Phát huy vai trò của công tác dân vận trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội
TCCS - Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động của hệ thống dân vận thành phố Hà Nội đã phát huy vai trò và góp phần không nhỏ vào kết quả phòng, chống dịch. Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ động phối hợp tham mưu, đề xuất với cấp ủy nhiều biện pháp, giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Chủ động, sáng tạo, linh hoạt tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn thành phố chung tay phòng, chống dịch và đạt được nhiều kết quả tích cực.
“Dân vận khéo” để phòng, chống dịch
Với vai trò đoàn kết, tập hợp nhân dân xung quanh Đảng, hệ thống dân vận thành phố Hà Nội đã “khéo” vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương của Trung ương và thành phố về phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, các tổ dân vận cơ sở đã tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động nhân dân, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Phong trào “Dân vận khéo” luôn được hệ thống chính trị các cấp quan tâm triển khai đồng bộ với những cách làm hay và sáng tạo, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng thực hiện. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành y tế, đặc biệt công tác dân vận ở cơ sở đã quyết tâm thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh. Công tác dân vận không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch, mà còn cung cấp những thông tin chính thống, tránh gây hoang mang trong cộng đồng.
Cùng với cả hệ thống chính trị, Ban Dân vận Thành ủy đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của thành phố để chỉ đạo ban dân vận các quận, huyện, thị ủy nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, 4.753 tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố đã thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Các tổ dân vận cũng đã chủ động phối hợp với các Tổ COVID cộng đồng giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương; phối hợp thành lập tổ kiểm soát dịch tại các khu dân cư, vận động nhân dân cam kết tham gia thực hiện “cá nhân an toàn”, “gia đình an toàn”. Thông qua đó đã kịp thời nắm bắt và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là việc ổn định đời sống nhân dân trước tác động của dịch COVID-19.
Để thông tin được thông suốt, kịp thời, thống nhất, các Tổ COVID cộng đồng được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố chỉ đạo thống nhất phương thức để thực hiện nhiệm vụ biên tập nội dung truyền thông đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện cho nhân dân. Theo đó, hằng ngày, các thành viên trong tổ sẽ thực hiện các nhiệm vụ: Tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K; yêu cầu và hướng dẫn người dân khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt hằng ngày cho các thành viên trong gia đình. Đồng thời, các tổ có nhiệm vụ hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại, Zalo cho chính quyền địa phương và y tế xã những trường hợp nghi mắc COVID-19 để cơ quan chức năng tổ chức cách ly và lấy mẫu xét nghiệm kịp thời; nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống của nhân dân, vận động, hỗ trợ đời sống nhân dân… Do đó, tình hình nhân dân, các vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch đều được phản ánh kịp thời, nhanh chóng, thông suốt đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố. Ngược lại, mọi nội dung chỉ đạo, tuyên truyền, biện pháp phòng, chống dịch đều được phổ biến nhanh chóng đến người dân.
Cùng với đó, các cấp, ngành từ thành phố đến cơ sở ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tổ chức các sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với diễn biến dịch qua từng đợt; tăng cường gặp gỡ, tranh thủ, vận động chức sắc, nhà tu hành, chức việc, nhất là những người đứng đầu các tổ chức, cơ sở tôn giáo đồng hành cùng chính quyền trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, thành phố vận động chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo thực hiện nghiêm quy định 5K, thực hiện các văn bản chỉ đạo của thành phố trong từng thời điểm dịch bệnh, bảo đảm các cơ sở tôn giáo không tụ tập đông người vào các ngày lễ.
Tại quận Ba Đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… đã có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ quận đã vận động được hơn 2.200 suất quà với tổng trị giá hơn 610 triệu đồng chuyển tới tay hội viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn, người đang cách ly y tế trên địa bàn. Hàng trăm cán bộ, hội viên thay nhau mỗi sáng đi chợ nấu “Bữa cơm ấm tình người”, “Suất ăn 0 đồng” chuyển tới những trường hợp yếu thế, y - bác sĩ tại các điểm tiêm chủng, xét nghiệm, lực lượng kiểm soát ở các chốt trực… Phong trào thi đua dân vận khéo trên địa bàn huyện Mỹ Đức được triển khai gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố, của huyện, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nổi bật, huyện đã vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Trong đó, riêng cuộc vận động “Toàn dân thực hiện tang văn minh, tiến bộ” đã đưa số ca hỏa táng trên địa bàn đạt tỷ lệ 61%.
Là một trong những địa bàn thuộc “vùng đỏ” của thành phố do dịch bệnh diễn biến phức tạp, hệ thống dân vận huyện Thanh Trì đã nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chống “giặc” COVID-19; tham gia duy trì hoạt động của 241 chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Các tổ trưởng tổ dân vận đều là thành viên nòng cốt của Tổ COVID cộng đồng, tích cực tham gia thành lập nhóm Zalo tại khu dân cư, vận động trên 80% hộ gia đình trên địa bàn huyện tham gia. Thông qua nhóm Zalo đã góp phần cùng lực lượng chức năng truy vết nhanh các ca F0 và người liên quan, hạn chế để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Có thể nói, hoạt động của hệ thống dân vận thành phố Hà Nội đã góp phần đắc lực cùng cả hệ thống chính trị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với đó, hệ thống dân vận thành phố cũng nỗ lực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai những mô hình “Dân vận khéo” nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tiếp tục phát huy vai trò của công tác dân vận
Có thể khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, công tác dân vận luôn được xem là khâu then chốt để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Do đó, thời gian tới, trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội sau những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cấp ủy, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở cần tiếp tục phát huy vai trò của công tác dân vận.
Quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở và đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân; thực sự là cầu nối giữa dân với Đảng, Nhà nước. Tổ chức các hình thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp để nắm bắt kịp thời tình hình nhân dân, trong đó chú ý theo dõi những vấn đề người dân quan tâm, dư luận xã hội, những diễn biến trên mạng xã hội để có hình thức giải quyết phù hợp. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”,
Tiếp tục làm tốt công tác dân vận trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cần tập trung tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong tự ý thức bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Phát huy vai trò của hệ thống dân vận các cấp bám sát cơ sở, địa bàn, nắm chắc tình hình nhân dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời chia sẻ, phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ người dân, góp phần bảo đảm sức khỏe, an sinh xã hội, giữ vững ổn định, trật tự, an toàn xã hội. Phát huy vai trò, sáng tạo của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tạo sự hưởng ứng tích cực và đồng thuận trong nhân dân, góp phần sớm chiến thắng dịch bệnh.
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” của hệ thống chính trị gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực; nhất là phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”; phát huy tốt các nguồn lực trong nhân dân để phát triển quê hương và phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội để tung tin thất thiệt, lan truyền các thông tin xấu, độc, gây kích động quần chúng nhân dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới
Để làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tạo sự đồng thuận, đoàn kết với chính quyền để đạt kết quả cao nhất trong phòng, chống dịch trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, công tác tuyên truyền cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch; công tác tuyên truyền cần được tập trung cao độ trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, đồng hành, ủng hộ, tuân thủ thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, quyết tâm kiểm soát, ngăn chặn, sớm đẩy lùi dịch.
Hai là, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp trong việc tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến của dịch bệnh để chủ động định hướng, dẫn dắt thông tin, dư luận xã hội; tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch…
Ba là, tích cực tuyên truyền nhân rộng cách làm hay về sản xuất, kinh doanh trong trạng thái mới với dịch bệnh, nhằm duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời phê bình, nhắc nhở các hành vi vi phạm chủ trương, quy định về phòng, chống dịch. Trong tuyên truyền cũng phải gắn với việc chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Với phương châm “Đảng nói - Dân tin, Mặt trận và các đoàn thể vận động - Dân theo, Chính quyền làm - Dân ủng hộ”, hệ thống dân vận các cấp trên địa bàn thành phố tham mưu cấp ủy phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của thành phố, đặc biệt là những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19./.
Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an nhân dân thành phố Hà Nội thật sự trong sạch, vững mạnh  (11/09/2022)
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới  (11/09/2022)
Công an Thành phố Hà Nội nhìn lại 10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật  (11/09/2022)
Hà Nội phát triển nông nghiệp bắt kịp xu hướng xanh  (10/09/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay