Nông nghiệp là thị trường trọng tâm, nông dân là người bạn đồng hành
TCCS - Với tỷ trọng cho vay “tam nông” trong những năm qua luôn ở mức 65-70% tổng dư nợ, Agribank xác định nông nghiệp, nông thôn là thị trường trọng tâm, nông dân là người bạn đồng hành.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro bởi dịch bệnh, thời tiết, thiên tai… Điều này có nghĩa, tín dụng đầu tư cho lĩnh vực này cũng đối mặt với cả thời cơ và thách thức. Hoạt động trong lĩnh vực được cho là nhiều rủi ro, nhưng Agribank luôn nỗ lực đa dạng kênh dẫn vốn đến địa bàn “tam nông”, mang nguồn vốn tín dụng đến tận tay người dân.
Ngân hàng chủ lực trong đầu tư phát triển “tam nông”
Bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank luôn phát huy vai trò tiên phong của ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước trong việc thực thi nghiêm túc, có hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tính đến tháng 6-2023, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1,44 triệu tỷ đồng, trong đó khoảng 65% dư nợ cho vay đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “tam nông” tại Việt Nam.
Thực hiện chính sách của Nhà nước, mỗi năm, Agribank dành hàng ngàn tỷ đồng áp dụng lãi suất ưu đãi đối với sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Agribank đang triển khai hiệu quả một số chương trình tín dụng chính sách và 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến nay, Agribank triển khai cho vay theo Quyết định 63, 65, 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp với dư nợ hơn 437 tỷ đồng với 3.448 khách hàng; cho vay tái canh cây cà phê với dư nợ hơn 156 tỷ đồng với 285 khách hàng; cho vay chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP với dư nợ hơn 816 tỷ đồng với 188 khách hàng…
Triển khai Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Agribank đã hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo với tổng doanh số cho vay đạt trên 13.000 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn trên 530 tỷ đồng. Nguồn vốn của Agribank đã góp phần tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước từ 14,5% năm 2008 xuống còn 4,03% năm 2022.
Đối với cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank triển khai cho vay đến 100% số xã trên toàn quốc với doanh số cho vay hơn 4 triệu tỷ đồng, dư nợ đạt hơn 600.000 tỷ đồng với 2,2 triệu khách hàng, trong đó trên 50% nguồn vốn cho vay xây dựng nông thôn mới để đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh các ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp giúp nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực; gần 35% nguồn vốn đầu tư cho dịch vụ thương mại; trên 15% nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn…
Thông qua triển khai các chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, Agribank đã và đang đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo động lực để nông nghiệp phát huy vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chính sách tín dụng ngân hàng, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến… góp phần nâng cao dân trí của người dân, tạo niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Gia tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp
Trong khi các ngân hàng thương mại “bám trụ” chủ yếu ở thành phố, thì Agribank luôn nỗ lực không ngừng đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, đưa dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa của cả nước.
Thực hiện chủ trương của Chính Phủ về “Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa”, năm 2017, Agribank triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư.
Nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank tích cực phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Đến nay, Agribank triển khai trên 69.000 tổ vay vốn với gần 1,4 triệu thành viên.
Cùng với đó, Agribank đồng thời đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, triển khai Đề án phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất, chính đáng của người dân.
Thông qua triển khai đa dạng các kênh dẫn vốn, nguồn vốn Agribank góp phần cải thiện đời sống của người dân, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, tăng sản phẩm hàng hóa cho xã hội, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.
Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt khó
Trong điều kiện nền kinh tế gặp những bất lợi do ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19, với tinh thần đồng hành, chia sẻ, Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng.
Triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, năm 2022, Agribank là ngân hàng tiên phong và tích cực triển khai hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước; chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ 2,2 triệu khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Những tháng đầu năm 2023, trên cơ sở tiết giảm chi phí và giảm lãi suất huy động đầu vào, Agribank đã 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng, giúp giảm thiểu chi phí để tập trung tái cơ cấu, khôi phục hoạt động kinh doanh. Tháng 5-2023 vừa qua, Agribank giảm lãi suất cho vay hỗ trợ 2 triệu khách hàng với tổng số tiền lãi giảm hơn 1.000 tỷ đồng.
Agribank đồng thời triển khai các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước; miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng trả nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch; dành quy mô 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ; giảm tới 3% lãi suất cho khách hàng vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn còn dư nợ trong thời gian từ 31-1-2023 đến 31-12-2024.
35 năm xây dựng và phát triển, Agribank luôn nỗ lực khẳng định vị thế của ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu. Tháng 3-2023, Agribank vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác cho vay, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực của Agribank đối lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và đóng góp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Định hướng trong thời gian tới, Agribank xác định “tam nông” là địa bàn chiến lược trong quá trình hoạt động và phát triển. Agribank luôn sẵn sàng đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà Đảng, Nhà nước giao phó./.
Ánh Tuyết (tổng hợp)
Agribank giảm tiếp 0,5% lãi suất cho vay  (23/05/2023)
Agribank giành “cú đúp” tại giải thưởng Sao Khuê 2023  (28/04/2023)
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm