính năng động của lãnh đạo địa phương nói chung và cán bộ cơ sở nói riêng trong việc hướng đến phục vụ ngưởi dân, giảm bớt phiền hà…

Mặt khác, người dân có thể nêu các phản ánh, kiến nghị với lãnh đạo UBND tỉnh về 6 nội dung chính với 22 nội dung thành phần của PAPI là: Tham gia của người dân ở cơ sở, Công khai minh bạch, Trách nhiệm giải trình với người dân, Kiểm soát tham nhũng, Thủ tục hành chính công, Cung ứng dịch vụ công. Ngoài các nội dung của PAPI, người dân có thể nêu các phản ánh, bức xúc, kiến nghị trên tất cả các lĩnh vực khác của đời sống.

Qua phản ánh, kiến nghị của người dân, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã giải thích, làm rõ, cung cấp thông tin chính thức đối với các vấn đề người dân chưa rõ; nêu hướng giải quyết đối với các kiến nghị chính đáng mà có thể giải quyết ngay được hoặc ghi nhận các ý kiến để xem xét giải quyết thỏa đáng, tạo dựng niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị, cơ quan công quyền cũng chính là nển tảng vững chắc giúp tỉnh nhà hoàn thành thắng lợi mục tiêu theo Nghị quyết đề ra năm 2019 cũng như giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn 2025 của Đảng bộ Tiền Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng cho biết, trong năm 2019, tỉnh tiếp tục tổ chức 125 buổi gặp gỡ nhân dân của lãnh đạo UBND tỉnh và Ủy viên UBND tỉnh về các nội dung liên quan đến PAPI ở 125 xã còn lại để ghi nhận, giải đáp và giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân, cải thiện sự hài lòng của nhân dân đối với sự phục vụ của chính quyền nhà nước. Đồng thời tổ chức tập huấn cho 11 Chủ tịch UBND cấp huyện, 173 chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh về gặp gỡ nhân dân. Mục đích để các địa phương chủ động thực hiện từ năm 2020./.