Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 31-7 đến ngày 06-8-2017)
Tăng cường phối hợp hoàn thành tốt công tác dân tộc, tôn giáo
Sáng 31-7, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác tôn giáo, công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2017 với một số tổ chức thành viên của Mặt trận và cơ quan Trung ương liên quan.
Thời gian qua, tình hình hoạt động của tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản ổn định, đại đa số chức sắc, chức việc và tín đồ yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Các hoạt động tôn giáo diễn ra sôi động, với nhiều hoạt động tôn giáo thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo tín đồ. Sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, chức sắc, chức việc các tôn giáo như đào tạo, bồi dưỡng chức sắc trong các tôn giáo được chú trọng, mở rộng các loại hình đào tạo.
Công tác phối hợp giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với một số tổ chức thành viên và các cơ quan Trung ương có liên quan trong công tác tôn giáo đã thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo; chăm lo và giải quyết một số nhu cầu, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của các tổ chức, cá nhân tôn giáo; phối hợp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào tôn giáo, phát huy vai trò người có uy tín tiêu biểu trong chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo…
Về công tác dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tổ chức nắm tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị của đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, thích hợp.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong công tác dân tộc, tôn giáo, các đại biểu đề nghị thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các cơ quan chức năng ở Trung ương cần tăng cường phối hợp, thống nhất hành động trong chỉ đạo, thực thi trong công tác vận động, tập hợp đồng bào các tôn giáo; thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo, chăm lo và giải quyết một số nhu cầu, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, tăng cường niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị của đất nước.
Đối tượng bị truy nã Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú cơ quan công an
Ngày 31-7-2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13-02-1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19-9-2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật.
Trước đó, ngày 15-9-2016 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại điều 165 Bộ luật Hình sự đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên ông Thanh đã bỏ trốn.
30 tỉnh, thành phố điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Ngày 01-8, một số địa phương, trong đó có Hà Nội đã bắt đầu thực hiện lộ trình tăng viện phí. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 10-2017.
Thông tư số 02/2017/TT-BYT, ngày 15-3-2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 01-6-2017. Theo đó, lộ trình điều chỉnh giá viện phí mới là 30 tỉnh thực hiện vào tháng 8-2017; 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10-2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12-2017.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho nêu rõ: Điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đủ chi phí là thực hiện chủ trương cải cách tài chính công, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Theo đó, nhà nước tiếp tục tăng chi cho y tế nhưng ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần; đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách theo hướng giảm dần việc cấp ngân sách trực tiếp cho bệnh viện, chuyển sang hỗ trợ đối tượng thụ hưởng thông qua bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế thanh toán cho các bệnh viện theo cơ chế giá dịch vụ được tính đúng, tính đủ chi phí tạo điều kiện để các bệnh viện phát triển, mở rộng việc cung ứng dịch vụ cho xã hội. Ngoài ra, tăng giá dịch vụ y tế còn nhằm từng bước làm giảm và tiến tới xóa bỏ chênh lệch về giá dịch vụ giữa khu vực công và khu vực tư, giúp y tế tư nhân phát triển bình đẳng với y tế công lập.
Theo Bộ Y tế, Thông tư 02 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-6-2017 nhưng không phải là đến ngày 01-6-2017 tất cả các bệnh viện trên toàn quốc đều thực hiện mức giá tối đa này. Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc các bộ, ngành quản lý. Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống.
Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình từng bước, không thực hiện đồng loạt mà theo tiến độ điều chỉnh giữa các đơn vị, địa phương bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế và thu nhập của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Kiểm tra, giám sát việc xử lý các vụ án tham nhũng tại Kon Tum
Ngày 01-8, Đoàn công tác số 7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại tỉnh Kon Tum.
Nội dung kiểm tra, giám sát lần này tập trung vào các vấn đề về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với việc phát hiện, xử lý tham nhũng; việc phát hiện và xử lý tham nhũng, đặc biệt là thanh tra các vụ, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện vụ, việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án tham nhũng kinh tế và công tác tham mưu, đề xuất, xử lý vụ án tham nhũng kinh tế của Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum.
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã tổ chức 4 cuộc kiểm tra, giám sát với 8 tổ chức Đảng và người đứng đầu cấp ủy. Kết quả đã phát hiện sai phạm hơn 604 triệu đồng, trong đó số tiền sai phạm phải thu hồi hơn 488 triệu đồng, xử lý khác là 116 triệu đồng; đến nay đã thu hồi nộp ngân sách hơn 488 triệu đồng; thi hành kỷ luật 4 trường hợp, trong đó khiển trách 2 trường hợp, cảnh cáo 1 trường hợp và cách chức 1 trường hợp.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum đã tổ chức kiểm tra, giám sát 65 cuộc với 77 tổ chức; qua kiểm tra phát hiện, đề nghị thu hồi số tiền 3, 447 tỷ đồng; thi hành kỷ luật 13 đảng viên. Ngoài ra, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã kiểm tra 77 cuộc với 110 tổ chức đảng và người đứng đầu; qua kiểm tra, kết luận sai phạm 11,081 tỷ đồng, số tiền phải thu hồi là hơn 8,3 tỷ đồng; thi hành kỷ luật 23 đảng viên.
Rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a
Sáng 01-8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, xác định định hướng, giải pháp hoàn thành mục tiêu kế hoạch đặt ra trong năm 2017.
Nhìn nhận về kết quả giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tiến độ rất chậm. Riêng tháng 7-2017, theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước tăng khá nhanh, gấp 2,5 so với tháng 6 và so với cùng kỳ năm trước. Nhưng cả 7 tháng mới được hơn 30%. Tiến độ giải ngân có tiến bộ nhưng chưa đạt được mục tiêu, nhất là việc phân bổ sử dụng các vốn liên quan đến đầu tư công.
“Mở một cửa chính nhưng đóng nhiều cửa phụ, cửa ngách thì không biết đi đường nào. Mở là cho thủ tục rút gọn, nhưng đóng là phải có tổ đội lành nghề. Chỉ 5 tỷ đồng mỗi xã mà phải lên tận Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách trung ương đối với các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia”, Phó Thủ tướng nói.
Ghi nhận các kết quả đạt được trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, song Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ công tác chỉ đạo điều hành chưa phủ khắp toàn quốc. Phó Thủ tướng nêu rõ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần thành lập Hội đồng để đánh giá và xác định huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Nhận định đây là việc nhạy cảm, phức tạp liên quan đến nhiều vấn đề, Phó Thủ tướng nêu quan điểm “Cần phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn, tránh chuyện theo Nghị quyết lúc đầu có 62 huyện nghèo rồi lại thêm 25 huyện được hưởng tiêu chuẩn hỗ trợ đầu tư như các huyện 30a, sau bao năm làm giảm nghèo bền vững và thực hiện Chương trình mục tiêu 30a thì lại đưa thêm vào nhiều huyện, như vậy không ổn. Có vào có ra, hộ nghèo cũng vậy, phải xóa được nghèo, nguồn lực có hạn”.
Cho rằng nguồn vốn tín dụng cho xây dựng nông thôn mới vừa qua là hiệu quả, có tiến bộ rất rõ rệt, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu dư địa và các nguồn lực để có thể tăng thêm nguồn tín dụng cho lĩnh vực này.
Cốt lõi của vấn đề nông thôn mới là giảm nghèo, không chỉ dừng lại ở thành quả công trình mà là phi công trình, đo bằng giá trị văn hóa, môi trường sống, an ninh trật tự, an toàn xã hội, sinh kế đời sống. Các tiêu chí “mềm” rất quan trọng, phải hết sức quan tâm, Phó Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đôn đốc việc giải ngân vốn ODA
Chiều 01-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về một số vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế vào năm 1993 đến tháng 6-2017, Việt Nam đã ký kết các khoản vay và viện trợ không hoàn lại có giá trị khoảng 82,61 tỷ USD (trong đó vốn vay 74,92 tỷ USD).
Tính đến hết tháng 6-2017, có 810 chương trình dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026, tuy nhiên sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017 - 2020 là 17,485 tỷ USD. Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD.
Năm 2017, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đã có khả năng giải ngân khoảng 4,6 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, đã giải ngân được 1,5 tỷ USD, bằng 32,6% số vốn dự kiến giải ngân cả năm.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua vốn ODA đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, phần lớn đã sử dụng có hiệu quả. Thủ tướng đưa ra yêu cầu chung là bảo đảm giải ngân hết số vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết theo tiến độ, kể cả giai đoạn 2017 - 2020, đặc biệt là năm 2017.
Lo ngại trước việc 6 tháng đầu năm 2017 mới giải ngân được 1,5 tỷ USD, đạt 32,6%, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2017, với những dự án chưa giải ngân được, chưa làm thủ tục thì phải tự cắt, tự điều chuyển trong khối Chính phủ và các địa phương, để làm sao giải ngân hết số vốn kế hoạch đã thông qua. Từng chủ dự án phải xem lại năng lực, trách nhiệm của mình, phải tự rút lui khi thấy khả năng của mình không thể triển khai được dự án hoặc tìm được nguồn khác mà không cần đến vốn vay ODA.
Thủ tướng cho rằng, bên cạnh vướng mắc cố hữu như năng lực nhà thầu, giải phóng mặt bằng, chỉ đạo điều hành thì vấn đề thay đổi dự toán, một số dự án thiếu vốn ngoại là vấn đề cần quan tâm, nhất là thủ tục đầu tư xây dựng.
Để khắc phục những vướng mắc này, cập nhật định hướng thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi phù hợp với tình hình mới, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo thực hiện một số giải pháp như Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem lại từng dự án, ưu tiên các dự án hoàn thành trong năm 2017. Ngành, đơn vị nào không làm được thì báo cáo để điều chỉnh.
Thủ tướng: Tạo lập khung thể chế vượt trội cho các đặc khu
Sáng 02-8, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp, thảo luận về dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Đặc khu).
Tham dự cuộc họp có Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành và 3 tỉnh là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang - những địa phương đang xúc tiến xây dựng các đề án đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho rằng dự án Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được chuẩn bị công phu, trách nhiệm với hệ thống tổ chức rõ ràng.
Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và trình các Ủy ban của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đúng thời hạn để làm sao có thể trình ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp vào tháng 10 tới.
Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng luật tốt nhất, bảo đảm bền vững lâu dài trong phát triển. Thủ tướng cũng nêu rõ tinh thần bảo đảm cạnh tranh quốc tế và khu vực, đi tắt đón đầu, tìm lợi thế so sánh để thu hút; “phải tính trước mắt và lâu dài Việt Nam đang cần gì để chấp nhận những chuyện hết sức cụ thể ở từng đặc khu." Tinh thần xanh, sạch, đẹp, công nghệ cao, không trái điều ước tế cần được quán triệt.
Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam
Sáng 05-8, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.
Thay mặt Đoàn kiểm tra, đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, việc bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử của Tỉnh ủy Quảng Nam và các cấp ủy, các ngành của tỉnh từ năm 2012 đến nay.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn có những hạn chế, khuyết điểm trong công tác quy hoạch, đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua. Đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý kết luận một số nội dung, giải pháp và đề nghị Tỉnh ủy Quảng Nam cùng các cấp ủy Đảng cần tập trung thực hiện công tác quy hoạch, đánh giá, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ tốt hơn trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thăm hỏi nhân dân vùng lũ Mù Cang Chải
Chiều 06-8, tại Yên Bái, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã có buổi làm việc và thăm hỏi nhân dân vùng lũ Mù Cang Chải.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đã chia sẻ những mất mát chính quyền, nhân dân huyện Mù Cang Chải phải trải qua sau trận lũ lịch sử; đánh giá cao những các giải pháp của tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải cùng các lực lượng đã kịp thời khắc phục những thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn những ngày qua.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, đến thời điểm này, mưa lũ tại Yên Bái đã làm 5 người thiệt mạng, 9 người vẫn đang mất tích, thiệt hại về tài sản ước tính trên 160 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy kiến nghị, tới đây, Yên Bái cần số tiền 410 tỷ đồng để khắc phục các hậu quả của cơn lũ. Trong đó, 110 tỷ đồng cấp bách xây dựng lại các công trình thuỷ lợi và hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại do lũ.
Trong chuyến công tác, thay mặt Quốc hội, đồng chí Phùng Quốc Hiển đã trao tiền số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng/người cho các gia đình có người chết và mất tích; thăm, động viên và trực tiếp tặng quà cho các gia đình bị thiệt hại nặng nề do lũ; đồng thời tới hiện trường khu vực xảy ra lũ, động viên và trao quà cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả cơn lũ tại hiện trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ASEAN đang làm chủ vận mệnh của mình  (08/08/2017)
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  (08/08/2017)
Trung Quốc: Động đất mạnh 7 độ Richter rung chuyển tỉnh Tứ Xuyên  (08/08/2017)
242.000 thí sinh trúng tuyển đợt một xác nhận nhập học  (08/08/2017)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quyên góp ủng hộ đồng bào Tây Bắc  (08/08/2017)
Nhật Bản và Hàn Quốc ủng hộ những sáng kiến của Việt Nam  (08/08/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay