V.I. Lê-nin với những biến đổi cách mạng trong thế kỷ XX
TCCSĐT - Cho đến nay, đã gần 100 năm, nhưng những giá trị của Cách mạng Tháng Mười cũng như di sản lý luận của V.I. Lê-nin vẫn còn tiếp tục được thực hiện trên con đường tiến hóa và phát triển của nhân loại, và vẫn đang soi sáng con đường cách mạng nước ta.
Chưa có khi nào trong lịch sử loài người lại diễn ra các cuộc đấu tranh giai cấp, chiến tranh, cách mạng sôi động, quyết liệt như trong thế kỷ XX. Bởi vì, chủ nghĩa tư bản ra đời và phát triển đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cùng với những thành tựu của nó, cũng bộc lộ rõ sự dã man, vô nhân đạo: sự chiếm hữu tư nhân tư bản dẫn đến sự tha hóa, bần cùng của các tầng lớp nhân dân lao động; thị trường tự do tư bản gây ra những cuộc khủng hoảng chu kỳ, hủy hoại của cải xã hội, gây nên bao tai họa cho con người; giai cấp thống trị các nước tư bản đế quốc đem quân đi xâm lược các nước lạc hậu, biến các nước này thành thuộc địa của chúng; chủ nghĩa tư bản đế quốc gây ra nhiều cuộc chiến tranh, dẫn đến hủy hoại của cải vật chất, các nền văn hóa và biết bao sinh mạng con người. Khắc phục những dã man ấy bằng cách mạng là giải pháp của thế kỷ XX mà V.I. Lê-nin là lãnh tụ xuất sắc nhất của phong trào quần chúng cách mạng.
V.I. Lê-nin đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 - cuộc cách mạng công nông đầu tiên trên thế giới, là cuộc cách mạng triệt để nhất so với các cuộc cách mạng tư sản trước đó. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong tác phẩm “Đường cách mệnh”: "Mỹ tuy rằng cách mệnh đã thành công 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai. Ấy là vì cách mệnh Mỹ là cách mệnh tư bản, mà cách mệnh tư bản là cách mệnh chưa đến nơi"(1). "Tư bản nó dùng chữ Tự do, Bình đẳng, Đồng bào để lừa dân, xúi dân đánh đổ phong kiến. Khi dân đánh đổ phong kiến rồi, thì nó lại thay phong kiến mà áp bức dân. Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục (tước đoạt) công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy"(2). "Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để lật đổ tất cả các đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới"(3).
Cách mạng công nông thắng lợi đầu tiên ở nước Nga, sau đó thắng lợi ở một loạt nước dưới hình thức dân chủ nhân dân hoặc dân tộc dân chủ nhân dân, và các nước này thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô-viết, dẫn đến hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội mô hình Xô-viết thế kỷ XX đã có sự đóng góp to lớn cho sự tiến hóa, phát triển của nhân loại, có những giá trị vẻ vang của cả một chặng đường lịch sử, đặc biệt là trong những thập niên đầu, nhân dân mà cơ bản là nhân dân lao động, được hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật sự - niềm mơ ước của nhân dân lao động bị áp bức trên toàn thế giới. Những giá trị của Cách mạng Tháng Mười do V.I. Lê-nin lãnh đạo đã được thể hiện trong đời sống hiện thực.
Khi hệ thống xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng và sụp đổ một mảng lớn, dường như những giá trị của Cách mạng Tháng Mười bị lãng quên, bị phản bội. Có lẽ không hoàn toàn như vậy. Nhân loại đang tìm mô hình mới, phương thức mới để thực hiện con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện thế kỷ XXI, tiếp tục sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động, bảo đảm hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật sự cho mọi người, và những giá trị ấy có thể bị phản bội bởi lực lượng cầm quyền tha hóa, thậm chí bị phản bội bởi cả một thế hệ, thì lực lượng khác, thế hệ sau lại tiếp tục thực hiện.
Ngoài việc lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lê-nin còn để lại di sản lý luận quý giá về khoa học và nghệ thuật chính trị, khoa học và nghệ thuật giành, giữ, thực thi quyền lực chính trị mà cho đến nay, có lẽ vẫn chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả.
Một trong những cống hiến lớn của V.I. Lê-nin là tư tưởng của Người trong “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Luận cương đã tập hợp, động viên, cổ vũ, soi đường cho những người yêu nước cách mạng đang tìm đường giải phóng dân tộc. Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui mừng, phấn khởi và tin tưởng khi được đọc “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lê-nin. Sau này, Người đã viết: "Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta""(4).
Dưới ánh sáng tư tưởng của V.I. Lê-nin, nhất là tư tưởng về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm Cách mạng Tháng Tám thành công, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu”, mở đầu sự tan rã hệ thống thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc. Tư tưởng của V.I. Lê-nin và tác động của Cách mạng Tháng Mười là khởi nguồn cho sự tan rã ấy.
Song, chủ nghĩa thực dân lại thay hình, đổi dạng, chuyển sang hình thức mới. Chủ nghĩa thực dân kiểu mới thực hiện sự áp bức, bóc lột dưới hình thức tinh vi hơn, bề ngoài có vẻ nhân đạo hơn, nhưng cũng không kém phần dã man, tàn bạo. Làm thế nào để thoát khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân kiểu mới đang là vấn đề đặt ra đối với các nước kém phát triển và đang phát triển. “Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lê-nin có lẽ cần được tiếp tục thực hiện cho đến khi tất cả các dân tộc trên thế giới được hoàn toàn tự do, bình đẳng.
Giải phóng nhân dân lao động, giải phóng các dân tộc bị áp bức, đưa lại hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật sự cho mọi người là những giá trị của Cách mạng Tháng Mười và cũng là sự đóng góp to lớn của V.I. Lê-nin đối với sự tiến hóa và phát triển của nhân loại trong thế kỷ XX, cần được tiếp tục thực hiện trong thế kỷ XXI và cả trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Đó cũng chính là thực hiện triệt để mục tiêu của cách mạng vô sản, lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Dĩ nhiên, trong điều kiện mới, cần thực hiện mục tiêu ấy bằng phương thức mới. Không biết thay đổi phương thức thực hiện mục tiêu cách mạng khi điều kiện đã thay đổi là sai lầm, là bảo thủ, giáo điều. Nhưng, thay đổi phương thức thực hiện mà lại thay đổi cả mục tiêu là phản bội và thường dẫn đến thất bại.
Chính sách kinh tế mới của V.I. Lê-nin là một mẫu mực về sự thay đổi phương thức đi lên chủ nghĩa xã hội, thay đổi bố trí chiến lược đi lên chủ nghĩa xã hội, nhưng vẫn giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Ngay sau Cách mạng Tháng Mười, chính quyền Xô-viết non trẻ phải chống lại các phần tử phản động trong nước và sự can thiệp từ bên ngoài của 14 nước đế quốc. Trước tình hình khó khăn ấy, V.I. Lê-nin đã áp dụng Chính sách cộng sản thời chiến: quốc hữu hóa các xí nghiệp, trưng thu lương thực thừa của nông dân, ngăn cấm trao đổi hàng hóa và thực hiện sự phân phối theo định lượng. V.I. Lê-nin viết: "Cho đến nay, chúng ta vẫn phải sống trong điều kiện chiến tranh ác liệt và gay go chưa từng thấy, đến nỗi cả trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta không còn cách nào khác ngoài cách hành động theo lối quân sự"(5). Song, Người cho rằng, sự thể nghiệm đó không lâu lắm đã cho chúng ta thấy rõ cách làm như vậy là sai, là trái với những điều trước kia chúng ta đã viết về bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội… “Chủ nghĩa cộng sản ở nước ta là quá vội vàng, thẳng tuột, không được chuẩn bị là do chiến tranh gây ra và do không kiếm được hàng hóa và không thể khai trương được công xưởng"(6).
Thực hiện Chính sách kinh tế mới, trước hết là thay chính sách trưng thu lương thực thừa đối với nông dân bằng chính sách thuế lương thực. Tự do thương mại, tự do trao đổi là đòn xeo chủ yếu của Chính sách kinh tế mới. V.I. Lê-nin nhấn mạnh, trong điều kiện sản xuất nhỏ còn là phổ biến thì tự do trao đổi, tự do thương mại là tất yếu, bởi vì, nó có tác dụng khơi dậy động lực bên trong của nền sản xuất để phục hồi kinh tế, từ đó tiến lên những bước cao hơn.
Song, theo V.I. Lê-nin, tự do thương mại, tự do trao đổi = tự do của chủ nghĩa tư bản, nghĩa là sẽ nảy sinh nhân tố tư bản chủ nghĩa. Do đó, Nhà nước phải cứng rắn, tập trung quyền lực thì mới có thể hướng kinh tế tư bản tư nhân vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước (các xí nghiệp tô nhượng, các đại lý, kinh tiêu, các công ty cổ phần đa sở hữu, tư bản nhà nước hợp tác xã,...). V.I. Lê-nin cũng nêu ra tư tưởng về mở rộng hợp tác, trao đổi kinh tế với tư bản nước ngoài, nhưng vì các nước tư bản chủ nghĩa thực hiện chính sách bao vây, cấm vận đối với nước Nga nên tư tưởng đó không thực hiện được.
Sau 3 năm thực hiện Chính sách kinh tế mới (1921 - 1923), nước Nga thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế - xã hội ổn định, phát triển, chính quyền Xô-viết đứng vững. Sau khi V.I. Lê-nin mất (năm 1924), Chính sách kinh tế mới không được tiếp tục thực hiện. Từ đó, chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết được thiết lập ở Liên Xô, và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nó được mở rộng ra nhiều nước, trở thành hệ thống thế giới. Đến những năm 80 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết đã hết tiềm lực phát triển, dẫn đến khủng hoảng toàn bộ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Các nước xã hội chủ nghĩa thực hiện công cuộc cải tổ, cải cách, đổi mới.
Thực tế cho thấy, những nước xã hội chủ nghĩa thực hiện cải cách, đổi mới trên nền tảng tư tưởng của V.I. Lê-nin về Chính sách kinh tế mới thì đạt được thành công; còn những nước thực hiện cải tổ không dựa trên nền tảng tư tưởng ấy thì thường thất bại hoặc phải trả giá đắt trên con đường phát triển. Có thể khẳng định, Chính sách kinh tế mới của V.I. Lê-nin là cuộc rút lui chiến lược, là giải pháp tình thế, nhưng đã đặt ra tư tưởng nền tảng cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Ngày nay, tư tưởng ấy ngày càng được phát triển hoàn thiện, trở thành nội dung chiến lược trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Và thực tế cũng cho thấy, những nước thực hiện cải cách, đổi mới, trong đó chú trọng thay đổi cấu trúc mô hình chủ nghĩa xã hội, nhưng vẫn giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa, tiếp tục thực hiện những giá trị của Cách mạng Tháng Mười bằng phương thức mới là giải pháp tối ưu và đạt được thắng lợi. Còn những nước thực hiện cải tổ mà lại từ bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa, từ bỏ những giá trị của Cách mạng Tháng Mười, hoặc giữ nguyên mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô-viết là những giải pháp không tối ưu, gây tổn hại hoặc kìm hãm sự phát triển của đất nước./.
---------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 2, tr. 270
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 2, tr. 274
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 2, tr. 280
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 10 (xuất bản lần 2), tr. 127
(5) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 43, tr. 76
(6) V.I.Lênin: Sđd, t. 43, tr. 444
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 20 đến ngày 26-4-2015  (28/04/2015)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại một số tỉnh phía Nam  (28/04/2015)
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 thông qua 3 Tuyên bố chung  (28/04/2015)
Hoạt động kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước tại các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long  (27/04/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp lãnh đạo Malaysia, Philippines, Thái Lan  (27/04/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên