Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện đúng yêu cầu “chống dịch như chống giặc”
TCCS - Ngày 7-5-2021, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy chỉ đạo các quận, huyện, thị ủy, cấp ủy các đảng bộ trực thuộc Thành ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm cá nhân, thực hiện đúng yêu cầu “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm đẩy lùi đợt bùng phát lần này, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, từ ngày 29-4-2021 đến ngày 7-5-2021, Hà Nội ghi nhận hàng chục ca mắc tại cộng đồng và 2 chùm ca bệnh phức tạp tại hai bệnh viện lớn của Trung ương là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh) và Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì).
Ngay khi xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng liên quan đến ổ dịch tỉnh Hà Nam, Thành ủy Hà Nội đã có các văn bản chỉ đạo, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành 4 công điện, 1 chỉ thị và các văn bản chỉ đạo. Có 5 đoàn kiểm tra của thành phố do các đồng chí Thường trực Thành ủy làm trưởng đoàn đã tích cực kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
Thành phố đã thực hiện khoanh vùng, xử lý, truy vết dịch tại 15 khu vực liên quan đến bệnh nhân của 10 quận, huyện, thị xã; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho hơn 3.000 trường hợp liên quan.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền với yêu cầu nhanh hơn, hiệu quả hơn; phát huy vai trò của các tổ COVID-19 cộng đồng; huy động cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Đặc biệt, thành phố đã chỉ đạo khẩn trương rà soát các đối tượng đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K. Hà Nội cũng đã xét nghiệm cho hơn 26.000 nhân viên y tế và trên 10.000 bệnh nhân nội trú; tất cả đều cho kết quả âm tính; chỉ đạo các bệnh viện rà soát thực hiện nghiêm an toàn phòng, chống dịch. Toàn thành phố đã tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 đợt hai cho hơn 58.000 người, đạt trên 111% so với dự kiến.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, dịch bệnh tại Hà Nội đang có nguy cơ bùng phát rất lớn bởi các ca mắc ngoài cộng đồng và đặc biệt là hai chùm ca bệnh tại hai bệnh viện do Bộ Y tế quản lý là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K có diễn biến phức tạp, đã lây nhiễm cho cán bộ y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bên cạnh đó, có nhiều ca mắc của các địa phương khác liên quan đến Hà Nội, các ca mắc này có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người. Trong khi, tình hình người nước ngoài nhập cảnh trái phép gia tăng trong thời gian vừa qua.
Trước tình hình đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp ủy Đảng, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức đoàn thể nhân dân từ thành phố xuống cơ sở quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc”; vào cuộc thực hiện công tác phòng, chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng thành phố khẩn trương tổng rà soát tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn bảo đảm công tác an toàn phòng, chống dịch; yêu cầu các bệnh viện phải thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh… để kịp thời phát hiện sớm những trường hợp mắc SARS-CoV-2; chỉ đạo các địa phương khuyến cáo người dân tạm thời hạn chế lên khám chữa bệnh tại các tuyến trung ương. Hà Nội sẽ xét nghiệm cho các đối tượng có liên quan ngoài cộng đồng.
Các bệnh viện, các cơ sở y tế trên địa bàn phải thông tin ngay danh sách cụ thể các trường hợp F0 của các bệnh viện cho thành phố và các địa phương để điều tra truy vết; danh sách phải cụ thể, rõ ràng, chính xác địa chỉ, số điện thoại để liên hệ; đồng thời gửi danh sách bệnh nhân đã chuyển viện từ ngày 14-4-2021 tới các cơ sở y tế khác để kịp thời truy vết phát hiện ca bệnh.
Đối với các bệnh viện đang tiến hành phong tỏa, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, nhất là lực lượng công an và nhân viên y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bệnh viện thực hiện kiểm soát chặt chẽ theo phương châm: “Nội bất xuất - ngoại bất nhập”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý các cấp, ngành từ thành phố xuống cơ sở tiếp tục thực hiện nghiêm túc điện ngày 27-4-2021 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương, các Công điện số 597/CĐ-BCĐ và số 600/CĐ-BCĐ cùng ngày 5-5-2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo và sớm có ngay kiến nghị với Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc tiếp nhận bệnh nhân đối với các cơ sở y tế bị tạm thời phong toả và hướng dẫn thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo yêu cầu.
Bí thư Thành ủy tin rằng, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhưng khi cả hệ thống chính trị quyết tâm hành động, được sự ủng hộ của người dân, nhất là bằng tinh thần chủ động, tự giác, đợt dịch COVID-19 lần này chắc chắn sẽ bị đẩy lùi./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Hà Nội và 4 tỉnh, thành cùng chung sức làm đại dự án đường Vành đai 4  (06/05/2021)
Nhiệm vụ số một là tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch COVID-19  (04/05/2021)
Chuỗi cung ứng nông nghiệp trong đại dịch COVID-19  (04/05/2021)
Chuỗi cung ứng nông nghiệp trong đại dịch COVID-19  (04/05/2021)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay