Sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam

Lê Văn Cử ThS, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
21:41, ngày 11-06-2015

TCCSĐT - Ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển khá sớm. Với tầm nhìn chiến lược, 13 ngày sau khi tuyên bố nền độc lập dân tộc, ngày 15-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng (đơn vị tiền thân của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng ngày nay), với hai nhiệm vụ chính là: thu thập, mua sắm và tổ chức nghiên cứu, sản xuất vũ khí chuẩn bị cho đất nước bảo vệ chính quyền cách mạng và bước vào kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Ngành quân giới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước những thách thức lớn lao của dân tộc

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các cán bộ, chiến sĩ, công nhân ngành quân giới đã chắt chiu từng đồng bạc, từng cân thép vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy của chiến tranh, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí từ thô sơ đến những loại vũ khí có trình độ kỹ thuật cao như ba-zô-ca, AT, SKZ, SS... Chính sự lao động cần cù, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ ngành quân giới đã bảo đảm một phần quan trọng vũ khí, đạn dược cho các lực lượng vũ trang đánh địch, góp phần cùng cả nước giành những thắng lợi quan trọng, như Chiến dịch Việt Bắc (thu đông năm 1947), Chiến dịch Biên Giới (năm 1950), chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhất là từ khi Đảng Lao động Việt Nam chủ trương đấu tranh vũ trang ở miền Nam, nhiều xí nghiệp quốc phòng chuyên sản xuất và sửa chữa súng, đạn của bộ binh, khí tài, súng pháo lần lượt được thành lập ở nhiều địa phương trên cả nước. Quán triệt quan điểm của Đảng về việc phát huy mọi nguồn lực trong sản xuất quốc phòng bảo đảm nhu cầu cuộc chiến ngày càng ác liệt, phối hợp với các viện nghiên cứu, học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội, đặc biệt là tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa về trang bị kỹ thuật, ngành quân giới đã cải tiến thành công nhiều loại vũ khí, đặc biệt là vũ khí phòng không, phương tiện rà phá thủy lôi, bom từ trường,... Từ những vũ khí mà ngành quân giới cải tiến, sửa chữa và sản xuất được, quân dân miền Bắc đã đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn của đế quốc Mỹ.

Hướng về miền Nam, các cơ sở kỹ thuật, các nhà máy, xí nghiệp quốc phòng đã nghiên cứu, chế tạo và cải tiến nhiều loại vũ khí, khí tài, đặc biệt là các loại vũ khí bộ binh, một số vũ khí cho pháo binh, đặc công..., đáp ứng kịp thời các nhu cầu của chiến trường. Trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, nguồn viện trợ quân sự của nước ngoài ngày càng giảm, nhất là các loại vũ khí lớn, đã đặt ra cho ngành quân giới những thử thách lớn lao. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, các xí nghiệp quốc phòng đã đẩy mạnh cải tiến dây chuyền sản xuất, tiếp thu và vận dụng kinh nghiệm từ chuyên gia nước ngoài, nhanh chóng sản xuất được một số lượng lớn vũ khí phục vụ cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đến đầu năm 1975, nhiều loại vũ khí đã được xuất xưởng.

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Miền, Phòng Quân giới tổ chức đợt sản xuất đột xuất từ ngày 05 đến 25-4-1975 với chỉ tiêu hoàn thành 3.600 quả MDH 10 và 6.600 quả phá rào. Tham gia đợt này có các xưởng Z1, Z24, Z29 và BX 12 và là đợt sản xuất cao điểm nhất đối với quân giới B2 từ trước đến nay. Sau 20 ngày sản xuất liên tục, sản phẩm cuối cùng của kế hoạch đột xuất đã được xuất xưởng gửi ra mặt trận. Đây là những sản phẩm vũ khí cuối cùng của quân giới B2 và ngành công nghiệp quốc phòng đóng góp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Vị trí, vai trò của ngành công nghiệp quốc phòng ngày càng được khẳng định

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, do phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, các cơ sở công nghiệp nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng hầu như bị tàn phá. Trước khó khăn, thử thách đó, bản lĩnh của Đảng được khẳng định hơn bao giờ hết. Với nhận thức công nghiệp quốc phòng là một bộ phận quan trọng của nền công nghiệp quốc gia, Đảng ta đã nhanh chóng đề ra nhiều Chỉ thị, Nghị quyết nhằm khôi phục và phát triển các cơ sở công nghiệp quốc phòng. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), Tổng Bí thư Trường Chinh đề cập đến tầm quan trọng của sản xuất quốc phòng, đồng chí chỉ rõ: “... phải bảo đảm vật tư, tài chính cho sản xuất quốc phòng”. Nhấn mạnh quan điểm này, Hội nghị Trung ương 6, khóa VI, trong phần Những quan điểm và phương hướng lớn chỉ đạo công cuộc đổi mới trong ba năm tới, Đảng ta một lần nữa khẳng định: “... Tăng cường trang bị cho các lực lượng vũ trang. Từng bước xây dựng công nghiệp quốc phòng. Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu lý luận và khoa học, kỹ thuật quân sự...”. Đây là những quyết nghị có tính chất chiến lược đối với việc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng. Từ quan điểm chỉ đạo đó, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã khôi phục phát triển nhanh chóng, dần hòa nhập vào nền công nghiệp chung và nền kinh tế đất nước.

Bước vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên, sự hỗ trợ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế đối với kinh tế Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp quốc phòng nói riêng cũng giảm mạnh. Trước tình hình đó, Đảng ủy Quân sự Trung ương ban hành Nghị quyết số 26/ĐUQSTW, ngày 03-02-1990, nhằm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và làm kinh tế. Trên cơ sở kiểm điểm, đánh giá thành tích của các xí nghiệp quốc phòng và các đơn vị làm kinh tế đã đạt được trong điều kiện chuyển đổi cơ chế quản lý, Đảng ủy Quân sự Trung ương đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 1990 của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế là: “Củng cố hệ thống các xí nghiệp quốc phòng, nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng, đồng thời tăng cường sản xuất các mặt hàng kinh tế với năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng khá hơn. Củng cố các tổ chức làm kinh tế, từng bước ổn định nhiệm vụ và mặt hàng, phấn đấu đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn, góp phần xây dựng, mở rộng các vùng kinh tế mới, xây dựng các công trình trọng điểm của Nhà nước...”. Tiếp đó, ngày 10-01-1991, Đảng ủy Quân sự Trung ương đề ra phương hướng phát triển công nghiệp quốc phòng và quân đội làm kinh tế 5 năm (1991 - 1995), xác định nhiệm vụ xây dựng công nghiệp quốc phòng và quân đội làm kinh tế trong giai đoạn này là: “Trên cơ sở bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, tích cực huy động quân đội tham gia xây dựng kinh tế với hiệu quả ngày càng cao, thực hiện đóng góp cho quốc phòng và cho nền kinh tế của đất nước. Củng cố và từng bước phát triển hệ thống công nghiệp quốc phòng phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng”.

Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, cùng với nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, các nhà máy công nghiệp quốc phòng đã khai thác công nghệ lưỡng dụng, phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, khả năng tay nghề của đội ngũ công nhân, thế mạnh sản phẩm truyền thống, tham gia tích cực các chương trình phát triển kinh tế đất nước. Công nghiệp quốc phòng sản xuất được nhiều sản phẩm kinh tế có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, thay thế được hàng nhập ngoại, đưa các sản phẩm kinh tế của công nghiệp quốc phòng vươn lên chiếm một thị phần đáng kể ở trong nước, như các loại vật liệu nổ công nghiệp, quạt điện, sản phẩm phụ tùng cơ khí, phụ tùng cao-su kỹ thuật phục vụ các ngành xây dựng, điện lực, dầu khí... Công nghiệp quốc phòng không những đã sản xuất được nhiều mặt hàng kinh tế cho xã hội, tạo thêm việc làm bảo đảm đời sống cho người lao động mà còn góp phần giữ được đội ngũ công nhân lành nghề cho sản xuất quốc phòng. Các nhà máy công nghiệp quốc phòng có điều kiện tái đầu tư để duy trì và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng và kinh tế.

Theo thời gian, vị trí và vai trò của công nghiệp quốc phòng ngày càng được khẳng định. Ngành công nghiệp quốc phòng không những đáp ứng tốt yêu cầu đối với quân đội trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Trên cơ sở những thành tích đã đạt được, việc xây dựng, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng tiếp tục được Đại hội IX của Đảng (năm 2001) nhấn mạnh: “Đầu tư thích đáng cho công nghiệp quốc phòng, trang bị kỹ thuật hiện đại cho quân đội, công an. Tận dụng năng lực công nghiệp dân sinh phục vụ quốc phòng và an ninh”... Tiếp đó, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 16-6-2003, về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2010, xác định: “Công nghiệp quốc phòng phải đáp ứng yêu cầu của chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân; bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật có chất lượng cao và ngày càng hiện đại cho các lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng thành bộ phận cấu thành quan trọng của tiềm lực quốc phòng - an ninh quốc gia trước mắt và lâu dài... đồng thời tạo thành một bộ phận quan trọng trong nền công nghiệp quốc gia phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ngày 26-01-2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố Pháp lệnh về công nghiệp quốc phòng, theo đó quy định nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; nhiệm vụ, tổ chức hoạt động, quy hoạch, kế hoạch, nguồn lực, chính sách đối với công nghiệp quốc phòng; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ về công nghiệp quốc phòng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho công nghiệp quốc phòng Việt Nam hội nhập nhanh hơn vào nền kinh tế quốc gia và quốc tế.

Vị trí, vai trò của công nghiệp quốc phòng tiếp tục được Đại hội XI của Đảng (tháng 01-2011) khẳng định: “Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang được trang bị kỹ thuật từng bước hiện đại”. Bám sát những quan điểm chỉ đạo trên, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp quốc phòng nước ta có bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng tốt cho nhu cầu quốc phòng và cho nền kinh tế. Chẳng hạn, các nhà máy quốc phòng đã đầu tư công nghệ hiện đại, mở rộng sản xuất quốc phòng và kinh tế. Nhiều sản phẩm có chất lượng cao, như vật liệu nổ công nghiệp, cao-su kỹ thuật cao, các sản phẩm cơ khí, cơ khí chính xác, đóng tàu vận tải, du lịch, sản xuất cột điện cao thế, dây cáp thông tin, pháo hoa lễ hội... phục vụ rất tốt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần hiện thực hóa chủ trương Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam mà Bộ Chính trị đề ra. Ngoài những mặt hàng tiêu dùng trong nội địa, ngành công nghiệp quốc phòng sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu, có những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lên đến hàng triệu đô-la Mỹ/năm, như bếp du lịch, túi siêu thị, pháo hoa lễ hội do các nhà máy Z17, Z76, Z21 sản xuất. Đó là những kết quả đáng ghi nhận của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Một số kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam

Từ thực tiễn sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển công nghiệp quốc phòng, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành trực tiếp của Chính phủ đối với phát triển công nghiệp quốc phòng

Thực tế lịch sử phát triển ngành công nghiệp quốc phòng cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành trực tiếp của Chính phủ là một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng tiếp tục được chú trọng. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự đầu tư cho phát triển công nghiệp quốc phòng cũng phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng và sự quản lý, điều hành của Chính phủ. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch, bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Thứ hai, phát triển công nghiệp quốc phòng phải đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc

Nhờ sớm xây dựng, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, chúng ta đã xây dựng được nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, góp phần đánh bại sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng thời đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Trong giai đoạn cách mạng mới, yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã, đang và sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết. Do đó, việc phát triển công nghiệp quốc phòng trước tiên phải đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Bởi xét cho cùng, chỉ có nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân được củng cố vững chắc thì mới chiến thắng được mọi kẻ thù xâm lược.

Thứ ba, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh trong phát triển công nghiệp quốc phòng

Trong suốt 70 năm qua, nhờ kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh trong phát triển công nghiệp quốc phòng, chúng ta từng bước xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng tương đối vững chắc, đáp ứng cơ bản sự nghiệp xây dựng đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn cách mạng mới, bài học này vẫn là nội dung mang tính nguyên tắc và là yêu cầu bắt buộc đối với xây dựng, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

Thứ tư, kết hợp tự lực, tự cường với mở rộng hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp quốc phòng

Trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ con người Việt Nam, chúng ta đã sản xuất được nhiều sản phẩm công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến. Đồng thời, nhờ tranh thủ tốt sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế, chúng ta có thêm nhiều nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng. Trong tình hình mới, để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng ngày càng hiện đại, bên cạnh phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, việc mở rộng hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp quốc phòng mang nhiều ý nghĩa. Nói cách khác, việc kết hợp tự lực tự cường với mở rộng hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp quốc phòng không chỉ là bài học được đúc kết từ lịch sử mà còn là vấn đề nguyên lý, cần được vận dụng sáng tạo trong điều kiện cách mạng mới, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc Việt Nam để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã phát triển nhanh chóng từ không thành có, từ nhỏ thành lớn, dần khẳng định vị trí, vai trò của mình đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay./.