Đánh giá, xếp loại người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở Bắc Giang
Trong đội ngũ cán bộ công chức hành chính ở địa phương, người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước là trung tâm, là điểm mấu chốt trong mối liên hệ giữa công tác quản lý hành chính với người tổ chức thực hiện. Đối với ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh thì đó là chủ tịch UBND tỉnh; giám đốc các sở, trưởng các cơ quan trực thuộc UBND tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Thực tiễn cho thấy, ở đâu người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với tinh thần trách nhiệm cao, luôn phát huy dân chủ và sáng tạo trong công việc, ở đó nhiệm vụ chính trị được hoàn thành tốt, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; và ngược lại.
Tuy nhiên, để nhận xét, đánh giá về người đứng đầu, so sánh giữa họ với nhau quả là chuyện không đơn giản, nếu không nói là vô cùng khó. Bởi những người đứng đầu có trách nhiệm giống nhau, nhưng nhiệm vụ rất khác nhau, hoàn cảnh, điều kiện để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cũng khác nhau. Thí dụ, đồng chí đứng đầu ở một huyện thuộc diện nghèo nằm trong Nghị quyết 30A của Chính phủ khác với đồng chí đứng đầu ở thành phố trung tâm, càng khác với đồng chí đứng đầu một sở có tính chất chuyên ngành, lại càng khác đồng chí đứng đầu một sở có tính chất đa ngành.... Vậy dùng hệ quy chiếu nào để đánh giá, xếp loại và so sánh giữa các đồng chí có cùng điểm chung tương đối giống nhau. Đó thực sự là vấn đề khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sớm có các tiêu chí, quy định cụ thể, để việc đánh giá, xếp loại người đứng đầu các cơ quan quản lý hành chính nhà nước một cách chính xác và thống nhất.
Việc đánh giá trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang
Cũng chính vì vậy, nhiều năm trước đây, ở tỉnh Bắc Giang, hằng năm không đánh giá, xếp loại người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước; việc nhận xét, đánh giá các đối tượng này chủ yếu dựa trên các tiêu chí và hướng dẫn của các cơ quan đảng và xếp loại đảng viên. Tuy có tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhưng rất chung chung, không cụ thể, nặng về quy chiếu tới chức trách, nhiệm vụ của người đảng viên, nhẹ đánh giá về trách nhiệm quản lý nhà nước theo quy định của Luật Cán bộ công chức, với tư cách là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước. Do đó, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý hành chính nhà nước thường căn cứ vào đánh giá của tổ chức đảng, còn trách nhiệm, chức trách được giao về công tác quản lý nhà nước thường không được xem xét, đánh giá cụ thể.
Những bất cập nói trên được UBND tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm, tiến hành nhiều cuộc thảo luận để tìm giải pháp khắc phục. Đa số ý kiến đều cho rằng, đây là công việc phức tạp, nhưng nếu làm tốt sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, hạn chế được tình trạng đánh giá chung chung, động viên được đồng chí làm tốt, khắc phục tính bình quân và tạo động lực cho đội ngũ cán bộ chủ chốt khắc phục khó khăn, nâng cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ.
Từ nhận thức trên, từ năm 2009 đến nay, việc ban hành quy định tiêu chí, cách đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và chủ tịch UBND huyện, thành phố trong thi hành công vụ của UBND tỉnh được thực hiện, với một số quy định và cách thức đánh giá chính như:
Một là, đưa các cơ quan, đơn vị vào các nhóm có đặc điểm giống nhau theo ba nhóm sau: Nhóm các sở quản lý nhà nước; nhóm các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và nhóm các huyện, thành phố.
Hai là, xác định cụ thể các tiêu chí đánh giá. Về xác định nhiệm vụ trong năm của người đứng đầu chủ yếu đưa vào hai khối chính là khối quản lý nhà nước trực thuộc UBND tỉnh và khối các huyện, thành phố. Các tiêu chí dựa trên những điểm chung nhất mà các sở, ngành, các huyện, thành phố thường giống nhau và căn cứ vào các nhiệm vụ chung. Thí dụ như khối sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh căn cứ vào 5 nhiệm vụ chính: chất lượng công tác tham mưu; ý thức chấp hành sự chỉ đạo, phân công nhiệm vụ của cấp trên; hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy dân chủ, sự đoàn kết tập thể của sở, ngành; kết quả cải cách hành chính và thực hiện quy định về tiết kiệm, chống lãng phí. Tương tự như vậy, khối huyện và thành phố cũng quy định 5 nhiệm vụ trọng tâm trên cơ sở xác định nhiệm vụ chung trong công tác quản lý nhà nước.
Để làm rõ các tiêu chí ở cơ quan quản lý chuyên ngành và các huyện, thành phố có đặc điểm khác nhau, tiêu chí cho phép người đứng đầu tự xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành và huyện, thành phố mình cho phù hợp. Tất cả các nhiệm vụ đều được lượng hóa bằng chỉ tiêu cụ thể hoặc định lượng, định tính chỉ tiêu phấn đấu để dễ dàng trong xem xét, đánh giá nhận xét; đồng thời, để khắc phục việc người đứng đầu tự xác định nhiệm vụ của mình không đúng trọng tâm và đặt chỉ tiêu thấp để dễ hoàn thành.
Ba là, có cơ chế kiểm tra, kiểm soát rõ ràng, công khai. Cơ chế kiểm soát ở đây là bắt buộc các nhiệm vụ và chỉ tiêu đó phải được bàn bạc dân chủ từ dưới, có xác nhận của cấp ủy cùng cấp và được các đồng chí Thường trực UBND tỉnh phụ trách khối, phụ trách huyện, thành phố xem xét kỹ và ra quyết định ngay từ đầu năm đối với 10 nhiệm vụ (cả chung lẫn tự xác định) cho từng người đứng đầu, trên cơ sở đó để thực hiện và theo dõi.
Việc xác định nhiệm vụ là khâu rất quan trọng và cần thiết. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong năm, người đứng đầu sẽ dồn toàn bộ công sức, tập trung hoàn thành nhiệm vụ. Để thường xuyên kiểm tra, quy chế quy định 6 tháng một lần, bộ phận giúp việc và người đứng đầu phải tự kiểm điểm việc thực hiện 10 nhiệm vụ được đến đâu? Khó khăn, thuận lợi gì để phấn đấu hoàn thành vào cuối năm. Việc làm này cũng giúp Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận tổng thể công việc người đứng đầu và đôn đốc thực hiện tốt hơn.
Về xác định cách chấm điểm cho 10 nhiệm vụ trọng tâm tương ứng là 100 điểm; đối với các tiêu chí có định lượng, nếu đơn vị hoàn thành 100% số chỉ tiêu nhiệm vụ trọng tâm được 100 điểm và tương ứng; đối với tiêu chí không định lượng: quy định hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 100 điểm, mức hoàn thành nhiệm vụ đạt 70 điểm và không hoàn thành nhiệm vụ không được tính điểm. Trên cơ sở tính tổng hợp chung điểm số ở 10 nhiệm vụ trọng tâm để xác định đánh giá và xếp loại người đứng đầu. Ngoài cách tính điểm trên, quy chế cũng cộng thưởng và trừ điểm do sai phạm đối với người đứng đầu.
Bốn là, về quy trình đánh giá, chấm điểm trách nhiệm người đứng đầu được tiến hành chặt chẽ qua các bước: 1 - Người đứng đầu căn cứ nhiệm vụ được phê duyệt đầu năm tự đánh giá mức độ hoàn thành và tự chấm điểm cho mình, cơ quan ngang cấp tham gia nhận xét; 2 - Giám đốc các sở, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh nhận xét, rà soát việc tự chấm điểm trách nhiệm của chủ tịch UBND các huyện và thành phố; ngược lại, chủ tịch UBND các huyện, thành phố cũng nhận xét, rà soát việc tự chấm điểm của giám đốc các sở và đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; 3 - Sau đó, cơ quan giúp việc rà duyệt toàn bộ quy trình đánh giá đã nêu và cuối cùng các đồng chí trưởng khối là Thường trực UBND tỉnh, xem xét và cho ý kiến về việc xếp loại trước khi đưa ra UBND tỉnh xem xét xếp loại chung; 4 - Cuối cùng, hằng năm, người đứng đầu tự nhận xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ, tự xếp loại theo tiêu chí quy định.
Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra
Nhìn lại sau 3 năm thực hiện quy định và cách thức đánh giá trên cho thấy, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu có chuyển biến rõ nét; công tác chỉ đạo tập trung, quyết liệt, sâu sát hơn; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được khẳng định, đồng thời phát huy được trí tuệ tập thể của mỗi cơ quan, đơn vị. Hầu hết các cơ quan, địa phương đã xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm của người đứng đầu thực hiện cũng chính là nhiệm vụ chung của cấp ủy, của tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và của ngành, địa phương mình; từ đó cấp ủy cơ quan, chính quyền địa phương, đơn vị tập trung lãnh đạo, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí cấp phó và đơn vị, cơ quan cấp dưới cùng có trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Bên cạnh kết quả trên, việc đánh giá, xếp loại trách nhiệm người đứng đầu vẫn còn những hạn chế trong quá trình thực hiện: một số cán bộ là người đứng đầu nhận thức chưa thật đầy đủ, tinh thần trách nhiệm thấp nên thực hiện còn mang tính gượng ép và hình thức, có biểu hiện thờ ơ, phó mặc cho cấp phó hoặc cấp dưới thực hiện. Do việc đánh giá, chấm điểm phải căn cứ vào mức độ hoàn thành và muốn chính xác cần dựa vào chỉ tiêu, nhiệm vụ rất cụ thể, nhưng có nhiều nhiệm vụ chung không thể xác định bằng con số hoặc tỷ lệ % cũng như mốc thời gian hoàn thành, nên việc chấm điểm còn thiếu chính xác. Quá trình giám sát, theo dõi của tổ công tác và các đơn vị phụ trách khối chưa thường xuyên.Việc nhận xét, chấm điểm còn nể nang, chưa sát với tiêu chí và nhiệm vụ yêu cầu, nên trong nhận xét và đánh giá, chấm điểm còn có hạn chế nhất định.
Từ những kết quả ban đầu cũng như những hạn chế nảy sinh trong quá trình thực hiện, Bắc Giang tiếp tục giải quyết một số vấn đề: Tập trung khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời rà soát lại quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị. Xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu; kết hợp trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể theo phương châm: các nhiệm vụ phải rõ ràng, được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu để dễ đánh giá; nâng cao ý thức tự giác của người đứng đầu với yêu cầu nhiệm vụ được giao; công tác giám sát, kiểm tra của cấp trên cần chặt chẽ để bảo đảm cho việc nhận xét, chấm điểm, phân loại khách quan, chính xác; kết hợp việc đánh giá, chấm điểm với công tác thi đua khen thưởng của khối do các ngành và các huyện cùng khối thi đua nhận xét và xếp loại, đồng thời nêu cao vai trò tham gia giám sát, đánh giá của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, dư luận của xã hội và nhận xét của cán bộ cấp dưới bằng hình thức phiếu thăm dò. Công khai, minh bạch trong việc xếp loại để người đứng đầu tự giác nâng cao tinh thần trách nhiệm trước công việc, góp phần cùng hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ở một số quốc gia trên thế giới  (10/09/2012)
Quan điểm của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (10/09/2012)
Hà Nội hỗ trợ 8 tỷ đồng cho nhân dân vùng bị mưa lũ  (10/09/2012)
Thủ tướng yêu cầu khắc phục sự cố sạt lở ở Yên Bái  (10/09/2012)
Hội chữ Thập đỏ hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh bị thiên tai  (10/09/2012)
Lần đầu tổ chức “Ngày không khói xe” tại Việt Nam  (10/09/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển