Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 07 đến ngày 13-8-2017
Đắk Nông: Cần có hướng đi phù hợp trong thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Ngày 11-8, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cùng đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông về việc thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 05-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Thời gian qua, Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được Đắk Nông triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Bộ máy tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh thường xuyên được củng cố. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã giảm được 173 biên chế. Công tác cải cách hành chính được lãnh đạo các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Công tác thanh, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ được duy trì, góp phần hạn chế những sai phạm. Việc thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ nhân dân, nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ Nội vụ bổ sung 385 biên chế cho ngành giáo dục, 122 biên chế cho ngành y tế do Đắk Nông có số dân di cư đến sinh sống và làm việc khá lớn. Tỉnh cũng đề nghị Bộ Nội vụ cân nhắc đến đặc thù của Đắk Nông khi giao biên chế công chức, viên chức vì Đắk Nông là tỉnh vùng cao, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn nên cần bố trí biên chế phù hợp nhằm đảm bảo nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá cao những kết quả đạt được của tỉnh Đắk Nông trong việc thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua; đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị của Thủ tướng; đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính; tập trung củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân lưu ý Đắk Nông thực hiện hiệu quả Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cần có lộ trình, hướng đi phù hợp. Đối với những đề xuất của Đắk Nông, Bộ Nội vụ sẽ xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cao Bằng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực tư pháp
Ngày 08-8, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Lê Thành Long làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng về công tác tư pháp trong thời gian vừa qua.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản chỉ đạo toàn diện, kịp thời đối với công tác tư pháp; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về công tác chứng thực, công tác lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, đăng ký giao dịch bảo đảm. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính được chú trọng triển khai gắn với nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Công tác thi hành án dân sự có nhiều đổi mới trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ theo hướng sâu sát, cụ thể đối với những đơn vị có kết quả thi hành án sân sự đạt thấp.
Tuy nhiên, một số nhiệm vụ công tác tư pháp chưa đạt hiệu quả cao, chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; việc thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên còn vướng mắc, chưa có sự thống nhất; đội ngũ luật sư, công chứng viên còn thiếu và hạn chế về trình độ, năng lực; việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng dữ liệu điện tử còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay…
Cao Bằng đề nghị Trung ương sớm hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản không còn phù hợp, đưa công tác tư pháp đi vào thực chất, phát huy được hiệu lực quản lý nhà nước ở địa phương; các bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách đồng bộ nhằm thu hút đãi ngộ hơn nữa đối với giám định viên; có cơ chế hỗ trợ cho các địa phương trong lĩnh vực đầu tư xây dựng về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long yêu cầu Cao Bằng cần tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ tư pháp; tăng cường đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật và quản lý về xử lí vi phạm hành chính; đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực tư pháp; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng cần tham mưu tích cực cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai một số luật mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh thực hiện các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh.
Kiểm tra công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại tỉnh Hà Nam
Ngày 08-8, Đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, thời gian qua, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hà Nam đã có nhiều giải pháp, triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ, kế hoạch thực hiện Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016-2020. Nhờ đó, công tác cải cách hành chính ở một số nội dung như thể chế, cơ chế, chính sách đã có những chuyển biến tích cực; tổ chức bộ máy được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, thống nhất, không chồng chéo; thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, kiểm soát, chuẩn hóa; công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ; mô hình cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam đã đưa bộ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý ra giải quyết tại Trung tâm hành chính công của tỉnh, góp phần phục vụ tốt hơn tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Từ những giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, ngành đã góp phần hiệu quả vào thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp tỉnh. Đến nay, tỉnh Hà Nam đã quy hoạch được 4 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 500 ha, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư sản xuất nông nghiệp tại tỉnh như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Dabaco, Công ty Giống cây trồng Trung ương…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá cao kết quả cải cách thủ tục hành chính của tỉnh Hà Nam nói chung và ở lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng thời gian qua và đề nghị, thời gian tới, tỉnh Hà Nam cần thường xuyên rà soát, đơn giản hóa, loại bỏ thủ tục rườm rà, không còn phù hợp với quy định của pháp luật, nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bên cạnh đó, Hà Nam cần tăng cường hoạt động giám sát công tác giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công; rà soát, kiện toàn, tinh giản bộ máy hành chính nhà nước. Đối với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Đoàn sẽ báo cáo với Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ để xem xét giải quyết.
Trước đó, Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế mô hình tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Nhân Khang (huyện Lý Nhân) và kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ tại Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Nam.
Vĩnh Phúc: Tinh giản biên chế, xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu quả
Tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương trong tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức trên địa bàn. Với quyết tâm cao, bước đầu triển khai thực hiện, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được kết quả khả quan, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngoài các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Vĩnh Phúc còn có 890 đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án, quỹ; 1.493 tổ chức hội các cấp. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 28.548 biên chế. Trong đó, khối Đảng, đoàn thể 1.126 người; khối chính quyền 27.422 người. Căn cứ quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức các cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn. Tính đến nay, sau 9 tháng triển khai thực hiện quyết liệt, nhiều nhiệm vụ được thực hiện đúng kế hoạch, thậm chí vượt kế hoạch. Các cơ quan khối Đảng và đoàn thể ở cấp tỉnh đã sắp xếp giảm 7 phòng. Các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc cấp ủy cấp huyện đã sắp xếp giảm 7 đơn vị. 8/9 huyện đã xây dựng Đề án bố trí Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh giảm 1 chi cục (do sáp nhập Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão vào Chi cục Thủy lợi) và giảm 27 phòng chuyên môn thuộc các sở, ngành...
Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Tính đến hết tháng 6-2017, cấp tỉnh và cấp huyện ở Vĩnh Phúc đã giảm được 1.388 biên chế. Dự kiến sau khi thực hiện các Đề án, Nghị quyết về tỉnh giản biên chế, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố chỉ còn 8.073 người, giảm so với số người đang hoạt động hiện nay là 10.627 người.
Mục tiêu quan trọng của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là nhằm tạo ra sự ổn định để phát triển, xây dựng bộ máy tinh gọn hiệu quả, tạo ra một đội ngũ cán bộ có chất lượng cao hơn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc. Đây là việc làm liên quan đến tất cả các cấp, các ngành, đến từng cán bộ, công chức, viên chức và từng người dân, vì vậy, trong quá trình thực hiện sẽ khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Vì thế, Vĩnh Phúc yêu cầu các ngành địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động để mọi người hiểu rõ về công tác này; đồng thời nghiên cứu các cơ chế, chính sách giúp đỡ người tinh giản biên chế để họ có cơ hội phát triển, ổn định cuộc sống...
Lào Cai tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích
Chiều 10-8, UBND tỉnh Lào Cai và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về việc triển khai nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Thỏa thuận này sẽ giúp tận dụng tối đa mạng lưới bưu chính công cộng sẵn có để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Thanh khẳng định: Địa phương đang quyết tâm cải cách và đổi mới mạnh mẽ nền hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Do vậy, tỉnh Lào Cai sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện các dự án phát triển mạng lưới bưu chính công cộng, cung cấp các dịch vụ hành chính công, dịch vụ bưu chính công ích; xây dựng hình ảnh truyền thông quảng bá các dịch vụ hành chính công qua dịch vụ bưu chính công ích…cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh.
Tại lễ ký kết, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp triển khai nâng cấp, mở rộng mạng lưới điểm bưu điện văn hóa xã, cung ứng các dịch vụ tiện ích như: tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính… đảm bảo mạng lưới bưu chính hiện đại, rộng khắp trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Từ nay đến hết năm 2017, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam dự kiến sẽ trang bị 10.000 máy điện thoại thông minh cho các bưu tá cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Lào Cai để triển khai dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cam kết đảm bảo tuyệt đối an toàn mạng lưới, an ninh thông tin trong việc cung ứng dịch vụ; hỗ trợ tỉnh Lào Cai tuyên truyền ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên các phương tiện truyền thông đại chúng…
Ngay sau buổi lễ, Lào Cai đã khai trương hệ thống tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích./.
Đại hội đại biểu Công đoàn Tổng Công ty Điện lực miền Bắc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022 thành công tốt đẹp  (14/08/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan  (13/08/2017)
Chiến tranh thương mại không phải là giải pháp cho Mỹ và Trung Quốc  (13/08/2017)
Đại sứ quán Việt Nam tại Lào quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ  (13/08/2017)
Kinh tế Nga được đánh giá phát triển ổn định bất chấp lệnh trừng phạt  (13/08/2017)
Tiến hành khảo sát và đánh giá thực trạng của đầu tư nước ngoài  (13/08/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên