Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
TCCS - Trong Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Người đã khẳng định “chính trị trọng hơn quân sự”. Điều này có nghĩa là việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là hết sức quan trọng, là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội, một công việc “gốc” Đảng phải chăm lo. Đây cũng là nội dung cốt lõi, một bộ phận trọng yếu trong tư tưởng quân sự của Người, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và những chỉ dẫn xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cách đây 80 năm, một ngày trước Lễ thành lập Đội Tuyên truyền Giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là Chỉ thị của Người về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này. Trải qua quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã kế thừa truyền thống quật cường, bất khuất của dân tộc, không ngừng phát huy bản chất cách mạng tốt đẹp, luôn xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(1), được nhân dân tin yêu trao tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.
Là người trực tiếp tổ chức, giáo dục, rèn luyện quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Đó là quan điểm cơ bản, xuyên suốt trong tư tưởng của Người về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Ngay trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Người đã chỉ rõ: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”(2). Chú trọng chăm lo chỉ đạo từng bước xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của quân đội nhân dân, Người đề ra quan điểm hết sức quan trọng trong việc xây dựng lực lượng vũ trang, đó là “Người trước, súng sau”, đồng thời chỉ rõ “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(3). Trong báo cáo tại Hội nghị lần thứ III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II (tháng 4-1952), Người chỉ rõ: “Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc”(4).
Việc coi trọng xây dựng quân đội về chính trị để làm cơ sở xây dựng sức mạnh chiến đấu của quân đội ta bắt nguồn từ thấm nhuần sâu sắc học thuyết Mác - Lê-nin về bản chất chính trị - xã hội của quân đội. Theo đó: Quân đội nào cũng mang bản chất của giai cấp đã tổ chức và nuôi dưỡng nó; không thể có thứ quân đội phi giai cấp, trung lập về chính trị như những luận điệu mị dân, giả dối do giai cấp tư sản tuyên truyền. Công khai bản chất chính trị - xã hội của quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh, quân đội ta là quân đội của nhân dân, chiến đấu, hy sinh vì dân. Người căn dặn: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân”(5). Đã là quân đội của nhân dân thì mục tiêu chiến đấu của nó là: “Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không còn lợi ích nào khác”(6). Sự khẳng định ấy cho thấy quân đội ta có bản chất chính trị - xã hội khác hẳn bản chất của quân đội thuộc giai cấp bóc lột. Có thể khẳng định, việc xây dựng bản chất giai cấp công nhân cho quân đội ở một nước kinh tế chậm phát triển, thành phần xuất thân của quân nhân chủ yếu từ nông dân là một đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận về xây dựng quân đội cách mạng. Ở đây, Người đã xử lý tài tình mối quan hệ dân tộc - giai cấp trong giáo dục, rèn luyện quân đội ta, làm cho bản chất giai cấp công nhân của quân đội ta không đối lập, mà thống nhất và gắn bó chặt chẽ với tính nhân dân sâu sắc. Người khẳng định: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội... Quân đội ta có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả”(7). Đây là sự khái quát đầy đủ, cô đọng, súc tích nhất bản chất chính trị - xã hội của quân đội ta. Đồng thời, đó cũng là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp xây dựng quân đội về chính trị.
Quan tâm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, xem đó là nguyên tắc chỉ đạo cơ bản, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với quân đội là thể hiện việc xử lý đúng đắn, tài tình mối quan hệ giữa con người và vũ khí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, theo Người: Nhân tố con người giữ vai trò quyết định, yếu tố chính trị - tinh thần là ưu thế tuyệt đối của quân đội và nhân dân ta trong tiến hành chiến tranh nhân dân giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ xem nhẹ việc xây dựng quân đội về các mặt kỹ - chiến thuật, trang bị vũ khí... Ngược lại, Người coi trọng xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, song phải lấy xây dựng chính trị vững mạnh làm gốc. Người viết: “Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch”(8) và “Muốn cho quân đội ta quyết chiến quyết thắng hơn nữa thì phải săn sóc đời sống vật chất của họ, nâng cao trình độ chiến thuật và kỹ thuật của họ, nhất là giáo dục chính trị, làm cho có lập trường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo”(9). Trong bài nói chuyện tại Trường Chính trị trung cấp quân đội (25-10-1951), Người căn dặn: “Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự”(10) và “Lúc ra trận, việc đặt mìn, phá lô cốt đều do tay anh em đội viên làm. Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khoẻ mạnh thì nhất định thắng. Trái lại, nếu anh em chính trị khá, nhưng quân sự kém, hoặc chính trị quân sự đều khá nhưng thân thể yếu đuối thì cũng không thắng được”(11).
Để tăng cường bản chất chính trị cách mạng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tổ chức và xây dựng quân đội từ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng và tuân theo nguyên tắc xây dựng tổ chức của đảng cộng sản. Người đã nhiều lần khẳng định: Quân đội ta là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, phải dựa vào dân mà chiến đấu. Người xác định điều kiện tiên quyết để xây dựng bản chất giai cấp công nhân cho quân đội là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phải đẩy mạnh công tác chính trị trong quân đội. Người nói: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(12). Do đó: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Phải tăng cường giáo dục chính trị để nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho toàn quân”(13).
Việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội phải được thể hiện trên cả 3 phương diện: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Về phương diện chính trị, cần phải làm cho quân đội phục tùng đường lối chính trị của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”(14). Về phương diện tư tưởng, Người đòi hỏi phải thường xuyên giáo dục mục tiêu chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho quân đội, bởi đó cũng là mục tiêu chiến đấu của Đảng; phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam trong đời sống tinh thần của quân đội. Do đó, “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ”(15).
Để luôn giữ vững và tăng cường bản chất của quân đội cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến củng cố kỷ luật nghiêm minh, xây dựng các mối quan hệ tốt giữa cán - binh, giữa quân - dân. Người luôn yêu cầu quân đội phải giữ vững kỷ luật, đoàn kết trên dưới, đoàn kết quân dân; trong đó đội ngũ cán bộ phải thật gương mẫu trước các đội viên, phải luôn quan tâm săn sóc đời sống vật chất, tinh thần và sức chiến đấu của các đội viên. Người căn dặn: “Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”(16). Trong quan hệ với dân, Người đã ví “quân và dân như cá với nước” và đòi hỏi “bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi. Muốn thế phải bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục nhân dân”(17), phải “Không động đến một cái kim, một sợi chỉ của dân”(18).
Những luận điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị đã dẫn dắt quân đội ta trưởng thành, lớn mạnh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thời kỳ mới của cách mạng, những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có ý nghĩa quan trọng đến toàn bộ hoạt động và hiệu quả của việc giáo dục chính trị, tư tưởng, giúp củng cố lòng tin và phát triển bản lĩnh chính trị, trình độ chính trị của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Bản chất, truyền thống của “Bộ đội Cụ Hồ” được giữ vững và phát huy. Ðó là những phẩm chất: Lòng trung thành tuyệt đối với Ðảng, Nhà nước, với nhân dân; tình yêu Tổ quốc, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, gắn bó máu thịt với nhân dân; ý thức tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo; ý thức chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật của Nhà nước; tình đồng chí, đồng đội, lối sống, nếp sống chính quy lành mạnh, có văn hóa và có tình nghĩa.
Thực tiễn 80 năm qua cho thấy, sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân là sức mạnh tổng hợp dựa trên cơ sở tổ chức khoa học, cơ cấu tổ chức lực lượng hợp lý, phù hợp với tình hình trong mỗi giai đoạn lịch sử. Trong đó, chú trọng xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị là một nội dung cơ bản, xuyên suốt quá trình xây dựng quân đội; là nhân tố quyết định quá trình trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội nhân dân. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội hiện nay.
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Quan điểm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị, có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn, là cơ sở lý luận, phương pháp luận để xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị; đồng thời, là cơ sở lý luận để đấu tranh, vạch trần tính chất phản động của các luận điệu phủ nhận nội dung, bản chất chính trị của quân đội. Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(19). Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đó, Quân đội nhân dân Việt Nam phải thực sự xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến. Yêu cầu đó đặt ra nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở.
Xây dựng quân đội về chính trị đang có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch về chính trị, tư tưởng và tổ chức; sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, các tệ nạn xã hội và sự chênh lệch về trình độ phát triển, mức sống... Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng quân sự của Người, kế thừa và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, những bài học kinh nghiệm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân đội ta 80 năm qua, trên cơ sở đó, cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam là biểu hiện cụ thể chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố cốt lõi quyết định bản chất chính trị, sức mạnh tổng hợp và sự trưởng thành, chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, đòi hỏi Đảng phải xác định đúng đắn, kịp thời đường lối, quan điểm về quân sự, quốc phòng, về xây dựng và phát triển nền quốc phòng toàn dân, về bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quân đội nhân dân trong tình hình mới. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực mở rộng, giao lưu, hội nhập quốc tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của toàn dân, của hệ thống chính trị trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chăm lo xây dựng Đảng bộ quân đội và hệ thống tổ chức đảng trong quân đội trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo toàn quân trong mọi tình huống là vấn đề then chốt trong giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Hai là, cụ thể hóa nội dung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Cái “gốc” chính trị của quân đội ta là tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thực sự thấm nhuần mục tiêu, lý tưởng của Đảng, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Vì vậy, trong thời kỳ đổi mới, cần phải cụ thể hóa xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới.
Nội dung tư tưởng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị của Đảng ta trong thời kỳ mới gắn với phương hướng xây dựng quân đội trong thời kỳ mới được Đảng ta xác định: “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Sự vững mạnh về chính trị của quân đội là sự kiên định, vững vàng, nhạy bén về chính trị của quân đội, để cho quân đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong bất cứ điều kiện, tình huống nào; luôn là lực lượng chính trị thật trong sạch, thật trung thành, tin cậy, là lực lượng bảo vệ thật vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đó là sự kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự kiên định bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội; sự trung thành tuyệt đối của quân đội đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong mọi tình huống.
Ba là, xây dựng hệ thống tổ chức trong quân đội trong sạch, vững mạnh tiêu biểu về mọi mặt. Đối với tổ chức đảng các cấp trong quân đội, từ Quân ủy Trung ương đến các tổ chức cơ sở đảng cần quán triệt sâu sắc hơn nữa yêu cầu, nội dung giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong tình hình mới, thể hiện trong các chủ trương, nghị quyết lãnh đạo xây dựng quân đội, xây dựng đơn vị. Gắn chặt yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đối với các tổ chức chỉ huy trong quân đội cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, nghị quyết của các tổ chức đảng các cấp, được cụ thể hoá trong chương trình, kế hoạch xây dựng, huấn luyện của đơn vị, đồng thời nêu cao ý thức trách nhiệm và quyết tâm tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Xây dựng các tổ chức chỉ huy trong quân đội thực sự vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và yêu cầu giữ vững, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ là “gốc” của mọi công việc. Trong vấn đề xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên lại càng trở nên đặc biệt quan trọng. Tầm quan trọng đó thể hiện ở chỗ, đây là lực lượng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nội dung, biện pháp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong tất cả các đơn vị toàn quân.
Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ các cấp với xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Làm cho đội ngũ cán bộ nhận thức rõ yêu cầu xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị và nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của quân đội, của đơn vị. Đội ngũ cán bộ cần tiếp tục được quan tâm tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tốt, làm cho đội ngũ có số lượng và cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, phát triển đồng bộ và vững chắc, phát huy tốt vai trò trong giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Rèn luyện cán bộ thông qua sinh hoạt cấp ủy và tổ chức đảng; tự phê bình và phê bình; kiểm tra, giám sát; học tập chính trị hằng năm; góp ý phê bình của các tổ chức quần chúng, cấp ủy nơi cư trú; ý kiến góp ý phê bình của đơn vị trong ngày chính trị và văn hóa tinh thần..., thông qua việc giao nhiệm vụ cho cán bộ để thử thách, rèn luyện. Đồng thời, cần duy trì nghiêm việc chấp hành điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật, không bao che, giấu giếm khuyết điểm cán bộ, không vì quan hệ thân quen mà xử lý thiếu kiên quyết, “nhẹ trên, nặng dưới”.
Năm là, tiếp tục đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Theo đó, phải đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động, các nội dung công tác đảng, công tác chính trị trong tất cả các nhiệm vụ, các mặt công tác, các lĩnh vực hoạt động của quân đội. Đồng thời, hết sức coi trọng xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp.
Sáu là, gắn kết chặt chẽ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị với xây dựng các yếu tố hợp thành chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Cần bảo đảm cho quân đội luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, thật sự tinh nhuệ về chính trị, giỏi tác chiến trên cả mặt trận quân sự và mặt trận tư tưởng, lý luận; có sức chiến đấu cao, đáp ứng mọi yêu cầu của phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Cùng với xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị cần xây dựng quân đội thật sự chính quy, tinh nhuệ cả về tổ chức biên chế, trang bị, chỉ huy, quản lý bộ đội và phương thức tác chiến, huấn luyện chiến đấu và chiến đấu, bảo đảm cho quân đội có tổ chức biên chế hợp lý, thống nhất, tinh gọn và có sức chiến đấu cao.
Bảy là, tích cực, chủ động, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch. Các thế lực thù địch đang ra sức chống phá nền tảng, sức mạnh chính trị của quân đội ta, chúng ra sức kích động đòi “phi chính trị hóa” quân đội bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; thông qua các luận điệu phản động về “quân đội trung lập”, “quân đội phi giai cấp”, “quân đội phi chính trị”, “đứng ngoài chính trị” hòng làm cho quân đội ta phai nhạt về chính trị. Điều đó đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và các tổ chức, lực lượng trong toàn quân phải quán triệt và thực hiện triệt để quan điểm, tư tưởng chỉ đạo: tích cực, chủ động, tiến công, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch. Thường xuyên củng cố, tăng cường bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội; tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao trình độ giác ngộ cho cán bộ, chiến sĩ về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng để đấu tranh, bác bỏ các quan điểm sai trái, phản động, phản khoa học của các thế lực thù địch.
Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tuy ngắn gọn, văn phong giản dị, nhưng hàm chứa đầy đủ nội dung của một Cương lĩnh quân sự, là cơ sở lý luận để Đảng ta xác định hệ thống quan điểm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị. Thực tiễn hơn 80 năm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị đã chứng minh - đây là nhân tố quyết định quá trình trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta./.
--------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 435
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 539
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 217
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 398
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 334
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 334
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 435
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 470
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 398
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 217
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 219
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 435
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 365
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 217
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 29
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 67
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 488
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 135
(19) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. I, tr. 156
Quân đội nhân dân Việt Nam - Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh  (15/12/2024)
Tám mươi năm “Linh hồn, mạch sống của quân đội cách mạng”  (05/11/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 - biểu hiện sinh động về vấn đề “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”