TCCS - Hiện nay, trên các tuyến đường giao thông vẫn xảy ra tình trạng các xe thường đón, trả khách tại những địa điểm không đúng nơi quy định, dễ gây tai nạn và gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.

Phương tiện dừng đỗ tràn lan dọc hai bên đường không những chiếm phần đường của người tham gia giao thông khác mà còn che khuất tầm nhìn, nguy cơ xảy ra tai nạn cao_Nguồn: nguoiduatin.vn

Đối với các vụ tai nạn giao thông liên quan đến hành vi dừng xe, đỗ xe của người điều khiển phương tiện giao thông thì việc xác định lỗi cần phải dựa vào nhiều yếu tố. Nếu lái xe thực hiện hành vi dừng, đỗ xe đúng quy định mà bị các phương tiện khác va chạm vào thì khi đó họ sẽ đúng. Nếu lái xe dừng, đỗ xe sai quy định mà để gây ra tai nạn giao thông khi đó họ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khi đó căn cứ vào tính chất vụ việc mà xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Quy định của pháp luật về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ

Theo Điều 18, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác. Còn đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

Khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ người điều khiển phương tiện phải thực hiện các quy định sau đây: Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình; trên các tuyến đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.

Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn; khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái; xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: bên trái đường một chiều; trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt; song song với một xe khác đang dừng, đỗ; trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; nơi dừng của xe buýt; trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Theo quy định, các phương tiện tham gia giao thông dừng, đón trả khách không đúng quy định về an toàn giao thông đều bị xử lý, phạt tiền theo quy định của pháp luật. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định rõ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Trong đó, quy định mức xử phạt người điều khiển xe ô-tô chở hành khách, ô-tô chở người và các loại xe tương tự xe ô-tô chở hành khách, chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ.

Cụ thể, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng đối với một trong các hành vi: Đón, trả hành khách không đúng nơi quy định trên những tuyến đường đã xác định nơi đón, trả khách hoặc dừng đón, trả hành khách quá thời gian quy định (trừ đường cao tốc); đón, trả hành khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ, nơi đường cong tầm nhìn bị che khuất (trừ đường cao tốc). Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng đối với hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc. Theo đó, mức xử phạt đối với hành vi điều khiển phương tiện đón, trả khách không đúng nơi quy định tùy từng tuyến đường, mức độ hành vi sẽ bị xử phạt tới 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4 tháng.

Tăng cường các biện pháp

Để góp phần giảm tình trạng dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định, lực lượng cảnh sát giao thông tập trung kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (ATGT), tập trung các vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Ngoài kiểm tra giấy tờ, giấy phép lái xe, lực lượng chức năng tập trung kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm ATGT là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, như nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người, vận chuyển chất cháy, nổ,… Qua kiểm tra cũng chú ý xử lý nghiêm những vi phạm nhồi nhét khách, dừng, đón khách không đúng nơi quy định, gây lộn xộn làm ảnh hưởng đến trật tự, ATGT.

Theo đó, Ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến dừng, đón, trả khách không đúng quy định. Đồng thời, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT đến các doanh nghiệp, đơn vị, tài xế, chủ xe kinh doanh vận tải hành khách. Trong đó, chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện vận tải.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT, hoạt động kinh doanh vận tải; quản lý các bến xe, bãi đỗ xe; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ; đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các đơn vị kinh doanh vận tải, đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra để đề xuất lắp đặt các loại biển báo, như cấm xe lưu thông, cấm dừng xe và đỗ xe… tại các vị trí hoạt động gây mất trật tự an toàn giao thông; tổ chức rà soát mục đích sử dụng đất đối với các điểm đón trả khách trong khuôn viên, địa điểm kinh doanh; kiểm tra, xem xét chặt chẽ phương án phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông đối với những điểm tập trung đông hành khách./.