Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 24 đến ngày 30-10-2016

Hồng Ngọc tổng hợp
15:28, ngày 31-10-2016
TCCSĐT - Trao đổi bên lề kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV về những thông tin bổ nhiệm cán bộ tràn lan và việc lãnh đạo một số địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào các đơn vị do mình phụ trách, quản lý, gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với nền công vụ, các đại biểu Quốc hội cho rằng các bộ, ban, ngành, địa phương cần có đánh giá tổng thể về quy trình đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để làm rõ có phải là tình trạng tràn lan, phổ biến hay chỉ là hiện tượng cá biệt.

Cần đánh giá tổng thể về quy trình đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức

Một sở có 46 biên chế cán bộ công chức thì có tới 44 cán bộ từ cấp phòng trở lên, chỉ có 2 người là chuyên viên, đây là câu chuyện diễn ra ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương. Sự việc này càng làm dấy lên những nghi ngại, bất bình trong xã hội về việc bổ nhiệm cán bộ tràn lan, sau những bức xúc của dư luận liên quan đến việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm tới 8 phó giám đốc, việc tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà ở một số địa phương thời gian qua.

Trao đổi bên lề kỳ họp thứ hai, các đại biểu Quốc hội cho rằng các bộ, ban, ngành, địa phương cần có đánh giá tổng thể về quy trình đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để làm rõ tình trạng đề bạt, bổ nhiệm cán bộ hiện nay có tràn lan, phổ biến hay đây chỉ là hiện tượng cá biệt. Theo đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), quy trình bổ nhiệm hiện nay là tương đối chặt chẽ vì công tác cán bộ được thực hiện theo chủ trương của Đảng, các kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết của chính quyền, có lộ trình, tiêu chuẩn, điều kiện rõ ràng. Vậy tại sao lại có hiện tượng đó? Ở đây có câu chuyện thực hiện quy trình không đúng, liên quan đến người thực hiện.

Để giải quyết tình trạng này, phải rà soát công tác quy hoạch cán bộ, trên cơ sở đó, đánh giá lại tiêu chuẩn, quy trình sao cho cụ thể, chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt là phải quan tâm đến việc thực hiện quy trình. “Như chúng ta đã nói thì dường như nó rơi nhiều vào yếu tố chủ quan. Tức là trong thực hiện quy trình, chúng ta phải quy rõ trách nhiệm của cán bộ ở từng cấp, từng khâu” - đại biểu Thắng cho hay. Cũng theo ông Thắng, những sự việc như vậy đều được các cơ quan chức năng trả lời là bổ nhiệm “đúng quy trình” khiến cho người dân rất bức xúc.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng từ thực tế ở Hải Dương, cần rà soát lại tổng thể, kể cả việc bổ nhiệm ở cuối nhiệm kì vừa qua, nhằm làm rõ mối nghi ngờ của dư luận về việc có người lợi dụng để bổ nhiệm ồ ạt trước khi về hưu hay không.

Chung quanh điểm trên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị xem lại trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra việc bổ nhiệm ồ ạt như vậy. Bà Khánh cho rằng phải hoàn thiện cơ chế ở cấp ủy đảng, quy định rõ hơn để làm căn cứ cho các cấp, các ngành trong việc thể chế hóa các quy định. Cần thể chế hóa và quy định rõ trong Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và trong quy trình xem xét, bổ nhiệm.

Các đại biểu cho rằng từ những sự việc vừa qua, nếu đúng như báo chí phản ánh, cần được xử lý nghiêm minh, không né tránh. Đối chiếu với tiêu chuẩn quy định, với điều kiện, quy hoạch và yêu cầu thực tiễn về sử dụng cán bộ của cơ quan đơn vị đó, nếu đã bổ nhiệm sai thì cần trả những người đó về đúng vị trí của họ.

Triển khai Quy chế làm việc của Chính phủ gắn với tăng cường kỷ cương, trách nhiệm

Để triển khai kịp thời Quy chế làm việc của Chính phủ và tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01-10-2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ.

Trong đó, phải quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định về nguyên tắc làm việc, thẩm quyền, chế độ trách nhiệm, quan hệ công tác, cách thức, quy trình giải quyết công việc thuộc trách nhiệm của bộ, cơ quan, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của bộ, cơ quan, địa phương mình phù hợp với Quy chế làm việc của Chính phủ và tình hình thực tiễn. Thời hạn hoàn thành trong năm 2016. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc tình hình xây dựng và ban hành Quy chế làm việc của các bộ, cơ quan, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tham gia công việc chung của Chính phủ.

Yêu cầu lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 980/TTg-TH ngày 07-6-2016 về việc chấn chỉnh thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các yêu cầu trên và triển khai thiết thực các vấn đề có liên quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bộ, cơ quan mình, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.

Thí điểm tăng cường phân cấp, ủy quyền cho UBND TP. Hồ Chí Minh

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý về chủ trương thí điểm tăng cường phân cấp, ủy quyền cho UBND TP. Hồ Chí Minh đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hồ Chí Minh xây dựng đề án thí điểm từng vấn đề, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị; đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Chính phủ, giao UBND TP. Hồ Chí Minh chủ động xây dựng đề án gắn với trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, làm việc với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ để xin ý kiến Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, về phân cấp, ủy quyền quy định một số khoản thu, khoản chi, phí và lệ phí phù hợp; quy định hành vi xâm phạm trật tự, an toàn, văn minh đô thị phát sinh nhưng chưa được quy định là vi phạm hành chính và quy định mức xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt; thành lập một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố; việc quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức thi nâng ngạch, chuyển xếp ngạch, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ thu nhập phù hợp; phân cấp cho UBND cấp quận, huyện thực hiện việc kiểm định, thẩm định, phê duyệt phương án tháo dỡ nhà chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm: Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương; giao UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Xây dựng, Nội vụ, Công an, Tư pháp và các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án phân cấp, ủy quyền cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương UBND TP. Hồ Chí Minh được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang trong tình trạng hư hỏng nặng, cấp độ cực kỳ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ trong thời gian ngắn với điều kiện phải đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện dự án khả thi, an toàn và hiệu quả cao nhất; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật.

Vĩnh Phúc: Nâng cao năng lực cán bộ gắn với cải cách hành chính

Thực hiện các Nghị quyết về chính sách phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch để triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức. Tỉnh đã cử 35 học sinh thi đỗ các trường đại học trong nước đi đào tạo tại nước ngoài và xem xét bố trí công tác sau khi tốt nghiệp tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; cấp kinh phí đào tạo cho 119 sinh viên hệ chính quy các trường đại học y, dược; đến nay hầu hết sinh viên tốt nghiệp đã được tỉnh bố trí công tác.

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc đã cử khoảng 400 người đi đào tạo sau đại học, trong đó có 19 nghiên cứu sinh. Hiện 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức viên chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định; cán bộ công chức viên chức có bằng sau đại học là 1.532 người, vượt trên 200% mục tiêu so với Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành năm 2008, về phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức; trong đó có bồi dưỡng tiếng Anh giao tiếp cơ sở và nâng cao, bồi dưỡng tiếng Anh phiên dịch cho 65 người. Tỉnh cũng tiếp tục đào tạo nguồn viên chức ngành y tế; bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, dịch vụ cho các cán bộ quản lý, hướng dẫn viên ngành du lịch...

Đi đôi với nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức, Vĩnh Phúc còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước. Tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng trụ sở UBND cấp xã; bố trí bộ phận một cửa tại tất cả trụ sở của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã để tiếp nhận, giải quyết công việc của các tổ chức, công dân; phấn đấu hoàn thành bộ phận một cửa hiện đại tại trụ sở UBND các huyện và các sở tiếp nhận nhiều thủ tục hành chính.

Tỉnh hoàn thiện các dự án trọng điểm, phần mềm tác nghiệp và quản lý văn bản tại các cơ quan, đơn vị; tăng cường sử dụng hộp thư điện tử, luân chuyển văn bản điện tử, quản lý hồ sơ, công việc qua mạng. Đến nay, 100% các ban Đảng, Đảng ủy trực thuộc, tất cả huyện, thành, thị ủy đã có hệ thống mạng nội bộ kết nối mạng diện rộng thông qua đường truyền tốc độ cao; tỷ lệ cán bộ chuyên môn cơ quan Đảng cấp tỉnh được trang bị máy tính đạt gần 100% ; 91% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, sử dụng mạng máy tính để truy cập Internet tìm kiếm, khai thác thông tin phục vụ tác nghiệp...

Hiện nay, hầu hết các cơ quan đơn vị cấp tỉnh đã sử dụng tốt hộp thư công vụ; tra cứu các chỉ tiêu, các thông tin về kinh tế - xã hội trên niên giám thống kê điện tử, trên công báo điện tử. Tất cả các chương trình làm việc của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh và các giấy mời họp, lịch công tác lãnh đạo cũng được công khai trên Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử của tỉnh Vĩnh Phúc và mạng nội bộ của các sở, ban, ngành khác trong tỉnh.

Hiệu quả từ Dự án Tăng cường tác động của cải cách hành chính ở Cần Thơ

Ngày 25-10, tại thành phố Cần Thơ, UBND thành phố cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức hội nghị tổng kết Dự án “Tăng cường tác động của cải cách hành chính tại thành phố Cần Thơ”.

Dự án “Tăng cường tác động của cải cách hành chính tại thành phố Cần Thơ” do UNDP tài trợ, được triển khai thực hiện từ tháng 01-2013 đến tháng 9-2016. Dự án gồm hai hợp phần, trong đó hợp phần 1 là “Chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Cần Thơ được cải thiện một cách căn bản” và hợp phần 2 là “Chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và tổ chức ở thành phố Cần Thơ qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông được cải thiện căn bản”. Qua gần 4 năm thực hiện, Dự án đã cho ra đời sản phẩm Hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức trực tuyến và được triển khai tại 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thành phố.

Sau khi thực hiện Dự án, bên cạnh việc thực hiện lưu giữ hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, hình thức lưu trữ hồ sơ trực tuyến trên môi trường mạng đã được triển khai, tạo nhiều thuận lợi cho việc quản lý, sử dụng thông tin về cán bộ, công chức, viên chức. Hệ thống phần mềm yêu cầu dữ liệu thông tin đầu vào rất chi tiết và đầy đủ đối với các thông tin về nhân thân cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, có thể hạn chế việc thất lạc hay mất thông tin cá nhân trong quá trình lưu trữ…

Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Ban Quản lý Dự án cho biết, các kết quả đầu ra và kết quả đạt được của Dự án đã có tác động lớn, tạo ra các chuyển biến tích cực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ. Cũng theo ông Phạm Việt Trung, cải cách đội ngũ công chức sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực về môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Công chức, nhất là công chức ở cấp gần dân nhất đóng vai trò quyết định trong việc đáp ứng các dịch vụ hành chính công cho người dân và tổ chức thông qua cơ chế cung cấp dịch vụ một cửa, một cửa liên thông. Dự án đã tạo sự chuyển biến mang tính bứt phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức ở địa phương thông qua các bước của quá trình từ sử dụng, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức… theo vị trí việc làm.

Qua quá trình triển khai dự án, chỉ số Cải cách hành chính (PARI) của Cần Thơ luôn nằm trong nhóm tốt nhất cả nước và được cải thiện qua từng năm. Năm 2012, Chỉ số PARI của Cần Thơ là 12/63, năm 2013 vươn lên xếp thứ 8/63, năm 2014 bứt phá đạt hạng 5/63 và tiếp tục giữ ổn định ở hạng 5/63 tỉnh, thành phố vào năm 2015.

Bên cạnh đó, chỉ số Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Cần Thơ cũng được cải thiện đáng kể. Nếu năm 2014, Cần Thơ chỉ đứng 55/63 tỉnh, thành thì năm 2015, chỉ số này đã được cải thiện vượt bậc và vươn lên xếp hạng 2/63 cả nước. Tương tự, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố cũng luôn đứng trong nhóm 20 tỉnh, thành tốt nhất qua từng năm. Cụ thể, năm 2012 đứng hạng 14 với 60,32 điểm, năm 2013 đứng hạng 9 với 61,46 điểm, năm 2014 đứng hạng thứ 15 với 59,94 điểm và năm 2015 đứng hạng 14 với 59,81 điểm.

Thời gian tới, Cần Thơ cần tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả mà Dự án mang lại, thường xuyên cập nhật thông tin, cải tiến các phần mềm để phục vụ tốt hơn nữa cho công việc, đồng thời đưa thông tin lên website để các tỉnh, thành khác có thể học tập kinh nghiệm, áp dụng để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính./.