Thành phố Hà Nội thực hiện quản lý phát triển xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững, phát triển con người toàn diện
TCCS - Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của quản lý phát triển xã hội đối với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Thủ đô, những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm quản lý phát triển xã hội bền vững, vì mục tiêu phát triển con người toàn diện.
Vai trò của quản lý phát triển xã hội của Thủ đô
Quản lý phát triển xã hội là sự tác động có chủ đích, định hướng, tổ chức của chủ thể quản lý đến các khách thể (con người, cộng đồng, các quan hệ xã hội, hoạt động xã hội...) nhằm mục tiêu phát triển xã hội bền vững. Theo đó, quản lý phát triển Thủ đô cũng chính là sự tác động của các chủ thể lãnh đạo, quản lý đến các quan hệ xã hội, hoạt động xã hội của cộng đồng, người dân Thủ đô nhằm mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội bền vững.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Hà Nội có diện tích gần 3.360 km2 với dân số khoảng 8,5 triệu người, đơn vị hành chính gồm 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ Hà Nội là đảng bộ lớn nhất của cả nước với 50 đảng bộ trực thuộc và hơn 460.000 đảng viên. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của Thủ đô khoảng 120.000 người. Bên cạnh đó, trên địa bàn Thành phố tập trung hơn 70% tổ chức khoa học - công nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu; 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và hơn 65% số nhà khoa học của cả nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô trở thành thành phố có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, đáp ứng yêu cầu cấp thiết là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng, phát triển, khẳng định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm đặc biệt quan trọng của Thủ đô với cả nước, trong những năm qua, quán triệt và nhất quán với quan điểm của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để thống nhất triển khai, thực hiện xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô bền vững hướng đến mục tiêu phát triển con người toàn diện. Trong đó: Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã đề ra mục tiêu tổng quát là: Giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị - nông thôn, phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu cao hơn mức chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững và tiến bộ. Đồng thời, Thành ủy cũng đặt ra 27 chỉ tiêu cụ thể nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn.
Quá trình triển khai và những kết quả, hạn chế
Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, việc phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân luôn được các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Nhiều chính sách đặc thù của thành phố được ban hành, đi vào thực tiễn cuộc sống, đạt kết quả tích cực. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai hiệu quả, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia. Sự quan tâm của thành phố trong công tác chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội đã góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc (HPI), tạo nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, tiến bộ của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng. Theo đó, công tác an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.
- Về phát triển hệ thống an sinh xã hội
Lĩnh vực lao động, việc làm của Thủ đô có bước phát triển mạnh mẽ, hệ thống 8 điểm, 5 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm bình quân cho 154.000 lao động/năm. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động được đẩy mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 2,3%. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng nhanh qua các năm và dần trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội. Đến nay tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,1% dân số. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm 37,59% tổng số người trong độ tuổi lao động; tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 0,81%; tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 36%.
Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, thành phố ban hành chuẩn nghèo riêng cao 1,6 lần so với chuẩn nghèo quốc gia; nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của Hà Nội được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Thành phố hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm, cuối năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,21%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn là 0,37%; khu vực 14 xã miền núi là 0,96%. Các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đúng, đủ, kịp thời theo quy định. Các gia đình, cá nhân gặp rủi ro bất khả kháng được trợ giúp đột xuất kịp thời. Thành phố hoàn thành tốt công tác hỗ trợ các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo quy định. Thực hiện tốt Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi và trợ giúp người khuyết tật. Mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được xây dựng và nhân rộng, người khuyết tật được hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm. 100% người cao tuổi, người khuyết tật được trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế... theo quy định.
Hệ thống dịch vụ xã hội được cải thiện, cơ bản bảo đảm quyền học tập, chăm sóc y tế, nhà ở, nước sạch nhân dân. Hạ tầng giáo dục và cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được đầu tư, trang bị khá đồng bộ, hiện đại, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia năm 2020 đạt 75%. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều đổi mới, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao. Các bệnh viện, cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp; y đức và thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế được nâng cao. 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Số giường bệnh/vạn dân đạt 27,1%; số bác sỹ/vạn dân đạt 13,5%. Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Tỷ suất sinh thô, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm qua từng năm. Đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân ngày càng được cải thiện, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư, phong trào văn hóa, thể thao được đẩy mạnh. Các loại hình nhà ở cho đối tượng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp được phát triển; nhà ở thương mại phục vụ tái định cư phát triển theo cơ chế đặt hàng; tổng diện tích sàn nhà ở đạt 27,25m2/người. Bảo đảm an toàn điện lưới, cung cấp điện ổn định cho sinh hoạt. 100% số hộ dân thành thị và 75% số hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch. Hầu hết các hộ dân có điện thoại, 100% xã, phường, thị trấn có kết nối internet. Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt trên 20%.
- Về nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân
Nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, đồng thời là mục tiêu để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô từ thành thị đến nông thôn, khu vực xa trung tâm, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được cải thiện rõ rệt. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư cải tạo, xây mới.
Chính sách người có công được quan tâm đặc biệt, đời sống người có công không ngừng được nâng cao. Các quyền cơ bản của trẻ em được bảo đảm, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc, trợ giúp hiệu quả. Kế hoạch hành động nâng cao thể lực và tầm vóc thanh niên Hà Nội được triển khai rộng rãi, thiết thực. Đầu tư lắp đặt dụng cụ thể dục, thể thao công cộng ngoài trời; phong trào luyện tập, thể dục thể thao phát triển mạnh và trở thành nhu cầu tự giác trong nhân dân. Thực hiện hiệu quả chương trình sữa học đường lớn nhất cả nước, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia chương trình đạt trên 90%.
Công tác bảo vệ môi trường được tích cực triển khai, tỷ lệ hỏa táng đạt 64%. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm, mô hình xã, phường, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học không có tệ nạn xã hội được nhân rộng. Các câu lạc bộ sau cai nghiện, đội tình nguyện xã hội được duy trì và hoạt động hiệu quả. Nhận thức của xã hội về bình đẳng giới được nâng lên.
Sự quan tâm của thành phố trong công tác chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội đã góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc (HPI), tạo nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, tiến bộ của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng.
Nhìn tổng thể, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Hà Nội năm sau cao hơn năm trước. Hình ảnh Hà Nội, con người Hà Nội ngày càng tốt đẹp hơn, ấn tượng hơn trong mắt của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Để đạt được kết quả này, Thành ủy đã huy động tối đa các nguồn lực để chăm lo các gia đình có công, gia đình chính sách. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ người nghèo ngày càng đi vào thực tế, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, phát triển ngành nghề nông thôn, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, theo hướng giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, việc quản lý phát triển xã hội và giải quyết một số vấn đề xã hội của Hà Nội chưa được quan tâm đúng mức. Việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa nghiêm túc, nhiều doanh nghiệp đóng không đúng mức quy định, chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ, quyền lợi của người lao động.
Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đồng đều ở các tuyến; chưa giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải ở một số chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến thành phố; công tác y tế dự phòng, nhất là ở cơ sở chưa thực sự bền vững. Tỷ lệ ung thư, mắc bệnh nặng ngày càng trẻ hóa.
Hầu hết hệ thống chợ dân sinh đã xuống cấp, diện tích bố trí các ngành nghề, gian hàng chưa bảo đảm quy định. Số lượng các chợ được cải tạo, sửa chữa đáp ứng quy chuẩn xây dựng và an toàn thực phẩm còn hạn chế do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Chưa có chợ đầu mối nên khó kiểm soát an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trước khi lưu thông. Xử lý môi trường, nước thải, rác thải chưa đáp ứng được yêu cầu, tồn đọng rác thải sinh hoạt vẫn xảy ra gây bức xúc trong nhân dân.
Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn lực đầu tư dành cho hệ thống dịch vụ xã hội còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất, các công trình công cộng bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng và đáp ứng nhu cầu dân sinh còn chậm.
Chênh lệch mức sống giữa nông thôn - thành thị, giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi với nông thôn chậm cải thiện, thu nhập khu vực thành thị cao gấp 1,97 lần khu vực nông thôn. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa thực sự bền vững. Vẫn còn xảy ra một số vụ bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em gây bức xúc xã hội, tỷ lệ tái nghiện còn cao, mô hình hỗ trợ sau cai nghiện chưa thực sự đạt hiệu quả.
Giải pháp để tạo sự chuyển biến trong quản lý phát triển Thủ đô bền vững
Trong thời gian tới, để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập về quản lý phát triển Thủ đô, cần chú trọng thực hiện các giải pháp:
- Giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội thành phố toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị - nông thôn, phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu cao hơn mức chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững và tiến bộ.
- Thành phố cần giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề bức xúc xã hội, nhất là các vấn đề về quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa lao động với doanh nghiệp, vấn đề tạo điều kiện để cán bộ, công chức và người dân có việc làm và thu nhập ổn định, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động.
- Đồng thời thực hiện có hiệu quả chính sách với người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, kết hợp với nguồn lực Nhà nước. Thường xuyên cập nhật, bổ sung và triển khai thực hiện tốt các chính sách tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách ưu đãi với người có công; tăng cường hỗ trợ người có công phát triển sản xuất, học nghề, việc làm, tiếp cận các dịch vụ cơ bản xã hội, đặc biệt là người có công thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo ở nông thôn, vùng biên giới.
- Phát triển hệ thống chính sách xã hội bảo đảm toàn diện, bao trùm và bền vững. Tập trung hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm các nhóm yếu thế được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Ban hành mức chuẩn nghèo và chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn chung của cả nước, hỗ trợ các hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.
- Sửa đổi Luật Thủ đô, xây dựng, triển khai thực hiện cơ chế thí điểm tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý. Các chính sách được ban hành bảo đảm linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, khả năng huy động, cân đối nguồn lực và bảo đảm tính khả thi. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống an sinh xã hội, đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội, cung cấp dịch vụ xã hội, trung tâm dưỡng lão, các chuyên khoa về lão khoa đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
- Phát triển dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng đa dạng của nhân dân; chú trọng công tác dân số và bảo vệ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả khám, chữa bệnh của tuyến y tế cấp huyện, cấp xã; quan tâm chăm sóc sức khỏe các đối tượng bảo trợ xã hội; tiếp tục thực hiện chương trình phát triển y học cổ truyền, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe; tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, phát triển bảo hiểm y tế toàn dân.
- Thành phố cần huy động tối đa sự tham gia đóng góp của người dân, cộng đồng vào các chương trình, dự án phục vụ an sinh xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng. Tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, chú trọng việc làm và thu nhập của dân cư nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; nhân rộng và phát huy hiệu quả công tác xã hội hóa trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
- Đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm về phát triển hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân ngang bằng với khu vực và thế giới. Đổi mới sáng tạo trong công tác đối ngoại, xác định hiệu quả không chỉ là nguồn lực mà còn là sức mạnh mềm góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô. Hà Nội cần chủ động, tích cực hơn nữa trong nắm bắt, tận dụng các cơ hội, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế đến đời sống nhân dân.
- Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, Thủ đô đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trên tinh thần hiệu quả, cùng tiến bộ.
Với hệ thống giải pháp triển khai đồng bộ bằng quyết tâm chính trị cao của hệ thống chính trị Thủ đô, hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Hà Nội tiếp tục được hoàn thiện, phát triển, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu phát triển tàn diện./.
Hà Nội: Điều chỉnh một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát các biến chủng mới của dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác  (24/10/2022)
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất trong phát triển xây dựng nông thôn mới  (24/10/2022)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay