Đổi mới phương thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên quân đội hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh
TCCS - Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên là di sản quý báu của dân tộc ta. Hiện nay, việc đổi mới phương thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở để nâng cao tri thức, tình cảm, ý chí yêu nước, làm gia tăng sức mạnh chính trị - tinh thần, giúp thanh niên quân đội thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của thanh niên và đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên. Nhờ đó, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã phát huy sức mạnh to lớn của chủ nghĩa yêu nước, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX. Không những thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại những chỉ dẫn quan trọng về phương thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên, là di sản quý báu của dân tộc ta và là nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong lãnh đạo công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên ở từng thời kỳ cách mạng.
Thứ nhất, phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội. Để giáo dục có hiệu quả, mỗi chủ thể cần phải nêu cao trách nhiệm và khả năng của mình. Trong đó, nhà trường phải không ngừng cải tiến nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên. Các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên cần làm tốt công tác vận động thanh niên, tích cực đưa thanh niên vào các phong trào hành động cách mạng để giáo dục. Gia đình phải có trách nhiệm phối hợp với nhà trường để quản lý và giáo dục con em mình. Đồng thời, Người yêu cầu: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục thanh niên”(1); “bởi vì giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”(2).
Thứ hai, tập hợp thanh niên vào các tổ chức, đoàn thể xã hội.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn giáo dục thanh niên, điều trước tiên là phải tập hợp họ lại trong tổ chức, như “nông dân phải vào “Nông dân Cứu quốc hội”. Thanh niên phải vào “Thanh niên Cứu quốc hội”. Phụ nữ vào “Phụ nữ Cứu quốc hội”(3). Người coi đây là việc rất quan trọng để thông qua hoạt động của các tổ chức mà giáo dục và phát huy tinh thần yêu nước cho thanh niên. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phương pháp tổ chức sinh hoạt đoàn, hội, các cuộc vận động và các phong trào hành động cách mạng. Người cho rằng: “Đoàn phải nghiên cứu tìm ra nhiều hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc, để làm tròn những nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao phó cho thanh niên”(4).
Thứ ba, thông qua hoạt động thực tiễn đấu tranh cách mạng để giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trong giáo dục, lý luận phải gắn liền với thực tiễn, học tập cần đi đôi với thực hành. Do đó, muốn giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên có hiệu quả cần phải tổ chức cho thanh niên tham gia vào thực tiễn đấu tranh cách mạng. Nó vừa là môi trường để thanh niên rèn luyện, thử thách, vừa là thước đo để đánh giá hiệu quả công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước. Người tổng kết: “Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây, chúng ta có nhiều thanh niên anh hùng như Nguyễn Thị Chiên, La Văn Cầu,... Trong cuộc chống Mỹ, cứu nước hiện nay đã trưởng thành nhiều anh hùng thanh niên”(5). Từ đó, Người yêu cầu: “Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội”(6), “phải lấy thực tế hành động tranh đấu hàng ngày để giáo dục”(7).
Thứ tư, thông qua phong trào thi đua ái quốc để giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”(8). Người coi thi đua là động lực để phát huy lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động và chiến đấu. Người viết: “Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới”(9). Để tổ chức tốt phong trào thi đua cho thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững”(10); kế hoạch thi đua phải tỉ mỉ; nội dung thi đua phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực...
Thứ năm, phát huy vai trò của thanh niên trong tự giáo dục chủ nghĩa yêu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự giáo dục là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục chủ nghĩa yêu nước. Bởi vì, giáo dục không chỉ nhằm trang bị tri thức chủ nghĩa yêu nước mà còn là bồi dưỡng tình cảm, rèn luyện ý chí, hành động yêu nước. Nếu thanh niên không tự giác, tích cực trong tự giáo dục thì quá trình giáo dục không thể có kết quả tốt. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình”(11). Đối với các chủ thể giáo dục, Người căn dặn, phải biết phát huy tinh thần tự giác trong tự giáo dục của thanh niên: “Phương pháp giáo dục thì theo nguyên tắc tự nguyện tự giác, giải thích, bàn bạc, thuyết phục, chứ không gò bó”(12).
Thứ sáu, giáo dục bằng nêu gương; lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Từ đó, Người khẳng định: “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”(13). Người nhấn mạnh, dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đề cao giáo dục bằng gương người tốt, việc tốt. Người cho rằng, lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là cách tốt nhất để giáo dục thanh niên. Từ đó, Người căn dặn: “Cần lấy ngay những gương tốt đó của các cháu và những gương người tốt việc tốt trong nhân dân để giáo dục các cháu. Không nên nói lý luận suông”(14).
Thứ bảy, kết hợp giữa “xây” và “chống”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng lòng yêu nước cho thanh niên phải gắn với chống lợi dụng, nhân danh chủ nghĩa yêu nước để kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kích động chia rẽ dân tộc, thù hằn dân tộc, làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc. Khi thực dân, đế quốc sang xâm lược nước ta, chúng triệt để lợi dụng, nhân danh chủ nghĩa yêu nước để kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chia rẽ đoàn kết giữa các dân tộc, để phục vụ cho mưu đồ chia cắt đất nước ta, dùng người Việt để trị người Việt. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Chúng ta cần phải tăng cường giáo dục theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đấu tranh chống những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa như chủ nghĩa dân tộc tư sản”(15).
Hiện nay, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên quân đội. Phương thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên quân đội trong những năm qua tuy có đổi mới nhưng chưa thực sự hiệu quả. Cho đến nay, các đơn vị chủ yếu thông qua các hình thức giảng dạy và học tập chính trị; sinh hoạt chính trị, tư tưởng; phong trào hoạt động đoàn; phong trào thi đua để giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên. Trên thực tế còn nhiều hình thức khác chưa được phát huy và phương pháp chủ yếu được sử dụng vẫn là phương pháp thuyết trình còn khô cứng, mang tính một chiều và có phần áp đặt, dễ gây nhàm chán, mệt mỏi, chưa khơi dậy được tư duy độc lập, sáng tạo của thanh niên. Nhìn chung, quá trình giáo dục còn nặng về lý thuyết, thiếu cơ sở thực tiễn.
Trước yêu cầu mới của thực tiễn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng chỉ đạo: “Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ”(16). Quán triệt tinh thần đó, để hiện thực hóa nội dung giáo dục được tốt hơn, hiện nay cần phải thường xuyên đổi mới phương thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Song, việc đổi mới phương thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên quân đội hiện nay cần phải luôn bám sát vào nội dung giáo dục, đối tượng giáo dục, đồng thời bảo đảm tính đa dạng hóa và tích cực hóa.
Đổi mới phương thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên quân đội hiện nay
Một là, tích cực hóa phương thức giảng dạy, thông tin, tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước. Giảng dạy, thông tin, tuyên truyền là hình thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước được sử dụng rộng rãi, phổ biến ở các đơn vị trong toàn quân thời gian qua. Tuy nhiên, phương pháp được chủ thể sử dụng trong giảng dạy, thông tin, tuyên truyền còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, hiện nay cần phải tích cực hóa phương thức giảng dạy, thông tin, tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước theo hướng kích thích niềm say mê nghiên cứu, học tập và tính chủ động, sáng tạo của thanh niên. Bên cạnh việc thiết kế nội dung khoa học, các chủ thể giáo dục phải rèn luyện kỹ năng, phương pháp giảng dạy, thông tin, tuyên truyền sao cho có tính thu hút, lôi cuốn, dễ tiếp thu, dễ hiểu, dễ nhớ. Khắc phục triệt để tình trạng lý luận suông, dàn trải, không gắn với thực tiễn; không có trọng tâm, trọng điểm. Cần phải định hướng bồi dưỡng tình cảm yêu nước cho thanh niên trong mỗi bài giảng, thông tin, tuyên truyền. Tích cực hóa các bài giảng, thông tin, tuyên truyền trên cơ sở sử dụng linh hoạt các phương pháp thuyết trình, đàm thoại, tranh luận; các phương tiện hỗ trợ, như phương tiện trình chiếu, mô hình, phim, ảnh...
Hai là, nâng cao chất lượng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, kể chuyện, thi sáng tác về lịch sử, truyền thống; các buổi hội diễn văn nghệ, diễn đàn; tọa đàm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử; tham quan bảo tàng, di tích lịch sử. Đây là những hoạt động rất thiết thực và bổ ích đối với giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên quân đội, không chỉ khơi dậy tinh thần say mê nghiên cứu, học hỏi, tìm hiểu về chủ nghĩa yêu nước của thanh niên, mà còn giúp cho thanh niên củng cố tình cảm, niềm tin, ý chí yêu nước. Hình thức này đã được một số đơn vị quân đội sử dụng trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên những năm qua, song còn chưa được phổ biến và chất lượng chưa cao. Do đó, các đơn vị quân đội cần tích cực tổ chức thường xuyên hơn nữa, trong đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động trên cơ sở tổ chức chặt chẽ, xác định rõ mục đích, nội dung, phương pháp và bảo đảm tính giáo dục chủ nghĩa yêu nước.
Ba là, tổ chức tốt các hoạt động xây dựng đơn vị, phong trào hành động cách mạng gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua quyết thắng để giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên quân đội. Giáo dục chủ nghĩa yêu nước không chỉ nhằm trang bị tri thức mà còn để bồi dưỡng tình cảm, rèn luyện ý chí định hướng hành động yêu nước cho thanh niên. Để đạt được mục tiêu giáo dục, đòi hỏi phải tổ chức tốt các phong trào hành động cách mạng gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị để giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên quân đội hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh; thông qua hoạt động ấy, vừa giúp thanh niên rèn luyện ý chí yêu nước, vừa tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên được cống hiến. Đồng thời, thông qua các hoạt động thực tiễn đó có thể kiểm tra, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên. Chương trình số 991-Ctr/QU, ngày 26-12-2015, của Quân ủy Trung ương, về “Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên quân đội giai đoạn 2015 - 2030” chỉ rõ cần tổ chức tốt các phong trào hành động cách mạng của thanh niên theo hướng thiết thực, hiệu quả để thanh niên học tập, rèn luyện, cống hiến, trưởng thành. Theo đó, các chủ thể cần tổ chức tốt các hoạt động, như huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tăng gia sản xuất; bảo quản vật chất, vũ khí, trang thiết bị, thực hành tiết kiệm điện, nước... Đồng thời, tổ chức cho thanh niên tham gia tốt các hoạt động xã hội có ích, như giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn đóng quân; bảo vệ môi trường; phòng chống dịch bệnh...
Bốn là, tích cực tập hợp thanh niên vào tổ chức đoàn, đảng và thông qua gương người tốt, việc tốt để giáo dục thanh niên. Đây là một trong những phương thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên. Theo Người, muốn giáo dục tốt thanh niên, trước tiên phải đưa họ vào tổ chức đoàn, hội, nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay, đa số thanh niên nhập ngũ đã gia nhập tổ chức đoàn, song vẫn còn một số khác vẫn chưa được kết nạp vào Đoàn. Do đó, chủ thể giáo dục cần phải quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, tạo điều kiện tốt nhất để họ được kết nạp vào Đoàn. Đồng thời, cần phải có kế hoạch bồi dưỡng thanh niên là đoàn viên để tạo nguồn phát triển Đảng. Tuy nhiên, việc kết nạp đoàn, đảng cho thanh niên phải chú trọng chất lượng, trên cơ sở các tiêu chuẩn, tuyệt đối không được chạy theo số lượng. Bên cạnh đó, cần phải tích cực giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên quân đội thông qua gương người tốt, việc tốt. Theo đó, cần quán triệt và thực hiện tốt sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương về việc tăng cường nêu gương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến trong học tập, rèn luyện.
Năm là, nâng cao chất lượng phối hợp giáo dục giữa địa phương nơi đóng quân của thanh niên quân đội và gia đình thanh niên. Khi thanh niên nhập ngũ, trách nhiệm chính trong giáo dục thanh niên thuộc về các tổ chức, lực lượng trong đơn vị. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả giáo dục tốt cần có sự phối hợp giữa địa phương nơi đóng quân và gia đình của thanh niên. Quân ủy Trung ương chỉ đạo cần nâng cao chất lượng của hoạt động phối hợp của Đoàn với các đoàn thể quần chúng nhân dân, tăng cường trang bị kỹ năng hoạt động xã hội cho thanh niên quân đội, nhằm giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh niên. Quán triệt tinh thần đó, các tổ chức, các lực lượng cần phải có phương pháp phối hợp tốt với địa phương, gia đình để giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên ở đơn vị mình. Thông qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của địa phương và gia đình trong giáo dục thanh niên, nhất là trong việc điều chỉnh, uốn nắn những hành vi sai trái, lệnh lạc; đồng thời, cung cấp những thông tin cần thiết, chính xác về đặc điểm của thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, các lực lượng giáo dục thanh niên tốt hơn.
Sáu là, kết hợp giữa “xây” và “chống”. Để nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên quân đội hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Trong những năm qua, các thế lực cơ hội, phản động, thù địch triệt để lợi dụng và nhân danh chủ nghĩa yêu nước để kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, gây chia rẽ dân tộc, làm tổn hại lợi ích quốc gia - dân tộc. Chúng triệt để lợi dụng những mặt còn hạn chế trong đời sống kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; những vấn đề liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông; vấn đề tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên... để kích động quần chúng nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; kích động đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ biểu tình, bạo động đòi ly khai, thành lập khu tự trị... Do đó, hiện nay việc nâng cao hiệu quả hoạt động gắn kết giữa giáo dục, xây dựng lòng yêu nước cho thanh niên với việc kiên quyết đấu tranh chống các thế lực cơ hội, phản động, thù địch là vô cùng bức thiết. Qua đó, thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên quân đội nói riêng không những được bồi đắp lòng yêu nước mà còn tăng cường ý thức cảnh giác trước các thủ đoạn mới của kẻ địch, góp phần củng cố tinh thần quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới./.
--------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 266
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 591
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 246
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 439
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 77
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 265 - 266
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 48
(8), (9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 407, 146
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 399
(12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 378, 175
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 670
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 189 - 190
(16) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 162