Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ của Trung Quốc và một số gợi ý tham chiếu cho tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Thế giới đang hướng đến nền kinh tế thâm dụng tri thức, cạnh tranh về khoa học - công nghệ. Để phát triển nền kinh tế tri thức cần dựa vào lực lượng lao động có tay nghề cao và đầu tư bền vững cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), từ đó tạo nên nền sản xuất thâm dụng tri thức. Như vậy, phát triển nguồn nhân lực giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
Nguồn nhân lực khoa học - công nghệ là toàn bộ lực lượng lao động tham gia vào các hoạt động khoa học - công nghê, trong đó nhân lực R&D chiếm một lực lượng lao động đáng kể trong nguồn nhân lực khoa học - công nghệ. Trong Quyết định số 579/QĐ-TTg, ngày 19-4-2011, của Thủ tướng Chính phủ, về “phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” chỉ rõ, lực lượng nhân lực chất lượng cao, bao gồm nhóm chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn - kỹ thuật tương đương các nước tiên tiến trong khu vực có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và đề xuất những giải pháp khoa học, công nghệ, giải quyết về cơ bản những vấn đề phát triển của đất nước và hội nhập với các xu hướng phát triển khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và công nghệ trên thế giới.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ dừng lại ở việc đào tạo lao động lành nghề nói chung mà còn là sự phát triển năng lực và sử dụng năng lực vào việc làm một cách hiệu quả. Phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ có thể hiểu là quá trình tạo ra sự biến đổi về số lượng và chất lượng của lực lượng lao động không chỉ có sức khỏe, trình độ và chuyên môn kỹ thuật cao mà còn có năng lực sáng tạo và biết vận dụng năng lực đó tạo ra sản phẩm của nền kinh tế tri thức.
Nếu đặt phát triển kinh tế và phát triển nguồn nhân lực trong mối quan hệ với các mục tiêu phát triển bền vững có thể thấy phát triển nguồn nhân lực vừa là động lực vừa là mục tiêu của phát triển kinh tế - xã hội và môi trường bền vững.
Kinh nghiệm của Trung Quốc trong phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
Ở Trung Quốc, nguồn nhân lực khoa học - công nghệ được xem là yếu tố chủ đạo để xây dựng một quốc gia giàu mạnh. Họ là lực lượng chính để “sản xuất” ra tri thức, từ đó tạo nên của cải, vật chất cho nền kinh tế cũng như những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Năm 2011, Trung Quốc đã công bố cương yếu quy hoạch nhân tài hay nguồn nhân lực chất lượng cao trong trung hạn và dài hạn. Theo đó, đến năm 2020 tổng số nhân tài của Trung Quốc sẽ lên tới 180 triệu người. Tỷ lệ số người ở độ tuổi lao động chủ yếu qua đào tạo giáo dục đại học và cao đẳng và số người tham gia công tác nghiên cứu sẽ tăng nhiều nhất. Vốn đầu tư cho nguồn nhân lực chiếm 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tỷ lệ đóng góp của nhân tài vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở Trung Quốc tăng lên 35%. Trên cơ sở đó, Trung Quốc đưa ra định hướng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, đó là: Phát triển công nghệ Trung Quốc dựa trên cơ sở tăng cường các hoạt động nghiên cứu và phát triển và khoa học - công nghệ nội địa; gia tăng độ tinh xảo công nghệ của nền kinh tế và xã hội Trung Quốc; nâng cao mức độ tham gia của Trung Quốc trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu được phản ánh qua sự gia tăng xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Từ định hướng tăng trưởng chung, Trung Quốc xây dựng chính sách quốc gia “Khoa học và giáo dục tiếp sức cho Trung Quốc”. Nếu như khoa học và giáo dục là hai bánh xe để Trung Quốc tiến vào thế kỷ mới thì nhân tài là trục của bánh xe và phát triển nguồn nhân lực sẽ quyết định tốc độ của những bánh xe đó. Việc thực hiện chiến lược này tạo ra nhiều không gian cho phát triển nguồn nhân lực, trong đó để đạt mục tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tập trung hướng tới nguồn nhân lực khoa học - công nghệ. Chính phủ ban hành một loạt chính sách quan trọng về phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ, bao gồm:
Một là, khuyến khích đam mê nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong giới khoa học và cả các doanh nghiệp. Chính sách nguồn nhân lực khoa học - công nghệ cũng chú trọng tới sự lưu chuyển, khuyến khích các nhà khoa học trẻ giao lưu, kết nối mạng lưới trao đổi kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu. Các nhà khoa học có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, thậm chí cả ở doanh nghiệp tư nhân. Họ được phép hưởng chế độ lương từ các tổ chức khác nhau.
Hai là, Trung Quốc đề ra Chiến lược tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân tài nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả lấy nhân tài chấn hưng đất nước, xây dựng đội ngũ đông đảo nhân tài có chất lượng cao; kiên quyết quán triệt phương châm tôn trọng lao động, trí thức, tôn trọng nhân tài và sự sáng tạo, lấy thúc đẩy phát triển làm xuất phát điểm cơ bản của công tác nhân tài, điều chỉnh nhân tài một cách hợp lý, lấy xây dựng năng lực làm điều cốt lõi… Theo đó, Trung Quốc định kỳ công bố danh sách nhân lực khoa học - công nghệ khan hiếm cần gấp; điều chỉnh và nâng cao môn học của các trường đại học và cao đẳng, tăng cường đào tạo nhân lực khoa học - công nghệ nghiên cứu phát triển; xây dựng hàng loạt cơ sở tập huấn sáng tạo đổi mới; ấn định chính sách ưu đãi nhân lực khoa học - công nghệ, nhất là nhân lực hạt nhân dẫn đầu các ngành sản xuất, kỹ thuật công trình,... để thu hút nhân lực vào các ngành sản xuất trọng điểm.
Thứ ba, Trung Quốc không chỉ hỗ trợ giáo dục đại học đại chúng cho số đông mà còn xây dựng những trường đại học đạt tiêu chuẩn thế giới vì những trường đại học “tinh hoa” này là nhân tố trọng yếu cho năng lực cạnh tranh và là niềm tự hào của quốc gia. Chính sách cơ bản là chú trọng đồng đều đến hai nhiệm vụ trọng tâm, đó là đào tạo nhân tài có năng lực sáng tạo và đào tạo các nhà khoa học chuyên nghiệp có trình độ kỹ năng cao. Lĩnh vực được chú trọng đầu tư, bao gồm khoa học tự nhiên và kỹ thuật, những lĩnh vực phản ánh nhu cầu phát triển của quốc gia. Nhà nước cung cấp nguồn tài trợ cho các nghiên cứu nguồn gốc mang tính đổi mới, thành lập nhiều cơ sở đổi mới khoa học - công nghệ, đẩy mạnh xây dựng các phòng thí nghiệm quốc gia then chốt, thúc đẩy sự phát triển các trung tâm hợp tác nghiên cứu dựa trên cơ sở mạng lưới, và thành lập một số trung tâm nghiên cứu kỹ thuật trong các trường đại học.
Thứ tư, về chính sách đãi ngộ, Trung Quốc áp dụng hình thức trả lương theo năng lực và kết quả nghiên cứu khoa học, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mức lương được quyết định hằng năm theo hiệu quả công việc thay vì tăng lương theo thâm niên như trước đây. Thời hạn đảm nhận vị trí có trách nhiệm cao cũng kéo dài hoặc chấm dứt căn cứ theo kết quả và hiệu quả công việc.
Một số gợi ý tham chiếu cho tỉnh Quảng Ninh
Một là, hiện nay, các chương trình đào tạo ở Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng chủ yếu tập trung vào các kỹ năng quản trị, hành chính, các nội dung đào tạo chuyên sâu vào khoa học - công nghệ chủ yếu diễn ra ở khu vực các doanh nghiệp. Vì vậy, cần có thống kê dữ liệu nhân lực khoa học - công nghệ theo phân vùng địa phương để đánh giá chung trình độ và phân bổ nguồn nhân lực khoa học - công nghệ theo các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ bám sát chương trình, mục tiêu của tỉnh trong ngắn hạn và dài hạn.
Hai là, kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc phát triển nguồn nhân lực để phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là tăng trưởng kinh tế gắn với giáo dục - đào tạo. Tỉnh Quảng Ninh mặc dù đã triển khai nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển các hoạt động khởi nghiệp, hình thành các nhóm nghiên cứu, tuy nhiên, hoạt động của các nhóm vẫn còn rời rạc. Vì vậy, cần thành lập quỹ học bổng cho các nhà khoa học trẻ, thúc đẩy việc hình thành các loại hình tổ chức khác như doanh nghiệp vệ tinh để giúp nguồn nhân lực khoa học - công nghệ có cơ hội nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu một cách hiệu quả.
Ba là, cần có chiến lược nhân tài tổng thể gắn với quy hoạch quốc gia và lợi thế cạnh tranh của tỉnh ở những ngành, nghề trọng điểm. Trên cơ sở đó, đưa ra các ưu đãi về chế độ đãi ngộ nhằm thu hút và sử dụng nguồn nhân lực khoa học - công nghệ.
Bốn là, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa chiến lược phát triển kinh tế với chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Cần thực hiện hiệu quả cải cách hệ thống giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nghề nghiệp và kỹ năng cho người lao động, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cần phù hợp với nhu cầu thị trường lao động theo ngành nghề, gắn chặt với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tránh việc lựa chọn nghề nghiệp theo học mang nhiều cảm nhận chủ quan.
Năm là, nguồn nhân lực khoa học - công nghệ Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng hiện nay phát triển chưa hài hòa giữa các khu vực (doanh nghiệp, các tổ chức khoa học - công nghệ công lập) và xu hướng dịch chuyển của nguồn nhân lực khoa học - công nghệ chất lượng cao. Chính vì vậy, để có thể phát triển bền vững thì phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ đòi hỏi kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, trong đó cần lưu ý vai trò liên kết của địa phương với trường đại học, viện nghiên cứu; giữa doanh nghiệp với trường đại học, viện nghiên cứu để nguồn nhân lực khoa học - công nghệ có thể luân chuyển trong xã hội, bảo đảm việc lưu chuyển và tuần hoàn chất xám./.
Nguồn nhân lực trong thúc đẩy các động lực tăng trưởng của Thủ đô Hà Nội  (08/10/2023)
Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế  (06/10/2023)
Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm  (05/10/2023)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay