Đẩy mạnh phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”
Từ bài viết “Vệ sinh yêu nước” của Bác Hồ đăng trên Báo Nhân dân số 1572, ra ngày 2-7-1958…
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ có nhiều cống hiến vĩ đại trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội… Riêng trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Bác cũng đã để lại cho chúng ta những tư tưởng, quan điểm sâu sắc, có ý nghĩa định hướng cho việc phát triển một nền y học Việt Nam mang tính thời đại.
Ngay từ khi mới thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1945, đến khi qua đời, Bác đã có nhiều bài nói, bài viết về công tác y tế, trong đó có nhiều bài viết về vấn đề vệ sinh phòng bệnh. Bác coi đây là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đưa vấn đề vệ sinh phòng bệnh vào Phong trào “Vệ sinh yêu nước”. Bác thường xuyên nhắc nhở toàn dân phải giữ gìn vệ sinh. Bác nói: “Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”. Trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, Bác cũng đã dành một điều để nhắc nhở các cháu học sinh, đó là phải “Giữ gìn vệ sinh thật tốt”. Bác đưa ra quan điểm “Phòng bệnh hơn trị bệnh”. Đây chính là định hướng cơ bản cho công tác y tế qua các thời kỳ.
Để triển khai tốt các hoạt động về vệ sinh phòng bệnh, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Bác đã quán triệt việc phát động Phong trào tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện. Đặc biệt, ngày 02-7-1958, Bác Hồ đã có bài viết về “Vệ sinh yêu nước” đăng trên báo Nhân dân số 1572, kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh.
… đến Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”
Trên nền tảng tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, sự tham gia tích cực và có hiệu quả của ngành Y tế cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân, công tác vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai sâu rộng, như phong trào “ba sạch, ba diệt”, phong trào “ăn sạch, ở sạch”, phong trào “sạch làng, sạch ngõ” và gần đây là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ban hành các tiêu chí vệ sinh phòng bệnh,… Những phong trào này đã có tác động tích cực đến việc khống chế dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, vẫn còn những khó khăn, thách thức và những tồn tại đang phải đối mặt trong thời gian tới.
Cũng như ở một số quốc gia khác trên thế giới, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới trong lĩnh vực vệ sinh, môi trường. Các hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe chưa được thực hiện đồng bộ và thường xuyên với những hiểu biết tối thiểu, vẫn còn tỷ lệ khá cao người dân chưa có nước sạch để sử dụng, một số dịch bệnh đang có xu hướng bùng phát trở lại đã và đang tác động trực tiếp đến sức khỏe, đời sống cộng đồng dân cư.
Sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề đã khiến công việc xử lý ô nhiễm môi trường của các địa phương đứng trước nhiều khó khăn. Việc xử lý rác thải đô thị, rác thải nông thôn, bao gồm rác thải sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng là một việc không hề đơn giản. Bên cạnh việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm, chúng ta còn phải tập trung giải quyết các bệnh không lây nhiễm liên quan tới ô nhiễm môi trường như ung thư, tiểu đường,…
Trước tình hình trên, việc phát động Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” không chỉ nhằm hưởng ứng Lời kêu gọi về “Vệ sinh yêu nước” của Bác, mà còn là việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03 - CT/TW, của Bộ Chính trị và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngày 19-6-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 730/QĐ-TTg lấy ngày 2 tháng 7 hằng năm là “Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”. Tiếp đó, ngày 01-7-2012, tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương (nơi mà cách đây 48, Bác Hồ về thăm, nói chuyện với đồng bào về công tác vệ sinh phòng bệnh và phát động phong trào xây dựng 3 công trình vệ sinh phòng bệnh trong mỗi gia đình nông dân, gồm: nhà tắm, giếng nước sạch và hố xí hợp vệ sinh), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chính thức phát động Phong trào trên phạm vi toàn quốc. Để Phong trào phát triển sâu rộng và hiệu quả, ngày 26-11-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc triển khai “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”,… để tiếp tục huy động nguồn lực vào việc tăng cường, làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu nâng cao tỷ lệ người dân có nước sạch, có nhà tiêu hợp vệ sinh để sử dụng; thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; giải quyết các vấn đề vệ sinh liên quan tới việc phát sinh dịch bệnh. Đây là cuộc vận động để người dân thay đổi những hành vi, thói quen lạc hậu, mất vệ sinh hướng tới thực hiện những hành vi có lợi cho sức khỏe. Phát động Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” còn nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời, tập trung giải quyết tốt các vấn đề vệ sinh liên quan tới sức khỏe như giải quyết vấn đề vệ sinh để phòng, chống dịch bệnh; vệ sinh trong đời sống sinh hoạt và lao động, hướng dẫn và vận động người dân xây dựng các công trình vệ sinh trong từng hộ gia đình, thực hiện các hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe,…
Các hoạt động tuyên truyền của Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” dựa trên cơ sở kế thừa, phát huy, mở rộng và nâng cao chất lượng các phong trào, các hoạt động y tế cộng đồng, các hoạt động về môi trường và sức khỏe đã và đang được thực hiện ở các địa phương; dựa vào quần chúng nhân dân để phát huy sức mạnh toàn dân và thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động vệ sinh. Việc phát động “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” của Chủ tịch nước có những yêu cầu cao hơn, mục tiêu cụ thể hơn trong thời kỳ mới, thời kỳ cả nước đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Đó là: Thứ nhất, nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình và toàn xã hội trong việc triển khai các hoạt động vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân. Thứ hai, phát động “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” bền vững, dựa vào dân và do nhân dân thực hiện. Thứ ba, tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và tăng cường sự hợp tác quốc tế đối với công tác vệ sinh, nâng cao sức khỏe nhân dân. Thứ tư, hưởng ứng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chương trình “Xây dựng nông thôn mới” do Bộ Chính trị phát động. Thứ năm, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về vệ sinh của các chiến lược, chương trình, phong trào liên quan.
Nội dung các hoạt động chính của “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”
1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cộng đồng. Trong giai đoạn hiện nay, ưu tiên triển khai các hoạt động về vệ sinh nhằm phòng ngừa các dịch bệnh lây theo đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh do véc tơ lây truyền, các bệnh về da, phụ khoa và một số bệnh lây nhiễm không liên quan tới vệ sinh phòng bệnh,… Vận động người dân thực hiện tốt thói quen vệ sinh cá nhân như dùng xà phòng rửa tay, vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể,… Thực hiện tốt nếp sống vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch; ăn uống hợp lý và rèn luyện thân thể; đẩy mạnh các hoạt động 3 sạch trong “5 không, 3 sạch”, theo đó, "5 không" là không đói nghèo, không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. Nội dung "3 sạch" là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Thực hiện tốt nếp sống vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch; ăn uống hợp lý và rèn luyện thân thể là: sạch ngõ, sạch nhà gắn với vệ sinh thân thể; sạch bếp gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm; sạch ngõ gắn với vệ sinh môi trường. Thực hiện tốt vệ sinh trên các phương tiện phục vụ giao thông công cộng như: cơ quan công sở, bến tàu, nhà ga, chợ, khu du lịch, nơi lễ hội… Vận động người dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; quản lý tốt nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề, giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường; triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn cung cấp nước ăn uống sạch cho mọi người dân,…
2. Vệ sinh an toàn thực phẩm. Bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa - xã hội và thể hiện nếp sống văn minh. “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” ở nội dung vệ sinh an toàn thực phẩm, đó là: triển khai phong trào “ba không”: các hộ dân, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cam kết thực hiện không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế; làm tốt công tác vệ sinh trong nuôi trồng, giết mổ và sản xuất thực phẩm, bảo đảm vệ sinh trong chế biến và phân phối thực phẩm; thực hiện tốt vệ sinh trong ăn uống, bảo đảm bếp ăn gia đình, bếp ăn tập thể của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ ăn uống… ngày càng sạch hơn, an toàn hơn, văn minh hơn, đặc biệt chú ý công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong các dịp lễ hội,…
3. Vệ sinh trong lao động. Triển khai phát động phong trào vệ sinh yêu nước tại nơi làm việc, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất; bảo đảm vệ sinh môi trường lao động, vệ sinh cá nhân cho người lao động,…
Để triển khai có hiệu quả các hoạt động của “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” trên toàn quốc, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc bảo vệ môi trường, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Từ việc thay đổi nhận thức, dẫn tới thay đổi hành vi, tiến tới có những hành động tích cực được thực hiện thường xuyên trong mỗi con người, mỗi gia đình, cộng đồng làm cho môi trường sống của chúng ta ngày càng trong lành, sạch sẽ và an toàn hơn, để sức khỏe và giống nòi của dân tộc được cải thiện tốt hơn trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ./.
Bản sắc dân tộc và sự phát triển văn hóa  (17/07/2013)
Bản sắc dân tộc và sự phát triển văn hóa  (17/07/2013)
Đoàn Tạp chí Cộng sản Việt Nam thăm và làm việc tại Italia  (17/07/2013)
Cải cách hành chính theo mô hình doanh nghiệp ở các nước phương Tây  (17/07/2013)
Cải cách hành chính theo mô hình doanh nghiệp ở các nước phương Tây  (17/07/2013)
Kết thúc thi cao đẳng: Đình chỉ 35 thí sinh, kỷ luật 5 cán bộ  (16/07/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay