Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 13 đến ngày 19-8-2018
Xây dựng Đề án tổng thể sáp nhập 16 huyện, 637 xã
Theo Dự thảo đề án tổng thể của Bộ Nội vụ, có 16 huyện và 637 xã không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số cần phải xem xét sáp nhập.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết mục tiêu sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến 2021 là sắp xếp các xã chưa đạt tiêu chí về quy mô và dân số, từ 2021-2030 là sắp xếp lại cấp huyện, cấp xã theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, quá trình sắp xếp cũng cần xem xét các yếu tố đặc thù riêng về lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, kinh tế… đánh giá toàn diện, không cơ học, máy móc, nếu sáp nhập mà làm xáo trộn thì không nên sáp nhập.
Về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ việc điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến nhân dân, có trên 50% tổng số ý kiến cử tri đồng ý thì mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, để thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, chúng ta đã có đầy đủ cơ sở chính trị và pháp lý để triển khai. Đó là Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII, Nghị quyết số 1221 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 10 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương…
Các văn bản chỉ đạo trên đã xác định rõ: Các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền việc triển khai, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và sáp nhập các thôn, tổ dân phố theo quy định.
Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, từ nay đến năm 2021, phải sắp xếp lại các huyện, các xã chưa đạt tiêu chí 50% về quy mô dân số và diện tích tự nhiên. Như vậy, thời gian tới chúng ta sẽ tiến hành sắp xếp 16 cấp huyện và 637 cấp xã chưa đạt 50% của cả hai tiêu chí cơ bản trên. Nếu các địa phương mở rộng thêm diện sắp xếp lại căn cứ trên thực tiễn thì Bộ Chính trị và Chính phủ rất hoan nghênh.
Mặt khác, căn cứ về tiêu chí diện tích tự nhiên và quy mô dân số cũng chỉ là điều kiện ban đầu để đưa ra xem xét. Một đơn vị hành chính được hình thành trên cơ sở của nhiều yếu tố, cần xem xét cả những tiêu chí đặc thù khác như địa lý tự nhiên, truyền thống lịch sử, tập quán văn hóa, dân tộc, tôn giáo, kinh tế, lối sống của cộng đồng dân cư để xem xét toàn diện. Nếu có yếu tố tiềm ẩn khó khăn, thách thức phải hết sức chú ý, quan tâm.
Chính phủ, các bộ, ngành chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời để triển khai đồng bộ, đánh giá hết tác động, có bước đi, cách làm đúng trình tự thủ tục, trân trọng cán bộ, công chức đã đóng góp lớn cho chính quyền cơ sở, có chế độ chính sách chứ không phải “vắt chanh bỏ vỏ”, “trả công rồi quên ơn” đối với cán bộ nghỉ công tác trong quá trình sắp xếp, tinh giản, huy động họ tham gia vào củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tuyên truyền tốt để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Để chủ động và bảo đảm đồng bộ trong việc triển khai, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021 và giai đoạn tiếp theo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong thời gian tới cần thực hiện một số công việc lớn sau.
Ban Tổ chức Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, hướng dẫn và kiểm tra các cấp ủy xây dựng phương án sắp xếp bộ máy theo phân cấp, hướng dẫn về công tác nhân sự kết hợp nội dung của Đại hội nhiệm kỳ tới của cấp huyện, cấp xã những nơi thực hiện sắp xếp lại; Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu những kinh nghiệm tốt nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân và dư luận xã hội; Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo Đề án trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ xem xét trong tháng 8-2018, phối hợp với Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết riêng về việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương để chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh…
Các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, phối hợp với Bộ Nội vụ đánh giá các tác động của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để bổ sung hoàn thiện Đề án.
Lần đầu tiên công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018
Ngày 17-8, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị “Công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, một trong những kết quả tích cực của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính trong năm 2018 là xây dựng và hoàn chỉnh Báo cáo đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (Báo cáo APCI 2018) với những phân tích đầy đủ các khía cạnh “chi phí” của việc thực hiện chuỗi những thủ tục hành chính trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gồm: (1) khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh; (2) giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh; (3) đầu tư; (4) đất đai; (5) xây dựng; (6) môi trường; (7) thuế; (8) hải quan.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, với vai trò là tổ chức tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã và đang tích cực nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương. Theo Bộ trưởng, Báo cáo APCI 2018 là sản phẩm của quá trình nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng, phân tích chuyên sâu của nhóm chuyên gia kết hợp với sự tham gia tích cực của các thành viên trong Hội đồng. Kết quả APCI 2018 là những dữ liệu thực tế, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để làm cơ sở phục vụ việc đánh giá tính hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo; giúp cho các cơ quan nhà nước ở Trung ương tiếp tục thực hiện các phương án kiểm soát thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ phù hợp tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý; đề xuất những ưu tiên cải cách cho các vùng, địa phương phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế ở từng địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Từ kết quả khách quan của APCI 2018, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đề xuất, khuyến nghị với các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp những vấn đề cụ thể sau:
- Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ phấn đấu đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.
- Sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phục vụ doanh nghiệp, tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và giảm thiểu nhũng nhiễu, tiêu cực.
- Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 là kết quả đo lường dựa trên trải nghiệm của doanh nghiệp đối với tính hợp lý của quy định pháp luật, thực tiễn thi hành và chất lượng thực thi thủ tục hành chính. APCI 2018 bổ sung cho các chỉ số hiện có đánh giá về môi trường kinh doanh, quản trị hành chính công của Việt Nam và là dữ liệu cơ sở ban đầu cho việc đánh giá hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo. Dựa vào kết quả của Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của những năm tiếp sau, Chính phủ sẽ có thêm một công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng bộ, ngành, địa phương và từ đó tạo động lực và cạnh tranh trong cải cách.
Trong các năm tới, Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sẽ thực hiện so sánh mức độ cải cách mà các bộ ngành, địa phương đã thực hiện trong năm trước, nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương xem xét, đo lường được mức độ cải cách của ngành, lĩnh vực, địa phương mình và xác định được những vấn đề cần tiếp tục cải cách cho những năm tiếp theo. Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm sau cũng sẽ tạo động lực giữa các địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ.
Phê duyệt tổng biên chế công chức năm 2019
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1016/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2019.
Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2019 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế công chức dự phòng và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 259.598 biên chế.
Cụ thể, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 258.163 biên chế, trong đó: Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập 105.189 biên chế; các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 151.906 biên chế; các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài 1.068 biên chế.
Biên chế công chức dự phòng là 749 biên chế. Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong số biên chế công chức nêu trên; giao biên chế đối với từng Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước trong tổng biên chế quy định nêu trên.
Các bộ, ngành và địa phương thực hiện điều chuyển, sắp xếp trong tổng biên chế được giao khi thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.
Dịch vụ công trực tuyến mức 4 đối với thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa
Về mục tiêu, giải pháp triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN trong Thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thúc đẩy phát triển cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một của ASEAN và tạo thuận lợi thương mại nêu rõ:
- Đến năm 2020, tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
- Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2018, ngoài 53 thủ tục hành chính đã kết nối qua cơ chế một cửa quốc gia, các bộ, ngành phải hoàn thành việc kết nối 143 thủ tục hành chính đã đăng ký; đồng thời, tham gia và triển khai đầy đủ cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện của các nước ASEAN; sẵn sàng về mặt kỹ thuật để kết nối và trao đổi thông tin với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Tất cả các bộ, cơ quan Chính phủ liên quan trực tiếp và gián tiếp sử dụng thông tin về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh được kết nối và chia sẻ thông tin quản lý nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Đối thoại, trao đổi về thủ tục hành chính lĩnh vực quyền tác giả
Ngày 15-8, tại thành phố Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về thủ tục hành chính lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, với tinh thần chính quyền, Nhà nước và doanh nghiệp cùng đồng hành với nhau, nên việc đối thoại, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là rất quan trọng. Liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, năm 2017, một loạt các doanh nghiệp đã phản ứng khi có yêu cầu trả tiền nghe nhạc ở các phòng khách sạn. Vì vậy, việc phổ biến pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan là rất cần thiết, để nâng cao hiểu biết, giúp các doanh nghiệp, công dân nắm được các quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường năng lực cho cơ quan tổ chức và người thực hiện công tác giải quyết pháp chế ở các đơn vị, nhất là các đơn vị thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, du lịch, thể thao…
Tại hội nghị lần này, các đơn vị, doanh nghiệp đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, để các cơ quan chuyên môn nắm bắt và tham mưu điều chỉnh phù hợp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời đảm bảo có hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước.
Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe các vấn đề liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục hành chính lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quy định của pháp luật về giám định quyền tác giả, quyền liên quan; Ý nghĩa của việc đăng ký bản quyền tác giả, quyền liên quan đối với việc bảo vệ quyền và thực tiến hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp; Thủ tục hành chính và việc thực hiện dịch vụ hành chính công mức độ 3 đối với lĩnh vực đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan đến hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch...
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để đại diện các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trong các hoạt động văn hóa đối thoại, trao đổi kinh nghiệm trong tháo gỡ những vướng mắt đang tồn tại trong kinh doanh của các doanh nghiệp, việc áp dụng thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 13 đến 19-8-2018)  (20/08/2018)
20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng  (20/08/2018)
“Sống khỏe để yêu thương” và những điều còn mãi...  (20/08/2018)
Tổng Bí thư gửi điện chia buồn về việc nguyên Thủ tướng Ấn Độ từ trần  (19/08/2018)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ thăm cấp Nhà nước Ethiopia và Ai Cập  (19/08/2018)
Phấn đấu đưa An Giang tăng trưởng bằng mức trung bình của cả nước  (19/08/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển