Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 27-8 đến ngày 02-9-2018
Nâng cao vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cải cách hành chính
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo khoa học "Vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức”.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc là xây dựng Đảng, Nhà nước; giám sát cải cách thủ tục hành chính là việc làm cụ thể góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Người dân chính là đối tượng chịu tác động trực tiếp của mọi chính sách, giải pháp về cải cách hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính nói riêng…Do vậy, với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy vai trò giám sát trong công tác cải cách hành chính, góp phần cùng người dân tạo áp lực, thúc đẩy công tác cải cách hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đạt mục tiêu đề ra.
Hiện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang thực hiện hai chương trình phối hợp giám sát về cải cách hành chính: Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan. Nhiều đại biểu cho rằng, cần có những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể hằng năm, những nội dung, kế hoạch, chương trình giám sát, nhất là các lĩnh vực liên quan đến vấn đề dân sinh, như: giá dịch vụ, giá thuốc, học phí, vấn đề đạo đức nghề nghiệp…
Ông Đỗ Duy Thường, Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính đã có từ lâu; được Nhà nước triển khai quyết liệt. Chỉ số hài lòng của người dân đã được cải thiện. Tuy nhiên, người dân vẫn băn khoăn về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị ngoài công lập khi vẫn còn nhiều thủ tục quá rườm rà; trình tự thực hiện qua nhiều cấp duyệt và triển khai; thành phần, số lượng hồ sơ vẫn còn quá nhiều giấy phép con, loại hồ sơ... Đây chính là cản trở cho người dân khi đi làm các thủ tục hành chính. Nhiều nhân viên hành chính cấp xã chưa được đào tạo cơ bản, thái độ phục vụ, đạo đức công vụ của bộ phận cán bộ, nhân viên ở nhiều nơi chưa được đảm bảo, kỷ cương pháp luật hành chính còn bỏ ngỏ và chưa nghiêm.
Ông Đỗ Duy Thường khẳng định: Sự hài lòng của người dân là phải được đo bằng những việc làm cụ thể của đội ngũ công chức, viên chức, người đứng đầu. Mặt trận Tổ quốc các cấp cần triển khai giám sát thái độ phục vụ, đạo đức của công chức, nhân viên, người đứng đầu đối với người dân, bởi đây chính là những người then chốt trong trực tiếp thực hiện cải cách hành chính.
Từ góc độ cụ thể, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Nguyễn Tuấn Hưng cho rằng, sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ là kết quả đầu ra của mỗi cơ sở y tế, là thước đo đánh giá sự phù hợp của những dịch vụ y tế được cung cấp so với nhu cầu và mong đợi của người dân... Bởi vậy, chỉ số hài lòng cần được sử dụng như một chỉ số chiến lược để xây dựng hình ảnh, thương hiệu của mỗi cơ sở y tế, là thế mạnh cạnh tranh với những cơ sở y tế khác.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế ở tuyến trên đều đang trong tình trạng quá tải, việc tiến hành đo lường sự hài lòng của khách hàng càng cần thiết. Đây sẽ là những bằng chứng hữu ích giúp lãnh đạo các đơn vị chấn chỉnh lại từng công đoạn trong quy trình cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng, củng cố uy tín của cơ sở cũng như của toàn ngành - ông Nguyễn Tuấn Hưng nêu rõ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay các bộ, ngành đang chủ động đo lường, đánh giá chất lượng, cải cách hành chính trong hoạt động của mình. Để có bộ tiêu chí tiên tiến, phù hợp trước khi ban hành cần lấy ý kiến của Mặt trận, đoàn thể, các chuyên gia nhà khoa học.
Thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban. Ủy viên Thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Đồng thời, cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ; sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thành lập Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban (Tổ công tác) đặt tại Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng thư ký Ủy ban làm Tổ trưởng; Tổ phó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ làm nhiệm vụ thường trực của Tổ công tác. Các thành viên của Ủy ban và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Dự kiến cắt 3.800 giấy phép, giảm kiểm tra 6.000 dòng hàng
Tổ công tác của Thủ tướng vừa báo cáo các kết quả cập nhật về tình hình ban hành các văn bản liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và quy định về điều kiện kinh doanh.
Theo báo cáo của Tổ công tác, kết quả rà soát cho thấy, trong tổng số 6.213 điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành dự kiến sẽ đơn giản hóa, cắt giảm 3.807 điều kiện, đạt 61,3%, vượt 11,3% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, các bộ có nhiều điều kiện kinh doanh và cũng có kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa nhiều nhất là: Công Thương (1.216 điều kiện, đã ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP cắt giảm 675 điều kiện, đạt 55,5%); Y tế (1.871 điều kiện, dự kiến cắt 1.363 điều kiện, đạt 72,85%); Tài chính (370 điều kiện, dự kiến cắt giảm 190 điều kiện, đạt 51,35%)…
Đến nay đã chính thức cắt giảm được 968 điều kiện của các ngành: Công Thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Còn 2.839 điều kiện đã có phương án cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 bộ.
Hiện có tổng số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 120 thủ tục kiểm tra, các bộ đã xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm 6.003 dòng hàng và 74 thủ tục.
Trong đó, các bộ có nhiều dòng hàng và cũng có kế hoạch cắt giảm nhiều nhất bao gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (7.698 dòng hàng, dự kiến cắt giảm 5.206 dòng hàng); Y tế (5 mặt hàng với 815 dòng hàng áp mã HS, kế hoạch cắt giảm toàn bộ 815 dòng hàng - chuyển sang hậu kiểm); Công Thương (702 dòng hàng, đã ban hành 02 Thông tư, cắt giảm 402 dòng hàng, đạt 57,3%)…
Đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.689 dòng hàng (đạt 34% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt 28,1% so với dự kiến) và 30 thủ tục (đạt 50% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt 40,5% so với dự kiến).
Còn 4.314 dòng hàng (chiếm 66%) đã xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 03 bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an.
Nhìn chung, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành đã cải thiện hơn so với tháng trước nhưng tỷ lệ cắt giảm đạt thấp so với phương án dự kiến và tiến độ còn chậm so với so với yêu cầu đặt ra.
Tổ công tác của Thủ tướng kiến nghị các bộ quyết liệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành các văn bản để chính thức áp dụng phương án đơn giản, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh.
Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Liên tiếp từ năm 2014 đến nay, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Đồng Nai luôn giữ vững vị trí thứ 3 và 4 cả nước. Năm 2014, Đồng Nai xếp thứ 4/63 tỉnh thành; năm 2015 xếp thứ 3; 2016 xếp thứ 4 và năm 2017 xếp thứ 3 so với 63 tỉnh thành trong cả nước.
Theo Tỉnh ủy Đồng Nai, chỉ số PAR INDEX của Đồng Nai cao là do địa phương có nhiều giải pháp mới, cách làm hay được triển khai rộng rãi như thành lập trung tâm hành chính công; triển khai tổng đài dịch vụ công 1022; thực hiện mô hình “phi địa giới hành chính” trong thực hiện các thủ tục hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các khâu giải quyết thủ tục hành chính. Chính nhờ kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính, đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước.
Hiện nay tỉnh đã thực hiện chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính của tất cả các ngành. Theo đó, hiện có 1.689 thủ tục hành chính được áp dụng tại 3 cấp chính quyền; trong đó cấp tỉnh có 1.348 thủ tục, cấp huyện có 244 thủ tục, cấp xã có 97 thủ tục. Các thủ tục hành chính, dịch vụ công được công khai tại bộ phận một cửa trên các trang thông tin điện tử để người dân và doanh nghiệp biết, thực hiện.
Từ tháng 5-2017, Đồng Nai đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công, đến nay Trung tâm đã phát huy hiệu quả trong giải quyết các thủ tục hành chính. Trong hơn 1 năm hoạt động, có trên 117.000 hồ sơ của người dân, doanh nghiệp được giải quyết, trong đó tỷ lệ đúng hạn đạt 96,6%. Qua kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp cho thấy có đến 99,8% người dân hài lòng.
Chính nhờ những nỗ lực trên, trong những năm qua, không những chỉ số PAR INDEX được giữ vững mà chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Nai cũng được cải thiện từng năm. Theo đó, năm 2014 chỉ số PCI của Đồng Nai xếp hạng 43/63 tỉnh, thành; năm 2015 xếp hạng 37; năm 2016 xếp hạng 34; đến năm 2017 Đồng Nai vượt lên hạng 26/63 tỉnh, thành.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, chỉ số cải cách hành chính mà Đồng Nai đạt được đã chỉ ra những mặt mạnh, mặt hạn chế của các đơn vị, địa phương. Qua đó, giúp các đơn vị chủ động xây dựng mục tiêu, giải pháp khắc phục những hạn chế, góp phần đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính. Theo ông Vĩnh, tỉnh Đồng Nai xác định cải cách thủ tục hành chính vẫn là là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 và những năm tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Tư pháp Cà Mau quyết liệt cải cách hành chính vì người dân
Để giảm sự phiền hà, rắc rối cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, Tư pháp Cà Mau đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
Sở Tư pháp Cà Mau đã “tiên phong” chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt những nội dung của kế hoạch về công tác cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và việc thực hiện cơ chế một cửa, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đồng thời, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính.
Đặc biệt trong năm 2017, Sở đã chủ động rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. Đồng thời, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt cắt giảm 12 thủ tục hành chính liên thông và ban hành quyết định cắt giảm 66 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở.
Để thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, Sở đã tập trung thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện giao dịch hành chính. Theo đó, tập trung xây dựng và vận hành các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong các lĩnh vực Lý lịch tư pháp, Hộ tịch, Bổ trợ tư pháp.
Đồng thời, đưa vào vận hành các phần mềm chuyên ngành. Từ đó, góp phần tối ưu hóa các giai đoạn giải quyết hồ sơ, rút ngắn thời gian và chi phí đi lại của người dân. Bên cạnh đó, Sở đã xây dựng, ban hành Kế hoạch về tổ chức lấy ý kiến mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm, chuyên viên Sở nhận được 859 đánh giá, trong đó, tỷ lệ hài lòng chiếm trên 98,8% (847 đánh giá).
Ngoài ra, Sở đã ban hành các văn bản đề nghị các tổ chức, cá nhân có những khó khăn, vướng mắc gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Sở Tư pháp nhận được tổng cộng 12 đơn vị, cá nhân có ý kiến phản hồi về khó khăn, vướng mắc.
Nhờ sự cố gắng, quyết tâm cải cách, Sở Tư pháp được đánh giá là một trong ba đơn vị dẫn đầu trong công tác cải cách hành chính của tỉnh. Điều này đã trở thành động lực để toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Sở Tư pháp tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt hơn công tác cải cách hành chính cũng như Chương trình trọng tâm công tác tư pháp, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh và của Bộ Tư pháp trong năm 2018.
Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tích cực thực hiện công tác cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, nhất là sử dụng các phần mềm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ để người dân ngày càng giảm thiểu vấn đề chờ đợi, phiền hà, tốn thời gian, chi phí./.
Tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Hoàng gia Anh cập cảng TP. Hồ Chí Minh  (03/09/2018)
Dự án người dân chấm điểm (M-score) trong lĩnh vực y tế tại Quảng Bình  (03/09/2018)
Quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Campuchia tiếp tục được củng cố  (03/09/2018)
Lễ vinh danh Đoàn thể thao Việt Nam - Nhân niềm vui, thắp sáng ước mơ  (02/09/2018)
30 năm thu hút FDI: Thành công vượt sóng ra biển khơi  (02/09/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên