Nâng cao chất lượng, hiệu quả quyền tham gia giám sát và phản biện chính sách của người dân

ThS. Đỗ Thanh Hải Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
23:21, ngày 07-12-2016

TCCSĐT - Giám sát và phản biện chính sách là tiếng nói của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đối với tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Giám sát và phản biện chính sách phát triển phản ánh nền dân chủ được tăng cường, đồng thời khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”(1). Theo đó, tăng cường vai trò của nhân dân tham gia giám sát và phản biện chính sách là biện pháp thiết thực để tăng cường quyền lực nhân dân, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Cơ chế này nếu thực hiện tốt sẽ đóng vai trò tích cực làm trong sạch bộ máy quyền lực, để thực sự mọi cán bộ trong cơ quan nhà nước đều là những công bộc tận tụy vì dân phục vụ.

Những nhân tố quyết định hiệu quả tham gia giám sát, phản biện chính sách của người dân

Chất lượng, hiệu quả giám sát và phản biện chính sách của người dân phụ thuộc vào sự vận động tổng hợp của ba nhân tố chính: dân trí, dân tâm, dân quyền.

Dân trí là trình độ hiểu biết của nhân dân nói chung về các lĩnh vực cơ bản của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Dân trí thường đi liền với học vấn, nhưng không hoàn toàn trùng khít với học vấn. Bởi thực tế cho thấy, trình độ dân trí của một số người đi ngược với trình độ học vấn. Có người học cao nhưng dân trí thấp, ngược lại, có người không được học nhiều nhưng trình độ dân trí lại cao. Trình độ dân trí do đó không tùy thuộc tuyệt đối vào trình độ học vấn mà phụ thuộc nhiều vào sự hiểu biết của mỗi người về một lĩnh vực nào đó mà họ tham gia giám sát và phản biện. Tất nhiên, trình độ học vấn càng cao thì càng có nhiều điều kiện để nâng cao dân trí. Trong bối cảnh xây dựng xã hội học tập hiện nay thì học vấn có vai trò ngày càng quan trọng. Nói như vậy để thấy rằng, dù là ở trình độ học vấn nào đi nữa thì mỗi người dân đều có quyền và cơ hội thể hiện trình độ dân trí của bản thân thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu, nắm vững lĩnh vực mình quan tâm. Mặt khác, việc nâng cao học vấn vừa là nhu cầu xã hội, vừa là điều kiện quan trọng để dân trí đi lên. Dân trí được thể hiện ở sự hiểu biết, mức độ và khả năng tham gia của người dân vào việc ban hành chính sách. Mức độ nhân dân tham gia giám sát và phản biện chính sách càng cao thì trình độ dân trí thể hiện càng cao. Mặt khác, dân trí còn là thước đo trình độ phát triển của xã hội, đặc biệt về mặt dân chủ và pháp quyền. Một xã hội càng dân chủ, pháp luật càng mạnh, càng nghiêm thì người dân càng có thực quyền, mức độ hiểu biết, sự “tham chính” của người dân càng thể hiện mạnh mẽ. Do vậy, nâng cao dân trí của người dân có vai trò rất quan trọng để họ là chủ thể thực sự, tích cực tham gia giám sát, phản biện chính sách, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước và làm trong sạch bộ máy quyền lực.

Dân tâm có thể được hiểu một cách ngắn gọn là lòng dân, là tinh thần trách nhiệm của nhân dân. Trình độ dân trí cao, nhưng lòng dân không thuận, không tin, không theo thì dân trí có cao như thế nào cũng trở nên vô ích. Xưa có câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”; nay, một bộ phận người dân thể hiện sự suy giảm lòng tin vào Đảng, thái độ thờ ơ với các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, sống thu mình, lo vun vén cuộc sống cá nhân mà không màng đến “quốc sự”... đấy là một mối nguy đối với sự hưng vong của chế độ. Vì thế, dân trí không thể không gắn với dân tâm. Trình độ dân trí cao cộng với thái độ trách nhiệm cao của mỗi người dân đối với các vấn đề của đất nước, dân tộc là điều kiện cơ bản để vai trò, vị thế, trách nhiệm của người dân được nâng lên, như thế, người dân mới có cơ hội và có khả năng làm chủ thực sự quyền lực của mình.

Nếu chỉ dừng lại ở dân trí và dân tâm thì chưa đủ, bởi mới chỉ dừng lại ở những yếu tố thuộc về chủ quan. Ở đây, dân quyền - quyền lực nhân dân là yếu tố bảo đảm cho người dân phát huy được dân trí, dân tâm của mình. Dân quyền được bảo đảm bằng pháp luật, bằng hệ thống những quy định pháp lý cho phép nhân dân tham gia vào công việc giám sát, phản biện chính sách. Người dân được trao quyền, nhưng họ không có hiểu biết, không có trách nhiệm thì quyền lực ấy không phát huy tác dụng. Ngược lại, người có trí, có tâm nhưng xã hội ràng buộc, họ không có quyền bày tỏ quan điểm, chính kiến, quyền lợi của mình thì những đóng góp của họ cũng không có tác dụng. Vì vậy, bảo đảm dân trí, dân tâm, dân quyền là bảo đảm cho người dân những điều kiện cần và đủ một cách toàn diện để họ phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát và phản biện chính sách.

Thực tiễn cho thấy, nhiều chính sách do chính quyền các cấp, đặc biệt ở cơ sở ban hành đã có sự đóng góp ý kiến của nhân dân. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau mà mức độ tham dự thực sự, tiếng nói thật sự của nhân dân chưa được thể hiện rõ nét trong chính sách. Một mặt, bởi trình độ dân trí một bộ phận người dân chưa cao, một số người dân chưa thực sự quan tâm đến các chính sách ban hành; mặt khác, cơ chế, chính sách để ưu việt hóa quyền lực nhân dân còn có những hạn chế khiến cho mức độ tham dự của nhân dân vào việc ra các quyết sách của chính quyền các cấp còn hạn chế. Đó là chưa kể đến những tác động khác từ các yếu tố bên ngoài khiến cho việc giải quyết mối quan hệ giữa quyền lực nhân dân và quyền lực nhà nước thêm phức tạp. Trong đó, đáng quan ngại là tình trạng một số kẻ xấu lợi dụng dân trí thấp của một bộ phận nhân dân thiếu hiểu biết, bằng thủ đoạn mua chuộc, lôi kéo, lừa dụ khiến tình trạng khiếu kiện, biểu tình chống Đảng, chống chính quyền gia tăng. Hơn nữa, tệ quan liêu, sách nhiễu, tham nhũng, trục lợi, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên khiến cho việc trục lợi chính sách gia tăng, quyền hành của nhân dân bị lu mờ, thậm chí có trường hợp các quyết sách đưa ra đi ngược với quyền lợi của nhân dân, tiếng nói nhân dân không được tôn trọng. Tình trạng đó vừa là nguyên nhân làm suy giảm quyền lực nhân dân, vừa là hệ quả từ việc chúng ta thiếu một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Giải pháp nâng cao quyền tham gia giám sát và phản biện chính sách của người dân

Một là, chú trọng nâng cao dân trí cho người dân

Để thực hiện tốt quyền giám sát và phản biện chính sách đòi hỏi nhân dân phải có sự hiểu biết quyền, nghĩa vụ của công dân trong giám sát và phản biện, hiểu biết ngành, lĩnh vực mà mình tham gia. Giám sát, phản biện chính sách phải trên cơ sở động cơ trong sáng, trí tuệ và trách nhiệm công dân cao. Do đó, cần nâng cao nhận thức trong quá trình nhân dân thực hiện quyền lực làm chủ của mình. Nâng cao dân trí phải gắn với việc ban hành chính sách chứ không phải là việc tuyên truyền, cổ động chung chung, hình thức. Điều đó đòi hỏi các cơ quan truyền thông, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội phải có chiến lược truyền thông, giáo dục cụ thể với nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng người dân tùy thuộc vào trình độ hiểu biết của họ nhằm làm cho người dân biết, người dân hiểu chính sách và quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong giám sát, phản biện chính sách.

Người dân cần được thông tin đầy đủ về cơ sở pháp lý, nội dung chính sách ban hành, ý nghĩa thực tiễn của chính sách, được hiểu về quyền lợi người dân được hưởng khi chính sách được ban hành. Mặt khác, người dân cần được thông tin kịp thời về trả lời của chính quyền các cấp đối với việc giám sát và phản biện chính sách để biết được mức độ quyền lực nhân dân được hiện thực hóa trong các chính sách ban hành.

Nâng cao dân trí hiện nay phải đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động, nâng cao hiểu biết cho người dân cảnh giác, nhận diện những hiện tượng lợi dụng dân trí, dân tâm, dân quyền để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình, chống đối chính quyền, đe dọa cuộc sống bình an của nhân dân.

Hai là, nâng cao dân trí phải gắn liền với việc chú trọng dân tâm

Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải quan tâm khích lệ tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân của mỗi người dân đối với các quyết sách các ngành, các cấp đưa ra. Giác ngộ nhân dân không chỉ dừng lại ở sự hiểu biết mà phải chuyển hóa thành tình cảm cách mạng, động cơ trong sáng và trách nhiệm công dân cao để người dân tham gia mạnh dạn, để vai trò của họ thực sự được nâng cao, tham gia có chất lượng vào quá trình ra chính sách.

So với dân trí, thì thu phục dân tâm là khó hơn. Bởi dân trí có thể do tự học mà có, bởi trong điều kiện hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, nhất là mạng internet tạo cho người dân ở mọi giai tầng cơ hội gần như ngang nhau về cơ hội tiếp thu tri thức. Nhưng thu phục dân tâm là khó, bởi nó gắn liền với sự giác ngộ, với sự đồng tình, lòng tin hay không của người dân vào chế độ chính trị, vào hàng ngũ “công bộc” của mình. Thu phục dân tâm đòi hỏi sự thay đổi của cả hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, liêm chính, phục vụ, kiến tạo phát triển... Để thu phục dân tâm, tự thân người cán bộ, đảng viên phải trong sáng về đạo đức, nhân cách, ưu tú về năng lực chuyên môn, tận tụy trong công việc, gần gũi quần chúng, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân...

Ba là, cần có cơ chế để bảo đảm cho quyền lực nhân dân thực sự có sức mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra các quyết sách

Thứ nhất, không ngừng hoàn thiện pháp luật, quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm cán bộ các cấp, đặc biệt hoàn thiện luật phòng, chống tham nhũng; kê khai tài sản; luật cán bộ, công chức… nhằm quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, ngăn chặn các nguy cơ lạm quyền; đồng thời có căn cứ xử lý nghiêm minh; có tính răn đe cao; “Hoàn thiện thể chế hành chính dân chủ - pháp quyền, quy định trách nhiệm và cơ chế giải trình của các cơ quan nhà nước…”(2). Công tác thanh kiểm tra của các cơ quan nhà nước phải được thực hiện tốt nhằm phát hiện các quyết định không đúng. Đặc biệt hiện nay cần có cơ chế để xử lý đối với các quyết định không đúng, không để xảy ra tình trạng sai lại sửa rồi rút kinh nghiệm là xong. Do đó, công tác lập pháp cần xác lập khuôn khổ pháp luật hữu hiệu ngăn chặn tối đa tình trạng ra các quyết định không đúng, gây hậu quả ở các mức độ khác nhau. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý trong quá trình ra quyết định, là cơ sở để việc coi trọng nhân dân trở thành nguyên tắc của quá trình ra quyết định.

Thứ hai, cần cụ thể hóa trong luật nhằm vừa làm rõ, vừa có tính khả thi cao trong quy định của pháp luật về quyền lực của nhân dân, làm cơ sở hiện thực hóa trong thực tiễn. Theo đó, “thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”(3); xác lập các quy định về bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham ô, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý xã hội...; “thực hiện tốt dân chủ cơ sở; thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”(4); thực hiện cơ chế thực thi quyền lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát việc ra các quyết định lãnh đạo quản lý; nâng cao chất lượng phản hồi của cơ quan nhà nước các cấp về ý kiến của nhân dân về các quyết định lãnh đạo quản lý ở mọi cấp, đặc biệt ở cấp cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài, sự suy giảm niềm tin trong nhân dân,... Mặt khác, cần “tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân,… Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân”(5).

Thứ ba, theo quan điểm xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước kiến tạo và phục vụ hiện nay thì nhà nước thực sự mạnh là nhà nước có tổ chức bộ máy tinh gọn, chặt chẽ, hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả; tình trạng lạm quyền, tham ô, tham nhũng được kiểm soát tốt; pháp luật thực sự là tối thượng; người dân thực sự làm chủ; cán bộ công chức ý thức được mình là người phục vụ dân chúng chứ không phải là quan nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nhắc nhở. Chỉ khi bộ máy nhà nước mạnh thì hiệu quả hoạt động mới cao. Tự thân nhà nước ngày càng được củng cố thì trách nhiệm đối với dân chúng mới cao, tất yếu nhân dân càng được coi trọng, theo đó, quyền lực nhân dân càng được tăng cường. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà nước càng mạnh thì càng cần dân, nhà nước càng yếu thì càng xa dân, tiếng nói của dân càng bị xem nhẹ. Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả nhân dân tham gia giám sát và phản biện chính sách thì tự thân nhà nước phải không ngừng hoàn thiện theo hướng lấy dân làm gốc, tất cả của dân, do dân, vì dân.

Nói tóm lại, nâng cao dân trí, dân tâm, dân quyền là một giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng, tác động trực tiếp tới các chủ thể của hệ thống chính trị, đặc biệt là nhân dân. Thực hiện tốt vấn đề này luôn phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với các chủ thể theo phương thức “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Điều đó đồng thời đòi hỏi không chỉ tự thân người dân phải nâng cao dân trí, dân tâm, dân quyền mà các cán bộ, đảng viên, cơ quan của Đảng, Nhà nước phải tự đổi mới, tự hoàn thiện để nâng cao vị thế, uy tín trong nhân dân, xứng đáng với lòng tin của nhân dân. Chỉ khi nào dân tin hoàn toàn vào Đảng, vào Nhà nước thì dân mới dốc toàn tâm, toàn ý theo cách mạng, chỉ khi ấy thì nhân dân mới thực sự có thực quyền và phát huy quyền lực của mình trong việc giám sát và phản biện chính sách./.

--------------------
(1), (2), (3), (4), (5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.38, 178, 38, 39