Một vài suy ngẫm về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam và Hà Nội trong bối cảnh hiện nay
TCCS- Công nghiệp văn hóa trở thành xu thế phát triển của thế giới. Các ngành công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành có đóng góp lớn vào GDP nhiều quốc gia phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa khẳng định được vị trí của các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế. Dưới đây là một vài suy ngẫm để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tạo được đột phá trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Việt Nam là một đất nước giàu tiềm năng, có nguồn “tư liệu sản xuất” vô cùng phong phú nhưng tại sao các ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa thể “cất cánh”. Vấn đề đặt ra đáng suy ngẫm là, bên cạnh không ít những việc đã làm, chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, phải thực sự đổi mới tư duy, nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện để các ngành công nghiệp văn hóa phát huy vai trò đối với nền kinh tế đất nước. Cụ thể:
Vấn đề thứ nhất: Từ thực tế phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thế giới có thể thấy, nếu chỉ dựa vào văn hóa truyền thống để phát triển công nghiệp văn hóa sẽ không đủ để gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa toàn cầu. Vì vậy, việc phát triển công nghiệp văn hóa cần hướng đến tạo dựng bản sắc quốc gia trên cơ sở gắn kết giữa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa vừa đặc sắc dân tộc, vừa có giá trị văn hóa phù hợp thời đại.
Vấn đề thứ hai: Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chương trình số hóa di sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030… là những cơ sở quan trọng nhưng rất cần một căn cứ, một cơ sở chính trị lớn hơn - đó là một nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, hướng đến tinh thần coi các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng, là mục tiêu, động lực cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; là sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần và vật chất, là sự thẩm thấu, nâng cao hàm lượng văn hóa trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; là sức mạnh mềm quốc gia; là cốt lõi để xây dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Vấn đề thứ ba: Coi phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để khai thông đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Trong giai đoạn đầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như ở nước ta hiện nay, sự tham gia của Đảng, Nhà nước là cần thiết, quan trọng và cần ở cả phương diện định hướng, dẫn dắt và hỗ trợ trực tiếp. Cụ thể, Nhà nước cần định hướng phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa phù hợp với quy luật phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế; cơ cấu lại các doanh nghiệp, cơ cấu lại hệ thống các sản phẩm công nghiệp văn hóa dựa trên xu thế phát triển của thời đại; tăng cường đầu tư cho công nghệ, đổi mới sáng tạo, đóng vai trò bảo trợ, là “bà đỡ” về cơ sở vật chất, kỹ thuật, hỗ trợ khởi nghiệp đối với các ngành, lĩnh vực mới trong công nghiệp văn hóa... Đặc biệt, đối với một số ngành, sản phẩm công nghiệp văn hóa mũi nhọn, Nhà nước cần hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở quỹ đất, hỗ trợ đổi mới, phát triển công nghệ, hỗ trợ đào tạo tay nghề, kĩ năng quản lý với các ngành liên quan đến sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng tài năng, đào tạo khả năng làm chủ công nghệ… với các ngành liên quan đến nghệ thuật biểu diễn… tạo ra các điều kiện chủ quan thuận lợi để phát triển thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Vấn đề thứ tư: Xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, lồng ghép các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa khi xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng vùng và từng địa phương. Đặc biệt, chú trọng tháo gỡ kịp thời các rào cản, vướng mắc, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, nhất là về điện ảnh, di sản văn hóa, quảng cáo, sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền tác giả... Trước đây, từ quan niệm văn hóa cơ bản là ngành nghệ thuật nên các đạo luật, các quy định chưa quan tâm đến khía cạnh đây là loại hàng hóa đặc biệt, vừa có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh, vừa có hiệu quả kinh tế - xã hội. Vì vậy, trước hết cần thống nhất cách hiểu về “thị trường công nghiệp văn hóa”, từ đó, dưới góc độ pháp luật, Quốc hội cần từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan theo hướng coi các ngành công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế và phải có cơ chế thúc đẩy, vận hành như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật thị trường, bảo hộ doanh nghiệp nội một cách công khai theo các cam kết quốc tế. Chính phủ cần xây dựng và ban hành kịp thời, đồng bộ các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành, tổ chức và thực hiện các chương trình, đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa hiệu quả; xây dựng bộ máy kiểm tra, kiểm soát, hệ thống phản hồi để giám sát và xử lý kịp thời vi phạm; có chính sách tôn vinh, đãi ngộ kịp thời, thỏa đáng… các cá nhân, tập thể có đóng góp vào sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Vấn đề thứ năm: Tập trung và tăng cường các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư tài chính. Bảo đảm mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm. Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế đầu tư văn hóa phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết một số vấn đề lớn như huy động các nguồn vốn và cơ chế giải ngân đối với các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa; nguồn nhân lực và cơ chế sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao…
Vấn đề thứ sáu: Thúc đẩy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với các ngành công nghiệp văn hóa. Đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ đòi hỏi nguồn lực lớn, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực, địa phương, đòi hỏi an toàn an ninh mạng nên Nhà nước cần nắm giữ vai trò đầu mối và cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể: Thứ nhất, đầu tư phát triển hạ tầng số, công nghệ số để xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa quốc gia, bộ chỉ số văn hóa quốc gia đầy đủ, chính xác và cập nhật, bảo đảm kết nối, tích hợp đồng bộ với hệ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu văn hóa các nước trong khu vực và trên thế giới. Thứ hai, đầu tư phát triển hạ tầng số trọng điểm cho một số địa phương, một số ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh để tạo đà phát triển vượt trội nhằm tạo ra sự bứt phá trong phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Thứ ba, phổ biến kiến thức sử dụng công nghệ số đến từng cá nhân (trong đó có các nghệ sỹ, nghệ nhân, nhà sản xuất, nhà kinh doanh và công chúng). Đào tạo nguồn nhân lực vừa có đam mê, am hiểu văn hóa, vừa có trình độ công nghệ thông qua các chương trình bồi dưỡng (đối với ngắn hạn) và hệ thống giáo dục trong nhà trường (đối với dài hạn).
Vấn đề thứ bảy: Cần có chính sách đặc thù đối với một số địa phương có tiềm năng, thế mạnh và đã bước đầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Hà Nội là địa phương đi đầu, đã và đang xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Đặc biệt với Hà Nội - Thành phố Thiết kế sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội đưa thiết kế sáng tạo thành hướng đi mũi nhọn, làm đòn bẩy động lực hình thành chuỗi các thành phố sáng tạo trong cả nước và thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác cùng phát triển. Đối với các địa phương khác, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế và lợi thế cạnh tranh của từng địa phương.
Vấn đề thứ tám: Bảo vệ bản quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ luôn là một trong những thách thức trên con đường phát triển và hội nhập của các quốc gia. Với thực trạng hiện nay, Việt Nam không có con đường nào khác là phải coi bảo vệ bản quyền là một trong những đột phá cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan phải trở thành ý thức pháp lý thường trực; việc xử lý nghiêm minh, công bằng, công khai các vi phạm phải được coi trọng trong toàn xã hội./.
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh  (08/10/2023)
Hoàn thiện thể chế phát triển văn hóa nhằm nâng cao năng lực nội tại của Thủ đô Hà Nội  (07/10/2023)
Khảo sát chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Nhật Bản - giá trị tham khảo cho Hà Nội  (05/10/2023)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 - biểu hiện sinh động về vấn đề “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”