Tổng công ty Điện lực miền Bắc đồng hành cùng khách hàng
TCCS - Ngày 8-4-2022, tại Hà Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tổ chức Hội nghị Khách hàng năm 2022 với chủ đề “EVNNPC đồng hành cùng khách hàng”. Hội nghị là dịp để Tổng công ty, lãnh đạo chính quyền địa phương, các khách hàng lớn, các đối tác trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc trao đổi thông tin về tình hình cung cấp điện trong năm 2022; tri ân các doanh nghiệp đã có những hỗ trợ tích cực nhất trong thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) cùng điện lực miền Bắc. Đây cũng là dịp để Tổng công ty Điện lực miền Bắc và các cấp chính quyền địa phương, quý khách hàng và đối tác có cơ hội thấu hiểu nhau hơn, chia sẻ khó khăn, tăng cường quan hệ, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, mở rộng hợp tác lâu dài, trên quan điểm hợp tác cùng có lợi.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 2.000 doanh nghiệp, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở ngành 27 tỉnh miền Bắc trực tiếp tại hội nghị và qua điểm cầu truyền hình trực tuyến tại các tỉnh, thành phố.
Hoạt động với phương châm “Điện đi trước một bước” và xác định mục tiêu “Khách hàng là trung tâm”, trong những năm qua, EVNNPC đã không ngừng nỗ lực hoàn thiện hạ tầng hệ thống điện, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiên phong đi đầu trong công tác chuyển đổi số của EVN; công tác quản lý, kỹ thuật, vận hành và các dịch vụ khách hàng chất lượng ngày càng cao, đáp ứng đủ nhu cầu về điện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân tại 27 tỉnh, thành phố miền Bắc.
Với những cơ chế, chính sách của Nhà nước là luôn tạo điều kiện để thu hút đầu tư thuận lợi, nhiều địa phương ở miền Bắc đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, nhu cầu sử dụng điện tăng nóng với mức tăng trưởng bình quân miền Bắc liên tục trong nhiều năm gần đây đều trên 10%/năm, thậm chí có địa phương tăng từ 15-20%.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đỗ Nguyệt Ánh chia sẻ, đến hết năm 2021, Tổng công ty đang bán điện cho 10,86 triệu khách hàng với doanh thu sản xuất điện 145.317,93 tỷ đồng. Đến nay, toàn Tổng công ty có 4.486 xã có điện lưới quốc gia đạt tỷ lệ 100%, có 7.943.068/8.017.849 hộ dân nông thôn có điện, đạt tỷ lệ 99,06%. Trong 5 năm qua, Tổng công ty Điện lực miền Bắc luôn là đơn vị có tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm cao nhất cả nước. Trước sự dịch chuyển đầu tư, sự phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch COVID-19. Đến năm 2021, nhiều tỉnh thành của miền Bắc có tốc độ tăng trưởng phụ tải rất cao, như Thanh Hóa (13,59%), Hải Phòng (15,8%), Hưng Yên (11,3%), Vĩnh Phúc (11,25%),… Kết thúc năm 2021, Tổng công ty có điện thương phẩm đạt 81,831 tỷ kWh với tỷ lệ tăng trưởng 9,31%, gấp gần 3 lần mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân trong cả nước và là đơn vị có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Năm 2022, khi tình hình dịch bệnh dần được khống chế, nền kinh tế đã phục hồi và tăng trưởng trở lại, dự kiến nhu cầu cung cấp điện của khách hàng sẽ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc Nguyễn Đức Thiện cho biết, bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng bảo đảm điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh tại 27 tỉnh miền Bắc, EVNNPC còn là đơn vị tiên phong thực hiện hiệu quả các chương trình về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, trong đó có chương trình điều chỉnh phụ tải theo đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nếu như năm 2019, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải tự nguyện với EVNNPC mới có 2.440 khách hàng (chiếm tỷ lệ 84%), năm 2020, chương trình DR của EVNNPC đã thu hút 3.303 khách hàng tham gia (đạt tỷ lệ 95,4%), thì đến năm 2021 có 3.225 khách hàng tham gia điều chỉnh phụ tải tự nguyện tại 27 tỉnh miền Bắc với tổng tiềm năng tiết giảm khoảng 1.000MW điện. Các khách hàng tham gia chương trình DR tự nguyện đã dịch chuyển thời gian sản xuất bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất và công suất hoạt động của máy móc nhưng vẫn tiết kiệm được một sản lượng điện nhất định, bảo đảm chia sẻ cùng ngành điện trong những thời điểm thời tiết thiên tai nắng nóng cực đoan có khó khăn về nguồn cung ứng điện phải điều chỉnh phụ tải, điều tiết vận hành để bảo đảm an ninh năng lượng, an toàn hệ thống điện quốc gia. Tổng công ty Điện lực miền Bắc sẽ nỗ lực tối đa và huy động mọi nguồn lực để chuẩn bị cho việc cung ứng đủ điện của năm 2022 và các năm tiếp theo.
Theo nội dung Nghị quyết số 55/NQ/TW, của Bộ Chính trị, ngày 11-2-2020, về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 20/CT-TTg, ngày 7-5-2020, về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 và Quyết định số 279/QĐ-TTg, năm 2018, của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chương trình quản lý nhu cầu điện; việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả là trách nhiệm và sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, toàn thể khách hàng sử dụng điện và nhân dân.
Chia sẻ về kinh nghiệm điều hành sản xuất trong mùa nắng nóng tại hội nghị, Giám đốc Công ty cổ phần Prime Vĩnh Phúc Đào Trung Kiên cho biết: Prime là doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch ốp lát và sản xuất các nguyên liệu cung cấp cho các công ty sản xuất gạch ốp lát nên nhiều năm qua, đơn vị là khách hàng lớn của ngành Điện tại Vĩnh Phúc với sản lượng điện tiêu thụ trên 34,5 triệu kWh/năm 2021. Từ sau khi tham gia vào chương trình điều chỉnh phụ tải điện, hằng năm Công ty Prime đều xây dựng kế hoạch điều hành sản xuất trong mùa nắng nóng, như xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện. Bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn như: các máy nghiền, trạm bơm nước, máy nén khí... vào giờ cao điểm (11h30 đến 15h30) và từ (20h đến 23h); hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải. Xây dựng phương án tự cắt, giảm phụ tải ở các dây chuyền sản xuất khi hệ thống điện bị quá tải, sự cố gây mất điện hoặc thiếu nguồn, bảo đảm không bị ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của công ty trong thời gian tiết giảm phụ tải. Phân công cho trưởng các tổ sản xuất chịu trách nhiệm giám sát, điều hành trong việc tiết giảm phụ tải ở các dây chuyền sản xuất. Đối với khối văn phòng làm việc, công ty quán triệt đến toàn thể cán bộ, công nhân viên sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm. Thực hiện tắt các thiết bị không cần thiết khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị. Không để thiết bị điện như máy tính, máy in, máy photocopy… ở trạng thái đóng điện chờ; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, hạn chế bớt số lượng đèn chiếu sáng chung ở hành lang vào buổi tối. Ngoài ra, công ty chuẩn bị các nguồn dự phòng để tự cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất của trong trường hợp Hệ thống điện quốc gia bị sự cố gây mất điện.
Năm 2022, đại dịch được kiểm soát, các hoạt động đã trở lại bình thường, một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng phụ tải đỉnh lớn trong năm 2022 được dự báo là Vĩnh Phúc (16,6%), Phú Thọ (19,3%), Nghệ An (16,2%), Hưng Yên (15,9%), Thái Nguyên (13,5%). Có thể khẳng định, về cơ bản, hệ thống điện quốc gia vẫn bảo đảm cấp điện cho phụ tải miền Bắc trong năm 2022, tuy nhiên, vào mùa hè sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng khiến phụ tải sẽ có những thời điểm tăng cao đột biến. Dự báo phụ tải đỉnh hè năm 2022 sẽ tăng 12% - 15%, có thể đạt 16.500 - 16.950MW, tức là tăng thêm 2.000MW so với mùa nắng nóng năm 2021, tuy nhiên, ở phía nguồn cung thì sự bổ sung nguồn điện mới lại chưa nhiều.
Mặc dù năm 2022 có 47 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động với công suất tăng thêm dự kiến đạt 759,1MW, nhưng qua các hợp đồng đã ký kết, thì đến hết tháng 4-2022, chỉ có gần 60MW được đưa vào vận hành, số còn lại đi vào vận hành từ tháng 8 đến tháng 12-2022. Điều này đồng nghĩa với việc mùa nắng nóng chỉ được bổ sung rất ít từ nguồn cung mới. Bên cạnh đó, năng lực truyền tải của đường dây 500kV từ miền Nam và miền Trung ra miền Bắc vẫn không có gì thay đổi so với năm 2021. Ngoài ra, nhập khẩu điện từ Trung Quốc cũng bị hạn chế. EVNNPC dự báo trong các ngày nắng nóng cực đoan, miền Bắc sẽ thiếu hụt công suất đỉnh vào các khung giờ cao điểm buổi trưa (12h - 15h) và cao điểm tối (21h - 24h).
Do đó để thể cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, EVNNPC mong muốn các khách hàng triệt để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, các khách hàng lớn tích cực tham gia vào chương trình DR của Tổng công ty.
Có thể khẳng định bên cạnh những cố gắng, nỗ lực của EVNNPC trong việc bảo đảm quản lý vận hành an toàn ổn định, kinh doanh bán điện với chất lượng dịch vụ ngày càng cải thiện và tốt hơn đến với gần 11 triệu khách hàng. Trong thời gian tới còn nhiều khó khăn và thách thức, để cấp đủ điện các phụ tải quan trọng và đời sống dân sinh, Tổng công ty bày tỏ sự cảm ơn chân thành và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc, nhiều hơn nữa của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo chính quyền địa phương các cấp và đặc biệt sự chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành của quý khách hàng, đối tác và nhân dân với những khó khăn của ngành điện, hãy tích cực hưởng ứng phong trào sử dụng điện tiết kiện điện, hiệu quả và sẵn sàng thực hiện điều chỉnh phụ tải khi thời tiết cực đoan, khi sự cố hoặc quá tải cục bộ.
Trong khuôn khổ chương trình, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã vinh danh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong phong trào Tiết kiệm điện và DR năm 2021./.
Hạnh Trần (tổng hợp)
Hội nghị sơ kết 7 năm thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan trong lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực  (31/03/2022)
Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh tháng 2-2022, nhiệm vụ công tác tháng 3-2022  (15/03/2022)
Hội nghị cán bộ toàn quốc: Quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng  (09/12/2021)
Hội nghị đóng góp ý kiến một số đề án của Ban Tổ chức Trung ương  (17/11/2021)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay