Chính trường I-ta-li-a: hy vọng vượt qua sóng gió

Nguyễn Văn Lịch PGS, TS. Đại sứ quán Việt Nam tại I-ta-li-a
22:04, ngày 27-04-2013
TCCSĐT - Bước vào năm 2013, chính trường I-ta-li-a lao đao khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 2-2013 không đạt được kết quả như mong đợi. Gần hai tháng sau đó, I-ta-li-a vẫn không thể thành lập được một chính phủ nhằm ổn định tình hình chính trị trong nước. Trung tuần tháng 4-2013, đất nước này một lần nữa trải qua cuộc bầu cử quan trọng, tìm ra người đứng đầu đất nước - vị tổng thống được kỳ vọng sẽ chèo lái I-ta-li-a vượt qua sóng gió.

Từ bối cảnh khó khăn...

Khó khăn về kinh tế được cho là thách thức lớn nhất của I-ta-li-a hiện nay bởi quốc gia này đang rơi vào thời điểm suy thoái nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Trong thập niên qua, nền kinh tế I-ta-li-a chỉ tăng trưởng chưa đầy 0,5%/năm, trong khi con số này ở các nước G8 là 1,25%. Năm 2012, GDP của I-ta-li-a tăng trưởng âm 2,4%, mức tăng trưởng yếu kém nhất tại châu Âu và là mức tồi tệ nhất kể từ năm 2009. Dự kiến, năm 2013, GDP của I-ta-li-a cũng chỉ đạt 1%.

Tỷ lệ thất nghiệp chiếm hơn 11% và tiếp tục tăng. Năm 2012, có tới hơn 100.000 doanh nghiệp của I-ta-li-a phải đóng cửa. Là nền kinh tế lớn thứ tám thế giới và lớn thứ ba trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song I-ta-li-a lại là một con nợ khổng lồ với khoảng 2.600 tỷ USD, tương đương 127% GDP, đứng thứ hai ở Eurozone, chỉ sau Hy Lạp. Năm 2013, nợ công của I-ta-li-a được dự báo là chiếm 128,1% GDP và phải đến năm 2014, tỷ lệ trên mới có thể giảm. Tình trạng nợ công ở I-ta-li-a khiến cho tương lai Eurozone thêm bấp bênh. Ngoài ra, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế I-ta-li-a yếu, hiệu quả khai thác thị trường không cao, tình trạng tham nhũng và tội phạm có tổ chức trong nền kinh tế cũng là những vấn đề không nhỏ…

Cuộc khủng hoảng nợ công đã đẩy I-ta-li-a tiến sát tới bờ vực phá sản. Việc áp dụng các biện pháp “thắt lưng, buộc bụng” của chính phủ kỹ trị do Thủ tướng M.Môn-ti đứng đầu, về vĩ mô, đã giải quyết được phần nào khó khăn cho I-ta-li-a, nhưng trên góc độ của mỗi cá nhân, đặc biệt là những người nghèo, khó khăn của họ không giảm. Do vậy, hiện tại, I-ta-li-a đang rất cần những cải cách mang tính cơ cấu, đồng thời với hệ thống pháp lý và giáo dục, để cải thiện năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm đáng kể nợ công. Bất cứ đảng nào lên cầm quyền vào thời điểm này cũng cần ưu tiên giải quyết những vấn đề trên.

Khó khăn về chính trị. Có lẽ đây là khó khăn mà người dân I-ta-li-a cũng dễ nhận ra khi trong thời gian gần đây, hình ảnh cũng như uy tín của một số chính trị gia I-ta-li-a đang giảm sút. Nguyên nhân là do những vụ bê bối cá nhân, những đường hướng phát triển chưa thực sự hiệu quả. Người dân I-ta-li-a cho rằng, I-ta-li-a cần có nhiều thay đổi. Theo họ, các chính trị gia mới chỉ dừng lại ở việc làm thế nào để giải quyết tình hình trước mắt và thực hiện các điều chỉnh nhỏ, mà thiếu tầm nhìn chiến lược cho đất nước. Thậm chí, họ tỏ ra “không tin một chính phủ sau cuộc bầu cử sẽ có thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào của I-ta-li-a”. Đáng chú ý là tầng lớp thanh niên cho rằng, chính phủ đã không tạo đủ việc làm cho lớp trẻ, bởi theo họ, các chính trị gia “đầu tư” rất nhiều vào các thế hệ lớn tuổi, mà quên rằng, lớp trẻ mới là lực lượng chủ yếu làm cho I-ta-li-a phát triển, mới là tương lai của đất nước.

Ngoài ra, còn có một số khó khăn khác của I-ta-li-a có thể kể đến là hệ thống tư pháp cồng kềnh, sự phân hóa xã hội sâu sắc. GDP/người ở phía Nam thấp hơn tới 40% so với ở trung tâm và phía Bắc. Tình hình này đã diễn ra trong suốt 30 năm qua và đã trở nên nặng nề hơn trong cuộc suy thoái kinh tế hiện nay.

... đến kết quả không như mong đợi

Ngày 24 và 25-2-2013, hơn 47 triệu cử tri I-ta-li-a đã đi bỏ phiếu bầu Quốc hội mới. Đây là cuộc bầu cử rất quan trọng đối với I-ta-li-a trong bối cảnh nước này đang phải nỗ lực giải quyết các vấn đề kinh tế - chính trị. Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử dường như đã thất bại khi không một liên minh nào có thể kiểm soát được Quốc hội lưỡng viện để thành lập một chính phủ, khiến tình trạng bế tắc chính trị ở đây càng trở nên trầm trọng.

Trước hết là Đảng Lựa chọn dân sự của Thủ tướng tạm quyền Ma-ri-ô Môn-ti (Mario Monti). Sự xuất hiện của ông M.Môn-ti trên cương vị Thủ tướng được ví như một “cứu tinh” đối với I-ta-li-a. Sau hơn một năm dưới sự chèo lái của ông, I-ta-li-a đã tạm thời đẩy lùi được nguy cơ vỡ nợ công, lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Các chính sách cải cách đã đưa thâm hụt ngân sách của I-ta-li-a từ 3,9% (năm 2011), về mức cho phép của Liên minh châu Âu (EU) là dưới 3% GDP (năm 2012). Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của I-ta-li-a đã giảm hơn 200 điểm cơ sở. Ông M.Môn-ti đã bước đầu khôi phục được lòng tin của EU vào khả năng thoát khỏi khủng hoảng tài chính và nợ công của I-ta-li-a.

Tuy nhiên, dù được đánh giá cao, nhưng những biện pháp khắc khổ của ông M.Môn-ti cũng đã làm cho thu nhập của người dân giảm sút. Điều đó đã gây ra sự bất bình của công chúng, mặc dù các nhà kinh tế cho rằng, chính phủ sắp tới của I-ta-li-a vẫn phải tiếp tục theo đuổi các chính sách đã được ông M.Môn-ti áp dụng. Nếu không, khủng hoảng sẽ trở lại. Cử tri I-ta-li-a cho rằng, “thầy thuốc Môn-ti” đã kê một toa thuốc “quá đắng”.

Nếu tính cả kế hoạch cắt giảm chi tiêu dưới thời ông X.Béc-lu-xcô-ni, thì I-ta-li-a phải cõng gánh nợ 300 tỷ ơ-rô trong những năm 2010 - 2014. “Phép màu Môn-ti” đã nhanh chóng mất tác dụng. Nền kinh tế I-ta-li-a vẫn trong vòng khủng hoảng, tình trạng thất nghiệp chưa được cải thiện. Điều này khiến một số nhân vật muốn nới lỏng chính sách “thắt lưng, buộc bụng” tận dụng thời cơ để quay trở lại chính trường. Đây là nguyên nhân khiến ông M.Môn-ti thất bại (chỉ đạt 10,56% số phiếu).

Thứ hai là Đảng Dân chủ (PD) của ông L.Béc-xa-ni (L.Bersani). Ông L.Béc-xa-ni được chờ đợi như là một người “cứu I-ta-li-a” vượt qua khủng hoảng. Tranh cử với phong cách khác lạ và bằng một câu nói rất ngắn gọn “Làm những gì I-ta-li-a cần”, ông L.Béc-xa-ni cam kết sẽ tiếp tục các cải cách cứng rắn của ông M.Môn-ti, ưu tiên cắt giảm thuế để tạo ra công ăn việc làm, tăng trưởng, chống tham nhũng và củng cố các cơ quan nhà nước.

Mặc dù đạt số phiếu cao nhất, với 29,54% nhưng Đảng PD vẫn không đủ khả năng để thành lập chính phủ. Trước đó, ông L.Béc-xa-ni đã đưa ra chương trình 8 điểm, nhằm điều hành đất nước sau cuộc tổng tuyển cử, đó là: thực hiện những bước đi nhằm thoát khỏi “chiếc lồng thắt lưng, buộc bụng” của Eurozone; đưa ra các biện pháp khẩn cấp để giải quyết thất nghiệp, tăng cường phúc lợi xã hội; cải cách đời sống chính trị cũng như đời sống của công chúng; tiến hành các biện pháp nhằm mang lại công lý và công bằng xã hội; điều tiết sự xung đột về các lợi ích; xây dựng một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững; cải cách các quyền dân sự; tăng cường nghiên cứu và cải thiện giáo dục. Theo ông L.Béc-xa-ni, “những điểm này là rất cần thiết cho bất kỳ chính phủ nào”.

Tám điểm đó cũng khá phù hợp với khẩu hiệu của Đảng Phong trào 5 Sao (M5S). Có ý kiến cho rằng, việc ông L.Béc-xa-ni đưa ra chương trình trên nhằm lôi kéo, thuyết phục ông B.Gri-lô thay đổi lập trường. Tuy nhiên, ông L.Béc-xa-ni đã bác bỏ những ý kiến này vì mục đích của ông là giải thích cho công chúng về tình hình đang nguy cấp của I-ta-li-a. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc ông L.Béc-xa-ni điều chỉnh và khôi phục sức mạnh của nền kinh tế I-ta-li-a sẽ không dễ như lời ông nói.

Thứ ba là Đảng Nhân dân Tự do của cựu Thủ tướng X.Béc-lu-xcô-ni (S.Berlusconi). Việc ông X.Béc-lu-xcô-ni trở lại chính trường được coi là khá ngoạn mục, cho dù ông đã bị cáo buộc dính líu đến nhiều vụ bê bối. Việc ông ra tranh cử đã từng gây ra làn sóng phản đối và tranh cãi lớn trong đời sống chính trị - xã hội I-ta-li-a. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian vận động rất ngắn, ông X.Béc-lu-xcô-ni đã lấy lại được cảm tình của nhiều cử tri, thu hẹp được khoảng cách với đối thủ L.Béc-xa-ni, nhờ tài năng diễn thuyết và những cam kết mị dân, như bãi bỏ thuế bất động sản (IMU), bãi bỏ các chính sách “thắt lưng, buộc bụng” của ông M.Môn-ti,… Ông cam kết sẽ trích 4 tỷ ơ-rô (khoảng 5,3 tỷ USD) từ tài sản cá nhân, để hoàn lại khoản thuế IMU mà người dân I-ta-li-a đã phải nộp trong năm 2012. Các đối thủ chính trị khác cáo buộc đây là một “mánh lới không thể chấp nhận được để mua phiếu bầu”. 

Tuy nhiên, tất cả những gì mà ông X.Béc-lu-xcô-ni đã làm trong thời gian cầm quyền đã không thu hút đủ số cử tri cần thiết. Đảng của ông X.Béc-lu-xcô-ni chỉ đạt 29,18% số phiếu.

Thứ tư là Đảng Phong trào 5 Sao (M5S) do ông B.Gri-lô (B.Grillo) lãnh đạo. Dư luận vô cùng bất ngờ trước sự nổi lên mạnh mẽ của Đảng M5S của diễn viên hài kịch B.Gri-lô. Mặc dù lần đầu tiên ra tranh cử, nhưng đảng này đã dành được tỷ lệ ủng hộ khá cao là 25,55% cử tri, so với dự đoán là 18%. Là một diễn viên được yêu thích tại I-ta-li-a, ông B.Gri-lô đã mang đến cho cử tri hình ảnh một nhà lãnh đạo bình dân, gần gũi với những khó khăn của người dân, với các khẩu hiệu “chống chính trị” (antipolitica), chống giới ngân hàng, đòi cải tổ “bộ máy lãnh đạo già cỗi” tại I-ta-li-a, phản đối việc I-ta-li-a vay tiền của EU, kêu gọi trưng cầu dân ý đối với việc I-ta-li-a tiếp tục tham gia hay ra khỏi EU. M5S còn phản đối tình trạng lãng phí chi tiêu, cũng như tệ tham nhũng đang phổ biến và là một vấn nạn của nước này. Ông B.Gri-lô cũng chỉ trích ông M.Môn-ti về những thay đổi trong luật lao động, làm cho các công ty dễ dàng sa thải công nhân.

Các chính sách của M5S bao gồm: bảo đảm thu nhập tối thiểu cho những người thất nghiệp; sử dụng in-tơ-nét miễn phí; cải cách bầu cử; xóa bỏ việc nhà nước cung cấp tài chính cho các đảng phái, báo chí và giải quyết vấn đề đường xe lửa cao tốc ở miền bắc I-ta-li-a. Ông B.Gri-lô cho biết, sẽ không ủng hộ chính phủ, dù là của ông L.Béc-xa-ni hay ông X.Béc-lu-xcô-ni. Tuy đã thấm mệt với những vấn đề chính trị của đất nước, nhưng cử tri cũng biết rất rõ rằng, khi lựa chọn M5S, họ sẽ phải chấp nhận những rủi ro. Người ta cũng còn không ít e ngại, khi M5S lên nắm quyền. Chính vì thế, dù rất muốn thay đổi, dù phản đối gay gắt những gì đang diễn ra tại I-ta-li-a, nhưng Đảng của B.Gri-lô vẫn chưa hội đủ số phiếu cần thiết.

Kỳ vọng tháo gỡ

Ở I-ta-li-a, quyền lực của Hạ viện và Thượng viện đều ngang bằng nhau, nên để có được một chính phủ ổn định, phải có một đảng hoặc liên minh chính đảng cầm quyền nắm đa số tại cả hai viện. Trước thực tế không một đảng nào có đủ điều kiện để thành lập chính phủ, Tổng thống I-ta-li-a G.Na-pô-li-ta-nô ngày 22-3-2013 đã trao cho ông L.Béc-xa-ni trách nhiệm kêu gọi sự liên minh giữa các đảng, nhằm tìm giải pháp phá vỡ tình trạng bế tắc chính trị này của I-ta-li-a.

Tuy nhiên, giải pháp thương thảo tìm sự liên kết giữa phe trung tả với phe trung hữu hay với Đảng M5S đã thất bại. Đảng M5S tại cả Hạ viện và Thượng viện đều bày tỏ sự nghi ngờ về các biện pháp không hiệu quả mà các chính trị gia I-ta-li-a đã hứa hẹn trong nhiều năm qua, đồng thời tái khẳng định sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm một chính phủ vốn được coi là sự tiếp diễn của những hoạt động chính trị cũ. Bốn chính đảng chủ chốt gồm Đảng Nhân dân Tự do Đảng Phong trào 5 Sao, Đảng Lựa chọn Dân sự và Đảng Dân chủ đã đưa ra những lập trường không thể hòa giải.

Thực trạng này đã khiến Tổng thống G.Na-pô-li-ta-nô phải quyết định tiếp tục tại nhiệm cho tới ngày cuối cùng của nhiệm kỳ (15-5-2013). Theo đó, hai nhóm làm việc đã được thành lập, nhằm vạch ra những biện pháp cải cách quan trọng nhất cho tương lai của bất kỳ chính phủ nào. Nhóm thứ nhất, bao gồm 4 người đại diện cho cánh tả, cánh hữu và trung hữu, tập trung vào những cải cách chính trị. Nhóm thứ hai tập trung vào các vấn đề kinh tế, bao gồm 6 người, trong đó có Giám đốc Cơ quan chống độc quyền của I-ta-li-a, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu E.Mô-a-vê-rô (E.Moavero), Thủ tướng tạm quyền M.Môn-ti.

Một số nhà phân tích cho rằng, sự thất bại của cuộc tổng tuyển cử vào tháng 2 vừa qua có thể dẫn tới nguy cơ diễn ra một cuộc tổng tuyển cử mới. Tuy nhiên, Hiến pháp I-ta-li-a quy định trong thời gian cuối của nhiệm kỳ, Tổng thống G.Na-pô-li-ta-nô không có quyền giải tán Quốc hội, mà trách nhiệm này thuộc về người kế nhiệm ông. Khó khăn càng thêm khó khăn khi ngày 18-4-2013, Quốc hội I-ta-li-a chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống mới của nước này - một cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định nhằm giải quyết tình hình bế tắc chính trị kéo dài của chính trường I-ta-li-a.

Năm vòng bỏ phiếu diễn ra với sự thất bại nặng nề. Vòng bỏ phiếu đầu tiên, ngày 18-4-2013, Quốc hội I-ta-li-a chưa bầu được tổng thống mới. Ứng cử viên tổng thống của liên minh trung tả là cựu Chủ tịch Thượng viện Ph.Ma-ri-ni (F.Marini) chỉ giành được 520 phiếu bầu trên tổng số 1.007 phiếu, chưa đáp ứng được đa số 2/3 (tức 672 phiếu) để giành thắng lợi. Trong khi đó, ứng cử viên của Đảng M5S là học giả X.Rô-tô-đa chỉ giành được hơn 240 phiếu bầu. Hơn 100 nghị sĩ đã bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu sai quy định trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống lần đầu.

Với vòng bỏ phiếu thứ 4, Đảng PD đã đề cử ứng cử viên mới cho phe trung tả là ông R.Prô-đi thay cho cựu Chủ tịch Thượng viện Ph.Ma-ri-ni trong 3 vòng trước đã không giành đủ 2/3 số phiếu bầu để đắc cử tổng thống. Đây được đánh giá là một “sự thay đổi lập trường 180°” đối với nỗ lực trước đó nhằm hợp tác với phe trung hữu, thời điểm mà cả hai phe đã thỏa thuận ủng hộ ứng cử viên Ph.Ma-ri-ni. Việc những thỏa thuận giữa các đảng bị phá vỡ, cùng tình trạng bất đồng của các đại biểu thuộc phe trung tả trong cả 4 cuộc bỏ phiếu cho thấy “ngõ cụt” đối với chính trường I-ta-li-a.

Vòng bầu cử thứ 5 diễn ra với tình trạng phần lớn số phiếu bầu bị để trắng do chiến thuật làm đình trệ bầu cử của các đảng phái trong Quốc hội và không có ứng cử viên nào giành được 504 phiếu cần thiết trong 1.007 phiếu bầu. Giải pháp cuối cùng được lựa chọn là đương kim Tổng thống I-ta-li-a G.Na-pô-li-ta-nô chấp nhận ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, một điều chưa từng có tiền lệ, sau khi các lực lượng chính trị lớn ở I-ta-li-a kêu gọi ông góp phần vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng trầm trọng tại quốc gia này. Kết quả kiểm phiếu trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống lần thứ sáu, Tổng thống G.Na-pô-li-ta-nô đã giành được đa số phiếu áp đảo, vượt xa mức 504 phiếu cần thiết.

Tổng thống đương nhiệm G.Na-pô-li-ta-nô lâu nay được coi là hoàn toàn nằm ngoài cuộc xung đột, chia rẽ chính trị giữa các đảng phái và được hầu hết các phe phái đối địch nhau ở I-ta-li-a tôn trọng. Tại I-ta-li-a, chức vụ tổng thống chủ yếu mang tính nghi lễ, song tại những thời điểm đặc biệt như bối cảnh bất ổn chính trị hiện nay, tổng thống lại có vai trò quan trọng trong việc thành lập chính phủ và có quyền giải tán quốc hội. Chưa có chính phủ mới, các nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế, việc tiến hành những cải cách cần thiết sẽ tiếp tục bị cản trở, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao cộng với chất lượng cuộc sống đi xuống đang gây tâm lý chán chường trong xã hội.

Kết quả thắng lợi của đương kim Tổng thống G.Na-pô-li-ta-nô sẽ là một trung gian hòa giải giữa các đảng phái và có thể môi giới để thành lập một chính phủ liên minh. Ngoài ra, theo luật định, chỉ có tổng thống mới có thể bổ nhiệm thủ tướng cũng như phê chuẩn nội các.

Ngay sau khi nhậm chức ngày 22-4-2013, Tổng thống G.Na-pô-li-ta-nô tiến hành tham vấn các chính đảng lớn để thành lập chính phủ đại liên minh. Ông G.Na-pô-li-ta-nô đã tỏ ra kiên quyết khi tuyên bố rằng, nếu như các chính đảng không hợp tác với ông vì lợi ích quốc gia, ông sẽ từ chức và sẽ không dung tha cho bất kỳ người nào tiếp tục từ chối làm những việc cần thiết để kéo I-ta-li-a ra khỏi khủng hoảng. Đồng thời, ông kỳ vọng các chính đảng hiểu nhau hơn để thành lập được một chính phủ mới.

Mặc dù thời gian tới sẽ tiếp tục là giai đoạn khó khăn của I-ta-li-a, nhưng những hy vọng cũng không ít. Nhiều nước đã bày tỏ mong muốn I-ta-li-a sớm ổn định. Chính phủ Đức cho biết, họ có niềm tin vào trách nhiệm của các đảng phái chính trị ở I-ta-li-a. I-ta-li-a sẽ thành lập được một chính phủ mới. Đức sẽ hợp tác với bất kỳ chính phủ nào của I-ta-li-a. Bộ trưởng Tài chính Pháp cho biết tình hình chính trường của I-ta-li-a dù có những khó khăn, nhưng sẽ không làm suy yếu đồng tiền chung châu Âu. Các quốc gia châu Âu khác cũng kêu gọi I-ta-li-a thiết lập một chính phủ ổn định, càng sớm càng tốt. EU sẽ ủng hộ một chính phủ thể hiện được trách nhiệm đối với tình hình, cam kết tiếp tục theo đuổi các cuộc cải cách hiện tại và duy trì mối quan hệ gần gũi với các đối tác châu Âu.

Theo CNN, hiện nay, tình hình của I-ta-li-a vẫn khả quan hơn nhiều so với thời điểm tháng 11-2011, và chừng nào I-ta-li-a còn duy trì các cải cách, thì Eurozone sẽ không phải đối mặt với những leo thang mới của khủng hoảng nợ công. I-ta-li-a là một nền kinh tế lớn và họ không thể hành xử vô trách nhiệm, hay làm khó cho Eurozone. Cao ủy phụ trách kinh tế của EU Carel de Gucht bày tỏ tin tưởng vào khả năng của Tổng thống G.Na-pô-li-ta-nô sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp giúp I-ta-li-a giải quyết các thách thức phía trước./.