Quan tâm đầu tư phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nam Bộ
TCCS - Tây Nam Bộ là một trong ba vùng trọng điểm của cả nước có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và đảng bộ, chính quyền các địa phương trong vùng đã tích cực phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững ổn định.
Những chuyển biến tích cực
Vùng Tây Nam Bộ có diện tích hơn 40,5 nghìn km2, chiếm 12% diện tích cả nước; dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 22% dân số cả nước, gồm 4 dân tộc chủ yếu là: Kinh, Khmer, Hoa, Chăm sống đan xen trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố. Trong đó, dân tộc Kinh có hơn 16 triệu người, chiếm tỷ lệ 91,91%; dân tộc Khmer có 1,26 triệu người, chiếm tỷ lệ 6,3%; dân tộc Hoa có hơn 192 nghìn người, chiếm tỷ lệ 1,1%, dân tộc Chăm có gần 15 nghìn người, chiếm tỷ lệ 0,08%; dân tộc thiểu số khác có khoảng 3.200 người. Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer, sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn với xuất phát điểm hạ tầng kinh tế - xã hội thấp, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đầu tư phát triển kinh tế, gắn với bảo đảm an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những vấn đề trọng tâm, có tính chiến lược đối với sự phát triển bền vững của vùng Tây Nam Bộ.
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010”; Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 - 2020” và các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tập trung phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong vùng chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội, các dự án xóa đói, giảm nghèo, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Xuất phát từ thực tế đó và trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã đề xuất Trung ương ban hành nhiều chủ trương, chính sách giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của vùng, nhất là về đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết vùng, xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch, phát triển huyện đảo Phú Quốc, phối hợp nghiên cứu, xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020,...
Những nỗ lực của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ, ngành và các địa phương trong thời gian qua đã tạo chuyển biến tích cực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện tốt thông qua các Chương trình 134, 135, vay vốn ưu đãi, định canh định cư, hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở; các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo;... Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc giảm từ 40% (năm 2000) xuống còn 13,01% (năm 2015).
Công tác giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân trong đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư phát triển. Năm học 2014 - 2015, toàn vùng có 379 trường, 3.006 lớp với 70.146 học sinh học tiếng Khmer; 14 trường, 100 lớp với 2.447 học sinh học tiếng Hoa. Toàn vùng hiện có 30 trường phổ thông dân tộc nội trú; trong đó, có 6 trường đạt chuẩn quốc gia, với 8.778 học sinh; chương trình, sách giáo khoa phục vụ dạy và học chữ Khmer được quan tâm, số học sinh người dân tộc thiểu số được cử tuyển ngày càng tăng. Các chương trình gây quỹ khuyến học, khuyến tài và tặng quà nhân dịp lễ, tết cho học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi được các đơn vị, tổ chức, cá nhân quan tâm. Mạng lưới y tế cơ sở và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được củng cố, phát triển, đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh cho nhân dân; việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm; đội ngũ cán bộ y tế là người dân tộc thiểu số được đào tạo, bố trí sử dụng ngày càng tăng.
Song song với việc quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền các địa phương luôn chú trọng thực hiện tốt việc giữ gìn, phát huy phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Việc trùng tu, sửa chữa các cơ sở thờ tự có các vị chư tăng là người có công với cách mạng và các chùa được công nhận là di tích lịch sử hoặc di tích lịch sử - cách mạng được các địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư sửa chữa. Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ được thành lập năm 2006 và Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng hoạt động ngày càng nền nếp. Toàn vùng có 27 diễn viên, nghệ nhân là người dân tộc Khmer được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân ưu tú.
Công tác dân tộc được thực hiện tốt; việc xây dựng hệ thống chính trị vùng dân tộc luôn được tăng cường; các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có kế hoạch quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số và kế hoạch về củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị cơ sở. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc, vùng tôn giáo ổn định.
Những hạn chế cần khắc phục và bài học kinh nghiệm rút ra
Việc thực hiện các chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ thời gian qua đã mang lại những kết quả đáng kể. Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế như:
- Giảm nghèo chưa bền vững, hộ nghèo, cận nghèo ở vùng dân tộc còn ở mức cao, nơi có đông đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer còn 13,01% (giảm 5% so với năm 2014) nhưng vẫn còn cao so với tỷ lệ chung của vùng là 3,54%.
- Một số chính sách dân tộc chưa được cụ thể hóa kịp thời; có chính sách triển khai thiếu đồng bộ, còn gián đoạn trong quá trình thực hiện. Việc bố trí các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa tương xứng với mục tiêu đề ra; thiếu cơ chế khuyến khích lồng ghép các nguồn lực để thực hiện tốt các mục tiêu chương trình, chính sách; công tác đào tạo nghề chưa gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm và nhu cầu lao động tại địa phương.
- Những năm gần đây, do tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử trong 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế - xã hội của vùng gặp nhiều khó khăn, thách thức; thu nhập và đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.
- Mạng lưới trường, lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học tại một số nơi vùng đồng bào dân tộc vẫn còn thiếu, chưa đạt chuẩn. Việc thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số ở một số địa phương chưa nhất quán; công tác giải quyết việc làm cho sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp gặp nhiều khó khăn.
- Số lượng cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị cũng như trong hệ thống các cơ quan làm công tác dân tộc được tăng cường nhưng còn thiếu; số lượng cán bộ người dân tộc thiểu số trong các cơ quan, đơn vị còn ít, chưa hài hòa về cơ cấu; việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó, đáng lưu ý một số nguyên nhân như:
Việc thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer chưa được thể chế hóa toàn diện, dẫn đến việc thực hiện có lúc, có nơi không nhất quán. Một số chính sách hỗ trợ, mức vay phát triển sản xuất còn thấp, chưa bảo đảm phát triển bền vững.
Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức, thiếu chủ động đề ra các giải pháp hiệu quả trong việc lồng ghép, phối hợp thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương với Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Trình độ, năng lực cán bộ làm công tác dân tộc ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh để giảm nghèo bền vững, vươn lên khá giàu chưa sâu rộng, hiệu quả chưa cao.
Từ những kết quả đạt được và những hạn chế nêu trên có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, ở nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức đúng đắn, quan tâm sâu sát đối với công tác dân tộc; chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo, các chương trình, dự án của Chính phủ thì ở đó việc thực hiện chính sách dân tộc đạt hiệu quả thiết thực. Chỉ khi nào thực hiện đồng bộ các chính sách thì mới khơi dậy, phát huy tiềm năng, đáp ứng nhu cầu thực sự của đồng bào, hạn chế tình trạng hỗ trợ đầu tư nhỏ giọt, dàn trải, kém hiệu quả.
Thứ hai, công tác giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc phải luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, các cấp ủy đảng, chính quyền có kế hoạch tổ chức lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với các chính sách an sinh xã hội, Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.
Thứ ba, cần có những giải pháp phù hợp với đặc điểm vùng, miền gắn với khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế và huy động mọi nguồn lực sẵn có tại địa phương. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức điều hành quản lý thống nhất đối với từng mục tiêu, chính sách, dự án trong suốt quá trình triển khai thực hiện.
Thứ tư, chú trọng phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất, quản lý điều hành và xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách an sinh xã hội của các cấp, các ngành. Trên cơ sở các kế hoạch, chương trình cụ thể, cần thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đề cao giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của đồng bào dân tộc để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, nâng cao niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc. Đặc biệt, các cấp ủy đảng, chính quyền phải luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp của cán bộ, trí thức, người có uy tín là người dân tộc thiểu số để có thông tin kịp thời phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nam Bộ
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nêu rõ: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số”(1). Từ định hướng đó, trong thời gian tới để bảo đảm phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nam Bộ, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tập trung xóa đói, giảm nghèo bền vững; cải thiện, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo; bố trí hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư. Việc phân bổ các nguồn lực đầu tư phải dựa trên hệ thống tiêu chí cụ thể cho từng vùng, từng địa phương, từng đối tượng và phân bổ kế hoạch vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; ưu tiên theo “hình thức cuốn chiếu”, lồng ghép chặt chẽ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao để hỗ trợ, hướng dẫn hộ dân tộc thiểu số nghèo tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập.
Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc của Chính phủ, như Chương trình 135, chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, định canh, định cư, vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, chính sách dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả; tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo đa chiều bền vững, hòa nhập với tiến trình phát triển của đất nước.
Ba là, các địa phương trong vùng cần triển khai nhiều nguồn lực thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất, cơ cấu mùa vụ phải thích ứng với thị trường, điều kiện canh tác, tác động của biến đối khí hậu; quan tâm phát triển sản xuất theo các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất; phát huy đầy đủ tri thức địa phương trong sản xuất và quản lý xã hội; nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất có hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc.
Bốn là, tiếp tục duy trì thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, như chính sách dự bị đại học, cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cho học sinh là người dân tộc thiểu số; chính sách đối với giáo viên, học sinh ở các trường phổ thông dân tộc nội trú. Thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; củng cố, sắp xếp mạng lưới trung tâm dạy nghề, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng lao động, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng, nhất là đào tạo nghề trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm là, đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng. Do đó, song song với việc phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe, cần đẩy mạnh và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển văn hóa, thông tin trong vùng đồng bào dân tộc bằng các chương trình, dự án, các hoạt động cụ thể để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Sáu là, cán bộ người dân tộc thiểu số vừa là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số. Đây vừa là lực lượng tham gia đề xuất các chính sách sát hợp với đặc điểm của dân tộc mình, vừa là những người tiên phong tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Do vậy, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng hợp lý cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị các cấp.
Bảy là, phát huy vai trò của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động người dân về tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, nhằm phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Tăng cường tuyên truyền, đề cao những cống hiến, thành tích của các cán bộ là người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín, chức sắc, chức việc, cán bộ cốt cán trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo.
Tám là, các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đề xuất giải pháp và tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án của Trung ương và địa phương về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các chính sách, dự án trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững./.
--------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 164
Indonesia chưa phản hồi vụ xuất khẩu nông sản nhiễm mọt sang Việt Nam  (19/01/2017)
Kinh tế - xã hội và môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu  (19/01/2017)
Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh, phê phán các hiện tượng tiêu cực, những biểu hiện suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống  (18/01/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Viện Nghiên cứu Malik  (18/01/2017)
Phó Thủ tướng: Sớm ổn định đời sống hộ dân trong vụ cháy ở Nha Trang  (18/01/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay