Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 02 đến ngày 08-4-2018

Hồng Ngọc tổng hợp
15:35, ngày 09-04-2018
TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Tổ công tác về kiểm tra công vụ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm Tổ trưởng; Công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2017; Bộ Tài chính phấn đấu giảm một nửa số chi cục thuế, xóa sổ phòng giao dịch của kho bạc tỉnh; Tiền Giang tăng cường đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị; Hải Phòng đi đầu triển khai Hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến; là những tin nổi bật tuần qua.

Thủ tướng thành lập Tổ công tác về kiểm tra công vụ

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Tổ công tác về kiểm tra công vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân làm Tổ trưởng Tổ công tác; 4 Tổ phó gồm: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh.

Các thành viên gồm: Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Văn phòng Chính phủ Hoàng Thị Ngân; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Chính phủ Hoàng Thái Dương; Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Hạnh; Chánh Thanh tra, Bộ Nội vụ Nguyễn Hữu Tuấn; Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ Trương Hải Long - thư ký Tổ công tác.

Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật của cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ tại các bộ, ngành, địa phương; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vi phạm trong hoạt động công vụ tại các Bộ, ngành, địa phương.

Công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2017

Ngày 04-4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở Việt Nam 2017.

Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu nhập thường niên. Từ năm 2009 đến 2017, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của gần 103,509 người dân trên toàn quốc. Khảo sát PAPI đã được triển khai thực hiện thường niên từ năm 2011 đến nay. Báo cáo Chỉ số PAPI 2017 phản ánh ý kiến đánh giá của 14.097 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố.

Kết quả khảo sát PAPI 2017 cho thấy trong sáu chỉ số nội dung được đo lường (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công), chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công gia tăng đáng kể nhất. Người dân có cảm nhận trải nghiệm tốt hơn về công tác phòng, chống tham nhũng. Chỉ có 17% người trả lời cho biết họ đã phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm so với con số 23% vào năm 2016. Tỷ lệ người trả lời cho biết, họ đã hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện công tuyến huyện, thành phố giảm từ 17% vào năm 2016 xuống còn 9% năm 2017.

Về sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, người dân cho thấy những xu hướng tích cực liên quan đến tham gia quá trình ra quyết định ở cấp địa phương.

Người dân cũng cho biết, nhìn chung trách nhiệm giải trình với người dân có cải thiện nhưng không đáng kể. Năm 2017, khoảng 25% người trả lời cho biết họ đã gặp trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố khi có khúc mắc, tăng khoảng 3% so với năm 2016.

Kết quả khảo sát PAPI 2017 cũng cho thấy tất cả các tỉnh đều có nhiều cải thiện về chỉ số thủ tục hành chính công. Nhìn chung người dân hài lòng hơn với dịch vụ hành chính ở các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở ba trong bốn dịch vụ làm thủ tục hành chính PAPI đo lường.

Báo cáo PAPI 2017 đưa ra bức tranh chung về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Năm 2017, điểm số của tất cả 63 tỉnh, thành tăng lên so với năm 2016, trong đó bảy tỉnh tăng đáng kể: Bạc Liêu, Quảng Ninh và Trà Vinh, Kiên Giang, bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và An Giang.

Giảm một nửa số chi cục thuế, xóa sổ phòng giao dịch của kho bạc tỉnh

Tại buổi kiểm tra vào chiều 06-4 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ Tài chính, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngành Hải quan đã cải cách mạnh mẽ, công khai và xử lý nhiều vấn đề tồn đọng từ nhiều năm, “nhưng Thủ tướng lưu ý quản lý cán bộ hải quan chặt chẽ hơn, hạn chế tiêu cực trong vấn đề thực thi nhiệm vụ, ngay cả vấn đề văn hóa ứng xử, liên quan đến giải quyết các giấy tờ tại hải quan, cửa khẩu”. Mong ngành Hải quan đổi mới quyết liệt hơn nữa, Bộ trưởng cho rằng bên cạnh đổi mới việc kiểm soát trên hệ thống công nghệ thông tin thay vì "tay cầm, tay sờ", ngành Hải quan cần niềm nở trong thái độ và văn hóa ứng xử, bởi “vào cửa khẩu, sân bay là gặp đội ngũ hải quan, có thể nói là thay mặt cho quốc thể”.

Lưu ý của Thủ tướng Chính phủ về việc "Tiếp tục cải cách, đổi mới, tinh gọn bộ máy cán bộ làm công tác tài chính mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả" được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt và cho rằng: Số lượng biên chế trong các cơ quan, tổng cục thuộc ngành Tài chính rất nhiều, Bộ cần tiếp tục cải cách theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, mang tính chuyên nghiệp. Cán bộ tài chính cần xuống cơ sở nhiều hơn, nắm bắt những khó khăn ở địa phương, cơ sở, tập đoàn, tổng công ty trong thực tiễn triển khai những cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh tốt hơn.

Ngoài ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh việc thực hiện tốt quản lý tài sản công, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, hướng dẫn cho các bộ, cơ quan, địa phương trong việc mua sắm, quản lý tài sản công, nhất là việc mua sắm ô tô, trang thiết bị đắt tiền; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc quản lý tài sản công.

Giải trình với Tổ công tác, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường thừa nhận, dù đã hết sức cố gắng nhưng cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa, bởi vẫn còn một số "con sâu làm rầu nồi canh" khi không chịu tu dưỡng đạo đức. Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường kiểm tra công vụ, nội vụ, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hiện ngành đã hoàn thiện bộ tài liệu giáo dục ứng xử cho cán bộ, tiến tới thực hiện đồng bộ trong toàn ngành. Năm 2018, ngành sẽ triển khai đề án vị trí việc làm, thực hiện cải cách bộ máy, tinh giản biên chế.

Cũng theo ông Hoàng Việt Cường, đối với ngành Hải quan, cải cách thủ tục hành chính là tiền đề tiến đến giảm tối đa tiếp xúc giữa doanh nghiệp với cơ quan hải quan. Ngành cũng đã trang bị các máy soi, camera giám sát từ khi làm thủ tục đến kho bãi, áp dụng giám sát cả cảng biển và cảng hàng không, giám sát container từ khi vào đến khi ra, việc kiểm tra thủ công là hãn hữu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết: Năm 2016 đã thu hồi được hơn 42.000 tỷ đồng nợ đọng thuế; năm 2017 thu hồi hơn 44.700 tỷ đồng, 2 tháng đầu năm 2018 đã thu hồi hơn 6.900 tỷ đồng. Tổng cục đã giao chỉ tiêu thu nợ cho các cục thuế, chi cục thuế, thực hiện thông báo doanh nghiệp nợ từ 5 triệu đồng trở lên và xử lý nợ. Các công tác chỉ đạo, nghiệp vụ đã được triển khai đồng bộ. Đây là một trong những chỉ tiêu đánh giá trong công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan Thuế.

Thời gian tới, tất cả thông tin sẽ được kết nối với cơ quan thuế và sẽ được xác thực. Như vậy, cơ quan thuế sẽ nắm được các giao dịch, nếu triển khai tốt đề án này sẽ là điều kiện tốt để chống thất thu, kiểm soát chặt chẽ doanh số cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là cơ sở để quản lý chặt chẽ việc hoàn thuế của doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay.

Còn theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thời gian tới, Bộ sẽ rà soát tổ chức bộ máy Thuế, Hải quan, Kho bạc. “Với Hải quan, chi cục mới là đơn vị tác nghiệp, cục phần nào là trung gian nên phải tính toán. Còn kho bạc đã thực hiện rà soát theo hướng kho bạc tỉnh và huyện giữ lại, bởi liên quan đến các huyện nghèo”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ dứt khoát xóa bỏ 63 phòng giao dịch thuộc kho bạc các tỉnh, đưa về kho bạc tỉnh; cắt giảm một nửa trong số 713 chi cục thuế trong thời gian từ nay đến năm 2021.

Tiền Giang: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cho biết, tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ VI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Theo đó tỉnh tập trung đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn địa phương. Qua đó tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Tiền Giang thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương. Mục tiêu cụ thể mà Tỉnh ủy Tiền Giang đặt ra là phấn đấu đến năm 2021 sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý. Đồng thời, tỉnh thực hiện thí điểm một số mô hình về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo qui định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng ấp, khu phố; giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.

Từ năm 2021 đến 2030, Tiền Giang tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; cụ thể hóa chủ trương, kết luận của Đảng về đổi mới, sắp xếp bộ máy bằng các quy định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị đồng thời cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và ấp, khu phố theo tiêu chuẩn.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập từ nay đến 2030, tỉnh Tiền Giang thực hiện có hiệu quả theo lộ trình, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Đối với chính quyền địa phương chủ động thí điểm xây dựng chính quyền theo hướng tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn ở những nơi có điều kiện, thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp và giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý Nhà nước… Đối với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tập trung, gắn bó với đoàn thể, hội viên, từng bước khắc phục “hành chính hóa” hoạt động và “công chức hóa” cán bộ…

Hải Phòng đi đầu triển khai Hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến

Thành phố Hải Phòng hiện đã hoàn tất việc triển khai Hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến cho 18/20 sở, ban, ngành thành phố, 13/15 quận, huyện và 212/223 xã, phường, thị trấn. Hải Phòng là một trong ba tỉnh, thành của cả nước sớm triển khai Hệ thống này.

Ông Vũ Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng cho biết, Hải Phòng hiện là một trong số ít những địa phương đã sớm áp dụng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với các hệ thống thông tin trọng yếu của thành phố, tạo bước đột phá trong công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian qua.

Theo ông Vũ Đại Thắng, có 4 lợi ích mang lại cho các cơ quan, đơn vị trong việc áp dụng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Thứ nhất là giảm áp lực về tiến độ triển khai Hệ thống. Với mức độ phân bổ kinh phí hằng năm để triển khai các hoạt động đầu tư về công nghệ thông tin như hiện nay, mỗi năm chỉ triển khai cho một số đơn vị. Để triển khai được Hệ thống đồng bộ cho các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn sẽ cần khoảng thời gian rất nhiều năm mới hoàn thành. Áp dụng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin với Hệ thống này, thời gian triển khai đã đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong khoảng 6 tháng.

Thứ hai, việc áp dụng hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin cho Hệ thống này chỉ chiếm trên 20% so với hình thức lập dự án để đầu tư một lần. Việc thuê dịch vụ sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư hạ tầng và nhiều loại chi phí khác. Thứ ba, giảm áp lực về nhân lực, không làm phát sinh nhu cầu bố trí biên chế, nhân lực phục vụ vận hành thường xuyên hệ thống. Thứ tư, giảm áp lực về yêu cầu nâng cấp, bảo trì, đảm bảo an toàn thông tin cho Hệ thống. Cụ thể, đơn vị cung cấp dịch thuê Hệ thống phải chịu trách nhiệm thường xuyên nâng cấp, bảo trì hệ thống, đảm bảo Hệ thống vận hành ổn định thông suốt trong quá trình sử dụng.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Lương Hải Âu cho rằng, để Hệ thống vận hành mang lại các hiệu quả thiết thực phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước thành phố cần tiếp tục đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, bồi dưỡng nhân lực, nâng cao kỹ năng vận hành cho cán bộ, công chức trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng; đồng thời thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp về lợi ích do Hệ thống mang lại, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến./.