NATO giữa tham vọng và giới hạn

Phan Lang
20:45, ngày 23-05-2012
TCCSĐT - Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ Barack Obama chọn Chicago là nơi tổ chức Hội nghị cấp cao năm nay của NATO. Hội nghị cấp cao này là hội nghị lớn nhất trong lịch sử NATO. Chicago lại là nơi khởi đầu con đường công danh sự nghiệp và dẫn đến đỉnh cao quyền lực cho ông B.Obama. Việc chủ trì Hội nghị này cùng với việc dàn xếp thời hậu chiến ở Afghanistan sẽ rất hữu dụng cho ông B.Obama trong nỗ lực trụ lại đỉnh cao quyền lực thêm một nhiệm kỳ nữa.
Những chuyện cụ thể cần được quyết định ở Hội nghị này là lộ trình triệt thoái quân đội khỏi Afghanistan cho tới cuối năm 2014 và mức độ can dự của NATO ở đây cho tới năm 2024, trong đó đặc biệt vấn đề viện trợ tài chính hàng năm khoảng 4,1 tỉ USD cho Afghanistan để bảo đảm an ninh và ổn định.

Một chủ đề nội dung khác là hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu vốn luôn khiến quan hệ của NATO với Nga rất trục trặc. Việc có kết nạp thêm thành viên hay không, không được bàn đến mà để dành cho Hội nghị cấp cao tới. Sau cùng mới là chủ đề NATO sẽ tồn tại như thế nào và để làm gì trong bối cảnh tình hình mới trên thế giới dưới tác động của những khó khăn kinh tế và tài chính mà tất cả các thành viên hiện tại đang gặp phải. Nói cách khác, là bàn về biện pháp giúp NATO đảm bảo được an ninh và thực hiện được tham vọng khi ngân sách quốc phòng của chung và của các thành viên ngày càng thêm eo hẹp.

Rất có thể để giúp Tổng thống B.Obama khuếch trương thanh thế phục vụ vận động tranh cử tổng thống và cũng rất có thể vì mới chỉ cần nhất trí trên nguyên tắc chưa bị buộc phải đi vào cụ thể mà Hội nghị này cơ bản có được sự hài hòa và đồng thuận quan điểm giữa các thành viên. Cái gì có thể nhất trí với nhau đều được các thành viên thông qua, cái còn trắc trở thì được để lại.

Việc tân Tổng thống Pháp Francois Hollande kiên định thực hiện cam kết tranh cử rút binh lính Pháp khỏi Afghanistan ngay trong năm nay tuy khiến một vài thành viên hậm hực, nhưng không vì thế mà định hướng chiến lược chung của NATO cho lộ trình triệt thoái quân đội khỏi Afghanstan và cho thời hậu chiến ở Afghanistan bị ảnh hưởng, lại càng không có chuyện bị đảo ngược.

Thế nên kết quả cụ thể của Hội nghị này chỉ dừng lại ở quyết định kích hoạt hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ ở châu Âu, khẳng định sẽ rút quân khỏi Afghanistan trong năm 2014 nhưng giữa năm 2013 sẽ chuyển giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh và ổn định cho Chính quyền Afghanistan và nhất trí viện trợ tài chính hàng năm 3,6 tỉ USD để giúp Chính phủ Afghanistan bảo đảm an ninh và ổn định với một số điều kiện nhất định đối với Chính phủ này, trong đó có việc phía Afghanistan chi hằng năm nửa tỉ USD cho quân sự và an ninh, để đến năm 2024 thì tự lo liệu hoàn toàn về tài chính. Chung chung vậy thôi chứ chưa thể cụ thể hơn nữa được, mà thỏa thuận chi tiết mới là việc khó.

Tương tự như vậy khi bàn về tương lai của NATO, Hội nghị này nhất trí về chiến lược "phòng thủ thông minh", có nghĩa là kết hợp mọi tiềm năng hiện có của các thành viên để có được khả năng quân sự cao nhất với chi phí thấp nhất và hình thành những liên minh giữa NATO với các đối tác bên ngoài trong những vấn đề cụ thể. Ý tưởng được tất cả tán đồng, nhưng thực hiện như thế nào và đóng góp tài chính của từng thành viên ra sao thì lại vẫn bị để ngỏ.

Những kết quả nói trên không che dấu thực tế là NATO đang trong cuộc khủng hoảng về bản sắc và tài chính. Chúng khiến NATO hiện bị giằng xé giữa tham vọng và khả năng hạn chế. Ẩn hiện sâu xa đằng sau đó là sự bất đồng quan điểm giữa các thành viên cả về thực chất định hướng chiến lược lẫn mức độ đóng góp của từng thành viên cho mục tiêu chung của NATO, thể hiện điển hình ở việc Mỹ không đi đầu trong cuộc chiến tranh của NATO ở Libia và việc Pháp rút quân khỏi Afghanistan sớm hơn thời hạn trong lộ trình chung của NATO. Chừng nào chưa khắc phục được sự không thống nhất nội bộ này thì chừng đó NATO chưa thể thích ứng hóa được với thời mới và hoàn cảnh mới./.