Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
TCCS - Việt Nam đang trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số trên mọi lĩnh vực, từ thương mại điện tử, tài chính, đến giáo dục và y tế, công nghệ... đã và đang thay đổi cách thức vận hành, mang lại hiệu quả cao hơn và trải nghiệm tốt hơn cho người dân. Chính phủ và doanh nghiệp đang tích cực triển khai các chiến lược chuyển đổi số, tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là bước tiến quan trọng giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Bức tranh chung về chuyển đổi số và nền kinh tế số của Việt Nam
Thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Hình 1. Ngôi nhà Chuyển đổi số quốc gia
Thể chế số, môi trường số, kinh tế số và xã hội số là bốn trụ cột quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Trong đó, trụ cột thể chế số như một bệ đỡ cho ba trụ cột còn lại. Việt Nam muốn chuyển đổi số thành công thì phải triển khai xây dựng đồng bộ các lĩnh vực trên. Trong đó:
- Thể chế số là các chính sách, các khung pháp lý, quy định và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ phát triển các hoạt động trong kinh tế số và xã hội số.
- Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân được kết nối, có khả năng tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hóa số.
- Môi trường số bao gồm hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin như địa chỉ số, bản đồ số, hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng.
- Kinh tế số là thuật ngữ dùng để chỉ các hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu số nhằm nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình và tạo ra giá trị gia tăng.
Với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước có thu nhập cao, tập trung phát triển bốn lĩnh vực nêu trên là nhu cầu tất yếu và là con đường duy nhất. Khi đó, kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng cao so với các thành phần kinh tế khác. Theo Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31-3-2022, Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030, thì mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025, định hướng năm 2030 như sau:
Hình 2. Mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số theo Quyết định số 411/QĐ-TTg
Trong ba năm gần đây, kinh tế số Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể, thể hiện qua tỷ trọng trong GDP và tốc độ tăng trưởng hằng năm.
Hình 3. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam
Với dự báo tỷ trọng đạt 18,6% vào cuối năm 2024, kinh tế số không chỉ là lĩnh vực tăng trưởng nhanh mà còn là một trong những động lực chính của nền kinh tế.
Hình 4. GMV trong nền kinh tế số Việt Nam (tỷ USD)
Nguồn: Google, Temasek, and Bain, e-Conomy SEA 2024
GMV (Gross Merchandise Value) trong kinh tế số là tổng giá trị của tất cả các giao dịch hàng hóa hoặc dịch vụ được thực hiện qua các nền tảng
Năm 2024, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 36 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2023. Tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam được ghi nhận là nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp.
Nền kinh tế số Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhanh chóng, với tỷ trọng kinh tế số trong GDP tăng đều qua các năm, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của kinh tế số trong nền kinh tế quốc gia. Đồng thời, cho thấy sự chuyển dịch từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành kinh tế số. Sự chuyển dịch này bắt đầu từ các nền tảng cơ bản đến những công nghệ đột phá, khẳng định vai trò trung tâm của công nghệ trong mọi lĩnh vực.
Hình 5. Xu hướng phát triển kinh tế số Việt Nam giai đoạn 2016 đến nay
Các lĩnh vực phát triển hàng đầu trong nền kinh tế số bao gồm: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, dịch vụ tài chính, truyền thông trực tuyến, gọi xe công nghệ và giao đồ ăn.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực mới nổi và đang phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế số bao gồm:
- Công nghệ giáo dục (Edtech): Tận dụng công nghệ để cung cấp các giải pháp học tập trực tuyến, cá nhân hóa trải nghiệm giáo dục và cải thiện hiệu quả giảng dạy.
- Công nghệ y tế (Healthtech): Ứng dụng công nghệ trong chăm sóc sức khỏe, từ chẩn đoán từ xa, quản lý bệnh án điện tử đến các giải pháp AI hỗ trợ bác sĩ.
- Web3: Tập trung vào các ứng dụng phi tập trung (dApps), công nghệ blockchain và tiền mã hóa, tạo cơ hội mới trong việc quản lý dữ liệu và tài sản số.
- SaaS (Phần mềm dưới dạng dịch vụ): Đáp ứng nhu cầu phần mềm cho doanh nghiệp và cá nhân thông qua các giải pháp lưu trữ đám mây, giúp tiết kiệm chi phí và tăng cường tính linh hoạt.
Những lĩnh vực này không chỉ mở ra tiềm năng kinh tế lớn mà còn góp phần định hình tương lai của nền kinh tế số tại Việt Nam. Một số nhóm doanh nghiệp điển hình trong các lĩnh vực nổi bật của nền kinh tế số:
Xu hướng phát triển của một số lĩnh vực trong nền kinh tế số Việt Nam
Tài chính số (Digital Finance) và công nghệ tài chính (Fintech)
Trong năm 2024, mức độ phát triển của lĩnh vực tài chính số được thể hiện qua việc số hóa các nghiệp vụ tài chính hiện có và thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng:
- Tỷ lệ giao dịch trực tuyến của ngành ngân hàng tại Việt Nam: 90%
- Số lượng thanh toán không dùng tiền mặt tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước: Tăng 63.3%
Thanh toán điện tử
Hình 6. Tỷ lệ chuyển đổi thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á năm 2023
Nguồn: Visa Consumer Payment Attitudes Study (2023)
Theo báo cáo thống kê của Visa, Việt Nam dẫn đầu chuyển đổi thanh toán số ở Đông Nam Á, với tỷ lệ 88% người tiêu dùng không dùng tiền mặt khi thực hiện giao dịch. Trong các năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong xu hướng thanh toán điện tử, thể hiện qua số lượng và giá trị giao dịch tăng trưởng đáng kể.
Hình 7. Tổng giá trị giao dịch trong thị trường thanh toán điện tử tại khu vực Đông Nam Á
Nguồn: Google, Temasek, and Bain, e-Conomy SEA 2024
*GTV (Gross Transaction Value) bao gồm cả giá trị giao dịch dùng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, giao dịch giữa các tài khoản (A2A) và giao dịch dùng ví điện tử.
Hình 8. Tổng giá trị giao dịch trong thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam (tỷ USD)
Nguồn: Google, Temasek, and Bain, e-Conomy SEA 2024
Năm 2024, thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam đạt tổng giá trị giao dịch là 149 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2023. Đến năm 2030, Việt Nam được kỳ vọng đạt tổng giá trị giao dịch lên đến 350 tỷ USD, trở thành quốc gia đứng đầu Đông Nam Á trong việc chuyển đổi thanh toán số.
Hình 9. Mức độ tăng trưởng của các kênh thanh toán trong 7 tháng đầu năm 2024
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Động lực tăng trưởng của thanh toán điện tử Việt Nam đến từ sự gia tăng sử dụng mã QR trong thanh toán.
Hình 10. Mức độ thâm nhập thị trường của nền tảng tài chính số tại Việt Nam
Nguồn: Decision Lab Connected Consumer Survey Q3 2024
Momo và ZaloPay là hai ví điện tử chiếm thị phần lớn nhất trong phân khúc ví điện tử. Bên cạnh các ví điện tử, các ứng dụng mobile banking (ngân hàng di động) được cung cấp bởi các ngân hàng cũng được ghi nhận với tỷ lệ thâm nhập thị trường đạt 35%, chỉ sau Momo (69%) và ZaloPay (44%).
Hình 11. Số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua kênh Internet và Mobile Banking
(triệu giao dịch)
Mobile Banking đang dẫn đầu và là xu hướng chính trong số hóa ngân hàng tại Việt Nam với mức độ tăng trưởng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Hình 1.12. Giá trị giao dịch thanh toán nội địa qua kênh Internet và Mobile Banking
(nghìn tỷ VND)
Nguồn: Vụ Thanh toán − Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Mặc dù có số lượng giao dịch thấp hơn Mobile Banking, giá trị giao dịch thanh toán qua kênh Internet lại có mức độ tăng trưởng vượt trội hơn.
Công nghệ tài chính (Fintech)
Hình 13. Xu hướng đầu tư Fintech toàn cầu
Nguồn: Báo cáo Fintech in ASEAN 2024
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư Fintech toàn cầu đạt 39,6 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2023.
- Bắc Mỹ và châu Âu, hai khu vực kinh tế lớn nhất về Fintech, chứng kiến mức sụt giảm hơn 1/3 do lạm phát và những lo ngại địa chính trị vẫn còn dai dẳng.
- Các quốc gia thuộc ASEAN-6 (bao gồm Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam) ghi nhận mức giảm chưa đến 1% so với cùng kỳ, cho thấy khả năng phục hồi và ổn định của khu vực này.
- Khu vực Nam Mỹ và châu Phi là những khu vực duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng 15% so với năm trước.
Hình 14. Thị phần vốn đầu tư vào Fintech theo quốc gia
Việt Nam chỉ chiếm 2% tổng số vốn đầu tư vào Fintech trong khu vực ASEAN năm 2023 và tỷ lệ này tiếp tục duy trì ở mức <1% trong 9 tháng đầu năm 2024.
Hình 15. Thị phần thương vụ đầu tư vào Fintech theo quốc gia
Nguồn: Báo cáo Fintech in ASEAN 2024
Trong những năm gần đây, thị trường Fintech Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển. Mặc dù mức độ đầu tư có giảm nhẹ ở năm 2024 so với 2023, nhưng thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển tốt. So với các quốc gia dẫn đầu khu vực như Singapore, Thái Lan hay Indonesia, thị trường Fintech Việt Nam còn nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
Hình 1.16. Số lượng công ty Fintech từ 2010 − 2023
Nguồn: Statista
Số lượng công ty Fintech trong nước đã tăng đáng kể trong giai đoạn 2010 − 2023, từ 10 công ty vào cuối năm 2010 lên hơn 187 công ty vào năm 2023 và vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong vài năm tới, thậm chí là thập kỷ tới.
Hình 17. Thị phần các lĩnh vực Fintech tại Việt Nam (2021)
Nguồn: Fintech News Singapore (2021)
Dịch vụ thanh toán là phân khúc lớn nhất (31%) trong lĩnh vực Fintech với sự phát triển của các ví điện tử và ngân hàng số. Hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) và không gian tiền điện tử/blockchain là hai phân khúc có mức tăng trưởng mạnh nhất. Hai dịch vụ này có số lượng công ty khởi nghiệp tăng từ ít hơn 5 vào năm 2017 lên hơn 15 công ty khởi nghiệp trong năm 2020.
Hình 18. Thị trường cho vay ngang hàng tại Việt Nam trong các năm gần đây
Nguồn: Google, Temasek, and Bain, e-Conomy SEA 2024
*Loan book balance (dư nợ cho vay) bao gồm cả số dư cuối năm cho các khoản cho vay tiêu dùng (không bao gồm thẻ tín dụng và thế chấp) cũng như các khoản vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Xu hướng phát triển lĩnh vực tài chính số
Tại Việt Nam, xu hướng tài chính số và công nghệ tài chính đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là với sự phổ biến của các dịch vụ ngân hàng số, ví điện tử và nền tảng cho vay ngang hàng. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các dịch vụ tài chính tiện lợi và linh hoạt, điều này thúc đẩy sự bùng nổ của tài chính số. Đồng thời, các công nghệ như Blockchain và tài chính phi tập trung (DeFi) cũng bắt đầu thu hút sự quan tâm tại Việt Nam, mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Với sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển hạ tầng công nghệ, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường năng động nhất trong lĩnh vực công nghệ tài chính, hứa hẹn sẽ tiếp tục dẫn đầu trong việc áp dụng các giải pháp tài chính số trong tương lai.
Thương mại điện tử
Hình 19. GMV Thương mại Điện tử của các quốc gia khu vực Đông Nam Á
Nguồn: Báo cáo E-conomy của Google (2024)
Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam năm 2024 ước tính đạt 22 tỷ USD, đứng thứ ba tại khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD).
Hình 20. GMV Thương mại Điện tử tại Việt Nam qua các năm
Nguồn: Báo cáo E-conomy của Google (2024)
Năm 2024, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng trưởng 18% so với năm ngoái, nhanh thứ ba trong khu vực, sau Philippines (23%) và Thái Lan (19%).
Hình 21. Thị phần doanh thu của các nền tảng thương mại điện tử nửa đầu năm 2024
Nguồn: Metric
Các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ nổi bật trong năm 2024 bao gồm Shopee, Tiktok Shop, Lazada và Tiki. Trong đó, Shopee và Tiktok Shop chiếm gần 90% thị phần doanh thu của toàn bộ thị trường thương mại điện tử.
Xu hướng phát triển lĩnh vực thương mại điện tử
Hình 22. Hệ thống thương mại điện tử trong thời đại kinh tế số
Trong thời đại kinh tế số, hệ thống thương mại điện tử đang trở thành trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, được xây dựng dựa trên sự liên kết chặt chẽ giữa chuỗi cung ứng đầu vào và kênh phân phối. Xu hướng thương mại điện tử hiện nay không chỉ tập trung vào việc chuyển giao sản phẩm và dịch vụ hiệu quả, mà còn tích hợp các công nghệ và lĩnh vực tiên tiến như nhà máy thông minh, logistics thông minh, tài chính số, marketing số. Bên cạnh đó, việc ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI), điển hình như chatbot hỗ trợ khách hàng, hệ thống gợi ý sản phẩm dựa trên sở thích cá nhân, giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng cường năng lực cạnh tranh.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình trên 19% mỗi năm và đạt 63 tỷ USD vào năm 2030. Khi đó, Việt Nam được kỳ vọng sẽ vượt qua Thái Lan, xếp thứ hai trong khu vực, chỉ sau Indonesia.
Du lịch trực tuyến
Hình 23. GMV du lịch trực tuyến của các quốc gia khu vực Đông Nam Á (tỷ USD)
Nguồn: Google, Temasek, and Bain, e-Conomy SEA 2024
*GMV trong du lịch là giá trị tổng hợp của các giao dịch đặt chỗ trực tuyến liên quan đến du lịch, bao gồm: vé máy bay, khách sạn, các dịch vụ khác (tour du lịch, xe đưa đón, dịch vụ bổ sung)
GMV du lịch trực tuyến của Việt Nam đạt 5 tỷ USD vào năm 2024. Tuy nhiên, giá trị du lịch trực tuyến của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các quốc gia cùng khu vực.
Hình 24. GTB du lịch trực tuyến tại Việt Nam trong các năm gần đây (tỷ USD)
Nguồn: Google, Temasek, and Bain, e-Conomy SEA 2024
Với mức độ tăng trưởng 16%, du lịch trực tuyến trở thành một trong hai động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số chính tại Việt Nam năm 2024. Xu hướng tăng trưởng du lịch trực tuyến nhanh nhờ vào nhu cầu du lịch nội địa, đặc biệt là sự phát triển của các đại lý du lịch trực tuyến (OTA − Online Travel Agent), trong đó, nổi bật là Traveloka, Agoda, Booking.com.
Hình 25. Các kênh OTA được sử dụng nhiều nhất bởi người dùng internet
Nguồn: Sách trắng Thương mại điện tử (2023)
Các OTA toàn cầu như Agoda, Booking, Traveloka chiếm tới 80% thị phần du lịch trực tuyến Việt Nam.
Hình 26. Các hạng mục chi tiêu cho du lịch trực tuyến của Việt Nam năm 2023 (tỷ USD)
Nguồn: Báo cáo Digital 2024: Vietnam
Khách sạn (866,1 tỷ USD) và du lịch trọn gói (666,9 tỷ USD) là hai hạng mục chi tiêu cao nhất của người tiêu dùng cho các nền tảng du lịch trực tuyến. Xu hướng du lịch trực tuyến ngày càng phổ biến khi người tiêu dùng ưa chuộng sự nhanh chóng và linh hoạt từ các ứng dụng công nghệ. Đồng thời, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra cơ hội cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, từ gợi ý điểm đến, dịch vụ phù hợp đến tối ưu hóa hành trình. Du lịch trực tuyến Việt Nam được đánh giá tiếp tục tăng trưởng đến năm 2030, với mức độ tăng trưởng 16 − 18% mỗi năm.
Gọi xe công nghệ và giao đồ ăn (Transport & Food delivery)
Hình 27. GMV gọi xe công nghệ và giao đồ ăn của các quốc gia khu vực Đông Nam Á
Nguồn: Google, Temasek, and Bain, e-Conomy SEA 2024
Năm 2024, Việt Nam đạt 4 tỷ USD GMV gọi xe công nghệ và giao đồ ăn, chỉ cao hơn Philippines (3 tỷ USD) trong khu vực Đông Nam Á.
Hình 28. GMV gọi xe công nghệ và giao đồ ăn tại Việt Nam qua các năm
Năm 2024, lĩnh vực gọi xe công nghệ và giao đồ ăn tại Việt Nam đã tăng trưởng 12% so với năm ngoái, nhanh thứ ba trong khu vực, sau Philippines (13%) và Indonesia (13%).
Hình 29. Thị phần của các nền tảng giao đồ ăn năm 2023
Nguồn: Food delivery platforms in Southeast Asia (2024)
GrabFood (47%) và ShopeeFood (45%) chiếm gần như toàn bộ thị phần của dịch vụ giao đồ ăn vào năm 2023. Baemin và GOjek đã rút khỏi thị trường Việt Nam vào cuối năm 2023.
Hình 30. Thị phần của các nền tảng gọi xe công nghệ theo doanh thu năm 2023
Nguồn: Mordor Intelligence
Grab (58,68%) là doanh nghiệp chiếm thị phần cao nhất. XanhSM mặc dù mới gia nhập thị trường nhưng chiếm tới 18,17% doanh thu toàn thị trường, cao gấp đôi Be Group (9,21%). 8% còn lại thuộc về Mai Linh, Vinasun và một số hãng taxi truyền thống khác.
Xét về mức độ tăng trưởng, lĩnh vực gọi xe công nghệ và giao đồ ăn tại Việt Nam là một trong một những lĩnh vực cốt lõi, thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số. Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng GMV gọi xe công nghệ và giao đồ ăn đến năm 2030, đạt 9 tỷ USD. Nhu cầu sử dụng các dịch vụ gọi xe công nghệ và giao đồ ăn tại Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng cao, không chỉ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, mà còn tại các tỉnh, thành nhỏ khác. Lĩnh vực gọi xe công nghệ và giao đồ ăn tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ vào ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, giúp tối ưu hóa quy trình và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Bên cạnh đó, các giải pháp tập trung vào bền vững và bảo vệ môi trường cũng được chú trọng và là xu hướng phát triển trong tương lai.
Truyền thông số (Online media)
Hình 31. GMV truyền thông số tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á
Năm 2024, Việt Nam đạt 6 tỷ USD GMV truyền thông số, chỉ sau Indonesia (8 tỷ USD) và Thái Lan (6 tỷ), nhưng có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực (14%).
Hình 32. GMV truyền thông số tại Việt Nam các năm gần đây
Nguồn: Google, Temasek, and Bain, e-Conomy SEA 2024
Năm 2024, thị trường truyền thông số tại Việt Nam đã tăng trưởng 14% so với năm ngoái. Dự kiến tiếp tục tăng trưởng đến năm 2030 và đạt 11 tỷ USD.
Nội dung số
Hình 33. Tổng doanh thu từ các nội dung số tại Việt Nam năm 2023 (triệu USD)
Trò chơi điện tử và video theo nhu cầu là hai nội dung số có tổng doanh thu cao nhất tại Việt Nam năm 2023. Trong đó, video theo nhu cầu đạt mức tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Quảng cáo
Hình 34. Chi tiêu quảng cáo số theo các danh mục tại Việt Nam năm 2023 (triệu USD)
Nguồn: Báo cáo Digital 2024: Vietnam
Năm 2023, tổng chi tiêu cho quảng cáo số tại Việt Nam tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, quảng cáo tìm kiếm trực tuyến và banner chiếm ưu thế rõ rệt, nhấn mạnh vai trò của các nền tảng công nghệ lớn như Google, Facebook.
Sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội (Facebook, Tiktok, Youtube) và các nền tảng phát trực tuyến (Netflix, Spotify) đã thay đổi cách người dùng tiếp cận thông tin và giải trí. Xu hướng truyền thông trực tuyến trong tương lai sẽ tiếp tục bùng nổ, đặc biệt là với việc áp dụng công nghệ AI để gợi ý nội dung phù hợp với sở thích cá nhân, mang đến trải nghiệm ngày càng cá nhân hóa. Đồng thời, sự kết hợp với các công nghệ mới như thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) sẽ mở ra những trải nghiệm tương tác phong phú, cho phép người dùng không chỉ tiếp nhận thông tin mà còn tham gia vào các hoạt động giải trí và tương tác trực tuyến một cách sống động. Ngành truyền thông trực tuyến của Việt Nam trong tương lai sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, với sự đa dạng hóa nội dung và sự phát triển của các hình thức giải trí mới.
Như vậy, các lĩnh vực cốt lõi trong nền kinh tế số bao gồm thương mại điện tử, tài chính số, du lịch trực tuyến, gọi xe công nghệ và giao đồ ăn và truyền thông trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ nhờ vào những tiến bộ công nghệ và sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng. Những xu hướng này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng mà còn mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để duy trì sự tăng trưởng bên vững, các lĩnh vực này cần tập trung vào việc giải quyết các thách thức quan trọng, như bảo mật dữ liệu, vấn đề pháp lý và phát triển hạ tầng công nghệ hiện đại. Những yếu tố này sẽ quyết định khả năng phát triển lâu dài và hiệu quả của nền kinh tế số trong tương lai./.
Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển số trong giải quyết thủ tục hành chính  (27/11/2024)
Phát triển kinh tế số tại Hà Nội: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra  (20/11/2024)
Xây dựng thành phố thông minh: Kinh nghiệm quốc tế và một số hàm ý chính sách đối với Thủ đô Hà Nội  (15/11/2024)
Quảng Ninh phấn đấu trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số  (28/10/2024)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên