Ngăn chặn, đẩy lùi “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ
TCCS - “Lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ cũng là một dạng tham nhũng. Những hành vi “chạy chức”, “chạy quyền”,... đang gây bất bình trong xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
1- “Lợi ích nhóm” thường khó phát hiện, ít bị tố cáo vì những người liên quan đều có lợi ích, dễ liên kết, bao che nhau để mưu cầu lợi ích cá nhân bất chính, ngoan cố bám lấy lợi ích đó đến cùng. Trong công tác cán bộ, biểu hiện của lợi ích nhóm cũng rất đa dạng, phức tạp, có ở tất cả các khâu, các bước trong quy trình của công tác cán bộ. Vì thế, những khuyết điểm, yếu kém kéo dài trong công tác cán bộ chậm được khắc phục, đặc biệt là tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục”(1) có nguyên nhân từ “lợi ích nhóm”. Tình trạng này gây nhức nhối trong Đảng và toàn xã hội, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...”(2).
Để đạt được “lợi ích nhóm”, người có chức quyền đã lợi dụng sơ hở của các quy định; tạo các mối quan hệ để móc nối kiếm lợi bất chính cho cá nhân, bất chấp nhân phẩm, đạo đức. Vì thế, cần tập trung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và có những giải pháp đấu tranh ngăn chặn tình trạng này vì sự trong sạch, vững mạnh của bộ máy nhà nước và thanh danh, uy tín của Đảng cầm quyền. Nếu không có giải pháp đột phá thì việc đấu tranh chống các hành vi “chạy chức”, “chạy quyền”; “lợi ích nhóm” và tham nhũng, tiêu cực vẫn chỉ dừng lại ở việc hô hào, hình thức và niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng sẽ càng suy giảm.
Nguyên nhân của “lợi ích nhóm” là do lòng tham, vụ lợi, suy thoái về đạo đức của người có chức quyền và những người “chạy chức”, “chạy quyền”; do những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ ít được đề cập (phải chăng vì nó luôn được coi là khâu “tế nhị, nhạy cảm”?); do cấp ủy chưa chăm lo đến công tác giáo dục tư tưởng chính trị, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của đảng viên, tổ chức đảng chưa cao...; và đặc biệt là do các nguyên tắc, quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ còn có nhiều “kẽ hở” dễ bị lợi dụng.
Một số quy định của Đảng, Nhà nước ban hành nhưng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, nên bị một số cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức, cán bộ lợi dụng để “lách luật”. Ví dụ, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất, kéo dài, chậm được khắc phục là do động cơ cá nhân của người đánh giá “yêu nên tốt, ghét nên xấu” và do thiếu những chuẩn mực pháp lý về đánh giá đối với từng chức danh cán bộ. Hay trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu không rõ ràng nên khi quyết định sai lầm về công tác cán bộ (do “lợi ích nhóm”) thì khó quy trách nhiệm thuộc về ai.
Về nguyên tắc, quyết định về cán bộ thuộc về tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, nhưng trong nhiều trường hợp quyết định này thực chất là của một người hoặc một nhóm người. Tập thể có thẩm quyền do không nắm được thông tin về từng cán bộ (ban thường vụ cấp ủy cấp huyện hoặc cấp tỉnh được phân cấp quản lý quá nhiều cán bộ, khoảng 350 - 400 người) hoặc do không dám bầy tỏ chính kiến trái chiều vì “dĩ hòa, vi quý” hoặc vì sợ bất lợi cho con đường tiến thân của mình nên thường biểu quyết theo người đề xuất (trưởng ban tổ chức và thường trực cấp ủy). Đây là nguyên nhân sâu xa của nạn chạy chức, chạy quyền hiện nay thường được hợp pháp hóa bằng cụm từ “đúng quy trình”, “đúng nguyên tắc”. Đảng ta đã thẳng thắn thừa nhận: “Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”(3).
Không ít các ủy viên ủy ban kiểm tra các cấp thường đứng ngoài cuộc trong kiểm tra ban thường vụ cấp ủy về công tác cán bộ vì lý do “tế nhị” khi phải kiểm tra người lãnh đạo, quản lý đang có quyền chi phối, quyết định đến sinh mệnh chính trị của mình. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong nhiều trường hợp cũng không đủ thông tin và bản lĩnh để phản biện những quyết sách về công tác cán bộ của cấp ủy, thậm chí kể cả việc thực hiện thẩm quyền của mình chủ trì hiệp thương giới thiệu nhân sự cho bầu cử các cơ quan nhà nước. Do vậy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban kiểm tra hay của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tuy đã được Điều lệ Đảng hay pháp luật của Nhà nước quy định nhưng cũng khó được thực hiện triệt để.
Các cơ quan báo chí trong không ít trường hợp không được thông tin đầy đủ, kịp thời từ các cơ quan có trách nhiệm hay người đứng đầu tổ chức có thẩm quyền mà thường chỉ nhận được những thông tin chung chung, như đã làm “đúng quy trình”, “đúng nguyên tắc”, hay “tại thời điểm khen thưởng, đề bạt thì vẫn chưa phát hiện được khuyết điểm của họ” hoặc “nếu phát hiện được sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật”,...
2- Để ngăn chặn, đẩy lùi “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ, thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức và ý thức cho toàn Đảng, toàn dân, trước hết là các tổ chức đảng, người đứng đầu, quyết tâm phòng, chống tham nhũng nói chung và phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ hiện nay nói riêng, làm tròn trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, quy định, quyết định cũng như tổ chức thực hiện đúng công tác tổ chức, cán bộ. Nâng cao nhận thức, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện đúng chức năng tham mưu xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ. Đồng thời, thường xuyên quán triệt và thực hiện tốt Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Chỉ thị số 33- CT/TW, ngày 3-1-2014, của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, thực hiện nghiêm Quy định số 47, ngày 01-11-2011, của Ban Chấp hành Trung ương, Về những điều đảng viên không được làm.
Hai là, hoàn thiện chủ trương, quan điểm, nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình mang tính luật trong công tác cán bộ. Quy định số 45-QĐ/TW, ngày 01-11-2011, của Ban Chấp hành Trung ương, Về thi hành Điều lệ Đảng, đã xác định: “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ”(4). Theo đó, tập thể cấp ủy và tổ chức đảng có thẩm quyền thảo luận dân chủ và quyết định theo đa số những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách, đánh giá, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể về cán bộ và công tác cán bộ trong lĩnh vực được phân công phụ trách. Trong khi chưa luật hóa hoạt động của các tổ chức đảng thì khâu mấu chốt là nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, quan điểm, nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ một cách đầy đủ, đồng bộ, chặt chẽ, để những kẻ muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được.
Các tổ chức đảng rà soát để bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc, xác định rõ và phân công cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước và mối quan hệ giữa các chủ thể trong công tác cán bộ. Phát huy dân chủ, chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, khắc phục tình trạng độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng, quyền lực tập trung vào một số ít người, hoặc lợi dụng cơ chế tập thể để hợp pháp hóa chủ trương, quyết định biểu hiện “lợi ích nhóm” của một số ít người, thậm chí của một người.
Vấn đề đặt ra cần tiếp tục được nghiên cứu là có nên xác định rõ chủ thể ban hành, chủ thể thực hiện và chủ thể kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm ?
“Lợi ích nhóm” có thể xuất hiện ngay từ việc hoạch định và ban hành quyết sách - tham nhũng chính trị. Không có chủ thể ban hành quyết sách nào muốn quyết sách đó gây khó cho mình, tự “trói chân, buộc tay mình”. Vì vậy, không nên có một chủ thể với nhiều “đặc quyền”: vừa ban hành luật chơi, vừa chơi, vừa thổi còi phạt chính mình. Nên chăng, nghiên cứu sâu hơn và có thể thực hiện thí điểm việc phân công trách nhiệm trong Đảng: Đại hội đảng, cấp ủy các cấp ban hành quy định; ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy thực hiện quy định đó; ủy ban kiểm tra đảng kiểm tra việc thực hiện; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phản biện quyết sách, giám sát việc thực thi và cung cấp thông tin cho ủy ban kiểm tra đảng.
Trước mắt, cần quy chế hóa (pháp chế hóa) tất cả các khâu của công tác cán bộ. Tiếp tục hoàn thiện những quy chế đã có về quy hoạch, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, chính sách đãi ngộ cán bộ, quy chế quy định về kê khai tài sản của cán bộ... Những quy chế đó đòi hỏi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải thực hiện nghiêm túc, trước sự giám sát của tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân. Ví dụ, khi tài sản của cán bộ (diện phải kê khai) cả trước, trong và sau khi giữ chức vụ, nếu được công khai ở nơi công tác, nơi cư trú, thậm chí trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức được phân cấp quản lý cán bộ thì chính quần chúng, đảng viên sẽ là những người giám sát tốt nhất, cung cấp thông tin cho Đảng nếu cán bộ kê khai thiếu trung thực. Cơ quan ủy ban kiểm tra có nhiệm vụ xác minh, chất vấn, kết luận nếu có dấu hiệu bất thường về tài sản trong việc đảng viên kê khai tài sản, thu nhập.
Quy chế về công tác cán bộ phải xác định rõ hơn trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu và những thành viên tham gia hay quyết định về cán bộ. Xét về mặt dân chủ, tức là cần có sự tham gia của nhiều chủ thể nhưng quyền quyết định thuộc về tập thể cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn. Nếu giao quyền quyết định thuộc về thủ trưởng cơ quan thì chỉ riêng thủ trưởng chịu trách nhiệm, không đổ lỗi cho tập thể cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng (cho dù cấp ủy cho ý kiến để tham khảo). Có làm như vậy, mới khắc phục được tệ quan liêu, vô trách nhiệm, đổ lỗi khi sai phạm.
Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” về thí điểm bí thư cấp ủy lựa chọn, giới thiệu để bầu cử ủy viên thường vụ cấp ủy; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo quản lý; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hay thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch trong cơ chế tuyển chọn người có đủ đức và tài.
Quy trình hóa trong công tác cán bộ là việc xây dựng, ban hành và thực thi các quy định về các bước tiến hành các công việc liên quan đến từng khâu của công tác cán bộ. Xây dựng quy trình trong từng khâu của công tác cán bộ chính là thực hiện khoa học hóa trong công tác cán bộ, là hình thức thể hiện của tính dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác cán bộ. Quy trình hóa trong công tác cán bộ cho phép mỗi tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với từng bước trong từng khâu của công tác cán bộ. Quy trình hóa trong công tác cán bộ cũng giúp cho đảng viên và nhân dân có điều kiện giám sát việc thực hiện.
Ba là, kiểm soát, giám sát chặt chẽ quá trình thực thi, không để người có quyền hạn lợi dụng, “lách luật” trục lợi. Các chế định trong quy định cần rõ ràng, thống nhất và không có ngoại lệ. Tránh những cụm từ “nói chung” hoặc “trừ những trường hợp đặc biệt” trong bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Đó cũng có thể là kẽ hở để vận dụng tùy tiện, như “vận dụng” cho trường hợp này nhưng không vận dụng cho trường hợp khác hay cho “nợ” với người này mà không cho “nợ” với người kia - đây chính là mảnh đất tốt để “nhóm lợi ích” khai thác.
Cũng đã xuất hiện tình trạng áp đặt khi vận dụng Hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, “... Khi cần thiết, cấp ủy cấp trên có quyền điều động đảng viên từ đảng bộ khác chỉ định tham gia cấp ủy và giữ các chức vụ ủy viên thường vụ, phó bí thư, bí thư cấp ủy, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra”. Đây có thể là kẽ hở để một số cấp ủy dễ dàng sắp xếp người thân hoặc người cùng phe cánh vào vị trí chủ chốt cấp ủy cấp dưới, mặc cho nếu tiến hành bầu cử thì những người này chắc chắn không đủ tín nhiệm để trúng cử.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp trên cần chú trọng, tăng cường, đổi mới phương thức, biện pháp, nội dung kiểm tra, giám sát, kiểm soát tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các quy định về công tác cán bộ. Đặc biệt là phải hết sức coi trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, kể cả cán bộ tham mưu cấp chiến lược về công tác tổ chức, cán bộ.
Tăng thẩm quyền cho ủy ban kiểm tra để họ có đủ quyền trong kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật đối với cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, phòng, chống “lợi ích nhóm”. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm soát, phát hiện, xử lý, loại bỏ kịp thời những đảng viên tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống, vô trách nhiệm, mất uy tín và trở thành lực cản của sự phát triển. Những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, bị tố cáo có vi phạm về “lợi ích nhóm” trong công tác tổ chức, cán bộ phải kịp thời chỉ đạo tổ chức kiểm tra, xem xét, kết luận, xử lý, nghiêm minh. Người có chức, có quyền trong công tác cán bộ sẽ không dám tham nhũng nếu “Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương”(5).
Bốn là, phát huy vai trò giám sát của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng nhằm ngăn chặn sự hình thành “lợi ích nhóm”, để không còn những “ngoại lệ” trong công tác cán bộ. Sử dụng những công cụ, biện pháp giám sát của cộng đồng, của nhân dân và xã hội để phát hiện những dấu hiệu bất thường, bất minh nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ.
Dân chủ hóa gắn với công khai hóa công tác cán bộ tạo điều kiện cho mọi người dân có thể thực hiện chức năng giám sát vì thực tế quyền lực không được giám sát sẽ gây ra nhiều tiêu cực. Công khai hóa trong công tác cán bộ là việc thông tin rộng rãi các quy định về công tác cán bộ, từ nhu cầu tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đến khen thưởng, kỷ luật cán bộ để mọi người dễ biết, dễ kiểm tra, giám sát. Quy chế dân chủ trong công tác cán bộ cũng cần tạo ra sự cạnh tranh trong cán bộ, chọn đúng người có đức, có tài, tránh tình trạng chạy chức, chạy quyền, đề bạt người thân quen, cánh hẩu,... dẫn đến sử dụng cán bộ không đủ tiêu chuẩn, uy tín thấp, làm việc kém hiệu quả, dân mất niềm tin.
Quán triệt quan điểm sử dụng cán bộ có đủ cả đức, tài, không phân biệt thành phần xuất thân, đảng viên hay người ngoài Đảng, quá trình công tác dài hay ngắn, cấp ủy hay không cấp ủy,... miễn họ là người được quần chúng tôn vinh thừa nhận, được đồng nghiệp đồng tình ủng hộ, mạnh dạn sử dụng cán bộ theo đúng sở trường và kinh nghiệm của họ.
Thực hiện tốt những giải pháp nêu trên không chỉ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ mà còn góp phần đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ mà Đảng đã đề ra trong thời gian tới./.
--------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011 tr. 174
(2) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương khóa XI
(3) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 22 - 23
(4) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 64
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 262
Việt Nam đề cao sự ủng hộ tuyệt đối với tân Tổng Thư ký Liên hợp quốc  (20/10/2016)
BRICS đoàn kết vượt qua thách thức  (20/10/2016)
Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2017 là 269.084 người  (20/10/2016)
Trao quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái  (20/10/2016)
"Không tăng giá dịch vụ y tế cho người không có bảo hiểm y tế"  (20/10/2016)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên