Chung quanh vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu với tập thể theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI

Nguyễn Sỹ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh
18:44, ngày 02-01-2013
TCCS - Thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với tập thể là việc người có vị trí cao nhất của cơ quan, đơn vị, tổ chức có quyền xem xét, kết luận vấn đề nào đó và phải bảo đảm thực hiện tốt vấn đề này, chịu trách nhiệm trước tập thể cơ quan, đơn vị, tổ chức nếu vấn đề đó không được giải quyết. Thực chất xác định thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với tập thể là xác định mối quan hệ giữa quyền hạn và trách nhiệm (quyền - nghĩa vụ) của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của bản thân, gắn với thực thi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Vai trò của người đứng đầu 

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ đứng đầu, có đủ tiêu chuẩn của thời kỳ mới, có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng; đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị là công việc đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài của Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI của Đảng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ đứng đầu, đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu với tập thể có ý nghĩa vô cùng quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ, là động lực góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng đặt ra quyết tâm chính trị rất cao để phát huy sức mạnh có tính quyết định của người đứng đầu đối với mọi công việc của Đảng. Nghị quyết chỉ rõ: Tình trạng phổ biến ở các cấp hiện nay là không rõ trách nhiệm cá nhân, thường dựa dẫm vào tập thể, thực chất là không ai chịu trách nhiệm cuối cùng. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi chỉ là chung chung, hình thức; khi có sai sót, khuyết điểm thì không ai chịu trách nhiệm. Tình trạng đó, không khuyến khích cá nhân người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, được đâu hay đó hoặc lợi dụng quyền lực một cách tinh vi. Đây là khâu yếu, là “nút thắt” và là mảnh đất dung dưỡng cho sự nể nang, né tránh, co cụm, thỏa hiệp vì lợi ích nhóm, thu vén cá nhân. Vì vậy, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và trách nhiệm của tập thể là một trong những điểm nút quan trọng cần được tháo gỡ, giải quyết, làm tốt, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. 

Thẩm quyền của người đứng đầu 

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp được cấp có thẩm quyền giao cho một số quyền hành, giữ vai trò quyết định mọi hoạt động và sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương; được quyết định và chịu trách nhiệm trước tập thể về các quyết định của mình trên cơ sở bàn bạc, thảo luận dân chủ với các thành viên lãnh đạo. Việc phân cấp thẩm quyền cho cá nhân người đứng đầu được căn cứ vào Điều lệ Đảng, điều lệ của các đoàn thể, các quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đây là phương tiện để người đứng đầu thực hiện nhiệm vụ, công vụ đồng thời thể hiện năng lực của mình, cũng là thước đo về ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ lãnh đạo, quản lý, là cơ sở để cấp có thẩm quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ. 

Người đứng đầu có thẩm quyền dẫn dắt cả một tập thể, quyết định hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Song việc sử dụng hết thẩm quyền và sử dụng đúng thẩm quyền còn là vấn đề cần quan tâm. Trong thực tế đang hiện hữu cả hai khuynh hướng: một là, người đứng đầu không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, chưa thực hiện hết thẩm quyền mà trông chờ vào cấp trên khi gặp những vấn đề phức tạp dẫn đến công việc bị trì trệ; hai là, người đứng đầu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vượt quá thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, có trường hợp vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự. 

Tuy nhiên, cần nhận thức đúng đắn rằng, quyền lực được giao cho người đứng đầu để thi hành chức trách, nhiệm vụ là quyền lực của tập thể trao cho họ và họ là người đại diện cho quyền lực của tập thể để thực thi công việc đạt hiệu quả cao nhất. Quyền lực mà họ đang nắm giữ, đang thực thi không phải là của cá nhân họ. Tất cả quyền lực đó là của nhân dân, của tập thể trao cho. Nhân dân ủy thác cho các cơ quan nhà nước, các cá nhân đại diện để sử dụng quyền lực thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó. Quên điều đó, người lãnh đạo dễ sinh tự kiêu, tự mãn, như Bác Hồ đã chỉ ra: “Khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông “vua con” ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn áp. Đối với quần chúng ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng, bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, Đoàn thể xa nhân dân”(1). Được trao quyền lãnh đạo, quản lý, một số người đã cậy quyền thủ trưởng quyết định tất cả, bất chấp kỷ cương, phép nước, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị công tác của mình để vụ lợi riêng cho bản thân và “cánh hẩu” của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo vấn đề này đối với cán bộ, đảng viên, trước hết, với người đứng đầu là: việc nước là việc chung, tài sản của Nhà nước là của chung nhân dân chứ không phải của riêng ai, của dòng họ nào. Vì vậy, người đứng đầu phải phục tùng tổ chức, nêu gương sáng giữ gìn và bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ Tổ quốc và nhân dân, phải chí công vô tư. Có như vậy, họ mới được nhân dân tin tưởng, giao cho quyền lực để lãnh đạo, chỉ đạo công việc; mới có uy tín và quyền uy để lãnh đạo, chỉ đạo cấp dưới, tập thể và nhân dân thực hiện tốt công việc và nhiệm vụ được giao. 

Trách nhiệm của người đứng đầu 

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp phải chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo trong phạm vi được phân cấp thẩm quyền giải quyết; phải gương mẫu dẫn dắt cả tập thể, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân viên thuộc quyền, tạo mọi điều kiện để cùng nhau tiến bộ vì mục tiêu chung của cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; đề ra chủ trương, nghị quyết để cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; chủ trì việc đánh giá, nhận xét cán bộ, cấp ủy theo phân cấp quản lý cán bộ. Thực hiện việc quy hoạch (rà soát quy hoạch hằng năm, theo nhiệm kỳ,...), đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, luân chuyển cán bộ bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. 

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, Nhà nước ta là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nhưng trong thực tế, không ít người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương đã phớt lờ, thậm chí vô hiệu hóa sự lãnh đạo của tập thể, cấp ủy; gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, hách dịch, dẫn tới hậu quả lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Bản thân họ không được tập thể kiểm tra, kiểm soát, giám sát, uốn nắn, giúp đỡ kịp thời nên dần dần bị hư hỏng, biến chất, thoái hóa cả về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, dẫn đến mất nhân cách, tư cách của người cộng sản chân chính. 

Do vậy, yêu cầu đặt ra là, cần quy định, xác định rõ trách nhiệm pháp lý(2), góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. 

Thực tế một số vụ việc vi phạm xảy ra thời gian qua, sau khi xem xét cho thấy là do không rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, dẫn đến một số trường hợp thiếu trách nhiệm, ỷ vào tập thể, hoặc lạm quyền, vượt quyền. Mặt khác, một số quy định không rõ ràng, làm cho người lãnh đạo không đủ quyền năng để hành động, làm cho cơ quan, đơn vị trì trệ kéo dài, bè cánh, mất đoàn kết nội bộ. Có tình hình đáng quan tâm là: Người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, hành động quyết liệt, dám chịu trách nhiệm, với tấm lòng trong sáng, vì dân, vì Đảng, tạo ra chuyển biến, kết quả rõ nét, nhưng khi có sai sót, lại chưa được đánh giá đầy đủ, khách quan và đúng mức. Ngược lại, một số người đứng đầu không dám chịu trách nhiệm cá nhân, “giữ gìn”, ngại va chạm, theo cách “giữ mình, thủ thế”, “chủ nghĩa tập thể”, không tạo được cái mới, sự đột phá và phát triển, không có “sai phạm lớn”, lại được đánh giá tốt. Đây là khâu yếu, “nút thắt”, nếu được tháo gỡ sẽ góp phần tạo ra bước chuyển về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng cũng như sự chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện của các tổ chức trong hệ thống chính trị. 

Trên cơ sở các nghị quyết của Trung ương và thực tiễn các vấn đề liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu hiện nay, xin nêu một số điểm nhằm xác định rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu: 

Một là, người đứng đầu phải luôn thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. 

Thông qua tập thể để tập thể cho ý kiến, bằng trí tuệ của tập thể để quyết định việc lãnh đạo những vấn đề cụ thể đó, song người đứng đầu vẫn phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm về các quyết định mà tập thể đã thông qua. Bởi vì kết quả của công việc không chỉ dừng lại ở mức tập thể thông qua mà quyết định là ở chỗ chỉ đạo thực hiện của người đứng đầu. Vì thế nếu thiếu trách nhiệm của người đứng đầu thì công việc không có người đứng ra đôn đốc, điều hành, kiểm tra, giám sát cụ thể, chặt chẽ. Khi xảy ra sai sót sẽ không quy được trách nhiệm cá nhân cho ai. Cho nên đòi hỏi phải có cơ chế xác định rõ việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; giữa tập trung và dân chủ; giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách khi xem xét, đánh giá cán bộ trên cương vị người đứng đầu. 

Nêu cao trách nhiệm trước tập thể, trước cấp trên, người đứng đầu phải luôn biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến phê bình của tập thể, đồng thời phải thân ái trong phê bình với cán bộ dưới quyền nhằm củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. 

Hai là, thể hiện ở tính tiền phong gương mẫu, tính dân chủ, tinh thần tập thể trong công tác. 

Sự gương mẫu của người đứng đầu hiện nay được biểu hiện ở phẩm chất đạo đức trong sáng, thật sự đại diện cho Đảng cách mạng chân chính trong cương vị, phạm vi mà họ phụ trách. Người đứng đầu phải gương mẫu về sự “sạch sẽ”, không tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu; phải gương mẫu thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về mọi phương diện trước quần chúng nhân dân. 

Người đứng đầu là người đại diện trực tiếp quyền lực của tập thể, của nhân dân, được tập thể, nhân dân tin tưởng ủy thác cho những quyền ấy. Người đứng đầu không thể độc đoán, chuyên quyền, tự cho mình quyền áp đặt với mọi công việc, với mọi người. Không ít người khi chưa có quyền lực thì tỏ ra gần gũi, tôn trọng quần chúng, đến khi có quyền lực thì thâu tóm mọi quyền lực vào tay mình, bất chấp mọi nguyên tắc, mọi quy định, mọi quy chế. Họ định ra những quy định, quy chế có lợi cho cá nhân, cho việc áp đặt quyền lực của họ. Vì vậy cần sớm có cơ chế, có quy định để khắc phục tình trạng này. 

Ba là, thể hiện ở trình độ, năng lực trong lĩnh vực được phân công phụ trách; có phong cách của người lãnh đạo và văn hóa ứng xử trong các mối quan hệ. 

Tố chất của người đứng đầu thể hiện ở tầm bao quát, định hướng chiến lược, năng lực tổ chức điều hành, quản lý. Họ phải có phong cách, có văn hóa lãnh đạo của người đứng đầu trong mọi ứng xử về công việc, về các mối quan hệ công tác, đặc biệt với quần chúng nhân dân. 

Để khẳng định được là người “thuyền trưởng”, người “đầu tàu” thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên; tổ chức, điều hành cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, có chất lượng và đúng thời hạn được giao; tự mình phải chịu trách nhiệm chính trong việc ra các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định đó. Muốn vậy, trước hết tự bản thân người đứng đầu phải xác định rõ vai trò, vị trí của mình trước tập thể; biết tự vạch kế hoạch công tác cho bản thân và đề ra kế hoạch cho toàn cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc tự mình biết tạo ra khả năng quán xuyến, tổng hợp, khái quát đòi hỏi người đứng đầu có năng lực nghe, nhìn, phân tích mọi hiện tượng, sự việc trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, chính xác những cán bộ, nhân viên thuộc quyền có ý nghĩa rất quan trọng đối với người đứng đầu trong sử dụng, bố trí, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, nhân viên. Điều này đòi hỏi người đứng đầu phải có quan điểm, phương pháp khách quan, toàn diện và cụ thể. 

Để người đứng đầu phát huy được vai trò cá nhân với nhiệm vụ được giao và ngày càng có uy tín, được tập thể tin yêu, mến phục thì tập thể phải mạnh dạn trong phê bình, không ngại, không an phận trong việc chỉ ra cái sai của người đứng đầu; tạo được cơ chế thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của người đứng đầu đơn vị, địa phương của cấp trên trực tiếp. 

Bốn là, thực hiện tốt quy chế chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn trong kỳ họp của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. 

Đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia lấy phiếu để đánh giá, phát hiện đúng những người không đủ năng lực, hiệu quả công tác kém, từ đó có biện pháp sử dụng, bố trí cho phù hợp. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và khu dân cư nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên. 

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, một trong những việc cần làm ngay là tạo mọi điều kiện để đội ngũ cán bộ là người đứng đầu phát huy hết năng lực, sở trường và hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và mối quan hệ với thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể cấp ủy, chính quyền vừa là vấn đề cấp bách cần làm ngay, vừa là giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng./.

------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 5, tr. 72 

(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 37 - 38