Công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, liên tục. Trong đó, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế- xã hội, phòng, chống tham nhũng được chú trọng, nhằm xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.


Ngay từ Khóa X, tại Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Đảng xác định “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân”.

Qua các nhiệm kỳ Khóa XI, XII, Đảng tiếp tục nhận diện rõ hơn, cụ thể hơn hành vi tham nhũng, những ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao phạm tội tham nhũng; đồng thời xác định tham nhũng đã trở thành “một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.

Trước nguy cơ lớn này, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp, chương trình hành động quyết liệt để phòng, chống tham nhũng ở các cấp, ngành, địa phương, trong đó trước tiên là hoàn thiện thể chế về kinh tế- xã hội và phòng, chống tham nhũng.

Tại Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay," Đảng xác định cần tập trung "nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sớm tổng kết toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng; kiện toàn và tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng."

Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị; kiên quyết phòng, chống tham nhũng với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng.

Nhằm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Đảng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), trong đó chỉ rõ: "Các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế "xin-cho", "duyệt-cấp;" ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "sân sau", trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế..."

Cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống tham nhũng, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV tiếp tục tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Dự thảo Luật xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng.” Đây cũng là cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng để “không dám tham nhũng.”

Xác định việc đánh giá, đo lường về thực trạng tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng là đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, dự thảo Luật đã có những quy định cụ thể về việc báo cáo, công khai báo cáo tình hình tham nhũng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu, nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như quy định công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chế độ họp báo, phát ngôn; quyền yêu cầu cung cấp thông tin; trách nhiệm giải trình; tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo, công khai báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống tham nhũng; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; tặng quà và nhận quà tặng; thanh toán qua tài khoản; việc xử lý tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán và nhiều nội dung khác của dự thảo Luật.

Cùng với đó, để ngăn chặn mầm mống, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, hàng loạt quy định cụ thể về kiểm tra việc kê khai tài sản của cán bộ cấp cao; về giám sát trong Đảng; về xử lý kỷ luật đảng viên đã được Bộ Chính trị ban hành. Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nêu rõ nội dung kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản bao gồm việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên; việc giải trình về biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm.

Tiếp đó, Quy định số 86 về giám sát trong Đảng được ban hành, thay thế Quy chế giám sát trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 21-3-2012 của Bộ Chính trị. Quy định 86 đã mở rộng nội dung giám sát đối với tổ chức Đảng, như giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí; việc quản lý, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, đề bạt, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ... Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên, thay thế quy định năm 2013, đề cập chi tiết, cụ thể về hình thức kỷ luật đối với vi phạm của đảng viên.

Quy định số 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã quy định rõ về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn của các cấp ủy, tổ chức đảng trong quản lý cán bộ. Ban hành kèm theo Quy định số 105-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã quy định rõ về chức danh cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định hoặc phân cấp, chức danh cán bộ cần có sự thẩm định nhân sự của các ban đảng Trung ương; quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thuộc diện Trung ương quản lý.

Có thể thấy, thể chế về phòng, chống tham nhũng ngày càng được hoàn thiện, qua đó tạo nền tảng vững chắc, căn cứ pháp lý đầy đủ để thực hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân/.