TCCSĐT - Trong lịch sử vẻ vang của Đảng ta, có không ít cán bộ, đảng viên bằng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cao quý và trí tuệ ưu việt của mình, tạo được lòng tin yêu sâu sắc trong quần chúng nhân dân. Trong số đó, in đậm tên tuổi của Ngô Gia Tự - người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, với phẩm chất trung kiên, giàu tình nhân ái; không hề mơ màng công danh, phú quý; hoà mình vào cuộc sống lao động của nhân dân để hoạt động cách mạng.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự (03-12-1908 - 03-12-2018) là dịp chúng ta ôn lại thân thế và sự nghiệp, cũng như những cống hiến to lớn của đồng chí cho cách mạng; đồng thời để mỗi cán bộ, đảng viên học tập, noi theo tấm gương kiên cường, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cộng sản tiên phong

Đồng chí Ngô Gia Tự (bí danh là Ngô Sĩ Quyết hay Bách), sinh ngày 03-12-1908, tại xóm Xanh, làng Tam Sơn, thuộc tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn (nay là xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), trong một gia đình nhà nho, thân phụ là cụ đồ Du, từng tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Năm 14 tuổi, vào học trường Bưởi (Trường phổ thông trung học Chu Văn An hiện nay), với tư chất thông minh, nhiều nghị lực và được tiếp xúc với trào lưu tư tưởng tiến bộ và những nhà giáo yêu nước, được đọc sách báo do Nguyễn Ái Quốc gửi về nước, đồng chí Ngô Gia Tự đã sớm được giác ngộ cách mạng. Năm 17 tuổi, đồng chí Ngô Gia Tự tham gia tích cực vào các phong trào của học sinh, sinh viên đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh. Cùng thời gian đồng chí Ngô Gia Tự đang tích cực tham gia vào các phong trào yêu nước sôi động ở trong nước thì ở Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng (còn gọi là Hội Việt Nam cách mạng đồng chí hay Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội), ra báo Thanh Niên, cử người về nước mở rộng tổ chức và chọn thanh niên sang học các lớp huấn luyện chính trị.

Năm 1926, đồng chí Ngô Gia Tự được giới thiệu vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và được tổ chức phân công ở lại hoạt động ngay trên quê hương. Đồng chí đã vận động, giác ngộ quần chúng bằng việc hoà mình vào đời sống của bà con nông dân; ngày ngày lao động cật lực ngay trên đồng ruộng quê mình như những thanh niên khác. Với những hoạt động của mình, đồng chí Ngô Gia Tự được bà con nhân dân quý mến, các bạn thanh niên trân trọng, muốn gần gũi học hỏi. Đây là điều kiện để đồng chí Ngô Gia Tự giác ngộ tinh thần yêu nước cho quần chúng nhân dân và khơi dậy tinh thần đứng lên đấu tranh thoát khỏi ách nô lệ của người dân lao động.

Giữa năm 1927, đồng chí Ngô Gia Tự được cử sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức, trực tiếp xây dựng chương trình và soạn thảo nội dung huấn luyện. Đồng chí đã say mê nghiên cứu, tích cực trau dồi nhằm lĩnh hội những kiến thức cơ bản, chính yếu của lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng…, từ đó, xác định rõ niềm tin vào thắng lợi và trở thành chiến sĩ cộng sản kiên cường của cách mạng Việt Nam. Học xong lớp huấn luyện, đồng chí Ngô Gia Tự trở lại hoạt động ở tỉnh bộ Bắc Ninh - Bắc Giang thuộc Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đồng chí chủ động xây dựng cơ sở của Hội trong nông dân, thanh niên và cả một số binh lính, nhất là ở vùng Từ Sơn, Thuận Thành. Biết được hoạt động của đồng chí, thực dân Pháp đã ra lệnh truy nã. Để bảo toàn lực lượng cách mạng, tổ chức đã phân công đồng chí vào Sài Gòn làm công nhân bốc vác ở bến cảng. Ở đây, đồng chí đã lăn lộn với công tác tuyên truyền cách mạng, tổ chức và lãnh đạo công nhân đấu tranh; ở đâu đồng chí cũng được anh em công nhân quý mến, tin tưởng, vì ở đồng chí toát nên những phẩm chất quý báu thuộc bản chất lao động của người công nhân và nông dân.

Ngày 31-5-1930, trong một trận lùng của giặc Pháp, đồng chí Ngô Gia Tự bị bắt tại một cơ sở ở xóm Phú An (bên sông Thị Nghè, Sài Gòn). Thực dân Pháp biết đồng chí là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng Cộng sản Việt Nam nên đã dùng đủ cực hình tra tấn, nhưng không khuất phục được người cộng sản có tinh thần gang thép. Sự chịu đựng gan dạ phi thường của đồng chí đã khiến cho tên Chánh mật thám Nam Kỳ phải thốt lên với bọn đàn em: “Thật là một anh hùng”; còn bọn cẩm, cò Tây ở Sài Gòn thì liệt Ngô Gia Tự vào “ngũ hổ” tức là năm chính trị phạm ngoan cường nhất. Tại tòa đại hình mở ở Sài Gòn đầu tháng 5-1933, đồng chí Ngô Gia Tự bị kết án chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Những ngày ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí vẫn không ngừng nêu cao khí phách của người cộng sản, luôn luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù và hết lòng chăm lo việc huấn luyện chính trị, giáo dục văn hóa cho bạn tù; đồng thời thường xuyên động viên các đồng chí khác trong tù phấn đấu, rèn luyện, xây dựng niềm tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Cuối tháng 12-1934, chi bộ Đảng nhà tù Côn Đảo tổ chức cho đồng chí Ngô Gia Tự cùng một số đồng chí khác vượt ngục về đất liền để tiếp tục xây dựng và lãnh đạo phong trào cách mạng. Chuyến vượt biển không thành, các đồng chí mất tích giữa biển khơi. Sự hy sinh của đồng chí Ngô Gia Tự cùng các đồng chí của mình là tổn thất lớn của Đảng. Cuộc đời hoạt động của đồng chí đã để lại những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam.

Với lý tưởng cộng sản, mang tất cả nhiệt tình của tuổi thanh xuân vào cuộc chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi áp bức, bóc lột, đồng chí Ngô Gia Tự là một mẫu mực về sự kiên cường; gần gũi, hòa mình, gắn bó mật thiết với quần chúng và khả năng to lớn trong vận động, thuyết phục quần chúng. Là một trí thức (sau khi rời trường Bưởi đã tự học và đậu bằng Tú tài), nhưng khi đến với công nhân và nông dân, đồng chí luôn luôn chủ động tìm cách gần gũi, cùng lao động, cùng chịu kham khổ với họ. Qua tiếp xúc, lao động, đồng chí chọn đúng những người tiên tiến đưa vào các tổ chức cách mạng từ thấp đến cao.

Những đóng góp quan trọng vào quá trình chuẩn bị thành lập Đảng

Trong thời gian hoạt động ở vùng Bắc Ninh - Bắc Giang (khoảng giữa năm 1927 - giữa năm 1928), đồng chí Ngô Gia Tự đã tích cực hướng dẫn, dìu dắt đồng chí Nguyễn Văn Cừ (sau này là Tổng Bí thư của Đảng những năm 1938 - 1940) vào con đường hoạt động cách mạng. Tháng 9-1928, đồng chí Ngô Gia Tự được cử làm Ủy viên Kỳ bộ Bắc Kỳ. Trên cương vị của mình, đồng chí Ngô Gia Tự đã chủ động thực hiện chủ trương “vô sản hóa” trong Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ, đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền, xí nghiệp… cùng lao động, ăn ở với công nhân, giác ngộ cách mạng cho công nhân. Thực tế lịch sử đã minh chứng, phong trào “vô sản hóa” đã có tác dụng lớn, không những góp phần thúc đẩy phong trào công nhân nước ta tiến nhanh từ tự phát lên tự giác, từ giác ngộ dân tộc lên giác ngộ giai cấp, mà còn là một biện pháp quan trọng để rèn luyện những người trí thức trong các phong trào cách mạng, làm cho họ thật sự hòa nhập vào giai cấp công nhân. Khi phong trào đấu tranh của công nhân lên cao, Ngô Gia Tự cùng với những đồng chí của mình thấy rằng, tuy Hội Việt Nam cách mạng thanh niên có khuynh hướng cộng sản, nhưng đường lối và tổ chức không rõ ràng, không còn đủ sức lãnh đạo phong trào, cần phải được thay thế bằng một Đảng Cộng sản. Chính nhận thức đúng đắn đó đã thôi thúc đồng chí Ngô Gia Tự đi đầu trong việc thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên. Tháng 3-1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội, đồng chí cùng các đồng chí: Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du... thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Bắc Kỳ. Từ chi bộ cộng sản đầu tiên này, đồng chí Ngô Gia Tự cùng các đồng chí của mình tiếp tục xây dựng nhiều chi bộ khác để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản - đội tiền phong của giai cấp công nhân, đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng trong cả nước.

Ngày 01-5-1929, Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên họp ở Hương Cảng (Trung Quốc). Đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ do đồng chí Ngô Gia Tự dẫn đầu dự Đại hội đưa ra đề nghị giải tán Hội để thành lập Đảng Cộng sản. Đề nghị đó không được Đại hội chấp thuận, đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ bỏ Đại hội ra về. Ngày 17-6-1929, tại ngôi nhà số 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, ra Tuyên ngôn, Điều lệ ĐảngChính cương, xuất bản báo Búa liềm làm cơ quan ngôn luận của Đảng, lập ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách của cách mạng, đặc biệt là phong trào công nhân, cổ vũ và đưa phong trào phát triển lên một bước mới, cả bề rộng và chiều sâu; đồng thời mở đường cho việc thành lập các tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

Cuối tháng 5-1929, khi nổ ra cuộc bãi công của công nhân hãng Avia (hãng sửa chữa ôtô ở Hà Nội), đồng chí Ngô Gia Tự đến ngay điểm nóng này, cùng người lãnh đạo Công hội đỏ của xưởng bám sát quần chúng, theo dõi diễn biến của cuộc bãi công. Với lòng tin tuyệt đối ở quần chúng và ở tình hữu ái giai cấp, đồng chí phát động công nhân toàn xưởng và công nhân cả nước ủng hộ cuộc bãi công bằng những hành động thiết thực. Chủ trương đúng đắn này đã mang lại kết quả to lớn, cuộc bãi công có điều kiện kéo dài và kết thúc thắng lợi, buộc bọn chủ phải nhân nhượng. Cũng từ đây, các cuộc bãi công của thợ thuyền trong cả nước diễn ra liên tục và sôi động; trở thành cuộc đấu tranh có quy mô lớn và có ý thức giai cấp rõ rệt nhất của giai cấp công nhân nước ta trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuối tháng 7-1929, theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Ngô Gia Tự vào hoạt động ở Nam Kỳ để vận động các tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở đây chuyển thành các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Với sự năng nổ và tài vận động tổ chức, đồng chí đã xây dựng được nhiều chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ, đặc biệt là ở những vùng xung yếu. Lúc này, bên cạnh các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng do Ngô Gia Tự và các đồng chí của mình nhen nhóm, còn có các chi bộ An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ và và Nam Kỳ do anh em Hội Việt Nam cách mạng thanh niên lập ra từ cuối năm 1929. Có thể nói, với trí tuệ sắc sảo, sự nhạy cảm chính trị của mình, đồng chí Ngô Gia Tự đã góp phần quan trọng vào sự hình thành các tổ chức cộng sản, chuẩn bị thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Ngày 03-02-1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, các tổ chức cộng sản được hợp nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay sau khi được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ, đồng chí đã tích cực, chủ động đến các cơ sở để chủ trì việc thành lập và giao nhiệm vụ cho các chi bộ, làm cơ sở để nhân rộng phong trào cách mạng ra khắp mọi nơi. Trong thời gian này, đồng chí Ngô Gia Tự cũng thường xuyên xuống cơ cở mở một số lớp huấn luyện ngắn hạn cho cán bộ, đảng viên về nhận thức chính trị, nghệ thuật vận động quần chúng, công tác củng cố, phát triển tổ chức đảng... Đây thực sự là những cống hiến thực tiễn ở các mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng những năm đầu sau khi thành lập Đảng.

Ghi nhớ công lao của đồng chí Ngô Gia Tự và những đồng chí cách mạng tiền bối khác, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần nêu cao tinh thần quyết tâm phấn đấu không ngừng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần chiến đấu kiên cường, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng; lòng nhiệt tình vì công việc, phát huy năng lực tổ chức, luôn gần gũi động viên đồng chí, đồng đội vượt qua khó khăn gian khổ, vận động quần chúng, đi đến đâu cũng cố gắng tổ chức xây dựng cơ sở đảng… của đồng chí Ngô Gia Tự mãi là tấm gương cho mọi cán bộ, đảng viên học tập, noi theo, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”(1)./.
--------------------------
(1) Thư viện tỉnh Bắc Binh (2013), Ngô Gia Tự - Người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh, Bắc Ninh.