TCCSĐT - Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Từ năm 2021 trở đi không còn thi chuyên viên cao cấp; Chuyển biến trong sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở Vĩnh Phúc; Nghệ An xác định năm 2019 là Năm đột phá về cải cách hành chính; Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Sóc Trăng chính thức đi vào hoạt động; Bến Tre xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiện đại; là những tin nổi bật tuần qua.

Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24-12-2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Mục tiêu của Nghị quyết nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Nghị quyết, từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về hai tiêu chuẩn: diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Ngoài những đơn vị chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn nêu trên, khuyến khích việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi bảo đảm yếu tố thuận lợi và được phần lớn nhân dân đồng thuận. Từ năm 2022 đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019 - 2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.

Ðể đạt mục tiêu đề ra, những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra là: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật, quy phạm pháp luật liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm đồng bộ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của hầu hết nhân dân. Trước mắt áp dụng cho các đơn vị thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021; sau tổng kết, tiếp tục hoàn thiện phục vụ cho giai đoạn tiếp theo.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hoặc ban hành mới các văn bản quy định pháp luật về sắp xếp tổ chức bộ máy; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các chế độ, chính sách cho những đối tượng bị tác động khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tạm dừng việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý đối với những địa phương trong kế hoạch thực hiện đề án sắp xếp lại.

Xây dựng khung danh mục vị trí việc làm để các địa phương tiến hành xây dựng vị trí việc làm. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo các nghị quyết, kết luận của Ðảng, quy định của Nhà nước và phù hợp với thực tế. Thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch trong việc rà soát, đánh giá, xếp loại, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các tổ chức trong bộ máy hệ thống chính trị, bảo đảm lựa chọn được những người có phẩm chất, năng lực để đảm nhận những vị trí công việc tại những đơn vị hành chính mới. Quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị tác động do sắp xếp. Chậm nhất sau 5 năm kể từ khi cấp có thẩm quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất thì biên chế và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định.

Từ năm 2021 trở đi không còn thi chuyên viên cao cấp

Sáng 06-01, Bộ Nội vụ tổ chức khai mạc kỳ thi nâng ngạch công chức từ ngạch chuyên viên chính lên ngạch chuyên viên cao cấp năm 2018 cho 587 công chức của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có 25 công chức là lãnh đạo UBND cấp tỉnh, 175 công chức ở vị trí lãnh đạo cấp sở và tương đương, 250 công chức là lãnh đạo cấp vụ, cục và tương đương, 19 công chức là lãnh đạo cấp phòng, 30 công chức là chuyên viên chính. Nhiều công chức có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm công tác và có người tuổi đời còn khá trẻ, đang đảm nhận những trọng trách khác nhau ở các bộ, ngành, địa phương. Kỳ thi được tổ chức theo nguyên tắc cạnh tranh. Các nội dung thi kiến thức chung, viết và bảo vệ đề án không chỉ đánh giá kiến thức về lý luận mà còn đánh giá về năng lực thực tiễn, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn hoạt động công vụ.

Phát biểu chỉ đạo kỳ thi, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, năm 2018 là năm cuối cùng thực hiện thi theo quy chế của Nghị định 24/2010. Bắt đầu kỳ thi năm 2019 của ngạch chuyên viên cao cấp sẽ thực hiện theo Nghị định 161. Đây là năm đầu tiên Bộ trưởng Bộ Nội vụ ủy quyền cho Học viện Hành chính quốc gia lập Hội đồng thi chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp.

Theo Bộ trưởng, để chuẩn bị cho năm 2019 trở đi, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo Vụ Công chức - Viên chức tham mưu cho Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chuẩn chức danh công chức trong cơ quan nhà nước, thực hiện đúng Nghị quyết 27-NQ/TW (về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp), từ năm 2021 trở đi không còn thi chuyên viên cao cấp mà trả lương theo vị trí việc làm, theo chức vụ lãnh đạo, quản lý. Việc thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính và từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp sẽ chỉ thực hiện trong hai năm 2019 - 2020.

Chuyển biến trong sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở Vĩnh Phúc

Qua hai năm thực hiện Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở phạm vi từ các cơ quan Đảng, đoàn thể, các cơ quan Nhà nước, các hội, áp dụng từ cấp tỉnh đến thôn, xóm, tổ dân phố, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Sau 2 năm (2017 và 2018) triển khai, đến nay có 100% các cơ quan hành chính cấp tỉnh và 100% cơ quan chuyên môn cấp huyện đã được quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Trong 2 năm, toàn tỉnh đã giảm 37 phòng chuyên môn thuộc 17/21 sở, ngành, đơn vị thuộc sở; cấp huyện đã giảm 10 phòng; giảm 87 đơn vị sự nghiệp, trong đó cấp tỉnh giảm 31 đơn vị, cấp huyện giảm 56 đơn vị. Riêng các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã giảm 33 đơn vị. Toàn tỉnh đã cắt giảm, tinh giản 1.572 biên chế và đặc biệt là mạnh tay cắt giảm 10.700 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu từ năm 2019 - 2021, các cơ quan nhà nước tiếp tục cắt giảm 76 chỉ tiêu so với biên chế giao, 1.325 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp, 37 chỉ tiêu hợp đồng lao động theo Nghị định 68 của Chính phủ. Dự kiến năm 2019 thực hiện cắt giảm 700 chỉ tiêu, năm 2020 là 502 chỉ tiêu, còn lại sẽ cắt giảm vào năm 2021.

Tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục rà soát, quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quy định của Chính phủ, giảm một số chức danh khác; hoàn thành sáp nhập thôn, tổ dân phố không đảm bảo quy định trong năm 2019; giảm số người hoạt động không chuyên trách, đảm bảo đến năm 2021, mỗi thôn, tổ dân phố có không quá 3 người hoạt động không chuyên trách. Vĩnh Phúc cũng chỉ đạo cho ngành chức năng và các địa phương thực hiện tốt việc chi trả các chế độ, hỗ trợ các chính sách mà tỉnh quy định đối với người nghỉ việc và tạo mọi điều kiện để người nghỉ việc ổn định cuộc sống…

Nghệ An: Năm 2019 - Năm đột phá về cải cách hành chính

Để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, năm 2019, tỉnh Nghệ An xác định là năm đột phá cải cách hành chính bằng việc đề ra các nhiệm vụ trọng tâm là : Triển khai và thường xuyên thực hiện lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp đối với việc cung cấp dịch vụ cơ quan, đơn vị; tập trung soát xét những nhiệm vụ, những thông tin dư luận, ý kiến nhận xét, đánh giá chưa tốt hoặc còn hạn chế, tồn tại; xác định rõ nguyên nhân trong đó làm rõ những nguyên nhân chủ quan từ đội ngũ cán bộ, công chức để triển khai giải pháp khắc phục; ưu tiên xử lý những nội dung doanh nghiệp, người dân có phản ánh và còn kêu ca, phàn nàn, nhất là các lĩnh vực xây dựng, đầu tư, đất đai. Tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị tích cực hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đưa vào ứng dụng các phần mềm tin học trong quản lý, xử lý công việc để hỗ trợ tốt cho công tác cải cách hành chính, tăng cường thêm tính công khai, minh bạch và hiệu quả giám sát thực hiện.

Hiện, tỉnh Nghệ An đang thực hiện cải cách hành chính tại 7 đơn vị điểm gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và UBND Thành phố Vinh. Kết quả bước đầu cho thấy, các đơn vị đã có những chấn chỉnh cần thiết nhằm nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, trong đó, có việc rà soát đưa 100% thủ tục hành chính vào thực hiện theo cơ chế một cửa, kiện toàn nhân sự, sửa đổi bổ sung quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả; các cơ quan đã chủ động, tích cực hơn trong việc phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm hạn chế việc xử lý hồ sơ chậm.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát cắt giảm từ 261 thủ tục xuống còn 146 thủ tục trên các lĩnh vực; rút ngắn từ 20-30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến quy trình xử lý hồ sơ dự án đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường giảm thời gian xử lý thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình từ không quá 30 ngày xuống còn không quá 26 ngày (giảm 4 ngày). Sở Xây dựng có 7 thủ tục được rút ngắn thời gian, mỗi thủ tục giảm từ 2-6 ngày. Sở Tài chính rút ngắn được 20% thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến thủ tục mua sắm tập trung và giảm 33% thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Nghệ An, công tác cải cách hành chính vẫn còn tình trạng chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức chưa nghiêm túc; việc xem xét, phát hiện, xử lý những trường hợp có biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà chưa kịp thời, không đầy đủ; một số cán bộ, công chức chất lượng và hiệu quả công việc thấp nhưng chưa có biện pháp xử lý…

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Sóc Trăng đi vào hoạt động

Ngày 04-1, UBND tỉnh Sóc Trăng chính thức đưa Trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt động.

Trung tâm là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng UBND tỉnh, có con dấu để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chịu sự quản lý, chỉ đạo hoạt động của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp về tổ chức, biên chế và chuyên môn nghiệp vụ của Văn phòng UBND tỉnh. Trung tâm là đầu mối tập trung thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận, đôn đốc, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thuộc danh mục thủ tục hành chính được Chủ tịch UBND tỉnh công bố thực hiện tại Trung tâm.

Trung tâm thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết 1.291 thủ tục hành chính. Các thủ tục hành chính sẽ được đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công của tỉnh và Trang tin điện tử của các Sở, ngành tỉnh.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Sóc Trăng ứng dụng thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính như: Trang bị máy lấy số thứ tự giao dịch, máy bấm nút đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đến liên hệ thực hiện thủ tục hành chính; hệ thống camera giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm. Trung tâm thực hiện công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử, phần mềm đánh giá, phiếu đánh giá, phiếu góp ý... để tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Trường hợp cần thiết cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu thực hiện dịch vụ trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà.

Bến Tre xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiện đại

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng, tỉnh Bến Tre xác định cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính trong năm 2019.

Theo đó, UBND tỉnh tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh được công khai đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cổng thông tin điện tử thành phần, tại bộ phận tiếp nhận và trả và trả kết quả của cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, Bến Tre sắp xếp tinh gọn các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành lao động, thương binh và xã hội, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao và du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bến Tre đề ra mục tiêu đến năm 2021 giảm còn 20.432 biên chế, trong ba năm 2019-2021 phải giảm 1.524 biên chế, mỗi năm giảm 508 biên chế. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện; sắp xếp tổ chức, bộ máy nhân sự của chính quyền cấp xã, ấp, khu phố. Phấn đấu đến năm 2021 giảm 10% người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố so với năm 2018; giảm 10% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp, hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP so với năm 2015; giảm cấp phó gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bến Tre tiến hành cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị đã được phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục thực hiện thí điểm phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng theo hình thức thi tuyển. Mặt khác, tỉnh đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phần mềm VNPT-IOFFICE trong quản lý văn bản và điều hành, xử lý công việc; thực hiện liên thông bốn cấp trong việc gửi, nhận văn bản điện tử; nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và các phần mềm dùng chung.

Theo ông Cao Văn Trọng, năm 2018 công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn Bến Tre được tập trung thực hiện quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hoạt động, nhất là công tác tuyên truyền. Ngoài ra, thủ tục hành chính tiếp tục được các đơn vị rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian, việc ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, bộ máy chính quyền năng động hơn.

Đáng chú ý, người dân, doanh nghiệp đã tăng mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công. Việc này đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2018 tỉnh đã sắp xếp giảm được bốn phòng cấp sở, sáp nhập ba đơn vị sự nghiệp, cổ phần hóa một đơn vị sự nghiệp; tinh giản biên chế 101 trường hợp (trong đó, có 13 công chức cấp tỉnh/huyện, 68 viên chức và 20 cán bộ, công chức cấp xã). Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh để làm cơ sở triển khai thực hiện./.