Vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian gần đây được Hà Nội thực hiện quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả.

Việc Hà Nội đi đầu trong cả nước thực hiện thí điểm lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt vừa nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm, vừa có tác dụng phòng ngừa, cảnh tỉnh những sai phạm. Đó vừa là thử thách, đồng thời là cơ hội để cán bộ có năng lực khẳng định mình.

Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xung quanh vấn đề trên.

 

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Phạm Quang Nghị, chắc hẳn một chủ trương được xem là thành công khi nó hợp lòng dân, được nhân dân đón nhận. Mới đây, Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt được xem là rất mới mẻ. Vậy, khi triển khai mô hình này có những thuận lợi, khó khăn trở ngại gì và có được cán bộ, nhân dân đón nhận không?

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Trong công tác quản lý, nhu cầu và đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra là cần phải có thêm những kênh nhận xét, đánh giá cán bộ. Gần đây có các chủ trương của Đảng ban hành là điều thuận lợi hết sức cơ bản để không chỉ Hà Nội mà các địa phương trong cả nước thực hiện dễ dàng hơn. Nếu Nghị quyết Trung ương 4 không đặt ra yêu cầu lấy phiếu tín nhiệm, thì một đảng bộ nào đó tự làm, chắc sẽ gặp phải không ít khó khăn.

 

Giống như người đi học phải trải qua thi cử, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với cán bộ là thử thách mà mỗi người phải vượt qua, đồng thời cũng là cơ hội để cán bộ có năng lực khẳng định mình. Việc xuất hiện tâm lý băn khoăn, lo lắng của những người được đưa ra lấy phiếu cũng hết sức bình thường. Nhưng nếu người cán bộ không màng danh lợi cá nhân, thực lòng phấn đấu, cống hiến vì sự nghiệp chung thì không có gì phải lo ngại và họ sẵn sàng đón nhận.

 

Sự tín nhiệm cao hay thấp của tập thể đánh giá mỗi cán bộ, vừa là sự ghi nhận, động viên, khích lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa là sự nhắc nhở những người yếu kém về năng lực, phẩm chất, để kịp thời điều chỉnh. Việc làm này sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Cái được là rất lớn, bởi thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, ai cũng phải thường xuyên chăm lo rèn luyện, phấn đấu. Hàng năm thành phố lấy phiếu tín nhiệm sẽ hạn chế bớt được những cán bộ tín nhiệm thấp, năng lực yếu nhưng vẫn đảm nhận công việc hết nhiệm kỳ, cản trở không nhỏ guồng máy công việc.

 

PV: Có người cho rằng, chủ trương này nếu làm không tốt dễ nảy sinh tiêu cực, kẻ cơ hội sẽ lợi dụng để mua chuộc, lôi bè kết cánh, phá hỏng chủ trương. Đồng chí có quan điểm như thế nào, có lo ngại vấn đề trên và thành phố có những giải pháp gì?

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Chúng ta cần có niềm tin vào sự sáng suốt, công bằng của tập thể, của số đông cán bộ. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cần có cơ chế, biện pháp ngăn ngừa việc lợi dụng lấy phiếu để làm sai lệch kết quả đánh giá cán bộ. Mặt tích cực thì đã rõ, nhưng nếu làm không chặt chẽ thì cũng có thể bị lợi dụng, lồng động cơ cá nhân, làm sai lệch kết quả đánh giá cán bộ.

 

Tuy nhiên, nếu cứ lo lắng, e ngại và thiếu niềm tin, thiếu quyết tâm thì sẽ không dám đổi mới. Những ai dám đương đầu với khó khăn, không sợ va chạm sẽ được tập thể ghi nhận. Ngay cả bản thân tôi và số đông cán bộ khác cũng luôn phải lo lắng trước công việc, nhiệm vụ được giao, chứ không thể thờ ơ, vô cảm. Cá nhân tôi đã học được việc làm quen với sự đánh giá, xem xét khách quan, có khen, có chê đối với mỗi người của dư luận và tôi luôn có niềm tin vào sự khách quan, công bằng của tập thể, của dư luận. Mình làm việc như thế nào, sẽ nhận được sự đánh giá như thế. Tôi không quá lo ngại về những yếu tố bất ngờ.

 

Chúng ta cần phải lường trước một bước và có những biện pháp không để phát sinh hậu quả xấu, tiêu cực. Hiện vẫn còn cán bộ có thể vì lo mất phiếu mà không dám nhiệt tình, hăng hái đi đầu trong công việc; người đang làm lãnh đạo, điều hành mà phiếu tín nhiệm thấp, cũng sẽ ảnh hưởng đến công việc.

 

PV: Được biết, đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua không công bố công khai kết quả, nhưng theo đồng chí, việc lấy phiếu tín nhiệm này có thành công và đạt kết quả như mong đợi không?

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Tôi nhận thấy bước đầu toàn Đảng bộ đã thể hiện tinh thần chủ động và quyết tâm thực hiện một trong những nội dung rất mới và quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4. Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội có truyền thống đoàn kết, thống nhất, luôn phát huy cao tinh thần dân chủ và giữ vững nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật. Điều đó không chỉ được thể hiện trong thực tế lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công việc hàng ngày, mà còn được thể hiện rất rõ khi tiến hành Đại hội; trong nhận xét, đánh giá, sắp xếp, bố trí cán bộ; trong bầu cử, ứng cử... Điều đó một lần nữa lại được thể hiện trong kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này.

 

Tôi nghĩ rằng, kết quả vừa qua là khách quan, đúng mức, là sự đánh giá dân chủ, công bằng, có động viên, khích lệ và cũng có cả những lá phiếu lưu ý, nhắc nhở đối với mỗi người. Đó là dấu hiệu rất tích cực của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt. Sắp tới thành phố sẽ có đánh giá, nhận xét cụ thể hơn và sẽ tiếp tục triển khai trước tiên ở một số sở, ngành “nhạy cảm” thường tiếp xúc với dân, rồi tiếp đó mở rộng ra các địa phương, các sở, ban, ngành còn lại. Hiện nay, chưa có quy định về việc công khai kết quả, nhưng kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một kênh rất tốt để đánh giá cán bộ.

 

PV: Luân chuyển, điều động cán bộ là một trong những khâu hết sức quan trọng sau khi lấy phiếu tín nhiệm. Vậy, đồng chí có thể cho biết thời gian qua và tới đây Hà Nội tiến hành công tác này như thế nào?

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Có thể nói công tác cán bộ luôn luôn là khâu then chốt để Hà Nội thực hiện thành công nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, giúp thành phố luôn tăng trưởng mạnh. Thành phố chú trọng và nâng cao chất lượng đào tạo con người để vận hành bộ máy nhịp nhàng, đồng bộ. Trong năm 2012, chỉ riêng cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý đã có 31 người được luân chuyển. Thành phố kết nạp gần 13.000 đảng viên mới; triển khai đề án đào tạo 1.000 cán bộ nguồn đến năm 2020 và hàng trăm cán bộ được học tập nâng cao kiến thức quản lý. Có đào tạo chuẩn bị nguồn tốt thì công tác luân chuyển sau lấy phiếu tín nhiệm sẽ dễ dàng hơn và không bị động. Sau khi lấy phiếu sẽ có đánh giá một cách khách quan, cán bộ nào uy tín, có năng lực chắc chắn sẽ được bố trí công việc phù hợp. Còn cán bộ tín nhiệm thấp nhiều năm, liên tục mà không có tinh thần, thái độ khắc phục cũng có hình thức xử lý, điều chuyển.

 

PV: Năm nay, chắc hẳn Hà Nội vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đồng chí có thể cho biết một số công tác trọng tâm năm 2013 của Đảng bộ thành phố Hà Nội?

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Trong năm 2013, Hà Nội tập trung thực hiện 9 chương trình công tác lớn của Thành ủy, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 2 khâu đột phá. Thành phố sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao trình độ nhận thức, chú trọng khâu đào tạo và sớm bổ sung quy hoạch nguồn với những cán bộ có năng lực, tâm huyết với công việc. Hà Nội quyết tâm thực hiện thành công “Năm cải cách hành chính 2013”, trọng tâm là nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân, những người đứng đầu cơ quan, đơn vị; giảm tiêu cực, phiền hà, tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

 

Nhân dịp năm mới, tôi xin kính chúc toàn thể Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đón Tết cổ truyền Quý Tỵ 2013 đầm ấm, hạnh phúc và thành công.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí./.