Huyện Bình Liêu đẩy mạnh công tác giảm nghèo
TCCS - Với xuất phát điểm nền kinh tế còn thấp, đời sống người dân nhiều khó khăn, những năm qua, huyện Bình Liêu có nhiều giải pháp hỗ trợ sinh kế giúp bà con các dân tộc từng bước vươn lên. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng. Các chương trình hỗ trợ vay vốn, mô hình phát triển kinh tế được áp dụng trong sản xuất mang lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn huyện Bình Liêu.
Bình Liêu là huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, với đặc thù đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 96%, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo. Cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động xây dựng và ban hành nghị quyết về công tác giảm nghèo với những giải pháp thiết thực, phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tiễn, đặc biệt là tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo vươn lên phát triển toàn diện. Huyện chủ trương và đẩy mạnh công tác xã hội hóa các nguồn kinh phí nhằm hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, đồng thời, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác dạy nghề gắn với thực tế và nhu cầu của đơn vị, doanh nghiệp, tạo việc làm ổn định cho nhân dân. Hằng năm, huyện đều ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo, giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo toàn huyện đạt từ 10% trở lên, trên cơ sở đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện và ủy ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, các ngành bám sát vào tiêu chí được phụ trách để giúp đỡ.
Thực hiện Chương trình 135, Đề án 196 giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã đầu tư 217 công trình hạ tầng giao thông, kênh mương, nhà văn hóa phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân; thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 88 dự án; thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm. Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Bình Liêu đã giải quyết việc làm cho 2.224 lao động, đạt 111,2% kế hoạch. Từ các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng thiết yếu được xây dựng và duy tu thường xuyên giúp cho người dân yên tâm phát triển kinh tế. Từ năm 2015 đến nay, huyện Bình Liêu đã đầu tư kiên cố hóa 183km kênh mương, 106km đường giao thông nông thôn, xây dựng 25 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ gần 2.000 hộ cấp nước phân tán; triển khai 104 dự án hỗ trợ 3.736 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo; huy động hỗ trợ 901 con bò giống cho các hộ nghèo thuộc 6 xã biên giới; vận động xã hội hóa hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo 2.050 tấn xi măng cải thiện nhà ở; hỗ trợ 626 hộ nghèo cải thiện nhà ở với tổng kinh phí trên 29 tỷ đồng. Nhiều công trình trọng điểm, động lực đưa vào sử dụng đã góp phần phát huy lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm giữ vững quốc phòng - an ninh. Tính theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bình Liêu giảm nhanh, từ 44,31% (đầu năm 2016) xuống còn 3,06% (cuối năm 2020), bình quân giảm 8,25% năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII đề ra.
Huyện cũng tập trung thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm. Mặt khác, đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhất là trong khâu chọn giống, biện pháp canh tác tiên tiến, thu hoạch, bảo quản, chế biến. Đến nay, một số cây trồng có lợi thế, tiềm năng để ưu tiên chuyển đổi đang được áp dụng, như cây dong riềng, cây sở, dược liệu, hoa màu, na, giống lúa bao thai... Một số mô hình hợp tác xã nông, lâm nghiệp do chính người dân làm chủ được hình thành, như mô hình hợp tác xã dịch vụ xanh, dịch vụ nông nghiệp Bình Liêu... Các cơ sở hợp tác xã trên góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, xây dựng uy tín thương hiệu, tạo đà thúc đẩy giá trị sản xuất theo hướng chuyên sâu và cải thiện thu nhập cho người dân. Nhiều nhóm hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp chủ động áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh và vươn lên thoát nghèo bền vững. Số hộ nghèo giảm dần qua từng năm, bộ mặt nông thôn miền núi không ngừng khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 8,08%/năm, giảm từ 44,31% (năm 2016) xuống còn 3,88% (năm 2020).
Có thể khẳng định, việc thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo góp phần thay đổi đáng kể diện mạo của các vùng, các nhóm dân cư trên địa bàn huyện Bình Liêu. Đến nay, 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã, có điện lưới quốc gia để sinh hoạt, phục vụ sản xuất; 100% hộ dân được xem truyền hình, tỷ lệ kiên cố hóa đường liên thôn, liên xã đạt trên 86%; tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch đạt 95%.
Thời gian tới, huyện Bình Liêu sẽ triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, phát triển nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ, tăng tỷ trọng chăn nuôi, phát huy thế mạnh chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê và gia cầm (nhất là gà bản địa, ngan đen), phát triển mở rộng nuôi cá nước chảy, nuôi cá nước lạnh, tạo sản phẩm nông nghiệp đặc trưng riêng có. Đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng thế mạnh theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa như hồi, quế, sở, dong riềng… Chú trọng tạo cơ chế, điều kiện để phát triển trồng hoa, rau công nghệ cao và trồng cây đào bản địa. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, trọng tâm là phối hợp trong đào tạo và giải quyết việc làm với các đơn vị ngành than và các doanh nghiệp khác, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động dịch vụ. Tăng cường mở các lớp đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật cho người lao động trong từng lĩnh vực, phù hợp nhu cầu thực tế.
Huyện Bình Liêu xác định cần thực hiện tốt chính sách dân tộc gắn với Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030./.
Quảng Ninh mở cửa đón khách quốc tế trong tuần đầu tiên của năm 2022  (30/11/2021)
Tỉnh Quảng Ninh tập trung nguồn lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  (27/11/2021)
Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong tình hình mới  (26/11/2021)
Thị xã Quảng Yên tạo đột phá để phát triển kinh tế  (26/11/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên